Bị cáo nhảy lầu tự tử ở toà Bình Phước: Đình chỉ thi hành trách nhiệm nộp án phí
Gia đình ông Lương Hữu Phước vừa nhận được quyết định của Chi cục Thi hành án dân sự TP Đồng Xoài (Bình Phước) về việc đình chỉ thi hành trách nhiệm nộp án phí.
Ngày 4/7, luật sư Dương Vĩnh Tuyến – người bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Lương Hữu Phước (bị cáo nhảy lầu tự tử ở TAND tỉnh Bình Phước) cho biết, gia đình ông Phước vừa nhận được quyết định đình chỉ thi hành về trách nhiệm nộp án phí đối với ông Phước.
Cụ thể, Quyết định đình chỉ việc buộc ông Phước có trách nhiệm nộp án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và án phí hình sự phúc thẩm 200.000 đồng. Quyết định này được ban hành căn cứ theo quyết định tuyên hủy tất cả các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM liên quan vụ tai nạn giao thông mà ông Phước được xác định là người có lỗi.
Tuy nhiên, luật sư Dương Vĩnh Tuyến cho biết ông không đồng ý về mặt thuật ngữ được đề cập trong văn bản này. Luật sư Tuyến lý giải, nếu đúng ra thì Chi cục Thi hành án TP Đồng Xoài phải ra văn bản thu hồi, hủy quyết định thi hành án chứ không phải là đình chỉ, đình chỉ là trường hợp đương sự không có khả năng thi hành án.
Trong khi đó, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy hai bản án, vụ án trở lại từ đầu, nên theo lý, các bản án đã bị hủy thì Chi cục Thi hành án phải ra quyết định thu hồi mới đúng.
Hiện trường vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử sau khi nghe tòa tuyên án.
Như VTC News đưa tin, tại phiên tòa phúc thẩm vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết sáng 29/5, ông Phước bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm với mức phạt 3 năm tù.
Đến chiều 29/5, ông Phước đến TAND tỉnh Bình Phước đi lên lầu 2, nhảy xuống đất tự tử. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an phát hiện đôi dép được cho là của nạn nhân và một vỏ chai (nghi là chứa thuốc sâu).
Sau khi xảy ra sự việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước tổ chức họp báo. Tại họp báo, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước khẳng định vụ án được xét xử công tâm, đúng theo quy định pháp luật.
Đến ngày 12/6, TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức phiên giám đốc thẩm về vụ án tai nạn giao thông liên quan đến ông Phước. Ủy ban thẩm phán đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về vụ án của ông Phước. Vụ án được chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM để điều tra lại.
Theo hồ sơ cáo trạng, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép, do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác.
Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn, được ông Quý rủ đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi đến ngã tư Sóc Miên phát hiện ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông Quý đi về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm.
Khi đi đến gần trước nhà ông Quý thuộc khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý xuống đi vào nhà lấy mũ bảo hiểm, nhưng ông Quý không chịu xuống xe.
Lúc này, ông Phước lái xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì bị xe máy do anh Lâm Tươi điều khiển đi từ hướng bên phải đâm vào. Cú tông khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017, ông Quý qua đời.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ông Phước kháng cáo.
Sau đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở.
Tới phiên xét xử lần 2, ông Phước tiếp tục bị toà án tuyên 3 năm tù giam, với nội dung: Qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn.
Chiều cùng ngày, sau khi nghe tòa tuyên án, ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước tự tử.
Video: Làm rõ các tình tiết vụ người đàn ông nghi tự tử tại tòa Bình Phước
TPHCM: Xôn xao dư luận vụ đương sự định nhảy lầu sau khi toà tuyên án
Việc vợ của bị đơn Lê Văn Dư có ý định nhảy lầu tự tử sau khi nghe chủ toạ phiên toà phúc thẩm tuyên xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa phía bị đơn và nguyên đơn là ông Phan Quý đã khiến dư luận xôn xao bàn tán trong những ngày gần đây.
Chiều 1/7 vừa qua, TAND TP.HCM tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng nguyên đơn là ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và các bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Sau khi tòa tuyên án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Trần Thị Mỹ Hiệp (41 tuổi, vợ ông Dư) đã chạy ra hành lang tòa án định nhảy lầu tự tử. Tuy nhiên, hành động này được lực lượng bảo vệ tòa và những người có mặt kịp thời ngăn cản.
