Bỉ đi đầu trong việc áp dụng kỹ thuật xác định DNA trong điều tra
Những công nghệ mới như lập bản đồ di truyền (DNA) đang ngày càng chứng minh sức mạnh to lớn trong cuộc sống cũng như hoạt động điều tra tội phạm.
Tuy nhiên, việc áp dụng luôn cần những khuôn khổ pháp lý mới, phù hợp với thời đại.
1. Ngày 22/2/2024, Hạ viện Vương quốc Bỉ đã chính thức bỏ phiếu thông qua bộ luật hình sự mới. Đây là một sửa đổi quan trọng của quốc gia được đánh giá là “bảo thủ” nhất châu Âu trong lĩnh vực hình sự khi họ vẫn đang sử dụng một bộ luật từ năm 1876 vốn được viết dựa trên bộ luật thời Napoleon. Những thay đổi quan trọng nhận được sự hoan nghênh của bộ luật mới là nó cho phép tăng cường áp dụng công nghệ, hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin cũng như trao cho Bộ Tư pháp của nước này có nhiều quyền lực hơn.
Đặc biệt, Bỉ đã đồng ý cho phép tìm kiếm DNA dựa trên nhiễm sắc thể Y. Đây là cách thức tiên tiến để giải mắt xích quan trọng trong điều tra tội phạm tình dục vì nó cho phép các nhà điều tra phân biệt DNA của tội phạm nam với DNA của nạn nhân. Đồng thời luật cũng cho phép chia sẻ thông tin DNA này để hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ, ông Paul Van Tigchelt vận động cho Luật Hình sự mới.
Hiện tại, cơ sở dữ liệu DNA của những người bị kết án, người mất tích cũng như dấu vết và nghi phạm hiện có tại Bỉ vào khoảng 150.000 hồ sơ. Các nhà điều tra có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu DNA của 23 quốc gia khác, cùng với đó là hàng triệu hồ sơ khác. Khi vật liệu di truyền được tìm thấy trong một vụ án phạm tội hoặc mất tích, nó sẽ được so sánh với hồ sơ trong tất cả các cơ sở dữ liệu này. Tuy nhiên, theo luật cũ, chỉ có thể thực hiện khớp trực tiếp giữa dấu vết và nghi phạm, có nghĩa là hồ sơ DNA của nghi phạm phải tồn tại trong một trong các cơ sở dữ liệu.
Một nghi phạm cũng có thể được xác định dựa trên sự trùng khớp một phần với hồ sơ DNA của một thành viên trong gia đình, nhưng chưa có bất kỳ khuôn khổ pháp lý nào cho việc này. Chính vì thế luật mới đã trở thành một bước đột phá khi tạo ra khung pháp lý mới cho phép các cơ quan điều tra tận dụng những công nghệ mới nhất nhằm xác định nạn nhân và tội phạm. Bộ trưởng Tư pháp Bỉ, ông Paul Van Tigchelt hồ hởi nói với báo giới sau khi luật được thông qua: “Điều này khiến đất nước chúng tôi trở thành một trong những nước đầu tiên có hệ thống như vậy”.
Theo các chuyên gia, các mẫu DNA trong các trường hợp mất tích giờ đây sẽ được so sánh tự động với cơ sở dữ liệu quốc tế về những người mất tích và không xác định danh tính, bao gồm cả hệ thống I-Familia của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Đây là bộ cơ sở dữ liệu chứa gần 10.000 hồ sơ DNA của các thi thể không xác định và hồ sơ DNA của người thân của những người mất tích trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là cơ hội để tìm kiếm đã mở rộng hơn rất nhiều, ngay cả khi đối tượng có thể đã rời khỏi đất nước.
Ông Paul Van Tigchelt nhấn mạnh: “Mối liên hệ với I-Familia rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ mất tích. Mối liên hệ này có thể giúp các thành viên gia đình của những người mất tích cuối cùng cũng nhận được câu trả lời được chờ đợi từ lâu cho câu hỏi của họ sau nhiều năm sống trong tình trạng lấp lửng”. Cùng với thời gian lưu giữ mẫu DNA của những người bị kết án đã tăng từ 6 tháng lên 30 năm thì khả năng mở rộng kỹ thuật này sẽ còn rất lớn theo thời gian.
Video đang HOT
Ký kết hợp tác giữa Cảnh sát Bỉ và INTERPOL.
2. Interpol đã rất hoan nghênh động thái mới này của Hạ viện Bỉ. Bởi theo họ, việc cho phép áp dụng những công nghệ mới cũng như chia sẻ thông tin sẽ giúp cho việc điều tra và tìm kiếm hiệu quả hơn. Khung pháp lý mới sẽ mở rộng việc sử dụng cơ sở dữ liệu của Interpol. Đồng thời giới lãnh đạo của Interpol cũng khuyến khích các quốc gia khác cho phép áp dụng những điều luật tương tự.
