Bị chồng hành hạ suốt 30 năm trời
30 năm đã qua là khoảng thời gian bà phải ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng vũ phu.
Sống chung một mái nhà gần 30 năm và đã có với nhau 4 mặt con (2 con lớn đã lập gia đình và 2 đứa nhỏ đang đi học), nhưng bà Đoàn Thị Mười (1962, trú thôn Hòa Khê, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn chưa ngày nào có được hạnh phúc thật sự với chồng. Bởi, theo bà, những năm tháng đã qua là khoảng thời gian bà phải ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng vũ phu. Bà không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị chồng đánh phải nhập viện, chỉ biết những thương tích trên cơ thể ngày càng dày lên, hằn sâu.
Tiếp xúc với chúng tôi tại Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng, bà Mười hoang mang và suy sụp tinh thần nghiêm trọng vì những trận bạo hành cả về mặt thể xác lẫn tinh thần mà người chồng đã “tặng” cho bà. Đau đớn đến uất nghẹn, bà Mười kể lại quãng đời gần 30 năm sống như trong chốn lao tù với người chồng vũ phu. Theo bà Mười, năm 1981, bà kết duyên với ông Lê Tấn Hương (1955, trú cùng thôn) theo sự mai mối của người thân. Một năm sau, bà sinh đứa con trai đầu lòng bụ bẫm, dễ thương. Rồi lần lượt sau đó là 2 con gái, 1 con trai nữa.
Cuộc sống có phần vất vả, nhưng con cái đủ bề những tưởng thế là hạnh phúc tràn đầy, nhưng ông Hương ngày càng nổi chướng, chửi rủa, đánh đập vợ tàn nhẫn. Có lần bà bị chồng đánh toác da đầu mà đến giờ vẫn còn để lại vết sẹo to. Tuy nhiên, vì con và vì một số lý do khách quan khác, bà cố chịu đựng và càng chịu đựng thì tháng ngày đau khổ, tủi nhục càng kéo dài.
Bà Mười nói trong nước mắt: “Cứ buồn buồn là ổng dựng chuyện rồi chửi bới, đánh đập tôi. Đánh xong, ổng bỏ mặc tôi bị thương phải nhập viện điều trị. Mỗi lần tôi bị ổng đánh thì mấy chị trong Hội Phụ nữ xã cũng đến khuyên giải ổng, hòa giải, nhưng khi các chị ra về thì mọi việc lại đâu vào đó, ổng tiếp tục chửi bới, hành hung tôi…”.
Thời gian gần đây, sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa của thành phố, ông Hương đã lấy hết số tiền cùng giấy tờ tùy thân rồi đuổi bà Mười ra khỏi nhà. Trước tình cảnh đó, bà Mười phải tìm mua một miếng đất nhỏ, xây ngôi nhà tạm để cùng đứa con trai (1993) và con gái (1997) trú ngụ. Tưởng thế là được yên, nhưng ông Hương vẫn thường xuyên vác dao tìm đến kiếm chuyện để chửi rủa, đánh, đập đồ đạc và giật điện không cho mẹ con bà sử dụng… Chỉ trong tháng 4-2012, ông Hương đã hành hung, rượt đuổi và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” 3 lần với bà. Hậu quả của trận đòn không thương tiếc vào khoảng 6 giờ ngày 27-4 là bà phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu với kết quả xác nhận: chấn thương hàm mặt.
Video đang HOT
Bà Mười bị ông Hương đánh thương tích nặng sáng 27-4 phải điều trị tại Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu.
Bà Mười đau đớn kể: “Đầu tháng 4 vừa rồi, ổng tìm đến nơi tôi đang phụ hồ ở Nghĩa trang Hòa Sơn chửi bới thậm tệ rồi cầm liềm rượt đuổi chém tôi. May mắn lúc đó có một số người đang làm thợ hồ vào can ngăn nên tôi mới thoát được. Chưa đầy 2 tuần sau, ổng lại tiếp tục tìm đến nghĩa trang để hành hung tôi và lần này cũng được mọi người giải cứu nên tôi chạy thoát. Mới đây, 6 giờ ngày 27-4, tôi đến nơi ổng ở (nhà chung của vợ chồng) để hỏi lý do vì sao đã mua cho đứa con gái út một cây treo đồ, nay lại đến lấy về thì tôi bị ổng bóp cổ, nắm tóc, đánh gây thương tích ở mặt. Nếu lúc đó không có một số thanh niên trong thôn can ngăn và đưa tôi đến Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu cấp cứu thì chắc tôi đã bị ổng đánh chết rồi. Lâu nay vì con cái nên tôi cố gắng chịu đựng, nhưng giờ thì không chịu nổi nữa rồi. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết và trừng trị thích đáng ổng để tôi được yên ổn, sống lo cho 2 con ăn học”.
