Bị cáo Trương Minh Tuấn: ‘Bộ trưởng có bút phê, rồi chỉ đạo tôi ký’
Bị cáo Trương Minh Tuấn khai dù các văn bản thực hiện dự án MobiFone mua AVG không thuộc lĩnh vực phụ trách nhưng vẫn ký vì được ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.
Video: Do sức khoẻ yếu, hai ông Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son được ngồi trả lời trước tòa
Chiều 16/12, phiên tòa xét xử 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng 12 bị cáo liên quan thương vụ MobiFone mua AVG bước sang phần xét hỏi các bị cáo.
Khi Hội đồng xét xử bắt đầu phần xét hỏi, thẩm phán đề nghị cán bộ dẫn giải cách ly bị cáo Nguyễn Bắc Son ra ngoài phòng xét xử để xét hỏi bị cáo Trương Minh Tuấn.
Thẩm phán hỏi bị cáo Trương Minh Tuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông từ bao giờ, ông Tuấn cho biết từ cuối tháng 2/2014 ông giữ chức Thứ trưởng cho đến khi trở thành Bộ trưởng năm 2016.
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận ký 5/53 văn bản, trong đó có 3 văn bản do Bộ trưởng trực tiếp duyệt.
Trong số các văn bản bị cáo Tuấn ký, có văn bản 236 (chuyển hơn 8.000 tỷ đồng cho các cổ đông AVG) được xác định là hệ quả vi phạm pháp luật của bị cáo này.
“ Vì sao bị cáo không phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán, không phụ trách MobiFone nhưng bị cáo vẫn ký các văn bản thực hiện dự án này?”, thẩm phán, chủ toạ phiên toà hỏi.
Bị cáo Tuấn đáp: “ Bộ trưởng (Nguyễn Bắc Son-PV) đã có bút phê phê duyệt văn bản, rồi chỉ đạo tôi ký. Mặc dù không thuộc lĩnh vực được phân công, nhưng được bộ trưởng giao ký thì theo quy chế làm việc tôi vẫn phải ký“.
Bị cáo Trương Minh Tuấn tại toà. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Tuấn nhận thức, việc ký các văn bản liên quan đến dự án là vi phạm pháp luật. “ Sau này tôi nhận thức được rằng việc ký quyết định 236 là vi phạm pháp luật”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng khẳng định không được giao phụ trách dự án MobiFone mua AVG mà chỉ được ông Son giao từng việc.
Chủ toạ phiên toà hỏi: “ Nội dung quyết định 236 có phải là văn bản chỉ đạo MobiFone triển khai dự án không?“. Ông Tuấn nói đó văn bản giao MobiFone thực hiện dự án. Thẩm phán lại hỏi nếu nội dung văn bản này nói rõ dự án, giao việc cụ thể người nào việc gì, thì có phải là chỉ đạo không? Ông Tuấn trả lời rằng ông ký văn bản này sau khi có bút phê cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
“ Khi nhận dự thảo văn bản 236, tôi nói với vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp là đây không phải nhiệm vụ của tôi nên tôi không ký. Nhưng bộ trưởng bút phê yêu cầu tôi ký, chấp hành chỉ đạo của Bộ trưởng nên tôi phải ký“, ông Tuấn khai.
“ Tôi nhận thức rằng việc ký Quyết định 236 là vi phạm pháp luật nên dẫn đến hậu quả như hiện nay“, bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận.
Ông Tuấn nói thêm rằng khi ký công văn số 44 đề nghị Bộ Công an đưa dự án này vào danh mục mật, ông cũng chỉ được giao ký chứ không tham gia dự án ngay từ đầu.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. (Ảnh: TTXVN)
Về cáo trạng của VKS công bố, bị cáo Trương Minh Tuấn cho biết, không có nội dung hay lời khai gì thay đổi. Tuy nhiên, có một số nội dung gửi VKS về kí công văn số 44 đề nghị làm rõ.
Ông Tuấn trình bày: “ Tôi không được trao đổi bàn bạc, mà chỉ có sau khi có bút phê của Bộ trưởng, nên tôi chỉ thực hiện không được trao đổi. Ông Nguyễn Bắc Son không hề đưa tôi lên Bộ trưởng, trong quá trình điều tra có thể có hiểu lầm nào đó”.
