Bi kịch cầu thủ liên tiếp bị hai đội bóng quỵt và nợ tiền
‘Năm trước đá cho Kiên Giang, tôi bị quỵt hết 250 triệu đồng’. Mùa này, bóng ma lại hiện về với cầu thủ xấu số.
“Chúng tôi hàng ngày tập luyện với cái đầu nặng trĩu. Giải gần kết thúc rồi mà tiền bạc CLB không trả và cũng không có lời giải thích rõ ràng. Không khí trong đội giờ nặng nề lắm. Chúng tôi sợ ‘bóng ma’ CLB Kiên Giang hiện về”, một cầu thủ của An Giang, từng thi đấu cho Kiên Giang, cho biết.
HLV Nhan Thiện Nhân ra đi, trong khi các học trò cũ đang bị nợ tiền chuyển nhượng, lương và thưởng. Ảnh: KL.
Sau khi thăng hạng V-League, CLB An Giang tiến hành ký hợp đồng với hàng loạt cầu thủ mới với thời hạn hai năm nhằm mục tiêu trụ hạng. Tuy nhiên, lãnh đạo đội bóng này chỉ mới trả 50% phí lót tay cho ngoại binh và 20-30% với cầu thủ nội của năm hợp đồng đầu tiên. Lương hiện nay còn nợ hai tháng 7 và 8 chưa thanh toán. Tổng số tiền mà An Giang nợ cầu thủ vào khoảng 3-4 tỷ đồng, trong khi theo Giám đốc điều hành Võ Hoàng Phong, nhà tài trợ còn nợ đội bóng 14 tỷ đồng nên “CLB giờ không còn một xu”.
Một cầu thủ tâm sự: “Năm trước đá cho Kiên Giang, tôi bị quỵt hết 250 triệu đồng. Ban đầu, lãnh đạo cũng hứa hẹn dữ lắm nhưng rồi khi mùa giải kết thúc thì ‘lặn mất tăm’, anh em làm đơn kêu cứu gửi khắp nơi nhưng chẳng có hồi đáp gì. Bây giờ, tình hình ở An Giang giống Kiên Giang mấy vòng cuối mùa trước. Chúng tôi đa số ký hai năm nhưng giờ chỉ mong lấy được hết tiền lót tay một năm cùng lương, thưởng là mừng lắm rồi. CLB còn nợ tôi 300 triệu đồng, không biết có lấy được không để còn lo toan cuộc sống…”.
Cách đây một tháng, ngày 1/7, nhóm 15 cầu thủ của An Giang từng đình công và làm đơn “xin tạm ngừng lao động” gửi lãnh đạo nhằm gây sức ép buộc CLB trả tiền lương từ tháng 5-7, cùng tiền thưởng và tiền lót tay theo hợp đồng đã ký. Trước sức ép, lãnh đạo đội bóng miền Tây “tạm ứng” cho các cầu thủ tiền trận thắng Quảng Nam và vài tháng tiền lương. Mọi chuyện mới êm êm chưa được bao lâu thì nay, sự việc lại bắt đầu bùng phát trở lại.
Video đang HOT
CLB An Giang hiện nay còn đứng trước nguy cơ bị kiện bởi 4 cầu thủ bị thanh lý cách đây vài tuần gồm Minh Nhựt, Công Thành, Ngọc Quốc, Minh Tùng. 4 người bức xúc việc lãnh đạo thanh lý họ mà không có lý do rõ ràng và còn nợ tiền nhóm cầu thủ trên hơn một tỷ đồng tiền lót tay của hợp đồng một năm. Cụ thể, số tiền đội bóng chưa thanh toán cho Công Thành là 380 triệu đồng, Minh Nhựt 380 triệu, Ngọc Quốc 190 triệu và Minh Tùng 80 triệu. Nhóm cầu thủ trên nhất quyết không ký vào biên bản thanh lý hợp đồng và đang sẵn sàng kiện CLB nếu không trả tiền.
Đơn xin tạm ngừng lao động của nhóm cầu thủ An Giang. Ảnh: NH.
Bước vào trận đấu cuối tuần này gặp Thanh Hóa, CLB An Giang chỉ còn 17 cầu thủ có thể ra sân do họ đã thanh lý 4 cầu thủ trước đó, thêm 4 cầu thủ bị treo giò và một cầu thủ dính chấn thương. Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Nhan Thiện Nhân xin từ chức và HLV Thái Tuấn thay thế ngồi “ghế nóng”.
Theo VNE
Cầu thủ Việt với những ám ảnh trộm cướp
Shop thời trang Thanh Bình - Thảo Trang bị trộm ghé thăm, Minh Nguyệt bị đạo tặc giật dây chuyền.
Giữa tháng 7 vừa qua, cửa hàng của Thảo Trang - vợ tiền đạo Thanh Bình - tại TP HCM bị đạo chích ghé thăm. Trong làng bóng đá Việt, có rất nhiều cầu thủ gặp hoàn cảnh tương tự.
Cửa hàng thời trang của Thanh Bình - Thảo Trang vừa bị đạo chích ghé thăm. Ảnh: KL.
Thảo Trang vốn tính cẩn thận nhưng trong một ngày không may mắn, hai đạo chích vào cửa hàng yêu cầu xem đủ thứ hàng hóa. Trong lúc mất tập trung, cô bị kẻ xấu lấy mất ví tiền trong đó có tiền mặt và điện thoại. Sau sự việc, Thảo Trang đã tăng cường thêm nhân viên và camera an ninh.
