Bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác nhiều lời khai của đồng phạm gây bất lợi cho mình
Khi chủ toạ phiên toà thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác những lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang. Bị cáo Chung cho rằng, có một số lời khai của bị cáo Giang khai về mình không đúng.
Trong phần thẩm vấn tại phiên toà hình sự phúc thẩm diễn ra chiều 20/6 để xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và bị cáo Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (viết tắt là Công ty Arktic) trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định, bị cáo Nguyễn Trường Giang giữ nguyên những lời khai tại phiên sơ thẩm.
Giang khai, bị cáo không có quan hệ họ hàng với bị cáo Nguyễn Đức Chung. “Bị cáo quen gia đình ông Chung vào khoảng năm 2014 và 2015 khi cung cấp một số mặt hàng cho Siêu thị Minh Hoa của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung). Đầu năm 2016, bị cáo bắt đầu gặp và tiếp xúc với bị cáo Nguyễn Đức Chung. Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung nhờ bị cáo đi cùng đoàn công tác của UBND TP Hà Nội sang châu Âu, dù bị cáo không có tên trong danh sách của đoàn”, bị cáo Giang khẳng định.
Theo lời khai của bị cáo Giang, mục đích bị cáo Nguyễn Đức Chung nhờ Giang đi là để Giang giúp phiên dịch cho đoàn công tác của UBND TP Hà Nội đi lại, dự triển lãm tại Đức. Ngoài bị cáo Giang thì đoàn công tác vẫn có phiên dịch viên riêng.
“Khi sang Đức, bị cáo được tham gia cuộc họp với một số đối tác để trao đổi về sản phẩm công nghệ xử lý nước thải của Công ty Watch Water (Đức). Sau này, khi đại diện của Công ty Watch Water sang Việt Nam và ở Hà Nội, bị cáo tiếp tục tham gia trao đổi về giá cả sản phẩm, chính sách bán chế phẩm, hóa chất của Công ty Watch Water”, Giang khai rõ.
HĐXX hỏi: “Hóa chất Redoxy-3C được thỏa thuận phân phối để bị cáo độc quyền hay cho Công ty Arktic độc quyền?”, bị cáo Giang khẳng định: “Các quyết định dù lớn hay nhỏ trong Công ty Arktic đều do người khác quyết, bị cáo chỉ quản lý hoạt động công ty và làm theo chỉ đạo”.
Trước bục khai báo, bị cáo Giang khẳng định: “Công ty Arktic là công ty của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Đức Chung còn chỉ đạo bị cáo thay mặt Công ty Arktic ký phân phối độc quyền hóa chất xử lý nước”. Cũng theo lời khai của bị cáo Giang, bị cáo Nguyễn Đức Chung là người chỉ đạo bị cáo thỏa thuận với Công ty Watch Water ký văn bản phân phối độc quyền các sản phẩm, trong đó có chế phẩm Redoxy-3C tại Việt Nam”.
Khi chủ toạ phiên toà thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác những lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang. Bị cáo Chung cho rằng, có một số lời khai của bị cáo Giang khai không đúng. Cụ thể, “Giang nói làm mình thưc hiện việc gì, hay mua hàng ở đâu đều do tôi chỉ đạo là không đúng”.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung khai báo.
Bị cáo Chung cũng phủ nhận lời khai của đồng phạm về Công ty Arktic là công ty của gia đình bị cáo. Theo lời khai của bị cáo Chung, lý do Giang có mặt tại UBND TP Hà Nội vào năm 2016 và dự một số cuộc họp với tư cách đi cùng ông Chopra (Giám đốc Công ty Watch Water) để phiên dịch cho ông Chopa.
Bị cáo Chung thừa nhận việc có nhờ bị cáo Giang đi cùng đoàn công tác của UBND TP Hà Nội là để làm hai việc. Thứ nhất, là dẫn đoàn đi làm việc với công ty măng tây giống. Thứ hai, là làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Haco. Bị cáo Chung phủ nhận đã nhờ bị cáo Giang đi theo đoàn công tác của UBND TP Hà Nội để làm việc với Công ty Watch Water.