Theo nhiều người dân tại thôn Hòa Khê thì bà Mười là người chịu thương chịu khó và phải có sức chịu đựng kinh khủng lắm mới có thể sống được trong hoàn cảnh đó gần 30 năm. Người chồng lâu nay đã thế, giờ đứa con trai lớn của bà là H. (1982, có vợ và 2 con) cũng về “hùa” với cha, chửi mắng mẹ thậm tệ. Là con lớn, đáng ra khi thấy mẹ bị bạo hành thì phải đứng ra bảo vệ, nhưng H. lại đối xử thậm tệ với mẹ. Cứ mỗi lần thấy cha hành hung mẹ là H. lại “đổ thêm dầu vào lửa”, “xổ” những lời lẽ tục tĩu xúc phạm mẹ. Gần đây nhất, H. đang đi thì gặp bà Mười, nên dừng lại “trút giận”: Bà ra đường sẽ bị xe chà chết, mà người chà đầu tiên sẽ là tôi. Ổng không đánh bà chết thì tôi cũng sẽ đánh bà chết”. Không những vậy, mỗi lần ra đường nghe ai nói gì đó thì H. lại tìm đến bà Mười chửi rủa, đe dọa giết.
Một cán bộ Hội Phụ nữ của xã cho rằng: “Việc ông Hương bạo hành vợ thì ở đây mọi người đều biết và lên án kịch liệt. Tuy nhiên, bà Mười là người chịu thương chịu khó và thương con nên cố chịu đựng, không báo với chính quyền nên chúng tôi cũng không có hướng giải quyết cụ thể. Trước đây mỗi lần biết chuyện bà bị hành hung, chúng tôi chỉ có thể đến khuyên giải ông Hương cũng như tổ chức hòa giải. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn bà làm đơn gửi chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Về phía H., con trai của bà Mười thì ở đây ai cũng ngán ngẩm. Phận làm con nhưng H. luôn xúc phạm và chửi bới mẹ, thậm chí còn dọa đánh, giết”.
Với những gì chúng tôi ghi nhận thì đây là một trong những trường hợp bạo hành gia đình nghiêm trọng, kéo dài, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cần khẩn trương vào cuộc và xử lý nghiêm đối với ông Hương. Và đó cũng là mong muốn không chỉ của bà Mười mà còn là của những người dân nơi đây.
Theo ANTD
Ngậm đắng nuốt cay nuôi con "nhà người"
Ngay giờ phút lẳng tờ kết quả xét nghiệm trước mặt vợ, Thành đã biết cái gia đình này đang đứng trước vực thẳm của sự đổ vỡ không thể tránh khỏi, và chẳng còn gì có thể níu kéo anh được nữa...
"Con ngoài giá thú" và nỗi đau chồng chất nỗi đau
Cuộc sống của Thi (Long Biên - Hà Nội) có lẽ sẽ là hoàn hảo, với một người chồng rất chí thú làm ăn, kiếm ra tiền lại luôn đối xử rất tốt với vợ con và hai đứa con một trai, một gái ngoan ngoãn, nếu không có một ngày Minh gục đầu dưới chân vợ thừa nhận trót có một đứa con gái riêng với người đàn bà khác. Đất trời như sụp xuống trước mắt Thi, nỗi đau lại càng lớn hơn khi Minh nói mẹ của đứa trẻ đã đi lấy chồng vì Minh nhất quyết không chịu bỏ vợ, và cô ta đã trả lại cho Minh đứa con như là một sự trả đũa. Không còn cách nào khác, Minh đành gửi gắm đứa con riêng ở nhà nội và buộc lòng phải thú tội với vợ, mong chờ một sự tha thứ và chấp nhận từ cô, dù biết điều đó là quá sức chịu đựng của Thi.
Còn Thành (Hà Đông - Hà Nội) thì thừ người, ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa bên ngoài phòng xét nghiệm ADN của bệnh viện. Nỗi uất ức cứ chực trào ra nơi khoé mắt đỏ hoe của Thành, người anh run lên bần bật. Sự ngờ ngợ về nguồn gốc của đứa con trai duy nhất gần đây luôn ám ảnh anh, giờ đã đã được chứng thực trên tờ giấy xét nghiệm anh cầm trên tay. Giờ thì anh vỡ lẽ bấy lâu nay anh yêu thương, săn sóc và làm mọi việc cho nó, "đứa con riêng" của vợ anh và người đàn ông nào đó. Không thể suy nghĩ được gì, trong đầu Thành bây giờ chỉ còn sự cay cú của một người đàn ông "bị dắt mũi" một cách ngoạn mục.
