Bi hài chuyện Đinh Hoàng Max bỏ vợ và 3 con
Chuyện tình đẹp giữa cầu thủ người Nigeria Đinh Hoàng Max và Nguyễn Thị Như Mai tưởng như sẽ mãi đẹp lung linh, nhưng ít ai ngờ họ đã đường ai nấy đi gần 1 năm nay…
Đổi đời nhờ đá bóng ở Việt Nam
Trong giới cầu thủ, Đinh Hoàng Max không còn là cái tên xa lạ. Đinh Hoàng Max tên thật là Maxwell Eyerakpo, anh sinh ngày 6/6/1986 tại một vùng quê nghèo của đất nước Nigeria. Khi còn ở châu Phi, Maxwell phải bỏ học, vất vả kiếm sống trong một gia đình có đông con. Thế nhưng, nhờ có tài năng đá bóng, Maxwell đã được để ý.
Đinh Hoàng Max và Như Mai thời còn mặn nồng.
Năm 2003 Maxwell Eyerakpo có bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên cùng CLB Calabar Rovers (giải hạng hai Nigeria). Nhưng chỉ thi đấu một thời gian ngắn, trong cơn khủng hoảng, Calabar Rovers bên bờ giải thể, Maxwell được Union Bank FC chiêu mộ. Tuy nhiên, ở đội bóng này, cầu thủ sinh năm 1986 cũng chẳng mấy khá khẩm hơn, tiếp tục phải ngồi dự bị.
Cầu thủ người Nigeria sang Việt Nam từ năm 2005 với giấc mơ kiếm thật nhiều tiền để nuôi gia đình ở quê nhà. Đinh Hoàng Max đã gặp may mắn bởi chỉ sau vài năm thi đấu tại V-League, anh trở thành cầu thủ có số má, được chuyển nhượng với những khoản lót tay hậu hĩnh. Trong suốt hơn 10 năm tại Việt Nam, Hoàng Max đã thi đấu cho rất nhiều đội bóng tại V-League như Đồng Tháp, V.Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành, An Giang, Than Quảng Ninh và hiện tại là Cần Thơ. Đặc biệt, năm 2009, cầu thủ người Nigeria đã được HLV Henrique Calisto gọi vào ĐTVN thi đấu giao hữu với CLB Olympiakos của Hy Lạp tại SVĐ QG Mỹ Đình. Hơn 10 năm ở Việt Nam, Đinh Hoàng Max đã đổi đời thực sự và anh cũng muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này, khi quyết định lấy vợ và xin nhập tịch.
Mối tình đẹp của chàng cầu thủ châu Phi
Đinh Hoàng Max quen Nguyễn Thị Như Mai trong một lần đi bar. Ngay lập tức chàng trai người châu Phi và cô gái Việt như bị sét đánh. Họ làm quen với nhau và nảy sinh tình cảm với nhau lúc nào không biết.
Một gia đình tưởng như hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng giờ thì đường ai nấy đi.
“Maxwell tuy không đẹp trai, song lại rất đàn ông. Ngay từ cái nhìn đầu, tôi đã có thiện cảm,” Như Mai kể lại. Mối tình của Max và Mai trải qua nhiều sóng gió. Đinh Hoàng Max khi đó có số má ở V-League, đã bị các đồng đội can ngăn vì cho rằng có nhiều cô gái xứng đáng hơn. Trong khi đó gia đình Như Mai cũng phản đối vì chẳng hiểu Đinh Hoàng Max yêu thật lòng không, chưa kể cầu thủ này ở tận Nigeria, chuyện cưới xin sẽ rất rắc rối.
Thế rồi họ cứ đến với nhau bằng tình cảm chân thành. Hai người đã có ba con gồm hai trai (tên tiếng Việt là Phương Nam, Việt Nam), một gái (Mai Trâm). Gia đình nhỏ của Max sống ở TP.HCM, thu nhập của cầu thủ người Nigeria đủ sức lo cho gia đình. Trong suốt một thời gian dài, chuyện tình cảm giữa Max và Như Mai giống như một câu chuyện cổ tích, được báo chí khai thác. Đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, Đinh Hoàng Max luôn thể hiện mình là một chàng rể đảm đang, hiếu thảo với bố mẹ vợ.
Cuộc tình của họ tưởng như đẹp vĩnh cửu, nhưng ít ai ngờ nó đã tan vỡ một cách khó tin.
Ba đứa con bơ vơ không bố
Đã gần một năm nay, Như Mai cho biết cô không biết Đinh Hoàng Max đi đâu, làm gì và đau đớn nhất là cầu thủ này không một lần về nhà với vợ con. Vốn là người sống thoáng, chấp nhận yêu cầu thủ là đối mặt với nhiều sóng gió, thử thách, nhưng Mai không nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như này.
