Bi hài chuyện lắp thiết bị giám sát học lái xe ôtô
Theo quy định mới, các trường hợp học lái xe ôtô phải lắp thiết bị giám sát. Thế nhưng, nhiều học viên và giáo viên gặp phải tình huống bi hài.
Theo quy định, sau ngày 01.01.2022, mọi xe thực hành của học viên tại trường lái phải lắp thiết bị giám sát nếu muốn được hoạt động đào tạo. Không lắp thiết bị giám sát học viên lái xe, trung tâm sát hạch sẽ bị xử phạt theo quy định của Nhà nước.
Hiện nay, tất cả các xe học lái đã được lắp thiết bị giám sát. Thế nhưng, nhiều giáo viên và học viên học lái xe ôtô kêu trời vì thiết bị giám sát.
Nhiều giáo viên cho rằng lắp thiết bị trên xe học lái là cứng nhắc. Ảnh H.A
Giáo viên Mai Lâm Quý, Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh cho biết: “Từ khi lắp thiết bị giám sát thực hành chúng tôi gặp phải không ít khó khăn. Mỗi lần lên xe xuống xe phải quẹt thẻ vô cùng bất tiện. Nếu như quên quẹt thẻ hoặc thẻ bị trục trặc coi như công sức buổi học của cả thày cả trò đổ xuống sông, xuống biển”.
Anh Quý cho biết thêm, theo quy định mới giờ học lái xe thực hành trên đường giao thông đã tăng lên. Cụ thể, đối với hạng B1 (học xe số tự động) tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 20 giờ lên 24 giờ, số km học theo quy định là 710 km. Đối với hạng B1 (số sàn) và hạng B2, tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 36 giờ lên 40 giờ. Số km học theo quy định là 810 km.
Việc học lái xe trên đường giao thông có rất nhiều tình huống nên việc lắp hành trình theo dõi là rất cứng nhắc. Ví dụ như theo quy định đi trong quá trình học lái xe 2 tiếng phải nghỉ đủ 15 phút, nhưng nếu gặp phải trời mưa hay sự cố cần phải di chuyển thì lại không đáp ứng theo yêu cầu.
Anh Quý cho biết thêm, thời gian qua có học viên ở Sơn La học lái xe ôtô trên đường giao thông đủ 710 km. Thế nhưng, khi gửi dữ liệu về trung tâm bị lỗi hơn 300 km. Vậy là học viên này phải học lại 300 km mới được đi thi. Toàn bộ chi phí xăng xe, học lái phát sinh mất thêm 5 triệu đồng.
Video đang HOT
Không chỉ giáo viên mà ngay cả học viên học lái xe ôtô cũng cảm thấy khó chịu với thiết bị giám sát xe dạy lái. Anh Trần Hòa, một học viên lái xe ở Nam Định cho biết: “trên xe ôtô tập lái có lắp camera chiếu thẳng vào mặt khiến tôi vô cùng căng thẳng. Khi lái xe tôi khó mà tập trung được vì cảm giác bị theo dõi thời gian dài rất khó chịu”.
Còn chị N.T.T, một học viên lái xe ở Hà Nội thì tỏ ra bức xúc: “Hôm trước tôi học lái gần 2 tiếng đồng hồ trên đường giao thông với giáo viên nhưng sau đó giáo viên cho biết đường truyền bị lỗi phải học lại. Toàn bộ chi phí học lại do tôi phải chi trả. Tôi rất bực mình về vấn đề này vì lỗi này không phải do tôi. Thế nhưng tôi không muốn làm to chuyện vì mình còn chưa thi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nộp số tiền mà giáo viên yêu cầu”.
Có thể nói việc lắp thiết bị giám sát xe tập lái nhằm quản lý tốt hơn quá trình đào tạo lái xe. Tuy nhiên, việc lắp các thiết bị này đang gây khó chịu cho giáo viên và học viên nên không ít người đề nghị tháo bỏ.
Lái xe trên đường cao tốc dễ hay khó?
"Lái xe trên đường cao tốc thường chỉ cần chú ý đi đúng làn, đúng vận tốc cho phép và giữ đúng khoảng cách là đã đảm bảo an toàn đến trên 90% rồi", độc giả Vũ Văn Hùng với kinh nghiệm 30 năm lái xe chia sẻ.
Đề xuất mới đây của Cục Cảnh sát giao thông về việc đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe ô tô, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận cũng như độc giả VietNamNet.
Hầu hết ý kiến xoay quanh tính cần thiết của đề xuất trên, đồng thời tranh luận về việc lái xe trên đường cao tốc có khó hơn trên đường phố hoặc đường trường hay không?
Lái xe trên đường cao tốc có khó hơn đi đường phố hoặc đường quốc lộ, tỉnh lộ hay không? (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)
Dưới đây là bài viết của độc giả Vũ Văn Hùng (53 tuổi, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa gửi về cho VietNamNet nêu quan điểm xung quanh vấn đề này:
Cá nhân tôi không dám phán xét việc đề xuất đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào nội dung học lái xe là đúng hay sai, cần thiết hay không, bởi các cơ quan hữu quan chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào áp dụng vào thực tế. Tuy vậy, xin mạn phép đưa ra một vài góc nhìn.
Tôi từng nhiều năm lái xe cho một số doanh nghiệp nhà nước, từ xe con, xe đưa đón cán bộ, thậm chí cả xe tải,... được đặt chân đến hầu hết các tỉnh của 3 miền đất nước.
