Bi kịch của 4 bị cáo câm điếc
“Các bị cáo câm điếc đều mới chỉ học hết lớp 1, không biết chữ và không diễn tả được theo các câu từ của người bình thường. Xin Tòa xem xét, chiếu cố cho các bị cáo vì họ đều có hoàn cảnh tội nghiệp”…
ảnh minh họa
Những lời khẩn thiết của cô giáo các bị cáo câm điếc trình bày tại phiên tòa khiến nhiều người dự khán như quặn thắt. Chỉ vì những hiểu lầm, nông nổi nhất thời, các bị cáo đã đánh mất tự do và hạnh phúc gia đình…
Lê Huỳnh Nhật là người câm điếc bẩm sinh, sinh ra trong một gia đình có gia cảnh nghèo khó. Nhật là con trai đầu, em kế Nhật cũng bị thiểu năng trí tuệ, đứa em út 11 tuổi bị bệnh não, chậm phát triển, vẫn chưa đi học.
Nhật chỉ học hết học lớp 1 trường khuyết tật rồi ở nhà đi làm thuê đủ việc, phơi vác đậu phộng, uốn tầm vông… để giúp cha mẹ lo cho gia đình.
Một ngày, Nhật ngồi uống cà phê ở KCN gần Bến Cầu, Tây Ninh thì gặp một cô công nhân giày da và hai người nảy sinh tình cảm. Hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười với Nhật khi Nhật may mắn cưới được người vợ lanh lợi, chăm chỉ, biết lo cho gia đình và họ có với nhau đứa con kháu khỉnh hơn hai tuổi.
Ngày 12/11/2012, nhân sinh nhật của con mình, Nhật tổ chức buổi tiệc mời Phạm Long, Nguyễn Văn Tuấn và Mai Thông (cũng là người câm điếc bẩm sinh) đến nhà ăn uống, vui chơi. Trong buổi họp mặt không có tiếng nói cưới mà chỉ có những tiếng ú ớ vì Nhật và các bạn nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay.
Video đang HOT
Lúc nói chuyện, có người kể Nhật biết Huỳnh Hữu Phúc (cũng là người câm điếc) nói Nhật có vợ rồi mà còn lăng nhăng. Chuyện chỉ có vậy nhưng Nhật bỗng nổi giận, rủ Long, Tuấn, Thông cùng đến nơi Phúc trọ để… đòi tiền phạt cho biết mặt.
Đến nơi, Nhật ra dấu hỏi Phúc lý do vì sao nói xấu mình và yêu cầu Phúc phải “đưa tiền ăn nhậu với bạn, sẽ bỏ qua cho”. Nhật đòi Phúc nộp phạt 3.000.000 đồng nhưng Phúc ra dấu không có tiền.
Nhật ra dấu giảm tiền phạt xuống còn 200.000 đồng, Phúc cũng không đồng ý và nói không có tiền. Vì thế, Nhật dùng tay đánh vào miệng Phúc và hai người đánh nhau qua lại.
Thấy vậy Long, Tuấn, Thông cũng dùng tay chân đánh Phúc. Nhật lấy miếng gạch lót nền đánh vào đầu Phúc chảy máu rồi cùng ba người bạn bỏ về. Những người ở trọ xung quanh thấy vậy chở Phúc đi khâu vết thương.
Sau khi Phúc trình báo, Công an đã bắt tạm giam các đối tượng này về tội “Cướp tài sản”. Tại Cơ quan điều tra, Phúc thừa nhận nói xấu Nhật vì không được mời dự sinh nhật con Nhật.
Chính bị hại cũng đã viết đơn bãi nại cho các đối tượng và từ chối giám định vì cho rằng đó là hiểu lầm. Gia đình Nhật, Long, Tuấn đã gom góp vay mượn tiền để bồi thường và lo thuốc men cho bị hại, tổng cộng 8 triệu đồng.
Trong suốt phiên tòa, những người mẹ dường như vẫn không thể chấp nhận được sự thật là chỉ vì hành động dại dột, con họ lại trở thành đối tượng hình sự phải đối mặt với mức án từ ba đến bảy năm tù.
Ngày Tòa xử án, hai người phiên dịch là hai cô giáo của Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (Bình Dương) – cô Trần Thị Thủy và cô Nguyễn Phượng Uyển tất tưởi đến từ rất sớm. Hai cô cũng là người phiên dịch cho các em trong phiên sơ thẩm và chỉ mong muốn Tòa tuyên các em không phạm tội để sớm trở về với gia đình.
