Bị hủy cưới vì Covid-19, cô gái mặc váy trắng đi tiêm vaccine
Do tiệc chiêu đãi lớn bị hủy, cô dâu Studley quyết định mặc chiếc váy trắng bồng bềnh đến điểm tiêm chủng ở bang Maryland (Mỹ).
Sarah Studley (39 tuổi, đến từ Mỹ) cùng chồng là Brian Horlor đã đính hôn vào tháng 11/2019 và sẵn sàng cho một đám cưới trong năm 2020.
Họ lập kế hoạch cho bữa tiệc chiêu đãi khoảng 100 khách đến tham dự tại San Diego, nơi người ông 94 tuổi của Horlor đang sinh sống, theo The Washington Post.
Studley đi tiêm chủng với bộ váy định mặc trong tiệc chiêu đãi. Ảnh: Hệ thống Y tế ĐH Maryland.
Tuy nhiên, tương tự các cô dâu khác, Studley không tránh khỏi cảnh đám cưới bị tạm hoãn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Để đảm bảo an toàn, hai vợ chồng đã tổ chức một hôn lễ nhỏ với 8 khách mời vào tháng 11/2020 tại văn phòng thư ký hạt San Diego.
Thay vì tổ chức tiệc chiêu đãi lớn, họ dùng bữa với vài thành viên gia đình thân thiết và cắt chiếc bánh cưới mua ở siêu thị.
“Đây không phải thứ tôi mong chờ nhưng vẫn có những khoảnh khắc tuyệt vời đã diễn ra”, Studley kể lại.
Vợ chồng Studley trong bữa tối nhỏ cùng gia đình sau khi kết hôn tại văn phòng dân sự. Ảnh: Sarah Studley.
Cặp vợ chồng vẫn muốn tổ chức một tiệc chiêu đãi lớn hơn để ăn mừng với đại gia đình và bạn bè. Họ lên kế hoạch cho một bữa tiệc vào tháng 6. Studley cũng hào hứng mua một chiếc váy cưới chấm bi lạ mắt để diện.
Thế nhưng, do việc triển khai vaccine Covid-19 tại Mỹ bị chậm lại, họ hủy bỏ kế hoạch đó.
“Có vẻ như một buổi tiếp tân vừa an toàn, vừa vui vẻ là không khả thi. Vì vậy, chúng tôi quyết định hủy nó”, cô dâu cho biết. Điều đó đồng nghĩa rằng chiếc váy cưới của Studley sẽ mãi nằm trong tủ.
Video đang HOT
Vì tiếc bộ trang phục chưa kịp mặc tại lễ đường, Studley quyết định diện váy cưới đi tiêm vaccine Covid-19 tại sân vận động M&T Bank ở bang Maryland (Mỹ) vào tuần vừa qua.
Cô được truyền cảm hứng một người phụ nữ khác diện váy dạ hội lấp lánh khi đi tiêm chủng.
“Đó thực sự là một ý tưởng tuyệt vời và gây ấn tượng mạnh với tôi”, nữ luật sư nhớ lại.
“Tiêm vaccine chưa phải dấu chấm hết cho đại dịch nhưng là một bước ngoặt quan trọng. Đối với tôi, tiêm phòng đồng nghĩa với việc có thể thoải mái ôm người cha 81 tuổi của mình, hoặc đi mua nhu yếu phẩm mà không lo bản thân sẽ lấy bệnh cho cộng đồng”, Studley chia sẻ thêm.
Horlor, chồng Studley, phấn khích trước vẻ ngoài lộng lẫy của vợ: “Tôi rất ngạc nhiên. Cô ấy thật xinh đẹp. Với tôi, cả đám cưới lẫn ngày tiêm chủng đều là sự kiện đặc biệt”.
Sự xuất hiện của Studley đã đem lại niềm vui cho các nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng. Ảnh: Hệ thống Y tế ĐH Maryland.
Những người tại địa điểm tiêm vaccine đều hào hứng với ngoại hình của Studley, nhất là các nhân viên y tế.
“Cô ấy rất nổi bật và tràn đầy lạc quan. Chẳng mấy ai đến đây trong chiếc váy cưới màu trắng bồng bềnh vậy đâu. Điều này đã đem lại niềm vui. Tất cả chúng ta cần sự tích cực và đó chính là sự tích cực”, Julie Lefkowitz (52 tuổi), y tá tại điểm tiêm chủng, chia sẻ với The Washington Post.
“Thay vì cất trong tủ chiếc váy cưới tuyệt đẹp vốn dành cho dịp đặc biệt, Sarah Studley đã mặc nó để đi tiêm phòng”, Hệ thống Y tế Đại học Maryland nhanh chóng chia sẻ trên mạng xã hội.
Mặc dù mục đích chính là ăn diện cho bản thân, Studley cảm thấy vui mừng khi vô tình giúp nâng cao tinh thần cho nhiều người khác.