Còn với gia đình bà Dần (Nguyễn Lương Bằng - Hà Nội) vốn đang sầu thảm lại thêm loạn khi đám tang ông Dần trở thành một trận hỗn chiến. Đứa con trai riêng của ông Dần bỗng dưng "lù lù" xuất hiện và đòi được chịu tang cha. Cả nhà chỉ biết đến sự tồn tại của đứa con này khi ông Dần trăn trối lại trước khi trút hơi thở cuối cùng, với một bản sao lại di chúc viết tay trong đó có dặn dò kĩ càng về phần chia cho đứa con riêng ấy. Bà Dần sững sờ và đau đớn với nỗi đau bị phản bội gần hết cuộc đời làm vợ, còn những đứa con của bà thì đều phẫn nộ, chẳng những vì sự tổn thương do ông Dần để lại mà còn vô cùng bất bình vì thằng con "từ trên trời rơi xuống" bỗng dưng được hưởng thụ phần tài sản kếch sù bố họ để lại như một sự bù đắp tình cảm.
Ngậm đắng nuốt cay...
Quyết tâm ly hôn của Thi cứ dần chùng lại khi thấy hai đứa con vô tội đang tuổi ăn tuổi chơi mà phải âu sầu vì bố mẹ li thân và cái cơ nghiệp hai vợ chồng chắt chiu dành dụm gây dựng được bấy lâu, giờ tan đàn xẻ nghé thì quả thật Thi lại thấy tiếc công tiếc của. Không những thế, tình yêu cô dành cho chồng dù có sứt mẻ vì bị phản bội, thì trước giờ cũng vẫn luôn là tình yêu duy nhất của đời cô. Sự bao dung của người vợ hiền thảo cuối cùng đã chiến thắng, Thi chấp nhận sự thật, cho phép chồng trở về làm lại từ đầu, và thống nhất với chồng về việc nuôi dưỡng đứa bé. Mặc dù đã có lúc thoảng qua trong đầu, Thi nghĩ mình đủ độ lượng và nhân hậu để nuôi đứa bé ngay trong gia đình mình. Nhưng dù có bao dung đến đâu thì sự tồn tại của đứa trẻ kia trong nhà sẽ không thể làm lành vết thương lòng của Thi. Cuối cùng họ thống nhất gửi đứa bé cho ông bà nội nuôi và vợ chồng Thi sẽ có trách nhiệm trong việc hỗ trợ ông bà về mặt kinh tế.
Ngay giờ phút lẳng tờ kết quả xét nghiệm trước mặt vợ, Thành đã biết cái gia đình này đang đứng trước vực thẳm của sự đổ vỡ không thể tránh khỏi, và chẳng còn gì có thể níu kéo anh được nữa. Li hôn rồi, Thành vẫn chẳng thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn chút nào. Có đôi lúc anh cảm thấy ân hận vì ý muốn làm sáng tỏ mọi chuyện. Giá anh không làm vậy, giờ anh vẫn còn một gia đình để đi về, và một đứa con để yêu thương. Cuộc sống của anh bỗng dưng mất đi phương hướng và chẳng còn mấy ý nghĩa. Thú thực anh hận vợ lắm, nhưng lại cũng thấy nhớ đứa con "chẳng máu mủ ruột già" kia đến nao lòng. Chẳng thế mà khi biết tin thằng bé bị tai nạn giao thông đang nằm viện cấp cứu, Thành chẳng suy nghĩ nhiều vội vàng chạy đến ngay với nó. Dẹp hết sự uất hận lúc trước, trong lòng anh chỉ ao ước một điều "giá anh có chung dòng máu với nó, để có thể tiếp sức cho nó qua được cơn nguy kịch!".
Với bà Dần, bà chua chát nhận ra gần cả đời người bà đã sống với người đàn ông đã thầm lặng phản bội bà, trong khi bà thì luôn tin tưởng và chung thủy. Còn những đứa con của bà thì nhất quyết không thừa nhận đứa con "giời ơi đất hỡi" của bố mình. Sau đám tang quá ồn ào của ông Dần, tai tiếng của người quá cố để lại khiến gia đình bà Dần không những phải đối mặt với những miệng lưỡi dị nghị của người đời mà còn lâm vào con đường lao lý khi đứa con út ít của ông Dần đâm đơn ra Tòa, đòi được hưởng số tài sản như di chúc để lại của bố.
Suy cho cùng, hậu quả của những mối quan hệ "ngoài vợ ngoài chồng" của mỗi người trong hôn nhân luôn luôn là những bi kịch và vết thương lòng cho những người còn lại. Đã có những đổ vỡ, đã có những vết thương đang dần khép miệng, nhưng luôn còn đó sự đau đớn, sự giằn vặt, hổ thẹn, và thậm chí, vẫn còn đó cái hậu quả được mang tên "con ngoài giá thú".
Theo Bưu Điện Việt Nam
Muốn vào chùa vì vợ và con chèn ép Một ông già đã ngoài 60 nhưng chưa một ngày được hưởng hạnh phúc có vợ hiền, con thảo. Năm nay tôi 61 tuổi, có vợ và 2 con. Vợ chồng con gái tôi đều là công nhân viên chức nhà nước. Con gái lớn đã lấy chồng và sinh được một cháu trai. Cháu có nhà riêng, đầy đủ tiện nghi, sống...