Trong suốt quá trình phiên dịch, cô Thủy nhiều lần nói rằng, nhận thức của trẻ câm điếc không giống người bình thường nên có khi không diễn đạt được ý nghĩ và hành vi của mình.
Vị luật sư cũng đề nghị nên xem xét lại vì quá trình điều tra, dù biết các bị cáo là người có nhược điểm về thể chất nhưng Cơ quan điều tra không yêu cầu luật sư chỉ định tham gia trong giai đoạn này, mãi đến khi kết thúc điều tra, VKS phát hiện vi phạm thì Cơ quan điều tra mới gửi công văn yêu cầu luật sư tham gia bào chữa.
Mẹ các bị cáo nói như khóc về hoàn cảnh và tâm lý khác thường của các con và mong được Tòa chiếu cố, khoan hồng.
Tòa nhận định, các bị cáo rủ đông người đến nhà bị hại đe dọa chiếm đoạt tiền, khi bị hại không đưa thì đánh để bị hại sợ mà đưa. Sau khi dùng gạch đánh bị hại, thấy bị hại chảy máu nên hoảng sợ tẩu thoát. Việc không chiếm đoạt được tiền là ngoài ý muốn. Hành vi đủ yếu tố cấu thành tội cướp…
Tuy nhiên, xét hoàn cảnh phạm tội và nhân thân các bị cáo, HĐXX phúc thẩm đã giảm án, tuyên phạt Nhật 4 năm tù, ba bị cáo còn lại mỗi người lãnh 3 năm tù. Nhìn các bị cáo được Công an dẫn giải lên xe mà vẫn ngơ ngác quay lại phía sau miệng ú ớ như đang muốn nói điều gì, những người mẹ nước mắt chảy ròng…
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Theo An Dương
Công lý
Giảm án cho 4 bị cáo câm điếc
Ngày 11.9, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án Lê Huỳnh Vũ Kha (24 tuổi, ngụ Tây Ninh) 4 năm tù; Nguyễn Văn Tú (20 tuổi, ngụ Bình Dương), Phạm Quý Lâm (27 tuổi) và Mai Thy Dương (21 tuổi, cùng ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu; cả 4 đều bị câm điếc bẩm sinh) mỗi người 3 năm tù về tội cướp tài sản.
Từ bên phải qua gồm: Tú, Dương, Lâm và Kha tại phiên tòa phúc thẩm sáng 11.9 - Ảnh: Đỗ Trường
Theo cáo trạng, ngày 12.11.2012, Kha, Tú, Lâm và Dương đến phòng trọ của Huỳnh Hữu Phước (cũng bị câm điếc bẩm sinh, tại P.Dĩ An, TX.Dĩ An, Bình Dương) đòi tiền phạt 3 triệu đồng vì Phước dám nói xấu Kha. Nhóm của Kha bàn bạc nếu đòi được tiền sẽ cùng nhau đi nhậu, còn không đòi được thì cùng đánh dằn mặt Phước. Khi đến nhà trọ, do Phước không có tiền nên Kha giảm số tiền phạt xuống còn 200.000 đồng, nhưng Phước vẫn không đưa tiền. Do đó, Kha dùng cục gạch men đánh vào đầu Phước gây thương tích (bị hại từ chối giám định thương tật) rồi lên xe máy tẩu thoát. Ngày 26.6, TAND TX.Dĩ An đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt Kha 5 năm tù; Tú, Lâm và Dương mỗi bị cáo 4 năm tù. Ngay sau đó các bị cáo và người giám hộ kháng án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng Kha, Tú, Lâm và Dương không phạm tội cướp tài sản mà chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng vì chưa cướp được tiền; đồng thời đề nghị HĐXX cho 4 bị cáo hưởng án treo. Tuy nhiên, HĐXX phân tích, việc Kha dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho nạn nhân để buộc đưa tiền là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo Kha cùng các đồng phạm chưa lấy được tiền là ngoài ý muốn, nên các bị cáo phạm vào tội cướp tài sản là đúng người, đúng tội. Do các bị cáo đã thành khẩn, người bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên HĐXX phúc thẩm đã giảm án như trên.
Đỗ Trường
Theo TNO
Thưởng "nóng" lực lượng CSGT bắt 32 bánh heroin trên quốc lộ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh vừa thưởng "nóng" 20 triệu đồng cho Phòng CSGT tỉnh Bắc Giang trước thành tích phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 32 bánh heroin bằng xe taxi trên quốc lộ 1A. Sự việc được phát hiện vào đêm 3/9, khi Tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Phòng Cảnh sát giao...