Cũng bị trộm đột nhập vào nhà nhưng tiền vệ Ngọc Duy kém may mắn hơn Thảo Trang. Cách đây mấy năm, anh từng bị đạo chích ghé tận nhà và cuỗm đi nhiều tài sản giá trị hàng chục triệu đồng như điện thoại, máy tính xách tay... Theo Ngọc Duy, kẻ trộm hẳn đã "ngắm" nhà anh từ trước nên nắm đường đi nước bước, giờ giấc sinh hoạt của các thành viên. Sự cố xảy ra khi Ngọc Duy không có nhà do bận tập trung cùng đội tuyển.
Tiền đạo Minh Nguyệt của tuyển nữ Việt Nam cũng có phen kinh hồn với bọn cướp. Cuối tháng 2 vừa qua, sau một trận đấu cùng CLB Hà Nội, khi cô đang đứng trước sân Thống Nhất (đường Nguyễn Kim, TP HCM) đợi xe chở đội, bất ngờ tên cướp chạy qua, nhanh như chớp, giật phăng sợi dây chuyền cô mới đeo trên cổ lúc tan trận. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến Minh Nguyệt không kịp phản ứng gì và đành chấp nhận mất sợi dây chuyền hơn chục triệu đồng.
Minh Nguyệt có lẽ chưa rút kinh nghiệm sau trường hợp của hậu vệ Đặng Văn Robert. Năm 2012, khi còn thi đấu cho Xuân Thành Sài Gòn, anh cũng từng bị cướp điện thoại trên đường Đào Duy Từ, sát sân Thống Nhất. Được các đồng đội nhắc nhiều về nạn cướp giật ở TP HCM nhưng Đặng Văn Robert vẫn không chú ý và ra đường nghe điện thoại. Vừa nghe được mấy câu, chiếc điện thoại cả chục triệu đồng của anh đã nằm gọn trong tay bọn trộm cướp chuyên nghiệp.
Cùng trà trộn vào nhóm đông người để ra tay là cách khá phổ biến của bọn đạo chích. Cách đây chưa lâu, tháng 10/2013, hai cầu thủ U19 Việt Nam là Trần Hữu Đông Triều và Vũ Văn Thanh bị lấy mất điện thoại khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lợi dụng lúc hàng trăm người hâm mộ vây quanh chúc mừng đội bóng, kẻ xấu móc điện thoại của hai cầu thủ trẻ.
Trần Hữu Đông Triều khóc dở mếu dở vì bị móc điện thoại. Ảnh: KL.
"Đừng tưởng ở khách sạn mà an toàn", đó là kết luận của cầu thủ Tấn Trung (cựu cầu thủ CLB Thép miền Nam Cảng Sài Gòn, Tiền Giang) và Khoa Điển (CLB TP HCM). Năm 2009, cả hai đã mất đồng hồ và điện thoại khi cất trong phòng một khách sạn tại Nha Trang để đi tập chuẩn bị cho trận đấu gặp chủ nhà Khánh Hòa. Chỉ vài tiếng sau khi về phòng, hai món đồ có giá trị khoảng 7 triệu đồng đã không cánh mà bay. Hệ thống camera khách sạn không có. Sau khi đôi co, hai bên nhờ công an vào cuộc nhưng kết quả vẫn là "tình vỗ cánh bay". Sự việc để lại cho các thành viên CLB bài học về chọn địa điểm thuê khi thi đấu và cách giữ an toàn tài sản cá nhân.
Tiền đạo lừng danh một thời của V-League là Antonio cũng từng gặp đạo chích. Năm 2012, thời còn thi đấu cho Xuân Thành Sài Gòn, anh từng mất chiếc iPhone ở trung tâm Thành Long. Sự việc cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu và Antonio chỉ còn biết rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nói về giá trị tài sản bị mất cắp, có lẽ Long Giang - cầu thủ đang bị tạm giam vì tham gia cá cá độ, bán độ - và tiền đạo Văn Quyết (CLB Hà Nội T&T) là hai người thiệt hại nặng nhất. Chiếc xe máy Honda SH cả trăm triệu đồng của họ đều không cánh mà bay. Nếu như Văn Quyết mất xe khi tới chơi nhà Giám đốc điều hành CLB Nguyễn Quốc Hội thì Long Giang gặp hạn khi đi ăn nhà hàng cùng gia đình.
Xe của Long Giang có người trông, phát vé nhưng khi mất, phía nhà hàng lại phủi trách nhiệm, sau đó chỉ đồng ý đền bù 30-50% giá trị chiếc xe ở thời điểm mua. May mắn hơn đồng nghiệp, Văn Quyết được ông Hội "đền" cho chiếc xe mới.
Theo VNE
Quốc Vượng lý giải chuyện cầu thủ Việt bất chấp để bán độ 'Họ ngang nhiên nói về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bóng đá bởi nhận thấy việc này rất bình thường trong xã hội', cựu tiền vệ nói. Cách đây 9 năm, lứa cầu thủ U23 tài năng của bóng đá Việt Nam do Quốc Vượng cầm đầu đã dính tiêu cực SEA Games 2005. Bản thân Quốc Vượng phải nhận án...