Bi hài giáo viên cùng cấp học nhưng hưởng lương theo 2 chùm thông tư khác nhau
Những ngày đầu năm 2022, vấn đề lương, chính sách giáo viên vẫn là vấn đề được giáo viên quan tâm nhiều nhất.
Tiếp theo các bài viết bàn về bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lương giáo viên, người viết xin được bàn về việc bi hài khi hiện nay giáo viên đang công tác tại cùng cơ sở giáo dục nhưng lại hưởng lương theo 2 Thông tư khác nhau.
Có thể nói từ khi xuất hiện thêm chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, chùm Thông 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên có thêm niềm hy vọng về lương thu nhập được cải thiện như lời các tư lệnh ngành đã hứa.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi giáo viên cả nước bỏ ra một lượng tiền khá lớn để học các chứng chỉ bất hợp lý như Ngoại ngữ, Tin học, Chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, II, III, IV,… đến nay (những ngày đầu năm 2022) nhưng việc chuyển lương mới thì hầu như chưa thực hiện được.
Điều này dẫn đến các trường mầm non, phổ thông có nhiều chuyện bi hài khi giáo viên hưởng lương theo các thông tư cũ và mới.
Nhiều chuyện bi hài xung quanh việc xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Tiến độ bổ nhiệm xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đã không hoàn thành
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực 20/3 thì Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã ban hành công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập
Tại điểm đ mục 2 của công văn này có nêu rõ: “đ) Các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.”
Như vậy ở chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực ngày 20/3 trong khi tiến độ về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trong công văn 971 hướng dẫn là hạn cuối “báo cáo phương án triển khai thực hiện” về Bộ trước ngày 31/12/2021.
Hiện nay đã quá hạn “báo cáo phương án triển khai thực hiện” về Bộ nhưng việc xếp lương vẫn “giậm chân tại chỗ”, không những thế chùm Thông tư trên còn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa chữa do có nhiều bất cập, bất hợp lý về bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng,… dẫn đến nhiều bi hài trong việc xếp lương giáo viên hiện nay.
Bi hài khi xếp lương, bổ nhiệm lương giáo viên hiện nay
Video đang HOT
Do chùm Thông tư (cũ) 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hiệu lực, chùm Thông tư (mới) 01, 02, 03, 04/2021 thì lại chưa triển khai thực hiện được nên việc bổ nhiệm xếp lương giáo viên hiện nay vô cùng rối bời, bất cập.
Cụ thể, hiện nay ở các địa phương chưa bổ nhiệm giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, giáo viên vẫn hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 mà chùm Thông tư đó đã hết hiệu lực từ 19/3/2021 (do chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực từ 20/3/2021) nên bi hài ở việc thứ nhất là giáo viên đang hưởng lương theo chùm Thông tư đã hết hạn đã 10 tháng.
Bi hài thứ hai là việc tuy giáo viên đang công tác thì hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hạn nhưng giáo viên mới nhận công tác sau ngày 20/3/2021 thì lại hưởng lương theo chùm Thông tư mới dẫn đến cùng là giáo viên nhưng kế toán phải làm lương giáo viên hưởng hệ số lương theo 2 thông tư khác nhau.
Như vậy, giáo viên cùng công tác thì có giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư mới, có giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư cũ đã hết hiệu lực.
Điều này lại phát sinh thêm những bất hợp lý ví dụ một giáo viên A là giáo viên tiểu học có bằng đại học khi tuyển dụng ở năm 2020 thì khi tuyển dụng được bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) có hệ số lương 1,86.
Một giáo viên B cũng có trình độ đại học được tuyển dụng 2015, khi tuyển dụng cũng bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) có hệ số lương 1,86, trải qua 2 lần nâng lương thường xuyên hiện nay có hệ số lương ở bậc 3 có hệ số lương 2,26 (hạng IV cũ).
Trong khi đó 1 giáo viên C khác khi tuyển dụng tháng 4/2021 cũng có trình độ đại học thì được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III mới (mã số V.07.03.29) có hệ số lương 2,34.
Như vậy, giáo viên A, B, C đều có trình độ đại học, giáo viên A tuyển dụng trước giáo viên C 2 năm thì hiện nay xếp lương có hệ số lương thấp hơn giáo viên C đến 0,47, giáo viên B tuyển dụng trước giáo viên C đến 6-7 năm nhưng vẫn hệ số lương vẫn thấp hơn giáo viên C. Điều này quá phi lý.