Ông Jurgen Stock, Tổng thư ký Interpol phát biểu: “Luật mới này là một thành tựu quan trọng. Nó gửi một thông điệp rõ ràng tới các quốc gia khác đang tìm cách phát triển hoạt động trị an của họ và hưởng lợi từ việc tăng cường trao đổi thông tin. Quan trọng hơn là nó còn giúp có được câu trả lời cho các gia đình”.
Hoan nghênh đạo luật này, Giám đốc Hợp tác cảnh sát quốc tế của Cục Cảnh sát liên bang Bỉ đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Điều hành Interpol, ông Peter De Buysscher cho biết: “Có thể và nên sửa đổi luật DNA quốc gia – đó là một phần tất yếu của quá trình đổi mới và toàn cầu hóa. Sự thay đổi luật này sẽ mang lại khía cạnh toàn cầu cho các cuộc điều tra quốc gia”.
Với các kết nối cơ sở dữ liệu mới hiện có thông qua I-24/7 (hệ thống liên lạc an toàn của INTERPOL), dữ liệu bổ sung đang bắt đầu được truyền giữa Văn phòng Trung ương Quốc gia ở Brussels và văn phòng Tổng Thư ký Interpol toàn cầu. Một thời đại mới của những mạng lưới điều tra quốc tế đã bắt đầu.
Tìm kiếm tung tích DNA trong các vụ án đang trở thành một hướng điều tra chính.
3. Trong quá khứ, việc áp dụng những công nghệ như DNA đã từng thu được nhiều kết quả. Lập hồ sơ DNA là một quy trình tiên tiến có thể được sử dụng để xác định các cá nhân dựa trên cấu trúc di truyền độc đáo của họ. Mọi người có thể có cùng màu mắt và màu tóc, thậm chí có thể có các đặc điểm khuôn mặt giống nhau nhưng họ sẽ không có cùng DNA. Điều này có nghĩa là quá trình này có thể hữu ích trong việc giải quyết tội phạm một cách chính xác hơn. Các nhà khoa học pháp y có thể so sánh DNA được tìm thấy tại hiện trường vụ án (từ máu hoặc tóc) với các mẫu DNA lấy từ nghi phạm. Nếu không có sự trùng khớp, họ có thể loại trừ nghi phạm đó. Nếu có sự trùng khớp, cảnh sát sẽ xem xét kỹ hơn.
Công nghệ như vậy đã cách mạng hóa hệ thống tư pháp hình sự trong nhiều thập kỷ, làm tăng khả năng xác định tội phạm một cách chắc chắn. Điều này không chỉ giúp việc xác định thủ phạm dễ dàng hơn mà còn quan trọng không kém là giảm khả năng đưa nhầm người vô tội vào tù. Trong một số trường hợp, những tiến bộ trong việc lập hồ sơ DNA đã cho phép các chuyên gia thực thi pháp luật giải quyết các vụ án kéo dài hàng thập kỷ dựa trên các mẫu vật liệu giàu DNA (chẳng hạn như mẫu móng tay) được thu thập trước khi tiến hành xét nghiệm DNA.
Một thống kê của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vào năm 2018 cho thấy nhờ công nghệ DNA mà các cuộc điều tra tội phạm đã tăng tỷ lệ thành công lên mức 36,7%. Đây cũng chính là thời điểm Europol vận động mạnh mẽ cho việc các quốc gia trong khu vực thực hiện Đạo luật Tư pháp hình sự (Bằng chứng pháp y và Hệ thống cơ sở dữ liệu DNA) được phê duyệt năm 2014. Ở thời điểm đó, Ireland là một trong những quốc gia nhiệt tình nhất với kế hoạch này của Europol.
Công nghệ DNA sẽ giúp ích nhiều cho việc điều tra tội phạm.
Ông Charlie Flanagan, hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại quốc phòng Ireland, nguyên là Bộ trưởng Tư pháp Ireland giai đoạn 2017-2020 cho biết: “Việc đưa các quy định pháp lý này vào thực thi tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hồ sơ DNA và các bằng chứng nhận dạng khác với các quốc gia khác, tăng cường đáng kể hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong việc chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới”.
Kể từ thời điểm Ireland tham gia vào hệ thống của chia sẻ của EUROPOL, hệ thống cơ sở dữ liệu DNA quốc gia do Forensic Science Ireland duy trì và vận hành đã hoạt động được 6 năm. Cơ sở dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối sánh hồ sơ DNA từ hiện trường vụ án (được gọi là vết tội phạm) với hồ sơ DNA được tải lên từ các cá nhân đang bị điều tra hình sự, tội phạm bị kết án và cựu phạm nhân. Kết quả cho thấy cứ 100 vết tội phạm thì có 37 vết tội phạm được tải lên cơ sở dữ liệu được liên kết với một người đã có trong cơ sở dữ liệu. Điều này đã giúp các cơ quan điều tra khoanh vùng tội phạm dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những quy định cũ không thể trao đổi và so sánh DNA tự động nếu không có đánh giá ngang hàng. Đạo luật năm 2014 được đưa ra để đảm bảo rằng việc truyền dữ liệu giữa các nước được hưởng lợi từ mức độ bảo vệ tương đương với mức bảo vệ áp dụng ở trong nước. Do đó, nó cần được sửa đổi lên một mức độ mới.