Nếu chia các loại đường của Việt Nam chúng ta thành 3 loại chính là đường phố (trong đô thị, khu đông dân cư), đường trường (các loại quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ,...) và đường cao tốc thì đa số cánh lái xe chúng tôi cho rằng, chạy đường cao tốc là dễ nhất.
Lý do là đường cao khá đẹp, rộng rãi, ít giao lộ và không có xe máy (trừ một số tuyến được gọi là cao tốc nhưng vẫn cho xe máy chạy chung tôi không tiện nêu tên). Lái xe trên đường cao tốc thường chỉ cần chú ý đi đúng làn, đúng vận tốc cho phép và giữ đúng khoảng cách là đã đảm bảo an toàn đến trên 90% rồi.
Chưa kể, các xe ô tô con đời mới hiện nay rất hiện đại, có trang bị nhiều tính năng hỗ trợ người lái như cruise control, giữ làn đường, cảnh báo va chạm, bản đồ,... nên thực sự lái xe trên cao tốc rất nhàn.
Trong khi đó, đi đường trường như đường nông thôn, đường đèo dốc,... có tính phức tạp cao nhất, lái xe luôn phải đối mặt với những mối nguy hiểm, xung đột giao thông lớn, nhiều phương tiện cắt ngang, hay thậm chí cả động vật như bò, chó,... bất chợt chạy ra đường. Còn đi đường phố thì tất nhiên là rất mệt, nhất là khi phải nhích từng mét do tắc đường.
Vậy, lái xe ở cao tốc khó hay dễ?
Nói lái xe trên cao tốc nhàn nhất nhưng không có nghĩa là lái xe trên cao tốc là "dễ" nhất, bởi đường cao tốc được thiết kế đi với tốc độ rất cao, mọi sai lầm, bất cẩn có thể không có cơ hội sửa sai, thậm chí trả giá đắt bằng cả mạng sống. Do vậy đòi hỏi người lái phải có một số kinh nghiệm cũng như kỹ năng xử lý nhất định.
Tôi lấy ví dụ như đi trên cao tốc, nếu lái xe với tốc độ chậm thì nên sang làn bên phải, nhường làn bên trái ngoài cùng cho những xe có tốc độ cao hơn. Hay khi nhập làn vào cao tốc cần nhập vào từ làn ngoài cùng bên phải, rồi quan sát và tăng tốc dần,...
Quay trở lại với việc đề xuất bắt buộc người học lái ô tô phải được thực hành trên đường cao tốc trước khi cấp giấy phép lái xe, tôi nghĩ đây là ý tưởng tốt giúp những học viên nắm được những kỹ năng cơ bản khi đi trên cao tốc. Tuy vậy, đề xuất này lại thiếu khả thi trong điều kiện hiện nay.
Thứ nhất, đường cao tốc với lưu lượng phương tiện lớn và tốc độ cao tuyệt đối không phải là "bãi thử" cho những tay tập lái còn chưa được cấp bằng. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Còn để các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe bỏ kinh phí để tự xây dựng một đoạn đường vài chục km theo chuẩn đường cao tốc chỉ để học viên tập lái là điều không thể.
Thứ hai, đi trên cao tốc tất nhiên phải trả thêm tiền, bao gồm tiền xăng xe, tiền phí đường bộ,... khi bổ sung thêm học phần này vào chương trình đào tạo lái xe sẽ cộng thêm không ít chi phí, tạo gánh nặng lớn lên học viên mà chưa biết hiệu quả đến đâu.
Hơn nữa, như tôi nói ở trên, với 3 loại đường chính thì đường trường có tính phức tạp cao, dễ xảy ra tai nạn nhất. Khi học lái xe, chúng ta đã được thực hành trên loại đường này thì việc thực hành trên loại đường "nhàn chân" hơn như cao tốc là không cần thiết.
Và thứ ba, khi học lái xe, học viên luôn được dạy các bài đi chậm rồi mới đến đi nhanh. Nếu đi chậm trong bãi tập hoặc các đoạn đường trường (dù là ít ỏi) còn chưa thạo, chưa xử lý tốt thì việc dạy ngay học viên đi với vận tốc trên dưới 100 km/h chẳng khác nào "chưa học bò đã lo học chạy".
Nên có nhiều tình huống lái xe trên đường cao tốc vào phần mềm mô phỏng lái xe
Mặt khác, trong khi chương trình học lái xe mới đây đã có phần mô phỏng tình huống trên ca-bin rồi, nên chăng kết hợp các tình huống lái xe cơ bản trên cao tốc như nhập làn, chuyển làn, vượt xe,... trên các phần mềm này, vừa thiết thực lại vừa giúp học viên có thêm kỹ năng.
Tôi nghĩ rằng, lái xe là cả một quá trình tích luỹ lâu dài, thậm chí những người được gọi là "tài già" như chúng tôi vẫn không thể nói rằng mình lái tốt và chủ quan được.
Do vậy, tôi nghĩ các trung tâm tổ chức bổ túc thêm cho học viên về kỹ năng đi trên cao tốc sau khi được cấp bằng sẽ là phù hợp hơn thay vì bắt buộc một cách khiên cưỡng, gây tốn kém mà hiệu quả không cao.
Bí kíp lái xe an toàn trong mùa mưa bão, sấm chớp Dưới đây là một số kinh nghiệm lái xe an toàn giúp bác tài ứng phó với sự thay đổi bất thường của thời tiết mùa mưa bão. Những cách ứng phó thông minh giúp lái xe an toàn trong mùa mưa bão, sấm chớp. Ảnh: Oto Lái xe chậm, đều ga, không tăng ga đột ngột Các cung đường vào thời điểm...