Bà Trần Thị Mỹ Hiệp (41 tuổi, vợ ông Dư) đã chạy ra hành lang tòa án định nhảy lầu tự tử sau khi nghe tòa tuyên án.
Sự việc trên đã khiến dư luận xôn xao bàn tán. Trong đó, nhiều người tỏ ra đồng cảm với các bị đơn và cho rằng bản án chưa thật sự công tâm nên mới xảy ra việc vợ của ông Dư có ý định nhảy lầu tự tử, trong khi các bị đơn khác thì quỳ sụp giữa chính diện phòng xử án vái lạy kêu oan.
Sau sự việc vợ của bị đơn có ý định nhảy lầu tự tử nói trên, thông tin từ Văn phòng TAND TP.HCM cho biết, trong các vụ án dân sự, hành chính..., việc đương sự tỏ ra bức xúc, không hài lòng và có thái độ tiêu cực không phải là hiếm. Do đó, từ trước đến nay tòa luôn có những phương án bảo vệ an toàn cho cán bộ, công nhân, viên chức và những người đến tòa làm việc.
Cũng liên quan đến vụ án này, Văn phòng TAND TP.HCM cho rằng tòa phúc thẩm đã ra phán quyết nhưng đó cũng chỉ là một giai đoạn của tố tụng. Khi không đồng tình với bản án, đương sự còn có quyền đề nghị các giai đoạn khác đối với vụ án như giám đốc thẩm, tái thẩm... Sự việc đương sự định nhảy lầu chỉ diễn ra trong ít phút và được cán bộ giải quyết tốt, không để bất kỳ việc đáng tiếc nào xảy ra.
Theo nội dung vụ án, năm 1999, ông Phan Quý được ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng 3.500m đất bằng hình thức viết giấy tay. Ngày 3/2/2002, bằng hình thức giấy tờ tay, vợ chồng ông Quý chuyển nhượng lại cho ông Khâu Văn Sỹ (ngụ Phường 6, quận Gò Vấp) diện tích là 500m đất.
Tiếp đó, ngày 18/4/2009, cũng bằng hình thức chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay, vợ chồng ông Quý chuyển nhượng cho ông Lê Văn Dư (cháu họ và cũng là người làm thuê suốt 20 năm cho gia đình ông Quý) và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m đất với lời hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán. Các bị đơn đã thanh toán đầy đủ tiền cho ông Phan Quý như đã thoả thuận.
Sau này, ông Sỹ và ông Thắng làm giấy mua bán tay chuyển nhượng toàn bộ phần đất đã mua từ ông Qúy cho ông Dư. Gần 10 năm nay, gia đình ông Dư đã chuyển về đây sinh sống ổn định, được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.
Đến cuối tháng 3/2017, con trai ông Quý là Phan Anh Tuấn tìm đến nhà và yêu cầu ông Dư phải trả lại toàn bộ phần diện tích đất 674m trước đây gia đình đã bán. Do ông Dư không đồng ý với yêu cầu trên, ông Phan Quý đã nộp đơn khởi kiện đòi lại đất, yêu cầu toà án tuyên bố các hợp đồng viết tay đã ký trước đây là vô hiệu.
Bằng hình thức chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay, vợ chồng ông Quý chuyển nhượng đất cho ông Lê Văn Dư.
Ngày 07/11/2019, TAND quận Gò Vấp Bản có Bản án sơ thẩm số 507/2019/DS-ST, tuyên xử: Hủy hợp đồng CNQSDĐ ngày 3/2/2002, được ký kết giữa vợ chồng ông Quý, bà Thủy với ông Sỹ về việc chuyển nhượng 500m đất Công nhận hai hợp đồng CNQSDĐ ngày 18/4/2009, giữa vợ chồng ông Quý với ông Dư và ông Thắng mỗi người 87m Buộc các đồng bị đơn phải hoàn trả lại cho vợ chồng ông Quý phần diện tích 500m đất nói trên Công nhận phần diện tích 500m đất cho vợ chồng ông Quý. Còn vợ chồng ông Quý phải thanh toán cho ông Dư số tiền hơn 5,5 tỷ đồng (phần đất ông Dư mua lại của ông Sỹ là 500m).