“Thật vui khi nhận được nhiều phản ứng tích cực như vậy. Hãy kỷ niệm dịp này và tận hưởng niềm vui. Tôi thậm chí đã suy nghĩ tới bộ trang phục nào để diện trong lần tiêm tiếp theo”, cô nói.
Dành cả đời để theo đuổi "giấc mơ Mỹ", mẹ đơn thân gốc Hàn giờ đã là vợ thống đốc kêu gọi người gốc Á đừng im lặng nữa
Đệ nhất phu nhân bang Maryland, Mỹ, bà Yumi Hogan, mới đây đã lên tiếng kêu gọi người Mỹ gốc Á không nên tiếp tục im lặng giữa làn sóng kỳ thị và phân biệt chủng tộc gây nhức nhối thời gian gần đây.
Yumi Hogan là đệ nhất phu nhân bang Maryland, Mỹ, và cũng là đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Hàn đầu tiên của xứ sở cờ hoa. Được biết, bà Hogan là thế hệ người Mỹ gốc Hàn đầu tiên (nhập tịch vào năm 1994), là một nghệ sĩ thành đạt và là giáo sư trợ giảng tại Maryland Institute College of Art (MICA). Bài viết được đăng tải trên CNN được lược dịch dưới đây hoàn toàn là quan điểm của bà Hogan.
Chân dung bà Yumi Hogan.
Bà Yumi Hogan bên cạnh chồng, thống đốc bang Maryland, ông Larry Hogan.
Cuộc sống chật vật ở "xứ người"
40 năm là khoảng thời gian tôi sống trên đất Mỹ từ sau khi di cư từ Hàn Quốc đến đây để thực hiện "giấc mơ Mỹ". Tôi đã dành 20 năm để làm hàng tá công việc trong khoảng 14-16 tiếng/ngày. Đó là cách để một bà mẹ đơn thân như tôi có thể nuôi dạy 3 con gái, cho chúng có được cơ hội phát triển hứa hẹn ở Mỹ.
Tôi lớn lên ở một nông trại nuôi gà tại thị trấn nhỏ ở Hàn Quốc, trong một gia đình có 8 anh chị em và tôi là con út. Tôi chào đời 9 năm sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến cuộc sống của tất cả mọi người rơi vào cảnh lầm than. Gia đình tôi đã làm việc rất cật lực, tôi được dạy phải luôn chăm chỉ, không được biếng nhác. Thức ăn thừa và những quả trứng vỡ không bán được chính là đồ ăn của tôi. Tôi đi bộ hơn 3 cây số mỗi ngày từ nhà đến trường bởi vì ở nơi tôi sống không có xe buýt.
Năm 20 tuổi, tôi đến Mỹ với một phong thái điềm tĩnh và quyết tâm cao độ. Đó là những gì tôi được dạy. Nhưng hiện thực lại khá khắc nghiệt: Tôi không nói tiếng Anh được nhiều và tôi đến từ một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.
Không chỉ có vậy, tôi còn là bà mẹ đơn thân với 3 cô con gái, tôi không có thời gian để chăm lo cho bản thân. Tôi không thể xin nghỉ phép nghỉ bệnh, tôi phải làm việc cật lực mỗi ngày để nuôi sống các con, cho chúng đến trường và trả "bill". Cuộc sống của tôi chẳng có chút gì giống với "giấc mơ Mỹ" mà người ta thường nói tới. Có những đêm tôi bật khóc rồi tự lau đi nước mắt khi nghĩ về những chuyện đã qua, tất nhiên là các con không hề biết những chuyện này. Tôi nhớ quê nhà.
Nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ.
Tôi đặt gia đình của mình lên hàng đầu, tôi làm mọi thứ để cải thiện cuộc sống, đảm bảo các con được ăn học đầy đủ. Khi 2 con gái tôi trưởng thành, chúng đã đỡ đần tôi rất nhiều bằng tiền kiếm được từ công việc bán thời gian. Dù là làm việc hay học hành thì các con đều rất chăm chỉ. Chúng tiếp thêm nguồn động lực để tôi vượt qua mọi thử thách, khó khăn.
Khi các con đạt được ước mơ của mình trên đất Mỹ, chúng đã nói: " Giờ đến lượt mẹ rồi đấy. Mẹ đã hy sinh mọi thứ cho chúng con, giờ thì mẹ hãy theo đuổi ước mơ và khao khát của riêng mình đi" . Chúng nói nếu tôi không làm vậy thì "giấc mơ Mỹ" của cả nhà sẽ không bao giờ được hoàn thiện. Sau khi tái hôn, chồng cũng rất ủng hộ tôi. Anh ấy chính là nguồn cảm hứng đối với tôi.
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng bà Hogan.
Cuối cùng, tôi quyết định phải làm gì đó cho bản thân. Nhờ có sự cổ vũ của chồng và 3 con, tôi quay trở lại trường, ngồi học với sinh viên trạc tuổi con gái út của tôi. Sau khi lấy được bằng ở MICA, tôi tiếp tục học lên thạc sĩ ngành nghệ thuật ở Đại học Mỹ. Nhiều năm sau, tôi đã đạt được ước mơ lớn nhất của đời mình, trở thành giảng viên tại MICA, nơi tôi gắn bó trong 10 năm tiếp theo.
