Bị cáo vụ vỡ ống cấp nước Sông Đà: Không có căn cứ buộc tội chúng tôi
Nói lời sau cùng, các bị cáo mong muốn tìm ra nguyên nhân chính xác sự cố. Họ nói đường ống có thể tiếp tục vỡ nếu không xác định được lý do.
Vụ vỡ ống nước Sông Đà: Bị cáo kêu oan khi nói lời sau cùng Các bị cáo đều nói không rõ lý do họ bị bắt sau khi đường ống cấp nước sông Đà vỡ 18 lần.
Sáng 10.3, 9 bị cáo vụ vỡ đường ống cấp nước dự án nước sạch Sông Đà được nói lời sau cùng. Họ bị truy tố tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự 1999.
Chiều 13.3, toà sẽ tuyên án với các bị cáo.
Bị cáo đồng loạt kêu oan
Được HĐXX cho nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL dự án) bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét công tâm, bởi trong quá trình giám định hậu quả vụ án, đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà.
“Đây là dự án tâm đắc của bị cáo trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành xây dựng. Mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh và nhân thân các bị cáo”, bị cáo 58 tuổi nói và khẳng định bản kết luận giám định còn nhiều nội dung mâu thuẫn khiến các bị cáo vướng vòng lao lý.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải nói lời sau cùng. Ảnh chụp từ màn hình
Tiếp đó, trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án) chia sẻ cho đến thời điểm này, các bị cáo đều không rõ vì sao họ vướng lao lý sau sự cố vỡ đường ống nước.
Bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị dự án) bày tỏ quan điểm khi nói lời sau cùng. Bị cáo nói mình “không phục với các kết luận giám định của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra sự cố của dự án” và tiếp tục cho rằng, nếu cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân chính xác thì sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sẽ tiếp tục xảy ra, không thể khắc phục được.
Là người lớn tuổi nhất trong số 9 bị cáo, Nguyễn Biên Hùng (68 tuổi, nguyên Phó trưởng Đoàn tư vấn giám sát) vẫn khẳng định các bị cáo không có tội.
“Tôi cho rằng không có căn cứ buộc tội chúng tôi, bởi chúng tôi không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án”, bị cáo Hùng phân trần.
Tranh cãi nguyên nhân vỡ ống dẫn nước
Video đang HOT
Trước đó, đại diện VKSND Hà Nội đối đáp, khẳng định nguyên nhân các lần vỡ ống cấp nước của dự án (từ lần thứ 11 – lần thứ 18) không phải do tác động của tải trọng bất thường mà do chất lượng ống sản xuất không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn.
Nữ công tố đọc bản cáo buộc, cho rằng sự cố 18 lần vỡ ống cấp nước đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ, Công ty nước sạch Sông Đà đã phải chi hơn 16 tỷ đồng để khắc phục. Tại tòa, đại diện công ty khai thác đã không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền này.
“Không yêu cầu bồi thường là quan điểm của công ty khai thác, không có nghĩa là không gây thiệt hại”, đại diện VKSND khẳng định.
9 bị cáo liên quan vụ án. Ảnh: H.L
Theo công tố viên, quá trình điều tra, C46 Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, đề nghị phối hợp làm rõ nội dung ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh có được sản xuất theo phương pháp áp dụng thành tựu công nghệ mới hay không? Cơ quan chức năng đã hồi đáp, xác định việc sản xuất ống nước không nằm trong danh mục áp dụng thành tựu khoa học.
Trên cơ sở đó, VKS nhận thấy cáo trạng truy tố hành vi của 9 bị cáo là đủ căn cứ, không có cơ sở để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Khi tự bào chữa, các bị cáo đều khẳng định bản kết luận giám định tư pháp về sản phẩm không đạt chuẩn, gây ra sự cố vỡ ống còn nhiều mâu thuẫn. Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc BQL dự án) cho hay trong 10 lần cơ quan giám định khảo sát ống vỡ, có 5 lần thực hiện ở các vị trí cắt ngang đường dân sinh có nhiều xe cộ đi qua, 3 lần khảo sát tại nơi có nền đất không ổn định. Do đó, bản kết luận nguyên nhân sự cố do chất lượng sản xuất ống là không đúng.
“Việc lấy 3 mẫu ống để giám định có đại diện được cho toàn hệ thống ống trước đây không? Cơ quan giám định đã thiếu tính khoa học, tính chuẩn mực trong công tác giám định”, nguyên Phó Giám đốc BQL dự án nói tại bục bị cáo.
Phí khắc phục 16 tỷ so với lợi nhuận đạt 500 tỷ
Trong phần đối đáp, luật sư Lê Đình Ứng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinaconex) cho hay với dự án nước sạch này, lần đầu tiên Vinaconex đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất ống cốt sợi thủy tinh kích thước lớn.
Theo luật sư của Vinaconex, dự án nước sạch đã đạt được hiệu quả lớn. Ảnh: H.N
Trong vụ án này, 9 bị cáo cũng lần đầu được tham gia dự án trọng điểm, từ lúc nghiên cứu cho đến khi ứng dụng trên thực tế.