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, các bị đơn nộp đơn kháng cáo đến TAND TPHCM. Đồng thời, Viện KSND quận Gò Vấp cũng ra Quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm nói trên. Trên cơ sở kháng nghị trên và đơn kháng cáo của các đương sự liên quan, ngày 24/12/2019, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ án.
Ngày 25/6 vừa qua, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ". Trong đó, nguyên đơn là ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và 3 đồng bị đơn là ông Lê Văn Dư, ông Lê Sỹ Thắng và ông Khâu Văn Sỹ. Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn - Phó Chánh án TAND TP HCM là chủ toạ phiên toà.
Ngay khi bắt đầu phiên toà, phía bị đơn và các luật sư đề nghị thay đổi thẩm phán vì lo ngại việc xét xử sẽ không đảm bảo tính khách quan. Bởi lẽ, phía bị đơn cho rằng trong 20 năm đi làm giúp việc, quản gia cho gia đình ông Phan Quý, ông Dư nhiều lần bắt gặp ông Đỗ Khắc Tuấn đến nhà ông Quý chơi. Qua các lần gặp này, ông Dư biết ông Tuấn và ông Quý là bạn thân thiết của nhau và đã từng làm ăn chung, cùng nhau mua đất ở Quận 9 và Quận 12.
Chính vì vậy, phía bị đơn lo ngại việc Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn được phân công giải quyết vụ án và là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm sẽ ảnh hưởng đến sự vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. Để đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan, đúng quy định, phía ông Dư đề nghị HĐXX thay đổi thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn bằng một thẩm phán khác. Tuy nhiên, yêu cầu thay đổi thẩm phán của phía bị đơn đã không được chấp thuận.
Các bị đơn quỳ sụp giữa chính diện phòng xử án vái lạy kêu oan sau khi tòa phúc thẩm tuyên án hôm 1/7 vừa qua.
Chiều ngày 1/7, TAND TPHCM mở phiên toà tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nói trên. Tại phiên toà, đại diện VKS TPHCM đề nghị HĐXX TAND TPHCM chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND quận Gò Vấp, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và huỷ bản án sơ thẩm. Đồng thời, đại diện VKS nêu rõ: TAND quận Gò Vấp đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng, không tuân thủ quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Mặc dù vậy, HĐXX vẫn tuyên xử: Không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý, bà Thủy với các ông Dư, Sỹ, Thắng Không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư, bà Trần Thị Mỹ Hiệp đối với 674m đất, thửa 504 tờ bản đồ số 40, Phường 15, quận Gò Vấp Công nhận 674m đất thửa 504 tờ bản đồ số 40 thuộc quyền sử dụng của ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy Buộc các bị đơn trả lại cho ông Quý, bà Thủy phần đất này.
Bản án cũng tuyên, khi nhận được đất, ông Quý, bà Thủy có trách nhiệm thanh toán cho các bị đơn số tiền mà ông Quý đã nhận của các bị đơn này cùng với lãi suất 9%/năm. Cụ thể, ông Quý phải thanh toán cho ông Sỹ, bà Đồng số tiền 1.325.070.350 đồng Thanh toán cho ông Dư, bà Hiệp số tiền 830.875.000 đồng Thanh toán cho ông Thắng số tiền 830.875.000 đồng.
Chứng kiến những gì xảy ra tại phiên xét xử, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo và Luật sư Hoàng Tùng (những người tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị đơn) bức xúc, cho rằng: "Đây là một bản án trái pháp luật, phi đạo đức, đã dẫn đến sự bức xúc và tuyệt vọng cho gia đình bị đơn dẫn đến các hành vi mất kiểm soát của gia đình bị đơn. Ngày hôm đó nếu như không có sự tỉnh táo của các luật sư cũng như những nhà báo và những người dân tham dự phiên tòa kịp thời giữ vợ của bị đơn (vợ ông Dư) thì có thể đã có một vụ nhảy lầu giống như vụ Lương Hữu Phước".
Luật sư của Hồ Duy Hải gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước kèm bằng chứng mới Ngày 3/7, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, thời gian gần đây ông nhận được nhiều bút lục, theo ông những bút lục này có trong hồ sơ vụ án nhưng đã được rút ra. Ngày 2/7, luật sư Trần Hồng Phong, nguơi đuơc gia đinh tư tu Hô Duy Hai mơi hô trơ phap ly, tiếp tục có đơn kêu oan...