Bi hài thời… “thịt lợn đại náo”
“Ước mơ bữa cơm có thịt” những tưởng chỉ có ở trên những vùng sâu, vùng xa, những nơi dân tộc ít người nghèo khó, nhưng nay ước mơ đó đang chập chờn trong những giấc ngủ của một số người thu nhập thấp ở thành thị…
Thời trang thịt lợn
Gia đình lục đục vì… “bão giá”
Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo cả nước giảm 6 triệu con, tương đương 342.000 tấn thịt. Giá heo hơi leo thang liên tục từ đầu tháng 9 đến nay, do nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm. Chưa bao giờ giá thịt lợn lại cao mức kỷ lục khiến các bà nội trợ hốt hoảng. Giá thịt ba chỉ có giá tới 190.000 đồng/kg, thịt chân giò giá 185.000 đồng/ kg. Xương sườn giá cao chót vót 260.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn cao khiến một số gia đình lâm vào cảnh bi hài. Gia đình chị Thu Hương (Thanh Trì, Hà Nội) mấy tháng nay lục đục vì chuyện bữa cơm gia đình. Chồng và con chị vốn dị ứng đồ tôm, cua, cá, lại không thích những món ăn khác ngoài món ăn chế biến từ thịt lợn. Trước đây, thịt lợn trên dưới 100 nghìn đồng/kg chị đi chợ không quá khó khăn. Nay thịt lợn lên gấp đôi khiến mỗi lần đi chợ là mỗi lần chị căng thẳng, áp lực.
Nếu hai vợ chồng thu nhập khá thì chuyện vượt qua thời “bão giá” có thể dễ dàng nhưng đằng này, chị bán hàng rong thu nhập bấp bênh, còn anh thì làm bảo vệ cơ quan lương “ba cọc ba đồng”, trong khi nuôi hai con nhỏ và nhà thì ở thuê. Tổng thu nhập vợ chồng chị 1 tháng trên dưới 10 triệu, xoay cơm áo, gạo tiền chóng mặt. Thịt tăng giá, chị phải hạn chế mua thịt lợn, thay vào đó là trứng, đậu, giá xào xuông…
Chị thì không sao nhưng chồng và các con vài ngày thiếu thịt lợn ăn ít cơm, con sức đề kháng yếu lăn ra ốm, chồng chị bực bội trong lòng, sinh chuyện, gia đình lục đục, cãi vã. Để không khí gia đình đỡ căng thẳng, cực chẳng đã, chị Hương phải đập lợn tiền tiết kiệm mua vé xe và mua quà về quê ăn Tết để hàng ngày có thức ăn chế biến từ thịt lợn cho cả gia đình. Chị Hương lo lắng, cứ cái đà thịt lợn giá cao thế này, Tết năm nay nhà chị không có cơ hội về quê. Gia đình mất Tết.
Không chỉ có những gia đình thu nhập thấp lao đao mà còn có rất nhiều sinh viên, công nhân khốn khổ. Chị Mai Liên, 20 tuổi (Lạng Giang, Bắc Giang) làm công nhân tại một nhà máy ở Bắc Ninh. Tuy chưa phải lo lắng tổ ấm riêng, nhưng với đồng lương 4 triệu đồng/tháng lại mất 500 nghìn tiền thuê trọ/ tháng khiến chị Mai Liên và các đồng nghiệp cùng hoàn cảnh như chị luôn thấy ngại ngần khi ra chợ.
Thu nhập quá thấp, trước đây, chị và các đồng nghiệp thường mua những mớ rau, miếng thịt ế khi chợ chiều để được giảm giá, đỡ một khoản chi tiêu. Nhưng bây giờ, đến thịt ế các chị cũng không dám mua vì giá còn cao hơn rất nhiều lần so với thịt tươi trước đây.
Video đang HOT
Giải pháp được đưa ra đó là, mỗi tuần chị Mai Liên và các đồng nghiệp chỉ dám “thưởng” cho mình một bữa thịt lợn. Các món ăn từ thịt bò, thịt gà, thịt dê, hải sản cũng tăng theo lại càng xa xỉ đối với những người công nhân. Các ngày trong tuần, các chị ăn tôm, cá nhỏ, trứng, đậu… cho xong bữa.
