Bi hài những ông bầu dọa bỏ bóng đá
Bóng đá Việt Nam chứng kiến rất nhiều ông bầu dọa bỏ bóng đá với những lý do khác nhau.
Bầu Đệ khẳng định Thanh Hóa có thể không làm bóng đá sau sự cố trọng tài ở trận đấu với Xuân Thành Sài Gòn mới đây. Ảnh: Kỳ Lân.
Trong những năm trước, các ông bầu đầu tư rầm rộ vào bóng đá tạo ra sân chơi V-League thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, với việc nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, các ông bầu có thể thoải mái đưa ra quyết định giải thể đội bóng bất cứ lúc nào. Không ít các ông bầu dùng chiêu dọa bỏ giải nhằm gây áp lực tới ban tổ chức giải.
Video đang HOT
Trường hợp dọa rồi sau đó là bỏ giải thật là ông bầu Long, bầu Tuấn ở Hòa Phát. Cuối mùa 2011, sau nhiều lần bị trọng tài xử ép, với đỉnh điểm là trận thua 1-2 trên sân Lạch Tray, bầu Long và bầu Tuấn tuyên bố không muốn làm bóng đá để phản đối trọng tài cũng như công tác điều hành. Ngỡ Hòa Phát dọa chơi, ai ngờ đội bóng này bỏ thật khiến VFF lao đao.
Chính sự cố bỏ cuộc của Hòa Phát năm đó là phát súng lệnh trong cuộc “khởi nghĩa” của các ông bầu. VPF được thành lập ngay sau đó và chính công ty này đứng ra điều hành các giải chuyên nghiệp thay cho VFF. Qua gần hai mùa giải tổ chức V-League và hạng nhất, VPF bộc lộ nhiều điểm yếu và không còn được lòng tất cả. Bị can thiệp vụ một ông chủ hai đội bóng, bầu Hiển dọa bỏ bóng đá để phản đối với hành động thoái toàn bộ số vốn tại Hà Nội T&T và Đà Nẵng, rút lui về hậu trường, đóng vai trò người tài trợ.
Sau đó, bầu Trường cũng làm theo cách tương tự. Sau khi dọa giải thể đội bóng vì các cầu thủ “dám” đình công năm ngoái, bầu Trường lui về ở ẩn, trao lại chiếc ghế Chủ tịch cho ông Phạm Văn Lệ. Ông bầu đồng hương của ông Trường là ông Nguyễn Đức Thụy cũng nổi tiếng với những lần dọa bỏ giải. Ở mùa giải 2012, sau khi làm công văn xin tặng CLB Xuân Thành Sài Gòn cho TP HCM, bầu Thụy gây sức ép bằng tuyên bố: “TP HCM không nhận không được, không nhận tôi cho giải tán đội bóng ngay”. Chưa hết, bên lề Hội thảo CLB chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013, không chỉ tuyên bố cho giải tán CLB Xuân Thành Sài Gòn, bầu Thụy còn dọa bỏ bóng đá nếu VFF và VPF không chấn chỉnh công tác trọng tài và giải quyết dứt điểm chuyện bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng cùng dự V-League. Tại lễ tổng kết mùa giải 2012, bầu Thụy tiếp tục diễn bài cũ. Đầu mùa giải 2013, sau nghi án tiêu cực trong trận Siêu Cup quốc gia, bầu Thụy lại dọa giải tán đội vì cho rằng mình đã bị vu khống.
Dường như, dọa bỏ giải là cách phản ứng hiệu quả ở V-League, là chiêu bài để các CLB gây áp lực với ban tổ chức giải. Trong bối cảnh V-League chỉ còn 12 đội như hiện nay, VPF rất “nhạy cảm” với những tuyên bố bỏ giải của các ông bầu. Có lẽ vì thế, không khó hiểu khi bầu Đệ ở mùa giải năm nay liên tiếp dọa bỏ giải.
Ở lễ tổng kết mùa giải 2012, bầu Đệ từng dọa một lần. Tuy nhiên ở mùa giải năm nay mới thực sự là đỉnh điểm, khi ông chủ tịch CLB Thanh Hóa liên tục gây sức ép. Đầu tiên là lời dọa bỏ giải sau khi Thanh Hóa bị cho là xử ép bởi trọng tài Công Khanh trên sân Lạch Tray ở lượt đi. Gần nhất, bầu Đệ dọa bỏ giải để phản đối tổ trọng tài sau khi công nhận “bàn thắng ma” trên sân Thanh Hóa vòng 17 V-League. Sau đó, bầu Đệ còn dọa sẽ xin tự thua nếu như ban tổ chức giải bố trí các trọng tài trong “danh sách đen” của mình bắt trận có Thanh Hóa những vòng đấu tới đây.
