Bi hài chuyện làm phim ‘hồn ngoại xác Việt’
Dẫu xuất hiện nhiều khen chê trái chiều, song đang có khá nhiều tác phẩm nước ngoài được các nhà sản xuất mang về Việt hóa để “chữa cháy” cho tình trạng khan hiếm kịch bản tốt.
Vạn sự khởi đầu nan
Xu hướng phim Việt hóa – làm theo kịch bản đã thành công của nước ngoài, bắt đầu cách đây khoảng hơn 10 năm, từ những bộ phim truyền hình được mua từ Thái Lan như Vòng xoáy tình yêu, Mộng phù du…”khai trương” Giờ vàng phim Việt cuối tuần của HTV. Tiếp theo là các phim Người mẹ nhí (kịch bản gốc của Tây Ban Nha), Nguyệt quán (Italy), Nhật ký Vàng Anh (Bồ Đào Nha), Hoa dã quỳ (Hàn Quốc)… Rồi Cô gái xấu xí (Comlumbia) và Những người độc thân vui vẻ (Trung Quốc) đã “mở màn” cho giờ vàng phim Việt lúc 21 giờ trên VTV3.
Sau đó xuất hiện thêm Cô nàng bất đắc dĩ (Argentina), Váy hồng tầng 24(Đài Loan), Cha và con (Italy) và nhiều nhất vẫn là những tác phẩm có gốc từ xứ kim chi như Gia đình phép thuật, Dù gió có thổi, Ngôi nhà hạnh phúc, Có lẽ nào ta yêu nhau, Lối sống sai lầm, Cô nàng bướng bỉnh, Anh em nhà bác sĩ, Người mẫu, Những nàng công chúa nổi tiếng, Vợ tôi là số 1, Cầu vồng tình yêu… Ngoài ra, còn một số phim Việt hóa nhưng nhà sản xuất “quên” không nêu xuất xứ khiến khán giả ném đá như Tình yêu trong sáng(Hàn Quốc), Sắc đẹp và danh vọng (Hong Kong)…
Phim Cô gái xấu xí.
Phim Những người độc thân vui vẻ.
Có thể nói, những bộ phim Việt hóa đã mở đường cho công nghệ làm phim mới – quay nhiều máy, quay trong phim trường, thu tiếng trực tiếp, cũng như nới rộng nhiều thể loại phim như sitcom (hài tình huống) với Lẵng hoa tình yêu, Mùi ngò gai và telenovela (tiểu thuyết truyền hình) với Cô gái xấu xí, Dù gió có thổi, Cô nàng bất đắc dĩ… Ưu điểm của loại kịch bản Việt hóa này là nâng cao được tính hấp dẫn và giải trí nhờ lời thoại hóm hỉnh, gần gũi với cuộc sống, cách thức giải quyết mâu thuẫn sinh động, tạo được những gút thắt, dằng dai liên quan giữa các tập, khiến cho khán giả muốn theo dõi các tập tiếp theo.
Về mặt khán giả, rõ ràng các phim Vòng xoáy tình yêu, Mộng phù du hay Nhật ký Vàng Anh, Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Ngôi nhà hạnh phúc… đã tăng rating cho giờ vàng phim Việt trên HTV, VTV và tạo được những phản hồi, bàn tán xôn xao trong dư luận dù trái chiều và rất quyết liệt – điều mà rất hiếm bộ phim truyền hình “made in Việt 100%” làm được. Chẳng hạn như bộ phim Cô gái xấu xí, tuy khởi đầu không được đánh giá cao nhưng theo chiều dài phim, những câu chuyện xảy ra trong phim tạo được bình luận, tranh cãi rộn ràng. Hoặc như Ngôi nhà hạnh phúc, dù bị chê tưng bừng khi so sánh với bản gốc của Bi-Rain và Song Hye Kyo nhưng khán giả vẫn thích bật ti vi lên.
Chỉ tại cái format
Có không ít chuyện bi hài đã xảy ra ở hậu trường làm phim Việt hóa. Một trong số nguyên nhân chính gây ra chuyện đạo diễn của phim Cô nàng bất đắc dĩ xin nghỉ ngang sau khi quay 20 tập là vì format (kịch bản) được mua từ Argentina. Ràng buộc từ phía bán format là không được thay đổi, không cho phép đạo diễn sáng tác như kịch bản của mình. Trong khi đó đạo diễn phàn nàn kịch bản đã Việt hóa nhưng có nhiều chi tiết không phù hợp với văn hóa người Việt nên phải sửa. Tất nhiên, cách giải quyết này của đạo diễn không nhận được sự đồng tình của nhà sản xuất, thế là ra đi.
