Bị khối bã khổng lồ trong dạ dày vì kết hợp thuốc bột với loại quả yêu thích của người Việt
Dùng thuốc bột đông y để chữa xuất huyết và ăn thêm hồng ngâm, người đàn ông vô tình tạo điều kiện để bột và loại quả này kết hợp cùng thức ăn thành khối bã thức ăn khổng lồ, gây nên những cơn đau bụng dữ dội, tổn thương loét dạ dày.
Ngày 27/11, các bác sĩ khoa Nội soi – Thăm dò chức năng, Bệnh viện E đã gắp 2 khối bã thức ăn “khủng” trong dạ dày của bệnh nhân nam (71 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Khối bã thức ăn trong dạ dày bệnh nhân trên hình ảnh nội soi.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này có tiền sử ho ra máu do giãn phế quản nên đã dùng loại thuốc bột để điều trị. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có ăn thêm quả hồng ngâm.
Sau khi “kết hợp” thuốc bột và hồng ngâm, người bệnh có biểu hiện đau bụng, khó chịu. Cơn đau không thuyên giảm mà có chiều hướng tăng, xuất hiện những cơn đau quặn, đầy bụng, ăn kém, không tiêu, gầy sút, nôn ra nhiều dịch màu xanh đen…và phải đến viện khám.
Theo các bác sĩ, không loại trừ khả năng, khi vào dạ dày bột thuốc quyện cùng với thức ăn là thực phẩm khó tiêu như thịt nạc, chất chát trong hồng ngâm, chất xơ (các loại rau) đã tạo nên những khối bã thức ăn kết dính “khủng” gây đau bụng và tổn thương loét trong dạ dày.
Tại Bệnh viện E, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cho người bệnh nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. Kết quả nội soi, bệnh nhân bị loét thực quản do trào ngược nhiều, viêm loét hang vị-ống môn vị. Điều bất ngờ là trong quá trình nội soi, bác sĩ đã phát hiện ra 2 khối bã thức ăn màu xanh đen, kích thước lớn 5cm và 3 cm, tròn nhẵn, cứng chắc trong dạ dày người bệnh.
Video đang HOT
ThS.BS Vũ Hồng Anh – trưởng Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng đã tiến hành cắt gắp khối bã thức ăn qua nội soi ống mềm. Bằng cách cắt nhỏ khối bã lớn thành nhiều mảnh, rồi lấy ra ngoài qua đường miệng bệnh nhân. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp kéo dài hơn 30 phút. Cuối cùng toàn bộ khối bã thức ăn đã được lấy ra toàn bộ.
Các bác sĩ khuyến cáo, tình trạng khối bã thức ăn gặp khá phổ biến ở người già và trẻ em. Việc hình thành khối bã khi ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, thịt nạc, gân… nhưng không nhai kĩ.
Khi ăn quá nhiều các chất này, không nhai kĩ sẽ có nguy cơ các chất kết dính lại thành khối bã thức ăn gây tắc ruột, đau dạ dày.
Ở người già, việc thường uống nhiều loại thuốc đông y khiến chúng quyện với thức ăn khó tiêu như thịt, chất xơ tạo thành khối bã thức ăn “khủng” trong dạ dày người bệnh.
Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, mềm…
Bên cạnh đó ăn ở mức độ vừa phải các thực phẩm có chất chát như ổi, hồng xiêm, quả hồng giòn… và đồ ăn như măng khô, ăn với lượng lớn, trong thời gian dài khối bã thức ăn sẽ dần tích tụ, gây tắc ruột, ảnh hưởng đường tiêu hoá. Với các thức ăn là gân, sụn, thịt nạc nên ninh nhừ, nhai kỹ.
Ngoài ra, để ngăn ngừa việc hình thành các khối bã thức ăn, mọi người nên uống đủ nước; tập thể dục đều đặn để tăng cường nhu động ruột. Với người già, nên tìm hiểu kĩ và sử dụng các loại thuốc dạng bột hoặc loại thuốc dạng sắc đúng cách để không gây phản tác dụng, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.
Hồng Hải
Theo dantri
Ho ra máu - dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Gần đây, khi ho khạc vào buổi sáng, tôi thấy có kèm máu, ngứa cổ, tức ngực. Đây có phải dấu hiệu bệnh nguy hiểm không?
Ảnh minh họa
Bác sĩ Lê Minh Tuấn, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, tư vấn:
Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng ho, chúng thường có bọt, màu đỏ tươi. Trước khi ho, bệnh nhân thường có triệu chứng nóng rát sau xương ức, đau ngực, ngứa cổ.
Tuy nhiên, bạn cần phân biệt với các dạng ho ra máu khác như:
- Khạc ra máu từ đường mũi họng: Máu khạc dễ dàng không cần gắng sức ho, kèm các bệnh lý như ra máu cam, bệnh răng lợi, polype mũi...
- Nôn ra máu: Máu có lẫn thức ăn, không bọt. Trước khi nôn, bệnh nhân thường đau bụng hoặc có bệnh lý về tiêu hóa trước đây như xơ gan, loét dạ dày tá tràng, dùng thuốc giảm đau kéo dài.
Theo tình trạng bạn mô tả, chúng ta cần chú ý tới các nguyên nhân thường gặp sau:
- Lao phổi: Ho khạc đờm trên 2 tuần, có thể kèm ra máu tươi hoặc vướng máu, từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, khó thở. Bệnh có tính lây lan và để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện, điều trị sớm.
- Giãn phế quản: Bệnh thường do di chứng của lao phổi. Ngoài ra, bệnh lý này có thể xảy ra sau nhiễm trùng mạn tính như áp xe phổi, viêm do hít phải dị vật đường thở. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bị giãn hoặc thuyên tắc mạch máu.
- Ung thư phổi: Đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều. Giai đoạn trễ sẽ có biểu hiện bao gồm ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu thường lượng ít. Điều trị tùy theo đánh giá giai đoạn tiến triển của bệnh.
- Nhiễm trùng hô hấp: Bệnh có thể do viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u nấm phổi, nấm phổi. Triệu chứng thường có sốt, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế).
Vì vậy, ho ra máu là cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân gây ra. Phần lớn chúng là các bệnh lý hô hấp nên bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Zing
Nguy hiểm chết người của thuốc lá điện tử không phải ai cũng biết Nhiều công ty sản xuất thuốc lá điện tử quảng cáo sản phẩm này không gây hại nên không ít người tin và sử dụng thuốc lá điện tử. Sự thực có như vậy? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá điện tử là một thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch. Thành phần chính...