Cô và 3 đứa con nhỏ không nhà không cửa, phải ở nhờ nhà dì ruột. Như Mai hàng phải phải đi làm kiếm từng đồng nuôi con. Nhiều người thắc mắc là tại sao cô lại phải khổ như vậy khi lương của Đinh Hoàng Max không hề thấp. Đáp lại từ người phụ nữ này chỉ là ánh mắt buồn rười rượi.
“Tôi chưa bao giờ nhận được tiền của Max. Toàn bộ số tiền Max đều gửi hết về Nigeria. Bao năm qua tôi phải ở thuê, còn giờ thì phải ở nhờ nhà người thân,” Như Mai chia sẻ.
Càng đau đớn hơn khi Như Mai từng phải bán cả xe máy, vay mượn khắp nơi để chữa trị chấn thương cho Đinh Hoàng Max, vậy mà giờ như hai người xa lạ. Ba đứa congiờ cũng không còn nhớ gì về hình ảnh của ông bố nữa.
Thời gian gần đây, Như Mai lo lắng khi có nghe thông tin Đinh Hoàng Max muốn mang ba đứa con của mình về Nigeria. “Tôi sẽ làm tất cả để không mất con,” Như Mai ngẹn ngào.
Theo Vietnamnet
Nhiễm HIV, sốc ma túy và chuyện những cầu thủ Tây ở Việt Nam
Nên hay không nên gọi cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Việt Nam? Câu hỏi này đang gây ra những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Vừa qua, HLV Hữu Thắng đã bày tỏ nguyện vọng muốn gọi lên tuyển một số cầu thủ nhập tịch nhằm giúp đội tuyển mạnh hơn.
Những người đồng tình cho rằng các cầu thủ gốc nước ngoài một khi đã có quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên phải được đối xử như các cầu thủ nội. Nhưng ở chiều ngược lại, đa số ý kiến đều phản đối việc đội tuyển quốc gia có sự xuất hiện của những cầu thủ không mang dòng máu Việt.
Cầu thủ ngoại nhập tịch để làm gì?
Nguyễn Văn Rodgers trước khi sang Việt Nam chỉ là một anh chàng vắt sữa bò với thù lao chỉ 300 USD/tháng ở đất nước nghèo khó Kenya.
Nhưng với nền tảng thể lực tốt hơn so với cầu thủ Việt, anh được Thanh Hóa, lúc ấy vừa thăng hạng, chiêu mộ về thi đấu với mức lương cao gấp 10 lần so với công việc vắt sữa bò. Suốt bao năm chinh chiến ở V.League, Rodgers chỉ là một cầu thủ hạng xoàng dựa vào thể lực, và thậm chí còn không thể cạnh tranh về chuyên môn so với cầu thủ nội.
V.League đã giúp Rodgers đổi đời hoàn toàn, nhưng bây giờ anh vẫn đang lang thang từ Bắc vào Nam để xin việc.
Rõ ràng, V.League đã giúp Rodgers đổi đời thực sự, nên để bám trụ ở giải đấu này cách duy nhất đó là anh phải nhập tịch Việt Nam để thi đấu với tư cách nội binh. Nhưng ngay cả khi đã có quốc tịch Việt Nam, Rodgers vẫn thất nghiệp và bắt đầu lang thang từ Bắc tới Nam để xin thử việc ở các CLB V.League nhưng vẫn chưa đội bóng nào gật đầu.
Rodgers không phải trường hợp duy nhất mà thậm chí là trường hợp điển hình của tất cả các cầu thủ ngoại muốn nhập tịch Việt Nam.
Không khó bắt gặp các cầu thủ da màu ở khu phố tây Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão vẫn lởn vởn vì thất nghiệp. Nhiều cầu thủ do chưa đủ số năm để nhập tịch, đã nhờ người mai mối để kiếm vợ Việt Nam. Những khoản thu nhập kếch xù mà bóng đá Việt Nam mang lại đã khiến họ chấp nhận đánh đổi để trụ lại.
Nguồn thu nhập khủng từ V.League khiến các cầu thủ gốc Phi sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để có thể trụ lại ở Việt Nam.
Nói cách khác, mục đích chính của việc các cầu thủ ngoại chấp nhận nhập tịch Việt Nam về cơ bản là được tăng lương, tăng tiền lót tay và chỉ có nhập tịch mới trụ được ở đất nước hình chữ S, khi mà V.League bắt đầu hạn chế ngoại binh.
Nhưng ngay cả khi có quốc tịch Việt Nam, họ cũng không thể cạnh tranh với cầu thủ nội. Đó là lý do, tính đến thời điểm từ con số hơn 20 cầu thủ ngoại nhập tịch, V.League giờ đây chỉ còn lại 6 cầu thủ. Những cái tên như Đinh Văn Ta, Lê Tostao, Phan Lê Isaac, Phan Văn Santos... giờ đây cũng không ai biết đang ở nơi nào sau một thời gian không đội nào ngó ngàng tới.