Nếu được chuyển đổi lương theo chùm Thông tư 02/2021 thì cả giáo viên A, B cũng chỉ được chuyển qua lương mới có hệ số lương 2,34 cũng bằng giáo viên C trong khi bằng cấp như nhau, thời gian công tác giáo viên B trước giáo viên C đến 6-7 năm.
Thêm chuyện bi hài giống như trên là việc có hiệu trưởng vẫn ở hạng IV cũ, nhưng khi ký quyết định bổ nhiệm giáo viên mới tuyển dụng thì ở hạng III mới.
Thật là tréo ngoe, giáo viên hạng IV cũ (lương trung cấp) ký bổ nhiệm giáo viên hạng III (lương đại học). Đây là bi hài thứ ba.
Tương tự như vậy ở bậc mầm non, trung học cơ sở cũng có hàng loạt bi hài khi giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư cũ và mới lẫn lộn.
Có nhiều trường hợp ở trường trung học cơ sở, giáo viên giữ nhiệm vụ tổ trưởng đang ở hạng III cũ (lương cao đẳng), giáo viên mới tuyển dụng bổ nhiệm hạng III (lương đại học), dẫn đến không thể ra quyết định bổ nhiệm giáo viên hướng dẫn tập sự do khác mã ngạch lương,…
Nếu sửa chùm Thông tư mới không khắc phục được bất cập, bất công này thì giáo viên sẽ có nhiều người bất mãn, khó lòng yên tâm công tác, cố gắng cống hiến hết sức mình thì thiệt thòi lớn nhất chính là học sinh.
Đây chỉ là riêng việc bất cập của việc lương của giáo viên hiện đang công tác và giáo viên mới nhận nhiệm vụ còn hàng loạt bất cập khác đã được đề cập trong rất nhiều bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời qua.
Hiện nay, đến đầu năm 2022 cộng với thời gian qua do dịch bệnh phức tạp nên việc tăng lương cơ sở đã hoãn tăng đến 3 năm, việc dự kiến trả lương theo vị trí việc làm cũng được lùi do dịch bệnh phức tạp nên đời sống giáo viên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đòi hỏi, yêu cầu tăng lương cao hiện nay là khó khi tình hình khó khăn, nhưng hàng triệu giáo viên trong năm 2022 này chỉ mong được trả lương công bằng, hợp lý tránh việc lương “hên, xui”, bất cập, bất công trong giai đoạn vừa qua.
Hiện nay cùng là giáo viên như nhau có người là hạng II có người hạng III; cùng là giáo viên có người được hưởng lương theo chùm Thông tư cũ, có người hưởng lương theo chùm Thông tư mới,… gây nhiều bức xúc, bất mãn trong giáo viên.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi cho phù hợp, nhanh chóng ban hành dự thảo bổ nhiệm, xếp lương mới theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sửa đổi cho các chuyên gia, nhà giáo cả nước đóng góp ý kiến và khi đã ban hành thì rõ ràng, hợp lý, khoa học và phải triển khai đồng loạt cả nước tránh bất công, bất cập gây bức xúc cũng như xếp lương mỗi nơi mỗi kiểu, trăm hoa đua nở trong thời gian qua.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa: Lương không quyết định phẩm chất, năng lực của giáo viên
Lương quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định bởi vì lương có cao mà tâm không sáng, không có phương pháp thì giáo viên vẫn chỉ là thợ dạy, làm sao giáo dục có thể nâng tầm.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa đang giao lưu với học sinh
Đó là chia sẻ của Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội đối với giáo dục hiện nay gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng một nền giáo dục phát triển đạt được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục thì vai trò đội ngũ giáo viên có tính chất quyết định. Nhưng vị trí, vai trò đó không phải tự giáo viên tạo nên mà phải do định hướng mục tiêu của nền giáo dục quyết định.
Một nền giáo dục chạy theo điểm số, chạy theo thành tích không thể có được một đội ngũ giáo viên đúng tầm và đáng được trân trọng; một nền giáo dục tập trung vào cung cấp kiến thức, không tập trung vì sự phát triển con người cũng làm giảm giá trị cao quý của nghề giáo.
"Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo được những giá trị cao quý của nghề giáo như Bộ trưởng nói là sự tôn nghiêm của giáo dục thì trước hết giáo dục phải đi đúng mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã vạch ra. Đó là chuyển từ nền giáo dục chủ yếu cung cấp kiến thức sang nền giáo dục hướng tới sự phát triển con người vì sự tiến bộ và hành phúc của mỗi đứa trẻ. Đó là mục tiêu của giáo dục nhưng cũng là mục tiêu của mỗi thầy cô giáo", nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Vì theo ông, nếu thầy cô giáo chạy theo thành tích thì đó là vì mình, vì đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ học sinh; nếu chạy theo điểm số sẽ gây áp lực với học trò, không đảm bảo giá trị cần vươn tới, cần học sinh hướng tới, vai trò vị trí nhà giáo bị lu mờ, hoặc giá trị sẽ bị bào mòn.