Thịt lợn tăng cũng kéo theo rau, thịt, cá… tăng lên. Để hạn chế nấu cơm tốn kém tiền mua thức ăn, tiền điện, tiền mắm muối, mỡ… một số người làm nghề bán nước, xe ôm, đồng nát đã chọn giải pháp ăn bánh mì kẹp tí sữa đặc hoặc đường cho qua ngày. Họ mong muốn, giá cả sớm bình ổn như xưa.
“Bài ca rau và lạc rang, mắm tép” được không ít sinh viên “thuộc làu” vì ngày nào cũng phải “hát” suốt hai tháng nay. Sinh viên sống chủ yếu vào viện trợ của gia đình từ quê nghèo gửi lên. Ngoài tiền học, một số sinh viên chỉ được tiêu 2 triệu/tháng cả ăn uống, sinh hoạt phí. Trước đây, giá thịt lợn vừa phải họ còn được “thưởng thức” hàng ngày, nay giá “đội” gấp đôi nên họ phải hạn chế món ăn chế biến được nhiều món ngon hàng ngày này.
Thanh Quý, 18 tuổi (Trường Đại học Mỏ, Hà Nội) tâm sự “dở cười, dở khóc”: “Dạo này không hiểu sao khi ngủ, em hay mơ mình được ăn thịt lợn. Em được ăn no nê, thỏa thích với mùi thức ăn thơm phức cùng bạn bè trong phòng. Lúc thức dậy biết mình đang mơ mà vẫn tiếc hùi hụi, nuốt nước miếng ừng ựng.
Để kiếm thêm khoản chi tiêu, một số bạn em đã chạy thêm grap hoặc gia sư. Em mới vào trường năm thứ nhất, chắc cũng phải tranh thủ đi gia sư vì không có tiền mua xe máy để kiếm thêm bữa cơm có thịt, chứ nếu không tình hình này chắc không ổn. Nhưng nếu may mắn xin được việc gia sư thì chắc phải 1-2 tháng nữa em mới có tiền ăn bữa cơm có thịt tươm tất vì lúc đó, họ mới trả lương”.
“Ước mơ bữa cơm có thịt” những tưởng chỉ có ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi dân tộc ít người nghèo khó nhưng nay ước mơ đó đang chập chờn trong những giấc ngủ của một số người thu nhập thấp, sinh viên ở thành thị.
“Dở cười, dở mếu” với các câu chuyện về thịt lợn
Các cư dân mạng những ngày này truyền nhau đoạn clip thật mà ngỡ đùa ghi lại vụ trộm ở ngã ba Bến Gỗ, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Một thanh niên tiếp cận chiếc xe máy của người bán bánh mỳ. Những tưởng hắn ta loay hoay mở khóa để trộm xe nhưng không, tên này nhanh tay nhấc ngay túi thịt treo lủng lẳng trên đó.
Sau đó, đối tượng leo lên xe có đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát trước sự ngỡ ngàng của “khổ chủ” và những người xung quanh. Việc ăn cắp vài lạng thịt lợn của mấy gã choai choai khiến dân tình xôn xao bàn tán. Nhiều người cho rằng chuyện bi hài này là do… thịt lợn ngày càng tăng giá. Trộm quý thịt lợn hơn xe máy trị giá vài chục triệu đồng.
Thế nên, từ chợ tới siêu thị hay cửa hàng thời trang cũng như các cơ quan, công sở đều râm ran về câu chuyện bi hài về thịt lợn. Thậm chí, có nhãn hàng thời trang “nhanh mắt, nhanh tay” còn cho ra mẫu áo phông thiết kế hình thịt lợn. Tưởng chỉ đưa ra để “bắt kịp thời trang gắn với vấn đề thời sự” cho vui nhưng không ngờ, mẫu áo phông đó được nhiều bạn trẻ tìm mua.
Nhẫn, vòng thịt lợn thay nhẫn kim cương, vòng vàng
Phương Linh, sinh viên năm thứ 3 Trường Sư phạm Hà Nội được người bạn trai tặng áo phông hình thịt lợn. Người bạn đó không quên nhắn nhủ hóm hỉnh: “Anh và em mặc áo đôi thịt lợn để mỗi khi thèm thịt lợn thì lại nhớ tới nhau”.
