Bi hài chuyện ‘Tây’ khóc lóc trước toà ‘Ta’
Sang Việt Nam rồi phạm tội, nhiều ông “Tây” khi ra trước vành móng ngựa, khóc lóc thảm thiết khiến những ai chứng kiến, cũng đều cảm thấy mủi lòng…
Tuy nhiên, đó có phải là những giọt nước mắt xuất phát từ sự hối hận, hay chỉ là một màn kịch nhằm tác động đến Hội đồng xét xử?
Khóc vì… gái
Hussain.
Một buổi sáng cuối năm 2009, chiếc xe bít bùng của Lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp dừng lại trong khuôn viên Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM. Lúc cửa xe mở ra, khá nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến trong số các bị cáo vừa bước xuống, có một người đàn ông nước ngoài, đẹp trai, cao lớn, da ngăm đen, áo sơ-mi trắng bỏ trong quần, mắt dáo dác nhìn ngang ngó dọc như đang muốn tìm kiếm ai đó. Lúc ánh mắt anh ta dừng lại nơi một phụ nữ dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh đẹp, đứng thu mình khóc sụt sịt ở một góc thì cơ hồ như anh ta không bước nổi nữa, mặc cho sự thúc giục của bộ phận dẫn giải.
Người đàn ông ấy tên là Hussain Ajimal, 28 tuổi, quốc tịch Pakistan, và cô gái người Việt đang khóc chính là vợ anh ta. Tốt nghiệp đại học, Hussain sang Việt Nam để tìm việc làm. Một thời gian, Hussain quen với một thiếu nữ Việt Nam rồi sau đó là một đám cưới.
Những tưởng Hussain sẽ “yên bề gia thất”. Ai dè ít lâu, qua công việc và qua giao tiếp hàng ngày, Hussain nhận ra rằng có khá nhiều cô gái Việt, giỏi tiếng Anh, mơ ước lấy được chồng “ngoại” để một ngày đẹp trời nào đó, hân hoan leo lên cầu thang máy bay, qua “bển”, một bước thành Việt kiều – cho dù là Việt kiều Congo hay Somali!
Và thế là những lúc rảnh rỗi, Hussain vào mạng Internet, chat làm quen với nhiều cô. Trong số những cô này, Hussain đặc biệt để ý đến H. Sau nhiều lần chat, email, gửi hình gửi ảnh, trực tiếp nhìn thấy nhau qua webcam, dần dà H. tin rằng anh chàng Hussain dù có hơi đen một tí, nhưng đẹp trai, nhất là lại… chưa vợ nên một tối, khi Hussain gõ những câu tỏ tình trên bàn phím máy tính, thì cô gật đầu liền.
Thế rồi chat qua chat lại, với những lời hứa hẹn, với tương lai hoành tráng ở mãi tận Pakistan, một bữa Hussain tha thiết mong được nhìn thấy… cơ thể của người yêu. Chẳng ngần ngại gì, H. cởi tuốt tuồn tuột mà không ngờ rằng, tất cả những hình ảnh nóng bỏng qua webcam ấy, đã được Hussain ghi lại.
Gần giữa tháng 4/2009, trong một lần chat, Hussain báo cho H. biết, là cuối tháng anh ta sẽ đến Việt Nam, rồi xin cô cái hẹn ngày, giờ, địa điểm gặp mặt. Lần diện kiến đầu tiên ấy, sau một hồi tán nhăng tán cuội, như khen H. duyên dáng, xinh đẹp, rằng anh ta có phước nên mới gặp được H., Hussain rủ H… lên giường!
Dù yêu Hussain, nhưng mới chỉ gặp nhau lần đầu tiên, mà Hussain đã “đòi” ngay nên H. từ chối. “Đòi” mấy lần không được, Hussain bèn hiện nguyên hình, rằng nếu H. không cho anh ta “ấy”, thì toàn bộ những clip video, ghi lại hình ảnh H. khỏa thân sẽ được Hussain tung lên mạng Internet, đồng thời anh ta còn gửi đến tận nhà N. cho mọi người coi.
Video đang HOT
Sợ vãi linh hồn. H. đồng ý sẽ cho Hussain…, nhưng hoãn binh bằng cách hôm nay cô… khó ở, và hẹn gặp lại Hussain vào chiều ngày 3/6. Ngay hôm sau, H. đến trình báo vụ việc với Cơ quan Công an. Tuy nhiên, khi gặp H., Hussain lại không “đòi” nữa, mà yêu cầu H. phải đưa cho anh ta 500U SD và lúc vừa đưa tay ra cầm tiền, Hussain bị Cơ quan Công an bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản.