Do vậy, trước hết phải thực hiện nghiêm túc đúng đường lối của Đảng là giáo dục hướng tới sự phát triển của mỗi đứa trẻ, hướng tới sự phát triển của con người, không chạy theo thành tích, điểm số. Chạy theo thành tích, điểm số là một bệnh và có căn nguyên của nó nên phải kiên quyết phải thay đổi.
Nghị Quyết 29 là tư tưởng chiến lược rất sáng tỏ đường đi của giáo dục. Con tàu giáo dục đi đúng mục tiêu của Đảng thì sẽ đưa ngành phát triển, đưa mục tiêu giáo dục trở về vịt rí tôn nghiêm vốn có, giữ trọn được niềm tin với nhân dân.
Một vấn đề nữa theo Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cần quan tâm hiện nay là đào tạo đội ngũ. Quan điểm lâu nay đào tạo giáo viên để ra dạy kiến thức, như thế mỗi nhà giáo chỉ đơn giản là một thợ dạy. Trường sư phạm không phải chỉ đào tạo giáo viên, đào tạo thợ dạy mà phải đào tạo nhà tâm lý, nhà giáo dục tài năng. Chỉ có nhà tâm lý mới thuyết phục được học sinh, mới hướng dẫn, dẫn dắt học sinh đi theo con đường rèn luyện thành người; chỉ có nhà giáo dục mới có năng lực thương yêu để chinh phục học trò để dẫn học trò đến giá trị con người, nếu không kết quả chỉ là một bồ chữ.
Đào tạo giáo viên không chỉ trở thành giáo viên dạy giỏi, hoàn thành dạy kiến thức mà đào tạo giáo viên trở thành những người truyền cảm hứng. Mỗi thầy cô giáo phải trở thành 1 nhà tâm lý, tự giải quyết được vấn đề tâm lý trong học đường thì mới không có áp lực, không có bạo lực, giáo dục mới chất lượng.
Phá vỡ rào cản thành tích
"Tôi cho rằng, rào cản lớn nhất để giáo dục khó đạt được kỳ vọng của các nhà quản lý, khó có thể đạt được bước tiến về chất lượng đó là vẫn còn bị đè nặng tư tưởng thành tích điểm số", Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nói.
Ông cho rằng điều này được bắt đầu từ Bộ GD&ĐT. Bộ cần đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá để loại bỏ cuộc "chạy đua" kiến thức. Để thay đổi được tư tưởng này là một khó khăn cần chặng đường dài. Hơn 40 năm nay, giáo dục Việt Nam bị đè nặng bởi căn bệnh này. Nếu không kiên quyết thực hiện, giáo dục Việt Nam sẽ bị đắm chìm mãi.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa quay trở lại vấn đề đội ngũ. Cơ bản các nhà giáo hiện nay được đào tạo 30 - 40 năm trước nên vẫn theo thành tích, điểm số. Đa số đòi hỏi phải trả cho họ quyền cầm thước trong tay để được răn đe học trò. Vì vậy cần phải có chiến lược bồi dưỡng, tập huấn lại theo tư tưởng mới.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến rào cản từ chế độ đãi ngộ đó là đồng lương.
"Theo tôi, đồng lương quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định bởi vì lương có cao mà tâm không sáng, không có phương pháp thì vẫn chỉ là thợ dạy làm sao giáo dục nâng tầm. Lương quan trọng nhưng không quyết định. Vấn đề là cách ứng xử giữa con người với con người trong giáo dục, ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học trò...
Những ứng xử này phải mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, tạo động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên. Đồng lương cũng thật vô cùng, càng cao thì càng kỳ vọng, càng kỳ vọng thì càng chạy theo đồng tiền dẫn đến lệch hướng với giáo dục. Tâm họ không sáng nữa, mờ đi. Do vậy, lương không phải rào cản", nhà giáo Nguyễn Văn Hòa giãi bày.
Như vậy, ông cho hay muốn giáo viên thực sự trở thành nhà giáo dục thì họ phải thay đổi và cần rất nhiều thời gian. Tất nhiên, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
Giáo viên đang đặt nhiều kỳ vọng làm khó Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn Một mình thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ rất khó có thể tạo ra những thay đổi nếu không có sự chuyển biến của nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn ngành giáo dục. Ngay sau khi thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trên các phương tiện thông tin đại chúng...