Việc tăng giá thịt lợn khiến nhiều người “méo mặt”, nhưng có một số người thì coi đó là cơ hội ngàn năm hiếm có. Anh Đức Hoàng, 34 tuổi (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) mừng rơn vì Tết này anh có được vợ. Số là, anh Hoàng có ngoại hình không được dễ nhìn lại cộng thêm việc cả ngày anh chỉ loanh quanh trong chuồng lợn với đàn lợn vài chục con nên người lúc nào cũng “tỏa hương”. Các em trong làng, ngoài xã đều “chạy đứt dép”.
Thế nhưng, “vận đổi, sao dời”, cách đây vài tháng, lợn tăng giá khiến vài chục con lợn của anh biến thành vàng ròng. Anh kiếm được tiền tỉ, xây nhà và sắm sửa nội thất gia đình. Anh Hoàng bỗng lên “chân kính”, “cưa đâu đổ đấy”, anh Hoàng đã được một em trẻ đẹp ở làng bên nhận lời làm vợ vào tháng chạp. Nhà mới lại tậu được vợ, anh Hoàng thầm cám ơn những chú lợn khiến anh đổi đời, thoát kiếp độc thân.
Những chiếc ảnh ghép, ảnh chế trên mạng với nội dung: “Gia đình anh chẳng có gì ngoài thịt lợn, hãy yêu anh nhé”, hay “Anh không có nhẫn kim cương, hột xoàn, hay vòng vàng trĩu cổ, chỉ có nhẫn và vòng là thịt lợn, em có yêu anh không?”… có lẽ rất đúng với trường hợp của anh Hoàng.
Chị Thu Nga, 28 tuổi cũng được hưởng lợi từ vụ “thịt lợn đại náo”. Chị làm ở thư viện một huyện ở Thanh Hóa. Phòng của chị có mấy chị em lương “ba cọc, ba đồng” nên dạo này nhìn bữa cơm của họ đạm bạc mà chị thương. Gia đình chị vốn khá giả vì chồng làm doanh nghiệp nên chị muốn thay đổi khẩu phần ăn cho đồng nghiệp. Vào một ngày đẹp trời, đứng ở giữa phòng, chị Nga dõng dạc tuyên bố sẽ “tài trợ” cho phòng mỗi bữa 8 lạng thịt, 4 chị trong phòng thay nhau nấu nướng thay đổi món để bữa trưa thêm phần khí thế.
Chị Nga sẽ “tài trợ” cho tới khi thịt lợn được bình ổn, trở về giá xưa. Sau lời tuyên bố của chị Nga là tiếng vỗ tay ầm ầm của 4 chị em trong phòng. Trước khi đi làm, họ sẽ thay nhau nấu nướng và buổi trưa cũng ăn trưa với nhau, tình đồng nghiệp ngày càng thắm thiết. Và chị Thu Nga bỗng chốc trở thành “người hùng” trong con mắt đồng nghiệp.
…Và câu chuyện “dở khóc, dở cười” trong cuộc sống người Việt thời @ xoay quanh đề tài “thịt lợn đại náo” sẽ còn nối dài cho tới khi thịt lợn trở về giá xưa. Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề…
Bảo Châu
Theo baophapluat.vn
Trải nghiệm khó quên ở Lò Gò - Xa Mát
"Nếu được trải nghiệm vào đầu xuân, sau mùa mưa dứt hạt, thì còn gì tuyệt vời hơn. Đến đây, du khách cảm thấy mình như được ngâm trong bồn nước mát khổng lồ và được hít thở không khí trong lành nhất giữa trần gian.
Du khách nên ghé qua đây một chuyến, để thấy đời đáng yêu và đáng sống", đó là đúc kết của đoàn chúng tôi sau chuyến trải nghiệm Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh.
Trảng Tà Nốt, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh facebook VQG Lò Gò - Xa Mát.