Trong suốt thời gian Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng, nhân viên phiên dịch dịch lại ra tiếng Anh để Hussain hiểu vì sao mình bị truy tố. Ở phần thẩm vấn, cứ trả lời xong một câu và trong lúc chờ đợi người phiên dịch, dịch sang tiếng Việt, Hussain lại quay đầu xuống hàng ghế dành cho thân nhân bị cáo. Nét mặt anh ta vô cùng đau khổ khi nhìn thấy cô vợ của mình.
Theo lời trình bày của Hussain trước tòa, thì trong những lần chat sex (chat nói chuyện tình dục) với H., anh ta gợi ý H. khỏa thân cho anh ngắm, và số tiền 500 USD là tiền mà H. yêu cầu anh ta chuyển vào tài khoản của cô, coi như là “lệ phí” để được xem cô khỏa thân qua webcam. Hussain, nói: “Khi tôi không tiếp tục chuyển tiền nữa thì cô ta chửi rủa tôi rất thậm tệ. Vì tức giận nên tôi mới hành động như thế. Tôi không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật Việt Nam. Xin hãy tha cho tôi để tôi được về với vợ…”.
Nói xong câu này, Hussain chắp tay, lạy Hội đồng xét xử rồi bật khóc, nước mắt nước mũi ròng ròng như trẻ con mất quà. Nhưng dù có biện hộ thế nào chăng nữa, thì mọi nội dung chat giữa Hussain và H., vẫn còn lưu trong máy tính của cô. Lúc tòa tạm nghỉ để nghị án, và lúc được phép gặp vợ, Hussain vẫn… khóc: “Anh không phản bội em. Không gì có thể thay đổi được tình yêu của anh dành cho em. Xin tha thứ cho anh, anh đã bị nó lừa…”.
Khi nghe tòa tuyên phạt Hussain 1 năm tù giam vì tội cưỡng đoạt tài sản, anh ta lại khóc, còn cô vợ thì như người mất hồn. Lúc bước lên xe bít bùng để về trại giam, Hussain vẫn cố ngoái đầu lại, nhìn vợ. Chẳng hiểu mai đây khi ra tù, hạnh phúc có còn chờ đợi Hussain nữa hay không?
Khóc vì 12 năm tù
Ngày 30/6/2009, TAND TP HCM mở phiên xét xử vụ án người nước ngoài đến Việt Nam trộm cắp thông tin về nhân thân và giả mạo chữ ký để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Đứng trước vành móng ngựa là một người đàn ông da đen, cao lớn, tên Nzinga Dongard Jean, 35 tuổi, quốc tịch Pháp. Trong khi chủ tọa công bố quyền của bị cáo, thì Nzinga mắt mũi đỏ hoe, y như vị chủ tọa chỉ cần nói thêm vài câu nữa, là anh ta… khóc.
Bản cáo trạng thể hiện: Ngày 7/12/2007, Phòng An ninh kinh tế, PA17 – Công an TP HCM nhận được công văn của Ngân hàng Societe Generale ở Pháp, đề nghị điều tra làm rõ việc Nzinga đánh cắp thông tin nhân thân của người khác, rồi giả mạo chữ ký để lấy tiền.
Trước đó, ngày 26/11/2007, Chi nhánh Valmy của Tập đoàn Ngân hàng Societe Generale sau khi nhận được lệnh chuyển tiền qua đường bưu điện, và sau khi kiểm tra chữ ký của người ra lệnh, Societe Generale đã chuyển 50 nghìn euro đến tài khoản số 130-10-37005195-7, mở tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (NH ĐT&PT VN), Sở giao dịch số 2, 177 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM với chủ tài khoản là ông Debreu Stanislas, công dân Pháp.
Ngày 29/11/2007 Chi nhánh NH ĐT&PT VN, Sở giao dịch số 2 nhập tiền vào tài khoản. Ngay trong ngày hôm sau, chủ tài khoản đã đến, rút hết 50 nghìn euro.