Đối với lời khai của bị cáo Giang về việc Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thành lập, bị cáo Chung cho rằng, bị cáo chỉ biết vợ và con trai cùng một người khác lập công ty trong thời gian con trai bị cáo từ nước ngoài về Việt Nam.
Video đang HOT
Bị cáo Chung cũng phủ nhận có biết việc vợ bị cáo là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa bỏ 5 tỷ đồng vốn điều lệ khi thành lập công ty. Bị cáo Chung cho rằng, bị cáo đã làm hết khả năng của mình để thành phố Hà Nội có được sản phẩm tốt nhất và mức giá tốt nhất. “Nếu các cơ quan tố tụng kết luận có thiệt hại thì bị cáo sẽ liên hệ với gia đình yêu cầu nộp tiền khắc phục hậu quả”, bị cáo Chung trình bày.
Ngay sau trình bày của bị cáo Chung, chủ toạ phiên toà cho biết, chị gái của bị cáo Chung dù được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng bà đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trước đó, chị gái của bị cáo Chung đã thay bị cáo nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo. Việc này xuất phát từ tình cảm gia đình.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Nguyễn Trường Giang và những người tham gia tố tụng tại phiên toà phúc thẩm.
Trong đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vân (chị gái bị cáo Chung) viết: “Tôi đã nhận được giấy triệu tập của tòa, tôi làm đơn này đề nghị tòa cho vắng mặt do tôi đang bị ốm. Về vấn đề nộp 10 tỷ đồng khắc phục cho bị cáo Chung, tôi xin được giải trình như sau: Tôi là chị ruột của bị cáo Chung… Khi biết, nếu khắc phục thiệt hại, em tôi sẽ được giảm án tù. Tôi quyết định định giúp em mà không bàn bạc trước do em tôi đang bị tạm giam.
Tôi dùng tiền của mình, sau khi nộp tiền đã nhờ luật sư nộp lại biên lai cho tòa. Quan điểm của tôi là, nếu em trai tôi bị kết án, tôi nộp 10 tỷ đồng mà không có thắc mắc gì”.
Sau khi ông chủ toạ phiên toà công bố bức thư trên, bị cáo Chung đề nghị ông chủ toạ phiên toà cho bị cáo được gặp chị gái mình để xác định lại sự việc trên. “Tôi cần biết chị tôi cho tôi số tiền đó hay cho tôi vay. Tôi phải được nghe chính chị ruột của tôi nói”, bị cáo Chung trình bày.
Trước đề nghị của bị cáo Chung, ông chủ toạ phiên toà cho biết, HĐXX sẽ xem xét đề nghị này.
Theo bị cáo Chung, trong bản giải trình kêu oan của mình, bị cáo không chấp nhận giá trị thiệt hại mà bản án sơ thẩm đã nêu. Bị cáo Chung cho rằng, HĐXX và Thẩm phán phiên tòa sơ thẩm đã có vi phạm luật tố tụng hình sự khi không trưng cầu giám định thiệt hại.
“Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, từ trại giam, tôi đã gửi bản giải trình hơn 106 trang viết tay tới Toà án cấp phúc thẩm. Tôi thấy rằng, bản án sơ thẩm quy kết tôi phạm tội là sai và tôi đưa ra nhiều đề nghị, trong đó đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đình chỉ vụ án”, bị cáo Chung trình bày.
Ngay sau phần trả lời của bị cáo Chung, chủ toạ phiên toà đã khẳng định, với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ vụ án có thể thấy, việc nhập hóa chất Redoxy- 3C có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án này tiếp tục diễn ra trong hai ngày 21 và 22/6.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: 'Tôi không bàn cách làm ăn trắng trợn'
Trong 1 giờ 17 phút tự bào chữa tại toà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phản bác quan điểm luận tội của viện kiểm sát, đồng thời khẳng định "không làm ăn trắng trợn" như lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày tại toà. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Bị cáo Nguyễn Đức Chung: Viện kiểm sát không tiếp thu
Ngày 11.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, và đồng phạm trong vụ án Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm RedOxy-3C qua Công ty Arktic gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng cho nhà nước.
Sau phần trình bày quan điểm luận tội, đề nghị mức án đối với các bị cáo của đại diện viện kiểm sát, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa. Trong hơn một giờ trình bày, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên tục bị chủ tọa nhắc nhở cần nói ngắn gọn, đi vào nội dung chính. Thậm chí, chủ toạ phải bấm giờ cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vì thấy bị cáo trình bày lan man.
