Bị hoại tử khủng khiếp vì nghe lời lang băm
Nhiều người bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ cả một phần cơ thể vì nghe lời lang băm.
Gãy xương cần bó bột, mụn nhọt cần điều trị. Tuy nhiên, không ít người dân đã tìm đến thầy lang để được đắp lá. Hậu quả là xương không lành, vết thương còn bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ cả một phần cơ thể.
Hoại tử vì bó lá
Bà Lương Thị D (57 tuổi, quê ở xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đi khám ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng vai gáy sưng to, chảy mủ, có hiện tượng hoại tử. Bà D cho biết, 1 tháng trước, bà bị một cái nhọt to bằng đầu đũa sau gáy. Do đau nhức nên bà tìm thầy lang để điều trị. Không rõ thầy lang đắp lá gì nhưng càng ngày vết thương càng sưng to, chảy mủ. Tới khi vết thương lan rộng, to như cái bát tô, bà không thể cử động được cổ thì gia đình mới đưa đến bệnh viện khám.
Một bệnh nhân bị hoại tử lớn do đắp lá.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, người trực tiếp điều trị cho bà D cho biết, bệnh nhân D được chỉ định mổ cấp cứu do vết thương đã hoại tử nặng, các bác sĩ phải phẫu thuật, cắt bỏ các phần cơ bị hoại tử. Bác sĩ Tài nhận định, do vết thương ngay sau gáy, sát cột sống – nơi có nhiều hệ thần kinh cảm giác, nếu nhiễm trùng lan tỏa tới cột sống thì nhẹ là liệt tay chân, nặng thì có nguy cơ tử vong.
Video đang HOT
Trước đó, khoa Khám xương (Bệnh viện Việt Đức) cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị X (50 tuổi, trú tại Hòa Bình) bị hoại tử nghiêm trọng ở vùng vai lan xuống cánh tay.
Bà X cho biết, tháng trước, bà bị gãy xương đòn, bác sĩ chỉ định mổ, dùng nẹp vít cố định xương cánh tay. Tuy nhiên, bà X nghe người quen mách có ông lang bó lá chữa gãy xương nhanh khỏi nên tìm đến để đắp thuốc. Sau hơn 2 tuần bó lá, tay bà X đau nhức, sưng to. Tuy nhiên thầy lang vẫn một mực nói rằng đó là do thuốc phát huy tác dụng, xương đang lành nên gây phản ứng. Đến lúc vết thương chảy dịch vàng, nhiều vùng thịt thâm đen lại bà X mới đi bệnh viện.
Bác sĩ Võ Quốc Hưng – Trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, vết thương của bà X đã hoại tử lớn. Phần xương cũng đã bị viêm do nhiễm trùng. Vì thế, quá trình điều trị sẽ rất lâu và tốn kém.
Cần đi khám để điều trị đúng
Theo bác sĩ Hưng, các trường hợp gãy xương đi bó lá, sau đó bị hoại tử hoặc xương cong lệch, phải đến bệnh viện để “sửa chữa” khá nhiều. Các loại lá không sạch có thể là “đường dẫn” lý tưởng, gây viêm nhiễm đối với các vết thương hở khiến da thịt bị thối rữa, xương bị viêm, mủn, cong vẹo. Không ít các viêm nhiễm nghiêm trọng khiến người bệnh thập tử nhất sinh.
“Bệnh nhân bị gãy xương cần đưa đi viện để được thăm khám kỹ và điều trị bằng y học hiện đại, đặc biệt là các chấn thương lớn. Việc bó lá, trì hoãn điều trị có thể khiến xương gãy tự liền, nhưng trong tình trạng lệch, vẹo, phần cơ bị co kéo rút lại, hỏng về chức năng, xấu về thẩm mỹ”. Bác sĩ Võ Quốc Hưng
Bác sĩ Nguyễn Thành (Bệnh viện Da liễu T.Ư) còn gặp trường hợp bệnh nhân nữ bị nhiễm trùng, hoại tử phải khoét bỏ cả ngực vì đắp lá chữa u nhọt. Lại có trường hợp trẻ em bị gãy xương, bỏng, bị mụn, cha mẹ cũng cho tới thầy lang đắp lá, gây nhiễm trùng huyết.