Bộ phim truyền hình Dù gió có thổi được mua format từ bộ phim cùng tên rất ăn khách của Hàn Quốc thập niên 1990. Đạo diễn của phim Dòng máu anh hùng là Charlie Nguyễn được tin tưởng giao làm 20 tập đầu của phim này. Tuy nhiên, toàn bộ 20 tập đã quay phải bỏ vì chủ đầu tư cho rằng kịch bản đã bị thay đổi tới 90% và đạo diễn đưa quá nhiều yếu tố hài hước theo kiểu sitcom Mỹ vào phim, trong khi lẽ ra phải làm theo kiểu sitcom Hàn Quốc. Và kết cục, nhà sản xuất đã chấp nhận “thương đau” mất một số tiền không nhỏ cho 20 tập phim làm lại, đồng thời quyết định thay đạo diễn khác.
Video đang HOT
Phim Cô nàng bất đắc dĩ.
Nguyên nhân chính khiến VFC phải quyết định ngưng làm bộ phim Những người độc thân vui vẻ cũng tại format. Khi bắt tay vào làm tiếp phần 2, VFC muốn chấn chỉnh, bổ sung thêm về mặt nội dung để tăng tính hấp dẫn cho phim nên có đề nghị phía đối tác Trung Quốc gửi thêm kịch bản. Sau khi đọc số kịch bản mới này, VFC nhận thấy xu hướng khai thác vẫn là những câu chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt, dễ gây nhàm chán và không làm khán giả hào hứng nên cho phim dừng lại ở tập 171.
Vì sao phải mua kịch bản ngoại?
Trong khi tiền trả cho kịch bản Việt Nam trung bình chỉ từ 6-10 triệu đồng/tập phim, thì với những kịch bản nước ngoài tiền tác quyền lên tới vài ngàn USD/tập, còn đắt hơn thế với những kịch bản ăn khách. Mua xong còn phải thuê người dịch sang tiếng Việt, biên tập rất tốn kém… Những năm trước khi đi mua format kịch bản nước ngoài, các nhà sản xuất giải thích rằng, nguồn kịch bản hay trong nước quá thiếu. Và dù chưa hẳn phim của họ hay hơn phim của ta, nhưng có sức hút, có chuyện để xem hơn – một giải pháp an toàn để phim có khán giả, nhất là trong hoàn cảnh phải có phim để “lấp sóng” hay “mở màn” giờ chiếu phim mới.
Bây giờ khi đặt lại câu hỏi tại sao mua format của nước ngoài, câu trả lời của các nhà sản xuất vẫn lặp lại như cũ, và được bổ sung thêm “kịch bản phim trên 50 tập, 100 tập ở ta quá hiếm”. Ở ta hiện nay đa số kịch bản phim chủ yếu dừng lại ở 30- 40 tập, nhưng quá ít phim tạo được sức hút đối với khán giả từ đầu đến cuối. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng rõ ràng phim kém hấp dẫn lỗi đầu tiên tại kịch bản. Theo thời gian, việc đầu tư vào làm phim sitcom hay telenovela kéo dài cả trăm tập là cần thiết. Vì hiện nay máy móc tốt, đã có thiết bị ghi âm di động, phim trường riêng… giúp cho quy trình thực hiện phim thể loại này cũng dễ dàng hơn.
Một nhà sản xuất cho biết: “Chúng tôi thực sự không quá nghiêng về chọn phim Việt hóa, nhưng thời gian qua đã từng đặt hàng nhiều tác giả trong nước viết kịch bản dài trên 50 tập, song hầu hết họ đều không đáp ứng được yêu cầu, viết không kịp với kế hoạch sản xuất dự kiến, kịch bản càng dài thì càng đuối dần… Bởi thế, đi tìm những bộ phim hay của nước ngoài là giải pháp tốt nhất”.
Theo zing
Những sao Việt không ngại 'xấu đau đớn' trên màn ảnh
Phi Thanh Vân, Ngô Thanh Vân, Midu, Tâm Tít... tự hóa trang xấu xí, thậm chí thành nhân vật có hình thù kỳ dị, ghê gớm trong phim, MV.
