Bị cáo nghe vụ Nguyễn Thanh Chấn rồi đúng không?
Chủ tọa phiên tòa: “Bị cáo nghe vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang rồi đúng không? Nếu oan thì sẽ xem xét cho bị cáo. Nhưng bị cáo phải đưa được bằng chứng, lý lẽ để chứng minh”. Song không đưa ra được bằng chứng nên bị cáo 69 tuổi bị tuyên phạt 9 tháng tù.
Ông Vương Ngọc Huệ cùng HĐXX xem lại clip ghi cảnh ông nhận 3 cọc tiền.
Sáng nay 10/12, Toà án nhân dân huyện Quốc Oai, Hà Nội đã đưa ra xét xử ông Vương Ngọc Huệ (68 tuổi, ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Đại diện bị hại, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Hà Tây, uỷ quyền của Ngân hàng Vietinbank cùng những người trực tiếp chuyển tiền, viết giấy chuyển tiền và nhân chứng đều có mặt.
Theo cáo trạng, ngày 7/5, ông Huệ đến Phòng Giao dịch số 5, Vietinbank chi nhánh Hà Tây (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) để rút tiền. Số tiền ông Huệ đề nghị rút là 5 triệu đồng.
Bà Bạch Thị Diệp, giao dịch viên của phòng, đã làm thủ tục cho ông Huệ rút 5 triệu đồng, sau đó chuyển giấy tờ thủ tục chứng từ rút tiền và bảo bà Nguyễn Thị Thùy Dung là nhân viên ngân hàng làm thủ tục giao tiền cho ông Huệ. Việc này thuộc trách nhiệm của thủ quỹ Kiều Thị Hoa nhưng lúc đó bà Hoa bận đến kho bạc lấy tiền.
Bà Dung cầm giấy tờ và nhìn vào giấy đề nghị rút tiền của ông Huệ đã nhìn nhầm 5 triệu thành 50 triệu đồng và đã lấy 250 tờ tiền loại mệnh giá 200.000 đồng rồi cho qua máy đếm tiền buộc thành 3 bó. Vừa lúc đó, bà Kiều Thị Hoa về đến phòng giao dịch. Bà Dung bảo bà Hoa viết bảng kê giao nhận tiền mặt cho ông Huệ số tiền 50 triệu đồng. Ông Huệ đã ký nhận vào bảng kê này và cầm số tiền 50 triệu đồng về nhà.
Video đang HOT
Đến cuối giờ làm việc, phòng giao dịch kiểm kê và phát hiện thiếu 45 triệu đồng và kiểm tra các giao dịch, kiểm tra hệ thống camera phát hiện chi nhầm số tiền cho ông Huệ.
Ngay sau đó, bà Diệp và bà Hoa cùng chính quyền địa phương xuống nhà ông Huệ để giải thích và xin lại tiền đã giao nhầm song ông Huệ không nhận và không trả lại. Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã truy tố ông Huệ tội danh Chiếm giữ trái phép tài sản.
Không chấp nhận điều này, ông Vương Ngọc Huệ đã gửi đơn kêu oan khắp nơi. Trước tòa sang 10/12, ông Huệ không có luật sư mà tự bào chữa cho mình. Tất cả những gì ông đưa ra trước tòa là lời thanh minh mình không làm những điều xấu, mình không có lý do gì để cầm tiền thừa của Vietinbank.
Dù chủ tọa và đại diện viện kiểm sát liên tục nhắc nhở ông, tòa phải xem xét vụ án dựa trên bằng chứng song ông Huệ không đưa ra được bằng chứng nào.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã công bố bằng chứng quan trọng nhất là clip từ camera của Vietinbank thời điểm ông Huệ nhận tiền. Người làm chứng là bà Nguyễn Thị Út – một người cũng đi rút hơn 400 triệu và xác nhận người trong camera chính là ông Huệ. Bà Út còn nhìn thấy chị Dung bó tiền thành 3 cọc đưa cho ông Huệ và để riêng trên mặt bàn giao dịch, sau đó bà Hoa viết giấy đưa cho ông Huệ ký. Hình ảnh trong clip cũng rõ nét, ông Huệ đội mũ bảo hiểm, ký giấy và nhận 3 cọc tiền.
Ông Huệ cho rằng hình ảnh có thể bị làm giả song HĐXX cho hay cơ quan điều tra đã thu giữ đĩa ghi hình clip, sau đó gửi giám định và đã giám định xong, kết quả clip nguyên bản, không bị can thiệp cắt dán hay dùng kỹ xảo.
Chủ tọa động viên: “Bị cáo nghe vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang rồi đúng không? Nếu oan thì sẽ xem xét cho bị cáo. Nhưng bị cáo phải đưa được bằng chứng, lý lẽ để chứng minh mình oan”.