Về việc được bị cáo Phạm Nhật Vũ hối lộ 200.000 USD khi dự án hoàn tất, ông Tuấn nói bản thân không gợi ý chuyện tiền nong. Còn cựu Chủ tịch AVG cũng không hứa hẹn cám ơn bằng vật chất.
“Tết 2016, sau đại hội, Vũ đến phòng làm việc của tôi với tư cách tặng hoa chúc mừng tôi trúng cử. Chiều tối, tôi mở gói quà thấy có 200.000 USD.
Có rất nhiều người đến chúc mừng tôi sau đại hội, nếu như mình không kí quyết định 236 thì chắc là không được. Vì vậy, tôi cũng đã nhận thức được số tiền này và nộp đủ hết số tiền này cho cơ quan điều tra”, ông Tuấn trình bày.
XUÂN TRƯỜNG – MẠNH ĐOÀN
Theo vtc.vn
Hợp đồng Mobifone mua AVG gần 8.900 tỷ đồng che mắt dư luận bằng cách nào?
Để Mobifone mua AVG được thông suốt, tránh khỏi sự chú ý của dư luận, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa hợp đồng này vào danh mục "Mật của Nhà nước".
Liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng năm 2015, Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone có văn bản trình Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin phê duyệt chủ trương cho Mobifone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.
Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 3/2/2015, Phạm Đình Trọng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT lập phiếu trình đề nghị cho Mobifone thực hiện dự án trên, nhưng không yêu cầu Mobifone lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Dự án này được cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đồng ý và giao cho Trọng ký văn bản trả lời Mobifone. Ngày 6/2/2015, Phạm Đình Trọng có văn bản số 408/BTTTT-QLDN thống nhất chủ trương đầu tư theo đề xuất của Mobifone.
Tại thời điểm này, giữa AVG và Mobifone chưa thảo luận việc mua bán nhưng ngày 5/3/2015, Phạm Đình Trọng lập phiếu trình có nội dung: "Công ty AVG đã trao đổi, làm việc với Tổng công ty Viễn thông Mobifone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho Mobifone".
Theo cáo trạng, Phạm Đình Trọng đề xuất Mobifone và AVG không thông tin, tuyên truyền giao dịch này, đồng thời đề nghị Bộ TTTT đưa giao dịch vào danh mục "Mật của Nhà nước". Đề xuất của Trọng được Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đồng ý.
Ngày 5/3/2015, ông Trương Minh Tuấn, lúc đó là Thứ trưởng Bộ TTTT có Văn bản số 44/BTTTTQLDN gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu "Mật".
Theo sự chỉ đạo của ông Son, ông Tuấn ký quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình AVG, quyết định giá mua 8,898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của công ty này. Trong khi đó, tài sản ròng của AVG chỉ có tổng giá trị là 1.970 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo Lê Nam Trà ký thỏa thuận và hợp đồng với AVG để chuyển tiền mua bán cổ phần.
Trong quá trình thực hiện dự án, Nguyễn Bắc Son gọi cho Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) tổng cộng 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ, thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Sau đó, Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện, nhắn tin thúc giục Trương Minh Tuấn tạo điều kiện thực hiện nhanh dự án.
Sau khi AVG bán thành công 95% cổ phần với giá 8.898,3 tỷ đồng cho Mobifone, Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG thu được số tiền bất chính hơn 6.475 tỷ đồng (đây chính là con số thiệt hại về vốn Nhà nước tại Mobifone).
Phạm Nhật Vũ sau đó cảm ơn cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD và cảm ơn cựu Thứ trưởng Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Đến nay, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án. Trong đó, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Bị can Phạm Nhật Vũ bị truy tố về tội "Đưa hối lộ". Các bị can còn lại bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
MẠNH ĐOÀN
Theo VTC
Thương vụ MobiFone mua AVG: Công lý phải bình đẳng với tất cả mọi người Trong thương vụ MobiFone mua AVG, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm và công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người. Video: Vi phạm của ông Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua AVG Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra về thương vụ...