Bị không lực Mỹ bỏ rơi, quân nổi dậy Syria thảm bại dưới tay IS
Lúc đang yểm trợ quân nổi dậy Syria tấn công một cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo, các chiến đấu cơ Mỹ chợt rút lui, khiến cả chiến dịch thất bại.
Các chiến binh thuộc phong trào Quân đội Syria Mới. Ảnh: AP
Ngày 28/6, các máy bay chiến đấu Mỹ đang không kích yểm trợ cho lực lượng nổi dậy Syria tiến hành cuộc tấn công chiếm lại thị trấn Bukamal ở miền đông Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thì nhận mệnh lệnh phải lập tức di chuyển sang tấn công mục tiêu ở ngoại ô thành phố Fallujah, Iraq, Washington Post dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết.
Họ đột ngột chuyển hướng vì lúc ấy nguồn tin báo về rằng một đoàn xe chở nhiều tay súng IS đang vượt qua sa mạc nhằm tháo chạy khỏi Fallujah sau khi thành phố này bị quân đội Iraq tái chiếm. Các chỉ huy Mỹ xác định đoàn xe trên là “một mục tiêu chiến lược”, đại tá Chris Garver, phát ngôn viên quân đội Mỹ, giải thích.
Đoàn xe bị quét sạch chỉ trong thời gian ngắn bởi các chiến đấu cơ Anh, Mỹ, kết hợp với hỏa lực từ quân đội Iraq. Hàng trăm chiến binh IS bỏ mạng.
Tuy nhiên, trong trận chiến ở Bukamal, những tay súng thuộc lực lượng nổi dậy mang tên Quân đội Syria Mới do Lầu Năm Góc huấn luyện đã bị phiến quân IS áp đảo, hứng chịu thất bại thảm hại và buộc phải rút lui về căn cứ tại Tanf, gần biên giới Syria – Iraq, cách đó hơn 300 km. Thất bại của chiến dịch là một đòn giáng mạnh vào chiến lược mà Bộ Quốc phòng Mỹ theo đuổi nhằm xây dựng một đội quân Arab của Syria chống IS.
Việc không lực Mỹ chuyển hướng giữa lúc cuộc tấn công đang ở vào giai đoạn gay cấn nhất khiến không ít người đặt câu hỏi rằng cam kết của quân đội Mỹ và liên minh đối với cuộc chiến chống IS bền chặt đến đâu hay liệu họ đã dồn đủ nguồn lực cho cuộc chiến hay chưa.
Video đang HOT
Biện hộ cho quyết định “bỏ rơi” quân nổi dậy Syria này, ông Garver nhấn mạnh: “Nguồn lực có hạn. Bạn phải cố gắng hết sức để gia tăng tối đa thiệt hại lên đối phương với những gì có trong tay. Chúng tôi phải đề ra những ưu tiên”.
Biên bản theo dõi số lượng các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria cho thấy vào thời điểm chiến dịch tấn công Bukamal được phát động, Mỹ tiến hành tổng cộng 8 cuộc không kích mỗi ngày. Nhưng trong ngày quân nổi dậy Syria hứng chịu thất bại trước IS, họ chỉ thực hiện một đợt duy nhất.
Với chiến dịch dội bom đoàn xe ở Fallujah, theo như lời đại tá Garver, không quân Mỹ đã “tập trung mọi nguồn lực”, bao gồm cả các oanh tạc cơ B-52 hay cường kích AC-130 Spectre.
“Ưu tiên ở đây dường như là truy sát mục tiêu, tấn công mục tiêu nào giá trị hơn”, ông David Maxwell, cựu sĩ quan Đặc nhiệm Mỹ kiêm phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown, nhận xét. “Đây là cách mà chúng ta tư duy suốt 15 năm qua khi triển khai các cuộc không kích bằng máy bay không người lái hay tấn công tổng lực. Chúng ta muốn đạt hiệu quả tức thì trên chiến trường mà không tính đến những hệ lụy có thể xảy ra”.
Giới quan sát đánh giá quyết định điều chiến đấu cơ chuyển hướng sang Iraq, khiến các tay súng của lực lượng Quân đội Syria Mới không còn được yểm trợ hỏa lực từ trên không chính là nguyên nhân mấu chốt khiến toàn bộ chiến dịch tấn công Bukamal thất bại.
Ngoài ra, theo các binh sĩ Quân đội Syria Mới, còn một số lý do khác khiến chiến dịch sụp đổ, ví dụ như những chỉ huy đã quá tin tưởng vào việc người dân Bukamal sẽ vùng lên để giúp sức cho họ.