Trong một phát biểu mới đây, ông Flanagan nói: “Tôi không nghi ngờ gì rằng việc truy cập vào DNA và các cơ sở dữ liệu như vậy giữa các quốc gia có tiềm năng rất lớn và rất hữu ích trong bối cảnh tội phạm di chuyển quốc tế”. Chính vì vậy, chúng ta có thể hiểu được sự hồ hởi của giới cảnh sảnh quốc tế khi lần này Bỉ đang trở thành nước đi đầu trong một cuộc cách mạng điều tra mới. Việc Bỉ sửa đổi luật hình sự và tiến thêm một bước nữa trong việc chia sẻ dữ liệu DNA cho thấy đây là một xu thế tất yếu của hợp tác an ninh toàn cầu
Thắm tình hữu nghị quan hệ Việt Nam - Lào tại Bỉ và Cuba
Trong bầu không khí phấn khởi của mùa Xuân và nhân dịp Tết cổ truyền Bun Pi May năm 2567 theo Phật lịch của nhân dân Lào anh em, tối 9/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã tới chúc mừng Đại Sứ Quán Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo (trái) gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ Đại sứ quán Lào và gia đình. Ảnh: Hương Giang/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ Đại sứ quán Lào và gia đình. Đại sứ bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà đất nước và nhân dân Lào đã đạt được trong thời gian qua, cũng như mối quan hệ với Việt Nam luôn luôn khăng khít.
Đại sứ nhấn mạnh vai trò quan trọng của Lào trong năm 2024 khi quốc gia này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 45. Những sự kiện này góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Lào trong khu vực và trên thế giới, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo (trái) chúc Tết cổ truyền Bunpimay tới Đại sứ Lào. Ảnh: Hương Giang/TTXVN
Về phần mình, Đại sứ Lào tại Brussels, Phokeo Phommahaxay đã cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà Đại sứ quán Việt Nam dành tặng các đồng nghiệp Lào. Đây là những tình cảm gắn bó của những người anh em, luôn sát cánh, sẻ chia cùng nhau. Đại sứ Phokeo Phommahaxay cũng chúc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tại buổi gặp gỡ, hai bên đã thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc của Lào và Việt Nam, từ món nem rán của Việt Nam đến các món ăn truyền thống của Lào, mang đến một trải nghiệm văn hóa đa dạng và phong phú. Chương trình giao lưu văn nghệ giữa hai Đại sứ quán cũng diễn ra sôi nổi. Điệu múa lăm vông truyền thống của Lào mang đến một màu sắc văn hóa đặc biệt, góp phần làm cho buổi gặp gỡ trở nên tràn đầy sức sống và ý nghĩa.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và Lào tại Vương quốc Bỉ chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Lào. Ảnh: Hương Giang/TTXVN
Qua sự kiện này, hai bên thể hiện ý chí và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, cũng như củng cố tình hữu nghị thắm đượm giữa nhân dân hai nước.
* Cũng trong ngày 9/4, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long cùng các cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh đã tới Đại sứ quán Lào ở La Habana để chúc mừng Tết cổ truyền Bun Pi May 2567 (tính theo Phật lịch) của nhân dân các bộ tộc Lào.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Đại sứ Lê Quang Long chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Lào đã đạt được trong thời gian qua; chúc mừng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển tích cực; chúc Lào thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2024.
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, lâu đời, mẫu mực và hiếm có trên thế giới giữa Việt Nam và Lào, Đại sứ Lê Quang Long tin tưởng hai cơ quan đại diện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, nhân viên hai Đại sứ quán và phối hợp tốt trong Ủy ban ASEAN tại La Habana, Cuba (ACHC).
Tiếp đón Đại sứ và các cán bộ Việt Nam trong không khí thân tình, Đại sứ Lào Vanhtha Sengmeaung và phu nhân bày tỏ trân trọng tình cảm và sự nhiệt tình của cán bộ Cơ quan đại diện Việt Nam và những lời chúc mừng tốt đẹp của Đại sứ Lê Quang Long.
Đại sứ Lào tại Cuba khẳng định mọi thành công mà Lào đạt được đều có sự ủng hộ của Việt Nam. Ông Vanhtha Sengmeaung bày tỏ mong muốn hai Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác và cuộc sống tại đảo quốc Caribe này.
Nhiều chủ đề 'nóng' tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2024 sẽ được tổ chức tại Bác Ngao, Hải Nam từ ngày 26-29/3. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ngày 30/3/2023. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN Lãnh đạo nhiều quốc gia và đại diện các tổ...