Phi Thanh Vân
Người đẹp Phi Thanh Vân đã trở nên quen thuộc trong mắt khán giả với vẻ sexy, gợi cảm. Nhưng ít ai ngờ cũng có lúc cô không thể xấu hơn khi tham gia bộ phim Thẩm mỹ viện. Trong phim, cô vào vai cô gái Ái Lan ngây thơ, thật thà. Tuy nhiên, sau khi đi thẩm mỹ viện để tân trang nhan sắc, cô trở nên thực dụng và tham vọng. Kết cục là biến thành tàn phế vì bị đánh ghen.
Ngô Thanh Vân
Ngôi sao của bộ phim Bẫy rồng đã trút bỏ hình ảnh kiêu sa, mạnh mẽ để vào vai nữ chính trong tác phẩm điện ảnh Ngôi nhà trong hẻm. Trong vai người mẹ đau khổ khi mất đi đứa con, Ngô Thanh Vân đã thể hiện thành công sự ma quái, u ám cùng tâm lý phức tạp của nhân vật người mẹ trước nỗi đau mất con.
Midu
Hot girl nổi tiếng Midu ghi điểm với công chúng bởi sự dịu dàng, ngọt ngào, đầy quyến rũ. Nhưng khi tham gia bộ phim Tóc rối của đạo diễn Nguyễn Minh Chung, cô thực sự đã có mái tóc rối vô cùng ấn tượng. Vẻ đáng yêu, tinh nghịch của cô nàng vẫn không giảm đi.
NSƯT Ngọc Hiệp
Có lẽ ít người biết, người làm nên thành công của bộ phim Cô gái xấu xí- NSƯT Ngọc Hiệp lại có vẻ đẹp rất đằm thắm, mặn mà ở ngoài đời.
Khương Ngọc
Tuy không phải nam diễn viên điển trai nhất Vbiz, nhưng Khương Ngọc lại gây dấu ấn bằng nụ cười duyên và gương mặt cá tính. Tham gia bộ phim Thiên mệnh anh hùng trong vai phản diện với tạo hình vô cùng dữ tợn: đầu trọc, mắt chột và khuôn mặt đầy sẹo, anh khiến khán giả khó có thể nhận ra nam diễn viên vui tính quen thuộc trên màn ảnh.
Cao Thái Sơn
Cao Thái Sơn không làm xấu để đóng phim mà là để đóng MV. Trong quá trình quay MV cho album Như hai người dưng, nam ca sĩ này đã không ngại "hủy hoại" khuôn mặt khi đóng vai một anh chàng bị tai nạn giao thông và một nửa khuôn mặt bị biến dạng. Tạo hình của Cao Thái Sơn trong album mới chắc chắn sẽ khiến nhiều fan sợ hãi vì độ "thật".
Minh Quân
Cũng như đồng nghiệp Cao Thái Sơn, Minh Quân cũng "phù phép" dung nhan của mình trong MV Cô bé dễ thương. Trong MV, nam ca sĩ đóng vai ông bố răng vẩu khó tính, luôn săm soi con gái. Ca khúc có giai điệu nhí nhảnh, hồn nhiên, cộng thêm tạo hình hài hước của Minh Quân sẽ khiến MV có sức hút đối với khán giả trẻ.
Elly Trần
"Hot girl ngực bự" Elly Trần đã gây ấn tượng mạnh khi vào vai Nana Ly - ma nữ mưu mô, xảo quyệt trong bộ phim điện ảnh Bóng ma học đường. Tuy đóng vai ma nữ, nhưng cô vẫn vô cùng sexy, nóng bỏng dù tạo hình có phần quái dị.
Tâm Tít
Hot girl Hà Thành - Tâm Tít đã có màn "lột xác" ngoạn mục khi đảm nhiệm vai ma nữ trong bộ phim kinh dị Giữa hai thế giới. Trong phim, vẻ đẹp trong sáng, đáng yêu của cô nàng được thay bằng sự ma mị, lạnh lẽo, cùng ánh mắt khiến người xem "rùng mình". Cô đã thực sự thành công trong việc "dọa ma" khán giả.
Theo Trithuctre
Bình Minh bị vợ nghi ngờ ngoại tình Vì "hay về trễ, lúc đi thì mặc một bộ đồ lúc về thì lại mặc bộ khác mà trên người thì lúc nào cũng nồng nặc mùi nước hoa phụ nữ" nên Bình Minh đã bị vợ sắp cưới Lan Phương trong phim "Cô dâu đại chiến 2" đặt nghi vấn ngoại tình. Bên cạnh sự trở lại của 2 cô dâu...