Mở đầu phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, quan điểm buộc tội của đại diện viện kiểm sát chưa tiếp thu những nội dung đã được làm rõ tại phiên toà. Cụ thể, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phủ nhận việc chỉ đạo miệng tại cuộc thử nghiệm chế phẩm RedOxy-3C ở hồ Hoàn Kiếm ngày 31.7.2016. Viện kiểm sát cáo buộc, tại buổi thử nghiệm này, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng "giao Công ty Thoát nước mua chế phẩm RedOxy-3C qua Công ty Arktic".
"Quá trình điều tra và tại phiên tòa ngày hôm qua tôi đã giải trình rõ, toàn bộ nội dung câu nói này tôi không chấp nhận, không đồng ý. Đây là nội dung câu nói không đầy đủ. Nếu đã mua thì phải nêu rõ mua để làm gì, số lượng bao nhiêu...", bị cáo Chung nói.
Trình bày thêm về cáo buộc này, bị cáo Chung cho rằng, lời khai của 3 người: Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, và Trần Trọng Văn, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, không khách quan. Theo bị cáo Chung, tại cuộc thử nghiệm chế phẩm RedOxy-3C ở hồ Hoàn Kiếm ngày 31.7.2016 còn có cán bộ kỹ thuật tên Hiền, đứng đối diện mình để thuyết trình về quá trình thử nghiệm.
Chế phẩm RedOxy-3C dùng để xử lý ô nhiễm ở sông, hồ trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh CTV
"Tại toà hôm qua, chị Hiền cũng xác nhận không nghe thấy tôi nói gì đến Công ty Arktic", bị cáo Chung trình bày và cho biết thêm, quá trình mua chế phẩm RedOxy-3C, ông Võ Tiến Hùng cũng không sử dụng câu nói được cho là chỉ đạo miệng của bị cáo để chỉ đạo các nhân viên hoàn thiện hồ sơ, nhập những lô hàng đầu tiên. Việc mua bán được thực hiện theo luật pháp, theo chỉ định thầu, được sự nhất chí của Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Đối với các hợp đồng tiếp theo, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, bị cáo Hùng đã khai trước đó rằng thực hiện theo chỉ đạo của Thông báo số 308 ngày 22.8.2016 và theo hướng dẫn của các sở, ban, ngành. Đồng thời, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX lấy kết quả tranh tụng, các nội dung làm rõ tại toà làm căn cứ chính xác đề xác định có hay không có hành vi phạm tội.
Trình bày tiếp, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, đại diện viện kiểm sát chỉ lấy một câu nói "không rõ ràng" của mình bên bờ hồ Hoàn Kiếm để cáo buộc "Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước mua chế phẩm thông qua Công ty Arktic". Bị cáo Chung cho rằng quy kết như vậy là không khách quan, không đầy đủ, vì khi đó bản thân không chỉ đạo về việc mua chế phẩm. Đồng thời, sau đó, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã cho chủ trương và Sở Xây dựng cũng có hướng dẫn chỉ đạo về việc xử lý nước sông hồ ở Hà Nội.
"Hệ thống hành chính của các bộ, ngành ở nước ta thì chỉ đạo sau có giá trị hơn chỉ đạo trước. Tại sao lại lấy câu nói không phải chỉ đạo của tôi để cáo buộc về việc mua chế phẩm", bị cáo Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm bào chữa.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội dùng chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ Nghĩa Tân ở Q.Cầu Giấy. Ảnh CTV
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị HĐXX công bố rõ nội dung Thông báo số 308 ngày 22.8.2016. Bị cáo Chung cho rằng, trong thông báo kết luận cuộc họp này, ông không hề giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đàm phán trực tiếp với Công ty Watch Water để mua hay sử dụng trực tiếp chế phẩm RedOxy-3C mà chỉ giao công ty này đàm phán với Công ty Watch Water để làm rõ quy trình sử dụng chất RedOxy-3C, từ đó xây dựng quy trình xử lý đối với chất thải.
