Bị đồng minh xa lánh, Mỹ quay sang Trung Quốc?
Trong khi quan hệ giữa Mỹ và nhiều đồng minh thân thiết đang căng thẳng vì scandal nghe lén và những khác biệt trong chính sách của Washington ở Trung Đông thì cường quốc số 1 thế giới lại đang có mối quan hệ tiến triển khá tốt đẹp với Trung Quốc.
Tổng thống Obama (bên phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp thân mật hồi năm ngoái
Một năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp quản quyền lãnh đạo Trung Quốc, giới chức cấp cao của Mỹ cho biết, họ đang chứng kiến mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được tăng cường trên một loạt vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc và Mỹ cũng đang mở rộng mối quan hệ tiếp xúc về mặt quân sự và coi đó như một cái “van an toàn” trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào.
Trên mặt trận kinh tế, Washington đang tập trung vào cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 9 đến 12/11 tới. Đây là cuộc họp mà người ta trông chờ ông Tập Cận Bình sẽ công bố kế hoạch chi tiết mở cửa hơn nữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đem đến sự lạc quan bằng thỏa thuận tái khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư và một khu vực thương mại tự do thí điểm ở Thượng Hải. Các chính sách này dự báo một cuộc cải cách sâu rộng hơn nhằm tháo bỏ những rào cản về đầu tư và thương mại ở Trung Quốc. Cả hai điều trên đều có thể giúp giảm khoản thâm hụt thương mại lên tới 300 tỉ USD hàng năm của Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ trong mối quan hệ Trung-Mỹ đều là màu hồng. Vẫn còn một loạt vấn đề gai góc khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng như nhân quyền. Phương Tây và Mỹ vẫn tìm cách “tấn công” vào vấn đề thực thi nhân quyền ở Trung Quốc.
Mâu thuẫn tiềm năng cũng đang lẩn khuất đâu đó trong những động thái ngày càng quyết liệt được miêu tả là chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng của Châu Á, trong đó có hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines.
Tuy nhiên, giới chức Trung, Mỹ cho biết, họ cam kết xây dựng cái mà Bắc Kinh gọi là “mô hình mới trong các mối quan hệ lớn” – một khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình nhằm giảm tối thiểu sự canh trạnh giữa Trung Quốc và Mỹ khi ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh tăng lên.
Đối với Washington, quan niệm về mô hình mới có nghĩa là “trên hành tinh Trái đất vẫn có chỗ cho một Trung Quốc thịnh vượng, ổn định, mạnh mẽ và đang ngày một nổi lên cũng như một nước Mỹ tiếp tục đóng vai trò là người bảo vệ, đấu tranh cho hệ thống dựa vào pháp quyền, thị trường tự do, dân chủ và tự do”, ông Daniel Russel – nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Châu Á.
Washington và Bắc Kinh dự định “tránh một mô hình mà trong đó một cường quốc mới nổi và một cường quốc tồn tại lâu nay xung đột với nhau”.
Video đang HOT
Minh chứng cho quan hệ tiến triển Mỹ-Trung
Ví dụ điển hình và cụ thể nhất mà giới chức Mỹ đưa ra để minh họa cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn giữa họ với Trung Quốc là vấn đề Triều Tiên. Triều Tiên vốn là một đồng minh thân thiết của Trung Quốc và là nước sở hữu một chương trình tên lửa đạn đạo được xem là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất Châu Á.
Washington từ lâu đã tìm cách thuyết phục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của nước này để kiềm chế Triều Tiên. Sức ép của các cường quốc dồn lên Trung Quốc tăng lên sau khi hồi đầu năm nay, Bình Nhưỡng bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 và sau đó là tung ra một loạt lời đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc.
“Chúng tôi đã chứng kiến Trung Quốc ngày càng sẵn sàng gây sức ép với Triều Tiên. Đó một phần là do vòng xoáy khiêu khích mà Triều Tiên tạo ra trong mùa xuân vừa rồi. Sự khiêu khích đó đang gây bất ổn cho khu vực và khiến Bắc Kinh lo ngại. Hơn hết, việc gây sức ép là phù hợp với lợi ích riêng của Trung Quốc”, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama, cho biết.
Trung Quốc trước đó thường bị Mỹ và các đồng minh chỉ trích vì không thực thi nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, hồi tháng trước, Bắc Kinh đã khiến Washington hài lòng khi công bố một danh sách chi tiết các công nghệ và hàng hóa mà nước này cấm xuất khẩu sang nước láng giềng Triều Tiên vì lý do những thứ đó có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Sự thu hẹp khoảng cách trong vấn đề Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc là kết quả chính mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama đạt được trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức hồi tháng 6 năm ngoái ở Rancho Mirage, California – một khu nghỉ vắng vẻ cho phép hai nhà lãnh đạo gặp sau 8 giờ đồng hồ trong hai ngày liền.
Cuộc gặp không chính thức đó chủ yếu được tổ chức ra nhằm tạo dựng lòng tin giữa hai nước Trung, Mỹ nhưng nó cũng đem đến kết quả là một thỏa thuận nhằm giảm tình trạng thải khí độc gây hiệu ứng nhà kính và tổ chức một nhóm làm việc chung để bàn về vấn đề an ninh mạng.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung Quốc phũ phàng trả đũa Philippines, Nhật Bản
Trong những cuộc tranh chấp biển đảo ở Châu Á hiện nay, Trung Quốc vấp phải thách thức quyết liệt từ Philippines và Nhật Bản. Để trả đũa, Bắc Kinh mới đây đã phũ phàng từ chối chuyền thăm của Tổng thống Philippines và hai lần quyết không gặp các quan chức Nhật Bản.