“Vụ án này không có thiệt hại. Số tiền chi phí hơn 16 tỷ đã được dự toán từ trước, đó là chi phí bảo trì”, luật sư khẳng định và đề nghị HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, tổng thể, so sánh đối chiếu với giai đoạn trước và sau khi kết thúc dự án.
Cuối phần bào chữa, luật sư Ứng cho biết qua dự án, công ty nước sạch đã thu lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng. Do đó, người bào chữa đề nghị HĐXX coi số tiền đó là chi phí tất yếu trong quá trình vận hành dự án và xem xét đặt chi phí khắc phục trong tổng thể lợi ích về mặt kinh tế mà Vinaconex đã đạt được.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL dự án) và Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 36-42 tháng tù; Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án), Đỗ Đình Tri (nguyên cán bộ công ty giám sát) và Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) mức 30-36 tháng tù; Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị) và Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 24-30 tháng tù.Hai bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ công ty giám sát) bị đề nghị mức 15-18 tháng tù treo; Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 12-15 tháng tù treo.
Theo Hoàng Lam (Zing)
Đề nghị mức án các bị cáo vụ vỡ đường ống nước sông Đà
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt án tù các bị cáo, trong đó có 3 bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.
Tốn hơn 16 tỷ đồng khắc phục sự cố
Chiều 7/3, phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" bước sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, đề nghị mức án cho các bị cáo.
Theo đại diện VKS, dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư với việc sử dụng vốn tự có, vốn huy động và vốn do doanh nghiệp tự thu xếp. Dự án được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 thì được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Đến nay, dự án đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho các nhà máy nước ngầm, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.
Đại diện Viện KSND luận tội các bị cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước. Từ ngày 4/2/2012 đến 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ với tổng số 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh. Doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.
Kết luận giám định tư pháp xác định, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội. Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu.
Quá trình thi công xây dựng, Ban Quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật khi thi công...
Luận vai trò từng bị cáo
Đại diện VKS nhận định, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội), Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc) và Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng Phòng vật tư, thiết bị Ban QLDA) là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện vai trò của chủ đầu tư. Các bị cáo đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện dùng trong dự án là đảm bảo chất lượng với nhà thầu cung cấp.
Trong đó, bị cáo Hoàng Thế Trung, Trương Trần Hiển phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại như đã nêu trên. Bị cáo Nguyễn Văn Khải đã ký xác nhận nghiệm thu chất lượng vật tư thiết bị nhưng có 18 lần bị vỡ ống, tương đương 21 cây ống bị vỡ với chi phí sửa chữa hơn 15,6 tỉ đồng, thời gian ngừng cấp là 334 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.408.209 m3.
Các bị cáo bị đề nghị tuyên phạt án tù, trong đó có 3 bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.
Với các bị cáo từng là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội, VKS xác định, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà đơn vị này đã sản xuất và cung cấp cho dự án đảm bảo chất lượng với đại diện chủ đầu tư.
Kết quả điều tra cho thấy, trong số ống composite cốt sợi thủy tinh mà Trần Cao Bằng và Vũ Thanh Hải đã ký xác nhận nghiệm thu, công nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế thì có 18 lần vỡ ống với 23 cây ống bị vỡ, gây ra hậu quả thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Giữ vai trò là Trưởng đoàn giám sát, bị cáo Đỗ Đình Trì cùng với các giám sát viên giám sát thi công xây dựng, lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch dự án đã ký các biên bản nghiệm thu lắp đặt ống và phụ kiện, các biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành để xác nhận khối lượng thi công, chất lượng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh đã sử dụng lắp đặt, chất lượng bộ phận, hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế dự án.
Kết quả điều tra cho thấy trong số ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà Đỗ Đình Trì cùng các bị cáo ở đoàn tư vấn giám sát đã cho thi công lắp đặt, ký xác nhận nghiệm thu chất lượng có 23 cây ống bị vỡ, tương ứng với 18 lần...
Đại diện VKS khẳng định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội vì đã xâm phạm đến an toàn công cộng. Các bị cáo đều là những người có nhiều năm công tác trong ngành xây dựng nhưng lại vi phạm các quy định trong ngành xây dựng. Ngoài ra, tuyến ống liên tục bị vỡ khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gây dư luận xấu trong xã hội.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị mức án cụ thể cho từng bị cáo. Bị cáo Hoàng Thế Trung bị đề nghị tuyên phạt từ 36 đến 42 tháng tù; Nguyễn Văn Khải: 30-36 tháng tù; Trương Trần Hiển: 24-30 tháng tù.
Bị cáo Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 36-42 tháng tù; Vũ Thanh Hải (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 30-36 tháng tù.
Bị cáo Đỗ Đình Trì (nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát): 30-36 tháng tù; Nguyễn Biên Hùng (nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát): 12-15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hoàng Quốc Thống (nguyên giám sát viên): 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treovà Bùi Minh Quân (nguyên giám sát viên): 15-18 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình bị đề nghị triệu tập tới tòa Ngay tại phần thủ tục phiên tòa vụ án liên quan đến vỡ đường ống nước Sông Đà, luật sư Nguyễn Đức Toàn đã đề nghị hoãn phiên tòa với lý do ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT của Vinaconex, sau làm Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu) và Vũ Đình Chầm không có mặt tại tòa....