Đó là câu chuyện của tôi, một câu chuyện về giấc mơ Mỹ. Và đó cũng là câu chuyện của rất nhiều người Mỹ gốc Á.
Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ, phục vụ cộng đồng, bắt tay vào kinh doanh và tạo dựng gia đình ở đây trong khi chật vật học hỏi nền văn hóa và ngôn ngữ mới. Kết quả là giờ đây, chúng tôi đã trở thành một phần của nước Mỹ, góp phần xây dựng đất nước này.
Thế nhưng, vẫn có điều gì đó vẫn chưa thay đổi. Chúng tôi, những người Mỹ gốc Á, vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc.
Rất nhiều người Mỹ gốc Á và hầu hết thế hệ người di cư đầu tiên đã từng nếm trải cảm giác bị kỳ thị nhiều lần. Họ đều có những trải nghiệm giống nhau, không nhận được sự hỗ trợ từ cảnh sát khi các sự vụ nổ ra, cửa sổ nhà họ bị ném vỡ, không có cơ hội thăng tiến trong công việc. Họ thường bị hỏi họ thật sự đến từ đâu, con cái của họ bị bắt nạt và chê bai vì mùi thức ăn "hôi hám", bị xúc phạm bằng những ánh mắt khinh thường.
Chúng tôi là những người Mỹ gốc Á đầy tự hào. Thay vì đánh trả hay cất lên tiếng nói, chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn để chứng tỏ giá trị của chính mình. Chúng tôi chỉ tập trung vào những vấn đề trước mắt: nuôi sống gia đình và cho con cái đi học đầy đủ.
Nhưng giờ đây, khi nước Mỹ đang chật vật chống dịch Covid-19, những lời nói gây tổn thương hướng đến chúng tôi dần trở thành bạo lực khó kiểm soát.
Với tư cách là đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Hàn bang Maryland đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, thế hệ người di cư đến Mỹ đầu tiên, trái tim tôi quặn thắt cho những nạn nhân bị phân biệt chủng tộc. Giờ đây, ông bà, bố mẹ, con cái, anh em và bạn bè của chúng ta bị buộc phải sống trong sợ hãi. Nhưng với tư cách là một công dân đầy tự hào của đất nước này, chúng ta không nên lo sợ bất cứ điều gì.
Đây là lúc chúng ta cất lên tiếng nói và yêu cầu hành động.
"Chúng ta sẽ không im lặng nữa"
Tuần trước, tôi đứng cùng chiến tuyến với chồng và các nhà lãnh đạo cộng đồng để ủng hộ tiếng nói đã bị quên lãng của người Mỹ gốc Á. Mỗi người chúng tôi đều di cư đến vùng đất này, không ai phải có nghĩa vụ lắng nghe những câu nói đầy thù ghét như " Hãy quay trở về đi ", đây là nhà của chúng tôi.
Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Washington, DC, hãy xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc bằng cách thông qua luật, giống như những điều luật mà chúng tôi có ở Maryland, nhằm cải thiện và mở rộng việc báo cáo các tội ác căm thù.
Nhưng thể chế và pháp luật là chưa đủ. Người Mỹ gốc Á vẫn hứng chịu sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc ở khắp nơi trên nước Mỹ. Chúng ta luôn bị đánh giá liệu chúng ta có hoàn toàn là một người Mỹ hay không. Xã hội của chúng ta cần phải thay đổi đến mức mà người Mỹ gốc Á được nghiễm nhiên xem là người Mỹ.
Đồng hương của tôi, những người Mỹ gốc Á, đã bật khóc khi ngày càng nhiều người thuộc cộng đồng của chúng tôi bị tấn công. Đối mặt với bạo lực vô nghĩa thế này, tôi thấy một nguồn sức mạnh mới, sự quyết tâm và ý chí kiên cường trong đôi mắt của chúng ta.
Chúng ta sẽ không im lặng nữa. Chúng ta không đáp trả bằng thù hận. Thay vào đó, chúng ta sẽ yêu thương, ủng hộ lẫn nhau và sát cánh bên nhau. Chúng ta tin rằng sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo sẽ trở thành hiện thực và lâu dài để bảo vệ cho chúng ta và thế hệ đời sau.
Sự thật về 'cầu thang phù thủy' trong căn nhà gây bão mạng xã hội Nhiều người tin rằng cầu thang độc lạ trong căn nhà ở bang Maryland, Mỹ có năng lực ngăn chặn các thế lực siêu nhiên. Bên ngoài căn nhà chứa 'cầu thang phù thủy' ở bang Maryland, Mỹ Sau khi bức ảnh về ngôi nhà có cầu thang kỳ lạ lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng ở Mỹ tin...