Tổng thống Philippines đã hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc theo đề nghị của Bắc Kinh
Trung Quốc phũ phàng từ chối Tổng thống Philippines
Trung Quốc hôm qua, (29/8) đã yêu cầu Tổng thống Philippines Benigno Aquino hoãn chuyến thăm đến nước này để tham dự lễ khai mạc một triển lãm thương mại diễn ra vào tuần tới. Đây rõ ràng là một hành động thể hiện sự tức giận của Bắc Kinh với Manila sau những cuộc đối đầu gay gắt giữa hai nước ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh, ngay từ đầu họ chưa bao giờ mời Tổng thống Aquino.
"Tổng thống Aquino đã quyết định không đến tham dự Triển lãm Trung Quốc-ASEAN sau khi xem xét đề nghị của phía Trung Quốc về việc hoãn chuyến thăm đến một thời điểm thích hợp hơn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines - ông Raul Hernandez cho biết.
"Về phía Philippines, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường mang tính nguyên tắc, đó là mối quan hệ song phương có thể phát triển bất chấp những bất đồng".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ không mời Tổng thống Aquino đến tham dự triển lãm. "Trung Quốc chưa bao giờ gửi lời mời đến Tổng thống Philippines".
Triển lãm thương mại diễn ra ở Nam Ninh, Trung Quốc tuần tới là một triển lãm chung giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Philippines là một thành viên.
Theo ông Hernandez, đề nghị của Trung Quốc về việc hoãn chuyến thăm của Tổng thống Aquino đã được trao cho chính phủ Philippines tối hôm thứ Tư (28/8), vài giờ sau khi ông này vừa thông báo kế hoạch thực hiện một chuyến thăm kéo dài 12 giờ tới Nam Ninh để tham dự lễ khai mạc triển lãm vào hôm 3/9 tới.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory Domingo sẽ đại diện Tổng thống đến tham dự triển lãm ở Trung Quốc từ ngày 3-6/9 tới bởi Philippines là "quốc gia danh dự" trong cuộc triển lãm năm nay.
Việc Trung Quốc phũ phàng từ chối chuyến thăm của Tổng thống Philippines đã phản ánh rõ nét mối quan hệ đang ngày một xấu đi giữa hai nước này vì tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á. Trong số này, Philippines là nước cứng rắn nhất và thách thức nhất. Manila đã kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế bất chấp sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh. Đây có lẽ là lý do khiến Trung Quốc có hành động phản ứng mạnh mẽ với Tổng thống Philippines như vậy.
Trung Quốc từ chối gặp song phương với Nhật Bản
Không chỉ phũ phàng từ chối Tổng thống Philippines, Trung Quốc còn khước từ các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hồi đầu tuần đã ám chỉ, sẽ khó có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nga vào tuần tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Li Baodong cho rằng, một cuộc gặp như vậy sẽ rất khó để tổ chức trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước Trung, Nhật đang căng thẳng như hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng kêu gọi tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cũng cho rằng, ông Abe hy vọng sẽ có một cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Hồi Cẩm Đào bên lề hội nghị G20 sắp tới
Thứ trưởng Li hôm thứ Ba (27/8) đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của phía Nhật Bản, miêu tả đó là hành động "không thành thật". Theo vị quan chức ngoại giao này, các cuộc họp hay gặp mặt không nên được tổ chức ra chỉ để "đơn giản bắt tay nhau hay chụp ảnh, mà là để giải quyết các vấn đề".
Ngoài từ chối cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cũng vừa xác nhận, họ đã không gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM ).
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi chính phủ ở Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và sau này là cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Hành động này của Trung Quốc nhiều lần đẩy hai nước Trung-Nhật đến sát bờ vực của một cuộc xung đột.
Bắc Kinh đặc biệt không hài lòng trước việc kể từ khi ông Abe lên cầm quyền, chính quyền của ông này đã duy trì một lập trường cứng rắn và kiên quyết không lùi bước trong cuộc tranh chấp với nước láng giềng Trung Quốc. Nhật Bản quyết liệt đối đầu với Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã ra sức củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản đồng thời tăng cường tìm kiếm liên minh để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Ông Abe đang tìm cách sửa đổi hiến pháp hòa bình để mở đường cho Nhật Bản xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh và có thể sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Bên cạnh việc tập trung củng cố sức mạnh nội tại, chính quyền của ông Abe trong thời gian vừa qua cũng liên tiếp thực hiện hàng loạt chuyến thăm đến các nước láng giềng xung quanh để tăng cường mối quan hệ hợp tác, tìm kiếm liên minh. Nhật Bản và Philippines là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Hai nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc và đang tìm đến với nhau để có thể đối chọi với một Trung Quốc ngày càng mạnh cũng như ngày càng hung hăng.
Theo_VnMedia
Tăng cường hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam - Australia Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, hôm nay (22/5), bà Anna Burke, Chủ tịch Hạ viện Australia đã tới Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 22-24/5. Chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia, sẽ là điểm nhấn,...