“Việc đắp lá điều trị bệnh có thể gây tổn thương cho da. Nhẹ thì gây viêm da tiếp xúc, mẩn ngứa, còn nặng có thể làm nhiễm trùng hoại tử mô, nhiễm trùng huyết” – bác sĩ Thành khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, để đánh giá được mức độ gãy và di lệch của xương thì cần phải chụp X-quang, rồi phẫu thuật để sắp xếp lại, chỉnh lý xương bằng nẹp vít, đinh nội tủy…
“Thầy lang, nhất là các thầy lang vườn không bằng cấp, sử dụng các bài thuốc gia truyền hoàn toàn không có kiến thức khoa học về giải phẫu người. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo chủ quan. Việc bó lá có thể thành công đối với các vết thương kín, xương chỉ bị rạn. Các loại lá, thuốc đắp có thể có tác dụng giảm đau, khiến người bệnh tưởng vết thương đã đỡ. Nhưng thực tế không phải như vậy”- bác sĩ Tài nói.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Hai người Trung Quốc giết cháu bé 10 tuổi đối mặt án tử hình
Sau khi hai đối tượng người Trung Quốc bị bắt vì sát hại một bé trai 10 tuổi ở Lạng Sơn, dư luận băn khoăn liệu hành vi của chúng sẽ bị xử lý như thế nào; vụ án sẽ được xét xử và thi hành ở Việt Nam hay Trung Quốc...
Khoảng 13 giờ ngày 26/2, tại thôn Nà Ao 2 (xã Đề Thám, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến một cháu bé 10 tuổi tử vong. Theo đó, vào quãng thời gian trên hai đối tượng Quách Đại Phát (SN 1985, ở tỉnh Quế Châu, Trung Quốc) và Liễu Diệp Quần (SN 1987, quê Cát Lâm, Trung Quốc) đã vượt biên trái phép vào Việt Nam rồi lẻn vào nhà anh Long Văn Linh (SN 1975, trú tại thôn Nà Ao 2), dùng dao cắt cổ cháu Long Thanh Tuyền (10 tuổi, con trai anh Linh). Sau gần 24 giờ lẩn trốn trong rừng, các đối tượng trên đã bị Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) bắt giữ.
Hai đối tượng giết dã man cháu bé sẽ được xét xử và thi hành án tại Việt Nam
Vụ án mạng đau lòng trên khiến nhiều người người dân bức xúc, lên án, đòi hỏi phải có một mức án nghiêm khắc dành cho hung thủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, vụ án mạng trên sẽ được giải quyết theo con đường ngoại giao và hai đối tượng này sẽ được bàn giao cho phía Trung Quốc xét xử.
Trước những lo ngại của dư luận, phóng viên Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Phú Thắng - Đoàn Luật sư Hà Nội xung quanh những căn cứ xử lý 2 đối tượng Phát và Quần. Theo luật sư Thắng, việc người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có thể giải quyết theo con đường ngoại giao hoặc vẫn xử lý theo các quy định trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam.
Theo Luật sư Thắng, hiện Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự từ năm 1999. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam xét thấy cần thiết có thể yêu cầu phía Trung Quốc hỗ trợ, xác minh, điều tra thu thập chứng cứ về nhân thân của hai nghi can cũng như các vấn đề liên quan khác đến việc điều tra, kết luận về hành vi phạm tội của hai đối tượng này.
Luật sư Thắng cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 (Điều 5, BLHS): "Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam; theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao".
Luật sư nhấn mạnh: "Nếu đối chiếu với quy định trên thì trách nhiệm hình sự của hai công dân Trung Quốc kia không được giải quyết theo con đường ngoại giao. Do vậy, hai đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bước đầu cho thấy, hành vi của hai người này đã có dấu hiệu thỏa mãn hàng loạt tình tiết tăng nặng của "Tội giết người" được quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS) đó là: "Giết trẻ em"; "Thực hiện tội phạm một cách man rợ".
Nếu cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh được một trong các tình tiết định khung nêu trên là có thể đề nghị truy tố hai nghi can "Tội giết người" với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Việc thi hành án sẽ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam do Trung Quốc và Việt Nam không có hiệp định chung về chuyển giao người bị kết án".
Qua phần phân tích nêu trên, có thể khẳng định vụ án đặc biệt nghiêm trọng này sẽ được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Các đối tượng gây án sẽ phải chịu những mức án nghiêm khắc, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của chúng.
Theo Gia đình Xã hội
Hai người TQ sát hại dã man bé 10 tuổi được xử lý như nào? Sau khi hai đối tượng người Trung Quốc bị bắt vì sát hại một bé trai 10 tuổi ở Lạng Sơn, dư luận băn khoăn liệu hành vi của chúng sẽ bị xử lý như thế nào; vụ án sẽ được xét xử và thi hành ở Việt Nam hay Trung Quốc... Khoảng 13 giờ ngày 26/2, tại thôn Nà Ao 2 (xã...