Bị cáo Huệ vẫn khăng khăng không lấy, kêu oan và không thừa nhận hình ảnh trong clip. Ông phủ nhận: “Tất cả những chứng cứ hoàn toàn không có thật. Chưa biết có đúng tôi hay không, có đúng 50 triệu hay không”.
Cho rằng bị cáo Huệ quanh co chối tội, không thành khẩn, cần xử lý nghiêm khắc phòng ngừa chung cho xã hội, viện kiểm sát đề nghị mức án 9-12 tháng tù cho ông Huệ.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù, tính từ ngày bắt thi hành án, buộc bị cáo phải trả lại 45 triệu đồng cho Vietinbank.
Vị chủ tọa phân tích thêm: “Hoàn cảnh tạo ra lòng tham, lỗi trước tiên là thủ quỹ của ngân hàng một phần. Nếu quy trình, thủ tục đúng ngay từ đầu thì không có vụ án đáng tiếc xảy ra ngày hôm nay”.
Kết thúc phiên tòa, ông Huệ cùng con trai ngơ ngác trước cửa tòa. Ông cho biết sẽ kháng cáo, còn người con trai thì im lặng. Còn những người đại diện của Vietinbank cũng không vui mừng gì.
Theo Nguyễn Quyết
Ngân hàng chi nhầm, khách hàng đối mặt tù tội
Ngân hàng nói rằng đã chi cho ông Huệ 50 triệu. Ông Huệ khẳng định mình chỉ nhận 5 triệu. Ông Huệ bị truy tố, ra tòa.
Bị cáo buộc chiếm giữ trái phép tài sản của ngân hàng, ông Huệ đối mặt tù tội (ảnh minh họa)
Theo kế hoạch, ngày 10/12 tới, TAND huyện Quốc Oai (Hà Nội) sẽ xét xử ông Vương Ngọc Huệ (ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Ngày 7/5 vừa qua, ông Huệ đến Phòng Giao dịch - Ngân hàng Thương mai CP Công thương (Vietinbank) để rút tiền. Số tiền ông Huệ đề nghị rút là 5 triệu đồng. Các giao dịch đã được thực hiện xong, ông Huệ ra về.
Đến cuối giờ làm việc, Phòng Giao dịch kiểm kê, phát hiện thiếu 45 triệu đồng. Ngân hàng cho rằng đã chi nhầm cho ông Huệ. Hai nhân viên tên Diệp và Hoa đã xuống nhà ông Huệ giải thích xin lại số tiền. Tuy nhiên, ông Huệ khẳng định không có chuyện đó.
Quá trình điều tra, cơ quan công an kết luận rằng, chị Bạch Thị Diệp và Nguyễn Thị Thùy Dung (nhân viên giao dịch) đã giao nhầm tiền cho ông Huệ.
Theo cơ quan điều tra, camera tại Phòng Giao dịch đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc. Sau khi ông Huệ đề nghị rút 5 triệu đồng, chị Bạch Thị Diệp đã làm thủ tục sau đó chuyển cho chị Nguyễn Thùy Dung làm tiếp thủ tục giao tiền vì chị Kiều Thị Hoa (thủ quỹ) đi vắng. Chị Dung nhìn nhầm 5 triệu đồng thành 50 triệu đồng nên lấy 250 tờ mệnh giá 200.000 đồng buộc thành 3 bó. Lúc đó, chị Hoa thủ quỹ về. Chị Dung báo chị Hoa viết bảng kê giao nhận cho ông Huệ số tiền 50 triệu đồng. Chị Hoa viết xong, ông Huệ ký nhận và cầm 50 triệu đồng ra về. Đến chiều, thấy thiếu tiền nên Phòng Giao dịch mở camera phát hiện đã chi nhầm tiền cho ông Huệ.
Sau đó, ông Vương Ngọc Huệ đã bị truy tố ra tòa để xét xử về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Vừa qua, TAND huyện Quốc Oai đã mở phiên tòa xét xử ông Huệ nhưng đã phải tạm hoãn vì thiếu luật sư, người bảo vệ lợi ích cho ông Huệ.
Một mực khẳng định mình không nhận 50 triệu đồng như bị cáo buộc, ông Huệ vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.
Điều 141.BLHS: Tội chiếm giữ trái phép tài sản Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Theo Khampha
Nhóm gây mê cướp tài sản người nghèo sa lưới Làm quen với những người bán dạo, Huệ cùng 2 đồng bọn bỏ thuốc ngủ vào nước uống để nạn nhân mê man sau đó cướp tài sản. Ngày 20/11, Công an TP HCM bắt tạm giam Vương Ngọc Huệ (45 tuổi), Đỗ Lệ Na (41 tuổi) và Tạ Văn Thành (43 tuổi) để điều tra hành vi Cướp Tài Sản. Thuốc mê...