Chuyện ông bầu dọa bỏ giải có tiền lệ và không phải ai cũng dọa chơi. Tuy nhiên, đã đến lúc VFF, VPF cần có chế tài xử lý những ông bầu có sở thích dọa bỏ giải để gây áp lực. Bóng đá là một cuộc chơi và trong cuộc chơi đó, các đội phải tuân thủ luật lệ cũng như các quy định.
Theo VNE
Ông bầu, hay "lái buôn" bóng đá?
Các ông bầu, bằng những đồng tiền của mình đã khuynh đảo bóng đá Việt suốt gần một thập kỷ qua. Họ cũng chính là "thủ phạm" lớn nhất của cuộc khủng hoảng bong bóng. Trong số họ, có người đến với bóng đá bằng đam mê đích thực, nhưng cũng có người chỉ dựa vào bóng đá để buôn qua bán lại kiếm lời.
Người mang bia tưới sân bóng đá
Trong ngày Ninh Bình đoạt chức vô địch hạng Nhất 2009, gần 15 nghìn lít bia hơi đã được bầu Trường mang "tưới" khắp sân. Ở bữa tiệc mừng công, ông ngà ngà say còn giơ 2 tay lên trời mà tuyên bố sẽ mang cúp vàng V-League ra Bắc.
Bây giờ thì sự phấn khích của ông bầu xi măng ấy đã nguội ngơ nguội ngắt sau nhiều năm vung tiền tỉ "đốt thành lửa ném lên trời", còn đội bóng đầy tham vọng ngày nào chỉ chờ đá nốt mùa sau là giải tán.
Dân ngoại đạo không ai hiểu ông Hoàng Mạnh Trường làm kinh tế kiểu gì mà giỏi thế. Ông lúc nào cũng có sẵn hàng bao tải tiền để mua cầu thủ, mà cầu thủ nào được ông "sủng ái" thì phải mang xe ô tô đến để chở tiền về.
Mỗi mùa, ông mua không dưới một đội hình. Nhẩm ra, đấy là một con số loằng ngoằng cỡ vài chục tỉ. Đất Ninh Bình thời ông Trường mới phất, người dân chân lấm tay bùn nghe loáng thoáng dăm bảy trăm triệu đã hãi.
Sai lầm lớn nhất của bầu Trường (đeo kính) là tin tưởng "cò" Đại
Họ đọc báo, nghe đài, thấy ông bầu bóng đá tỉnh nhà tiêu tiền tỉ như rau cỏ thì choáng váng vô cùng. Họ kéo nhau đến sân xem doanh nhân chuyên vạc núi lấy xi măng ấy làm bóng đá ra sao, dù cả đội bói không ra ai là người gốc địa phương. Thế là nhờ bóng đá, ông Trường thành nổi tiếng.
Cái sự nổi tiếng ấy cũng giúp sự nghiệp kinh doanh của ông Trường phất "như diều gặp gió". Cậu học trò trường Lương Văn Tuỵ ngày nào vụt trở thành một gương mặt VIP trên các khán đài, với cặp kính đen hợp mốt và đôi bàn tay phải hoạt động xã giao liên tục.
Đổi lại, ông vung tiền chi cho đội bóng, ông còn tài trợ cho cả Cúp Quốc gia, vốn là giải đấu bị ghẻ lạnh nhất Việt Nam. Chí ít thì sự hào phóng của ông cũng một lần đem lại niềm vui cho đất Hoa Lư, khi Ninh Bình vô địch giải hạng Nhất 2009.
Đấy là một kỷ niệm mà đất Ninh Bình có lẽ phải hàm ơn ông Trường nhiều lắm. Ninh Bình trước "đế chế" của bầu Trường vẫn tủi phận là vùng "trắng" bóng đá.
Những người láng giềng xung quanh như Nam Định, Thanh Hoá đều có đội chuyên nghiệp, chiêm trũng như Hà Nam còn có đội bóng đá nữ, chỉ mỗi Ninh Bình quanh quẩn với điền kinh và bóng chuyền nghiệp dư, chấm hết.