Ngày 3/12/2007, một lần nữa Societe Generale Valmy lại nhận được lệnh chuyển 79 nghìn euro qua đường bưu điện vào tài khoản số 0071374180054 mở ngày 28/11/2007 tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, số 63-65 Ngô Gia Tự, chủ tài khoản vẫn là ông Debreu Stanislas. Tuy nhiên, khi kiểm tra, Societe Generale từ chối việc chuyển tiền bởi lẽ theo hồ sơ đăng ký, chủ tài khoản sử dụng cùng một hộ chiếu đã khai tại NH ĐT&PT VN, nhưng với địa chỉ khác. Nghi ngờ đây là giao dịch giả, nên ngưng, Societe Generale gửi công văn cho PA17, đề nghị điều tra làm rõ.
Ngày 7/12/2007, khi Nzinga Dongard Jean dùng passport giả là ông Debreu Stanislas đến Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam số 63-65 Ngô Gia Tự, quận 10 để rút tiền thì bị Cơ quan Công an mời về trụ sở. Thoạt đầu, anh ta khăng khăng, rằng Stanislas chính là mình, và việc anh ta rút tiền là để mua bán quần áo. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các chứng cứ, thì Nzinga bắt đầu… khóc: “Tôi tên thật là Nzinga Dongard Jean, ngườI Nigeria, quốc tịch Pháp. Tôi nhập cảnh Việt Nam qua đường Canpuchia”
Vẫn theo lời khai của Nzinga, tại Campuchia, anh ta quen một người Pakistan, tên Ibrahim, quốc tịch Parkistan. Do túng thiếu, nên khi Ibrahim đề nghị anh ta thực hiện một phi vụ để kiếm 1.500 USD, thì Nzinga nhận lời ngay.
Phi vụ ấy là dán ảnh Nzinga vào hộ chiếu của ông Stanislas, rồi sang TP HCM mở tài khoản tại NH ĐT&PT VN. Mở xong, Nzinga báo cho Ibrahim biết. Tiếp theo, Ibrahim giả chữ ký của ông Stanislas để làm lệnh chuyển tiền, còn Nzinga chỉ việc đến ngân hàng, rút tiền ra.
Thấy ngon ăn, nên khi nghe Ibrahim đề nghị làm tiếp phi vụ thứ hai, Nzinga nhận lời liền. Ngày 7/12/2007, anh ta đến làm thủ tục rút tiền thì bị bắt.
Trước tòa, Nzinga mắt đảo như lạc rang về phía vị đại diện của Tổng lãnh sự quán Pháp như mong chờ một sự bảo vệ. Tới hồi nghe người phiên dịch, dịch lại mức hình phạt 12 năm tù mà Viện Kiểm sát đề nghị, thì Nzinga khóc ngất, hai tay chắp lại, vái như tế sao. Nhìn ông Tây đen nước mắt nước mũi nhễu nhão, người tham dự phiên tòa phải cố cắn răng mới nén được tiếng cười.
Được phép nói lời cuối cùng, Nzinga sụt sùi: “Vì muốn có tiền sống qua ngày nên tôi mới làm vậy. Ibrahim bảo tôi, tiền này từ Ngân hàng Pháp chuyển qua, Ngân hàng Việt Nam chỉ là trung gian thôi chứ có lấy tiền của Ngân hàng Việt Nam đâu mà vi phạm pháp luật Việt Nam. Bây giờ tôi mới biết tội mình nặng quá. Xin quý ông thương tình, tha tội cho tôi”…
Cuối cùng, Nzinga nhận mức án 12 năm tù. Cho đến khi lên xe trở về trại giam, anh ta vẫn khóc!
Khóc vì… đói quá, hóa liều!
Kelechi.
Khi được gọi lên trước vành móng ngựa, và khi vị chủ tọa phiên tòa bắt đầu tiến hành thủ tục thẩm vấn lý lịch bị can thì cũng là lúc George Obed, 19 tuổi, quốc tịch Nigeria bắt đầu… khóc.
George khóc to đến nỗi sáng ngày 25/9/2009 hôm ấy, khá nhiều người đã đổ về phòng xử B – TAND TP HCM để xem. George, nước mắt nước mũi giàn giụa, quỳ mọp trước vành móng ngựa, hai tay chắp lại, liên tục vái Hội đồng xét xử. Khi bộ phận Cảnh sát hỗ trợ tư pháp theo lệnh của chủ tọa phiên tòa, đến đỡ anh ta dậy thì hai tay anh ta nắm chặt vào vành móng ngựa, còn đầu thì cứ ngước lên cúi xuống. Cảnh tượng có một không hai!