Từ Tây Ninh, theo đường 781 khoảng 50km là tới Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Bước vào khu vực bảo tồn thiên nhiên này, du khách có cảm giác bỗng dưng lạc đến thế giới huyền ảo, nơi không khói bụi, chỉ có nắng rưng rưng từng giọt đọng lại trên những tán cây dầu hòa quyện cùng thảm thực vật mát mẻ dễ chịu vô cùng. Không gian tinh khiết và sạch thoáng, chỉ có thảm lá khô dưới đất. Đi mỏi chân, khách ngồi nghỉ dưới tán cây hoặc gò đất, nghe râm rang tiếng ve chuông và nhìn những chiếc lá dầu song nàng bề rộng hơn 2 tấc vuông chao nghiêng rơi xuống. Rừng rậm rạp thiếu nắng mà không ngột ngạt, thiếu gió mà không oi bức. Đó là bởi hệ sinh thái vô cùng thú vị.
Trên diện tích 19.204ha, với hệ thực vật 696 loài thuộc 5 ngành, Lò Gò - Xa Mát có hệ sinh cảnh rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Ngoài rừng mưa nhiệt đới xanh lá quanh năm (gồm danh mộc như trắc, gõ mật, cẩm lai, giáng hương, sao, trai, dầu, căm xe, vên vên, cà chít của rừng Đông Nam bộ), nơi đây còn có rừng khộp (tức rừng thưa lá rộng, rụng lá vào mùa khô, chủ yếu là cây họ dầu, giống ở Tây Nguyên) và quần thể tràm gió đất ngập nước y như ở Đồng Tháp Mười. Lò Gò - Xa Mát còn có hệ sinh thái trảng cỏ với nhiều bàu, trảng xen kẻ rừng già cùng với ba con suối lớn và thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Nơi đây có đến 179 loại cây thuốc, quý nhất là nhân trần, võng vang, tổ phượng, bách bệnh (mật nhân), trung quân, kim tiền thảo...
Du khách đến vườn quốc gia này, theo con đường vòng vèo tráng xi măng rộng 2m len lỏi qua các gốc cây dầu to lớn đến 10 người ôm không giáp, có cây niên đại trên 215 năm. Hướng dẫn viên Trương Văn Thanh cho biết: "Sở dĩ cây có ghi tuổi như vậy, là đã qua kiểm tra khoa học, đếm số vòng của cây để biết tuổi. Các nhà khoa học còn xác định được động vật đã từng có mặt ở đây". Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có đến 414 loài động vật, trong đó có 42 loài thú, quý nhất là khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ, trút... Trong 203 loài chim, quý nhất là gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, cao cát bụng trắng, hạc cổ trắng, vàng anh đầu đen. Sông, suối của rừng 88 loài cá, quý nhất là cá cóc thuộc phân họ cá bỗng, chưa tìm thấy ở nơi nào khác tại Việt Nam, 23 loài lưỡng cư, 58 loài bò sát, quý nhất là rồng đất thuộc họ nhông. Đặc biệt nhất, Lò Gò-Xa Mát còn là trạm dừng chân của loài sếu đầu đỏ quý hiếm mỗi khi ngang qua đây. Tại vườn có trảng Tà Nốt, rộng chừng 200ha (trong 4.000ha hệ sinh thái trảng cỏ ngập nước theo mùa) - nơi đặt chốt quan sát bảo vệ có 8 tầng cao 36m. Từ chốt quan sát này, khách ngắm toàn cảnh của khu bảo tồn và nhìn sang qua nước bạn Campuchia gần bên.
Những ai một lần đến Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát đều bị chinh phục bởi hệ sinh thái đa dạng, phong phú và thiên nhiên trong lành tuyệt vời nơi đây.
NHẬT HỒNG
Theo baocantho.com.vn
Clip: Màn vặt gương ô tô nhanh như chớp của nam thanh niên mặc áo Grab vào sáng mồng 1 khiến nhiều người bất ngờ Chỉ mất vài phút ngắn ngủi để nam thanh niên bẻ gương ô tô mỗi bên. Tổng thời gian cho cả quá trình vặt trộm từ lúc đến cho đến lúc rời đi chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút khiến nhiều người bất ngờ. Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nam thanh niên mặc đồng...