Quân đội Syria Mới trong ngày đầu tiên đã chiếm được một cứ điểm bên ngoài thị trấn. Một trạm phát thanh của nhóm liên tục truyền tin kêu gọi người dân phối hợp tấn công nhằm đánh bật IS khỏi khu vực.
Nhưng không ai đáp lại lời kêu gọi, ông Abdulsalam Muzil, thành viên nhóm nổi dậy tiền thân của lực lượng Quân đội Syria Mới, cho biết.
“Chúng tôi đưa thông điệp lên sóng radio nhưng quá khó để người dân có thể gia nhập với chúng tôi bởi IS kiểm soát rất chặt”, ông nói. “Bên cạnh đó, người dân bây giờ ít nghe đài phát thanh bởi họ cho rằng nó đã lỗi thời”.
Sau khi chiến đấu cơ Mỹ rút đi, IS nhanh chóng phản công, đẩy lực lượng nổi dậy khỏi thị trấn. Không thể làm gì khác, họ đành quay trở về căn cứ đồn trú gần biên giới. Các chỉ huy Quân đội Syria Mới cho hay họ có nhận thấy sự biến mất của chiến đấu cơ Mỹ nhưng không biết rằng chúng chuyển hướng sang Fallujah.
Dù thất bại nhưng ông Garver khẳng định không vì thế mà chiến dịch tái chiếm Bukamal dừng lại. Tuy nhiên, IS lúc này cũng đang ở vào thế công. Theo ông Muhammed Tallaa, chỉ huy lực lượng Quân đội Syria Mới, căn cứ ở Tanf của họ gần đây thường xuyên bị IS pháo kích.
Quân số của lực lượng Quân đội Syria Mới chưa bao giờ vượt quá 100 người. Trong chiến dịch ở Bukamal, họ còn nhận hỗ trợ từ một nhóm khác do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn, theoWashington Post. Thành phần của Quân đội Syria Mới chủ yếu được tuyển mộ từ Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, trải qua huấn luyện ở Jordan và tới Syria vào đầu năm nay để chống IS.
Chuyên gia nhận định thất bại của Quân đội Syria Mới ở Bukamal lần nữa giáng một đòn mạnh vào chương trình huấn luyện quân địa phương vốn đã bị chỉ trích của Lầu Năm Góc khi mà nó chỉ tạo ra những thay đổi ít ỏi trong khi tiêu tốn một lượng lớn chi phí, ước tính lên tới 500 triệu USD.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Syria thông báo lệnh ngừng bắn ba ngày
Quân đội Syria tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ trên toàn lãnh thổ.
Lệnh ngừng bắn được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Syria. Ảnh: Anadolu
"Lệnh ngừng bắn sẽ được thực hiện trên tất cả các vùng lãnh thổ khắp Cộng hoà Arab Syria trong giai đoạn 72 giờ, bắt đầu từ 1h ngày 6/7 tới nửa đêm 8/7", hãng thông tấn Sana dẫn thông báo của quân đội nước này.
Thông báo trùng với thời điểm lễ hội Eid al-Fitr bắt đầu, đánh dấu sự kết thúc tháng Ramandan thiêng liêng của người Hồi giáo.
Dù đây không phải là lần đầu tiên quân đội chính quyền Syria thông báo một lệnh ngừng bắn, đây là lần đầu tiên lệnh ngừng bắn bao phủ "tất cả lãnh thổ" của đất nước đang trải qua nội chiến.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoan nghênh lệnh ngừng bắn, cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành nhằm gia hạn lệnh. Ông hy vọng nó sẽ "là sự báo hiệu" cho những thoả thuận tương tự tham vọng hơn, lâu dài hơn.
"Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để phát triển những cuộc thảo luận hiện nay thành thoả thuận ngừng bắn có thể thực thi, quy trách nhiệm được và lâu dài hơn, có thể thay đổi động lực trên thực địa", ông Kerry nói.
Trọng Giáp
Theo VNE
Kế hoạch triển khai F-35 trong chiến tranh tương lai của Mỹ Các quan chức Lầu Năm Góc lần đầu lên kế hoạch chi tiết về hướng triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-35 trong kịch bản chiến tranh giả định tương lai. Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ. Ảnh: Defense One Trong bản báo cáo có tựa đề "Duy trì lợi thế Liên quân trong không chiến tiêm kích...