Theo cáo trạng, sáng ngày 27/11/2008, Leonard Chigbogu 26 tuổi, là bạn cùng quê với George, chở George trên chiếc xe gắn máy thuê mướn. Đang lang thang trên đường, cả hai tình cờ nhìn thấy một phụ nữ phương Tây, vai đeo túi xách, được một tài xế xe ôm chở đi. Nghĩ trong túi xách có tiền, có tài sản đáng giá nên Leonard và George nảy ra ý định giật dọc.
Hai gã “Tây đen” bám theo bà khách. Đến đường Đề Thám, quận 1, Leonard cho xe mình áp sát chiếc xe ôm, để George vươn tay giật túi. Nhưng do chiếc túi xách được bà khách Tây quàng qua người nên George không giật được. Do mất thăng bằng, cả hai xe đều ngã xuống. Nghe tiếng bà khách la oai oái, người dân chung quanh đổ xô ra, rồi tóm được George, còn Leonard nhanh chân, lủi mất.
Tiến hành thẩm vấn, mặc dù chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần yêu cầu George đứng lên để trả lời, nhưng anh ta vẫn quỳ, vẫn khóc: “Nhà tôi nghèo lắm, tôi theo bạn bè qua Việt Nam buôn bán quần áo kiếm tiền sinh sống nhưng thất bại. Đã mấy ngày tôi không còn tiền để ăn. Tôi không phải là kẻ cướp giật. Vì đói quá tôi mới làm liều. Xin đừng kết án tù tôi”.
Hành vi đói quá làm liều này, đã mang lại cho George hậu quả 2 năm tù giam về tội cướp giật tài sản.
Cũng tương tự như vậy, Octavier, 24 tuổi, quốc tịch Nigeria ra tòa vì giật tiền của một nhân viên bán hàng khi anh ta vào cửa hàng giả vờ mua một chiếc đồng hồ.
Khi được phép nói lời cuối cùng và khi nói xong, Octavier biểu diễn một kiểu “năn nỉ” Hội đồng xét xử rất độc chiêu: Anh ta đi… thụt lùi từ vành móng ngựa xuống hàng ghế dành cho bị cáo, vừa đi vừa khóc, hai tay chắp trước ngực, lạy liên hồi: “Xin đừng bắt tôi ở tù. Tôi giật tiền để mua bánh mì ăn thôi vì hai ngày nay, tôi chỉ sống bằng nước lã”.
Lạy thì lạy, khóc thì khóc, nhưng hành vi cướp giật vẫn phải trả giá bằng 1 năm tù giam.
Một kiểu khóc nữa: Kelechi Gabriel Kechinyere cùng Ogwa Bobby đón taxi Vinasun đi từ cầu chữ Y, quận 8 đến khu vực đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 thì Kelechi yêu cầu tài xế là anh Huỳnh Thanh Tùng dừng lạI cho Ogwa xuống.
Sau đó, Kelechi hỏi giá đi sân bay là bao nhiêu. Anh Tùng nói 10 USD. Nhận tờ 100 USD từ tay Kelechi, anh Tùng thối lại 1.430.000 đồng. Tuy nhiên, lúc đến đường Trương Định, Kelechi yêu cầu anh Tùng quay xe lại đường Phạm Ngũ Lão. Nghi ngờ, anh Tùng gọi một người bạn nhờ kiểm tra tờ 100 USD. Biết là đã “bể”, Kelechi bỏ chạy nhưng bị quần chúng bắt giữ. Tiến hành kiểm tra nhà Kelechi, Cơ quan Công an phát hiện thêm 3 tờ tiền loại 100 USD giả.
Khi nghe Hội đồng xét xử 3 năm tù về tội “lưu hành tiền giả”, Kelechi không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt nước mũi cứ tuôn ra ròng ròng.
Hiện nay, con số người nước ngoài không nghề nghiệp, không nơi cư trú, sống lang thang ở TP HCM đã lên đến con số nghìn. Và nếu không có những biện pháp quản lý hữu hiệu, thì khi bị bắt rồi lúc ra tòa, chuyện họ khóc, họ lạy là chuyện chưa thể chấm dứt.
Theo Công An Nhân Dân