Hiện tại, ngoài Hoàng Vũ Samson ra thì các cầu thủ còn lại trình độ không nhỉnh hơn là bao so với cầu thủ nội ở cùng vị trí.
Cầu thủ nhập tịch như con dao hai lưỡi
Mặc dù mang quốc tịch Việt Nam nhưng đa số cầu thủ nhập tịch đều không thành thạo tiếng Việt. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lẽ không thể nào quên hình ảnh những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley khi được gọi tập trung lên tuyển trong trận đấu giao hữu với Brazil không thể hát quốc ca Việt Nam. Santos còn mang trên mình lá cờ Brazil và hát quốc ca xứ samba.
Sau đó, Santos cũng đã làm mình, làm mẩy và thường xuyên vi phạm kỷ luật khi thi đấu ở V.League. Thậm chí khi phóng viên chào anh với cái tên Phan Văn Santos thì anh nhất quyết yêu cầu hãy gọi anh với cái tên là Fabio Dos Santos.
Thủ môn Santos lười tập và tăng cân cũng như thường xuyên vi phạm kỷ luật từ khi có quốc tịch Việt Nam.
Do khác biệt về ngôn ngữ nên họ rất ít khi đi chơi cùng các cầu thủ nội trong đội, hoặc nếu có chỉ là xã giao, ngay cả đấy là cầu thủ nhập tịch. Những màn đụng độ, cãi nhau giữa cầu thủ ngoại và cầu thủ nội xuất hiện nhan nhản trong các buổi tập vì các cầu thủ ngoại vẫn thường được ưu ái hơn trong vấn đề kỷ luật.
Thực tế, đời sống của các ngoại binh V.League cực kỳ phức tạp, đặc biệt là những cầu thủ châu Phi. HLV Huỳnh Đức có lẽ là người thấm nhất bài học này đến nỗi ông cạch mặt những nguồn hàng từ lục địa đen, vì các cầu thủ châu Phi tuy khỏe nhưng vô kỷ luật và thiếu chuyên nghiệp, ăn chơi quá dữ.
Cầu thủ Musisi từng bị nghi ngờ nhiễm HIV, sau đó qua đời và đúng là bị căn bệnh thế kỷ này. Hay như trường hợp của Molina đã qua đời vì sốc ma túy trong thời gian khoác áo CLB B.Bình Dương.
Với các cầu thủ nhập tịch thì đa phần họ mắc phải căn bệnh ngôi sao. Nhiều HLV ở V.League chia sẻ, lúc chưa có quốc tịch Việt Nam do phải cạnh tranh vị trí nên họ tập luyện chăm chỉ, nhưng khi đã có quốc tịch Việt Nam rồi thì họ rất lười biếng, có dấu hiệu tăng cân. Và thực tế, đa phần nếu như không muốn nói toàn bộ các cầu thủ nhập tịch đều thi đấu kém hơn so với chính mình khi chưa nhập tịch.
Cũng vì lẽ đó, nếu gọi các cầu thủ nhập tịch lên tuyển thì vô hình trung tạo nên khoảng cách cũng như những mầm mống gây bất ổn nội bộ của đội tuyển.
Những bài học nhãn tiền
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore và Philippines là 2 quốc gia thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ ở đội tuyển. Dù đội tuyển của họ thực sự có mạnh hơn trong một thời gian ngắn, nhưng về tổng thể không giúp nền bóng đá của 2 quốc gia này có thể lột xác và bay cao.
Singapore bây giờ đã bắt đầu hạn chế cầu thủ nhập tịch và tập trung hơn vào đào tạo trẻ. Họ thừa nhận rằng chính khoảng thời gian sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch đã khiến họ tước đi cơ hội cho các cầu thủ trẻ thi đấu ở ĐTQG.
Nhìn rộng ra ở khu vực châu Á, Nhật Bản cũng từng gọi một số cầu thủ nhập tịch gốc Brazil, nhưng ngay sau đó đã không gọi thêm bất cứ cầu thủ nào nữa thay vào đó gửi cầu thủ trẻ sang nước ngoài tu nghiệp. Sự tiến bộ của bóng đá Thái Lan hay bóng đá các quốc gia trong khu vực khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều không dựa vào cầu thủ nhập tịch.
Nói cách khác, việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển chưa chắc giúp đội tuyển mạnh hơn, nhưng chắc chắn khiến đội tuyển phải đối mặt với vô vàn rủi ro khác.
Theo Trí Thức Trẻ
5 chàng rể Việt "tỏa sáng" sân cỏ V-League 2015 Việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hạn chế ngoại binh thi đấu ở sân chơi V-League, điều này khiến không ít chân sút ngoại phải lao đao tìm chỗ đứng. Hãy cùng TinTheThao.com.vn điểm lại những chàng rể Việt "tỏa sáng" sân cỏ V-League 2015. 1. Tiền đạo Diatabe (ĐTLA) Bản hợp đồng "cuộc đời" ngày 14/1/2015 của tiền đạo Diatabe...