Dẫn chứng lời khai của các bị cáo và những người liên quan khác, ông Chung cho rằng, những người này đều căn cứ vào các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, điều lệ hoạt động của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; căn cứ vào hướng dẫn của các sở, ban, ngành để thực hiện đàm phán, ký kết các hợp đồng. Theo bị cáo Chung, các lời khai thể hiện không có một yếu tố nào căn cứ chỉ đạo của bị cáo Võ Tiến Hùng truyền đạt nội dung của mình vào chiều 31.7.2016 để thực hiện các nhiệm của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
"Chưa từng có ý nghĩ bàn với bị cáo Giang đẻ ra công ty sân sau"
Về quy kết của đại diện viện kiểm sát cho rằng ý thức chủ quan của mình là để bị cáo Nguyễn Trường Giang đi cùng đoàn công tác của UBND TP.Hà Nội sang Đức, đưa chế phẩm RedOxy-3C về Việt Nam, bị cáo Nguyễn Đức Chung khẳng định chỉ biết đến chế phẩm này khi bị cáo Võ Tiến Hùng thử nghiệm tại sân UBND TP.Hà Nội. Còn bản thân bị cáo là người trực tiếp đề nghị ông Chopra, Tổng giám đốc Công ty Watch Water, sản xuất loại chế phẩm xử lý nước sông hồ phù hợp với thực tiễn tại Hà Nội.
Bị cáo Chung cũng khẳng định không đặt vấn đề với bị cáo Giang cho mình gửi "phần trăm" vào công ty của ông Giang để được hưởng lợi. Đồng thời khẳng định, bản thân chưa từng có ý nghĩ bàn với bị cáo Giang để "đẻ" ra một công ty gọi là "sân sau" của mình.
Các bị cáo trong vụ mua chế phẩm RedOxy-3C qua Công ty Arktic gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng cho nhà nước. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, gia đình mình có công ty từ năm 1996, đã kinh doanh hơn 20 năm, buôn bán hàng chục nghìn mặt hàng. "Từ đó, nếu tôi muốn làm RedOxy-3C cho cá nhân mình, tôi chỉ cần nói với ông Deepark Chopra cho vợ tôi làm đại diện, nhập về bán công khai, không phải lằng nhằng như thế này, không cần bàn cách làm ăn trắng trợn như lời khai của bị cáo Giang", bị cáo Chung nói và cho rằng, bản thân có nhiều điều kiện để làm ăn.
Với cáo buộc chỉ đạo bị cáo Giang dùng tiền của Công ty Arktic chi các việc khác, bị cáo Chung khẳng định "tôi không rảnh" vì ở cương vị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, có gần 10 triệu dân, lịch làm việc luôn kín, không có thời gian, tâm sức để điều hành ông Giang.
Trình bày thêm về việc vì sao lựa chọn chế phẩm RedOxy-3C, bị cáo Chung cho hay, thời điểm mới đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tận tai nghe người dân phản ánh sông, hồ ở thành phố hôi thối. Trong khi đó, ngân sách thành phố chưa khi nào cấp kinh phí để xử lý đồng loạt, có chăng chỉ là xử lý hút bùn, vớt rác ở 8 hồ khu vực trung tâm thành phố. Nỗ lực làm tốt, làm việc có lợi cho dân, cho nước nên thấy chế phẩm RedOxy-3C là chất dùng chuyên nghiệp ở thế giới, giá thành lại rẻ hơn cách làm sạch sông, hồ truyền thống nên lựa chọn vì rõ ràng hiệu quả hơn. Trước khi triển khai rộng rãi, cũng đã cho thử nghiệm chế phẩm này ở nhiều hồ để đánh giá, rất cẩn trọng.
Về thiệt hại của vụ án, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định, nếu cơ quan chức năng chỉ rõ bị cáo thu nhập bất hợp pháp, thiệt hại của vụ án này là "hậu quả, nhân quả từ sự chỉ đạo" của bản thân thì sẵn sàng mang tiền của gia đình ra khắc phục.
Ông Nguyễn Đức Chung kêu oan vụ mua chế phẩm Redoxy-3C Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu oan, hai đồng phạm của ông kháng cáo vì cho rằng bản án quá nặng và mức bồi thường quá cao. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa có thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...