Khi ông Trường đến, Ninh Bình mới biết thế nào là bóng đá và cái hương vị đặc biệt của cúp Vàng - tắm bia. Trước khi Ninh Bình đá trận cầu thủ tục với Tây Ninh chỉ để nâng cúp, bầu Trường đã đặt gần 15 nghìn lít bia hơi để phát không cho khán giả.
Khổ nỗi, biển bia ấy lại bị khui từ khi bóng chưa lăn. Thế là hàng trăm người vào sân chưa tìm được chỗ ngồi đã say lảo đảo, xem bóng đá thì ít mà chén chú chén anh thì nhiều. Tan trận, cả sân được tưới đẫm bia.
Khán giả xỉn quắc cần câu còn cướp cúp mang đi giấu, báo hại BTC sân tá hoả đi tìm đến hơn nửa tiếng mới ra. Hôm ấy Ninh Bình mở hội, bầu Trường mát lòng mát dạ, nhưng ông cũng phải chịu điều tiếng là ông bầu trọc phú, thừa tiền nhưng chưa biết cách tiêu cho văn hoá...
Khi niềm vui đã cạn
Dù thế nào thì cũng phải thừa nhận, khác với những doanh nhân cơ hội, bầu Trường đến với bóng đá đúng bằng đam mê đích thực. Trong bữa tiệc mừng đại công, ông Trường ngà ngà say còn tuyên bố mùa sau sẽ mang cúp vàng V-League ra Bắc (lúc ấy cúp là của Bình Dương).
Đang độ làm ăn tốt, bầu Trường dốc hầu bao cho bóng đá không ghê tay. Nhưng trong các thương vụ đầu tư, như chính bầu Trường sau này thừa nhận, sai lầm lớn nhất là rước về "cò" Đại.
Trong 2 năm làm ăn ở đất Ninh "buồn", Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại đã biến Ninh Bình thành trạm trung chuyển cầu thủ số 1 Việt Nam và... tiêu hộ bầu Trường một món kếch xù hàng trăm tỉ. Đa số các cầu thủ về đội, ăn tập rồi mà bầu Trường cũng chẳng biết mặt, biết tên.
Ông phó mặc hết cho "cò" Đại, để rồi khi "cò" Đại về Nam, bầu Trường mới sững sờ chợt tỉnh cơn mê và nhận ra mình đã mất quá nhiều. Tiền bạc lúc khó khăn không còn chảy về như thác lũ, thành tích thì ngoảnh mặt với một đội bóng toàn những cái tên tỉ phú nhưng... chân tay giả. Bầu Trường chán bóng đá từ đó...
Khi người ta đã chán thì điều gì cũng có thể xảy ra. Bầu Trường thắt chặt chi tiêu. Ninh Bình lâm vào cảnh nợ lương, nợ thưởng triền miên. Khổ nỗi, khi cầu thủ đã quen sung sướng, yêu chiều, họ không thể kham khổ được. Họ lãn công, đòi quyền lợi. Họ vô tình chọc vào cái đau của bầu Trường. Và ông tuyên bố giã từ bóng đá.
Đấy có thể coi là sự dỗi hờn cũng được, mà đoạn tuyệt cũng xong. Bầu Trường, đừng ai nghĩ ông quen tiêu tiền tỉ mà không biết xót tiền. Cái xót của ông là tiêu tiền không đúng chỗ và đúng cách, đến lúc hối thì không kịp nữa. Mà không kịp nữa thì ông... nghỉ.
Với ông, bỏ bóng đá chỉ đơn giản như cai thuốc lá hay kiêng rượu bia. Nhưng với các cầu thủ Ninh Bình thì đấy là thảm hoạ. Giờ này năm sau, người ta sẽ biết bầu Trường "cắt cơn" bóng đá hẳn hay nghiện lại...
Theo TTVH
VPF tính 'mở két sắt' hỗ trợ các CLB Trước tình hình khó khăn kinh tế, VPF đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các đội bóng tham dự mùa giải 2013 với số tiền lớn. CLB vô địch V-League mùa tới sẽ nhận thưởng lớn. Ảnh: Thế Kiên. Ngoài mức thưởng cho ngôi vô địch được tăng lên đáng kể thì VPF quyết định có thêm những khoản hỗ trợ rất...