Bị cáo Lý Xuân Hải: Chờ có hướng dẫn thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch
Chiều nay 22.5, phiên tòa xét xử “bầu” Kiên và các đồng phạm trở lại thẩm vấn đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bắt đầu phần xét xử, Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính yêu cầu cách ly 4 bị cáo gồm: “bầu” Kiên, Cang, Tuấn và Thanh. Bị cáo Lý Xuân Hải – nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, là người đầu tiên trả lời thẩm vấn của HĐXX.
Bị cáo Lý Xuân Hải – Ảnh: Hà An
Theo cáo trạng, từ tháng 6 – 9.2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng ủy thác số tiền hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7 đến 13%/năm.
Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng Viettinbank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, chiếm đoạt. Đây là hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Nguyễn Đức Kiên được Cơ quan Điều tra xác định.
Chủ tọa đặt câu hỏi “ngày 7.6.2011, thường trực HĐQT có họp không”. Bị cáo Hải đáp: “Chắc là có”. “Thế bị cáo chỉ đạo ai thực hiện ủy thác tiền gửi”, Chủ tọa hỏi tiếp. “Tôi không chỉ đạo mà là Nguyễn Văn Hòa, khi đó là Kế toán trưởng Ngân hàng ACB, tôi không chỉ đạo trực tiếp.
Việc ủy thác tiền gửi này theo tôi không vi phạm luật pháp vì thông tư 02 ra ngày 3.3.2011 quy định về trần lãi suất huy động nhưng không có quy định về việc người gửi tiền có quyền nhận các khoản thưởng, hoa hồng khuyến mại từ ngân hàng. ACB cũng không hạch toán các khoản này như tiền lãi. Tòa có thể kiểm tra.
Anh Hoàng báo cáo lại với tôi, khi gửi tiền tại Vietinbank, lãi suất là theo quy định, còn phần thưởng cho người đi gửi tiền được hạch toán vào khoản khác”, bị cáo Hải trả lời.
HĐXX dẫn quy định, thông tư của Ngân hàng Nhà nước và hỏi tại sao ACB không chờ có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về Luật các Tổ chức tín dụng rồi mới thực hiện các hoạt động ủy thác, bị cáo Hải đáp: “Nếu chúng tôi chờ các cơ quan quản lý có hướng dẫn thực hiện thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch rồi. Từ trước đến nay, có nhiều vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chúng tôi là khi chưa có văn bản mới hướng dẫn thì vẫn làm theo văn bản cũ”.
Bị cáo Hải trả lời tiếp, trước khi luật Tổ chức tín dụng 2011 đưa vào thực hiện thì việc ủy thác thực hiện theo Bộ luật dân sự. Toàn bộ phần thưởng, chi hoa hồng mà các cá nhân đem đi gửi tiết kiệm đều thuộc về ACB.
Theo TNO
Vợ bầu Kiên: 'Chồng đưa hợp đồng về thì tôi ký'
Phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục "nóng" với phần xét hỏi làm rõ tội kinh doanh trái phép của bị cáo này.
Sáng 22/5, phiên xử sơ thẩm vụ án bầu Kiên tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải và đại diện một số cơ quan tố tụng để làm rõ hành vi Kinh doanh trái phép đối với bị cáo này.
Video đang HOT
Theo cơ quan công tố, từ ngày 17/7/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên làm chủ tịch hoặc Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Chủ tịch HĐ thành viên để kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng. Hành vi này đã phạm tội Kinh doanh trái phép theo quy định tại điểm a, c khoản 2 điều 159 Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B được thành lập ngày 8/12/2012 với ngành nghề kinh doanh là: xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe; kinh doanh vàng bạc, đá quý (không bao gốm xuất khẩu vàng nguyên liệu); quảng cáo và nghiên cứu thị trường. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên - chủ tịch HĐQT.
Vốn điều lệ 1500 tỷ đồng, do 3 cổ đông là Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) và Nguyễn Thúy Hương (em Kiên) đăng ký góp vốn nhưng thực tế là 1460 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong phiên xử ngày 22/5
Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, công ty B&B chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép.
Từ ngày 4/9/2009 đến ngày 5/10/2009, B&B sử dụng gần 1200 tỷ đồng trong tổng số 1460 tỷ đồng vốn điều lệ để góp vốn vào công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) theo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần ngày 31/12/2008 của cá nhân Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Thị Kim Thanh và Nguyễn Thúy Lan.
Ngày 30/11/2010, công ty B&B phát hành 10 triệu trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng bán cho ngân hàng ACB. Mặc dù công ty B&B không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 4/9/2009 đến ngày 31/3/2011, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty B&B sử dụng số tiền gần 2400 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào các công ty khác.
Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) được thành lập ngày 16/1/2007, với nghề kinh doanh của công ty là: mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán, gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu vàng, trang sức, mỹ nghệ, đá quý, đá bán quý; đại lý thu đổi ngoại tệ; nghiên cứu, phân tích thị trường; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; tư vấn đầu tư, xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; kinh doanh bất động sản.
Bị cáo Lý Xuân Hải.
Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Vốn điều lệ của công ty là 3200 tỷ đồng.
Theo đó, từ ngày 15/3/2007 đến ngày 16/6/2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty AFG sử dụng số tiền là hơn 4000 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác là công ty ACI, ACI-Hn, ACBI.
Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) được thành lập ngày 10/1/2006.
Ngành nghề kinh doanh là: kinh doanh bất động sản, vàng, kinh doanh và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông, đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, resort, nhà nghỉ, spa, đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thể thao, sân golf, sân tennis, hồ bơi.
Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, công ty ACBI chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty ACBI sử dụng số tiền hơn 1.400 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techcombank, Eximbank.
Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) được thành lập ngày 4/11/2008, với nghành nghề kinh doanh là: kinh doanh nhà, xây dựng dân dụng, cho thuê nhà, nhà phục vụ mục đích kinh doanh, kho bãi; môi giới BĐS; dịch vụ nhà đất; dịch vụ bán đấu giá tài sản; mua bán vàng bạc, đá quý, xe ô tô, xe máy thiết bị ngành giao thông - phụ tùng, phương tiện vận tải; xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu đô thị; cho thuê phương tiện vận tải, sân tập, sân đấu thể thao; tư vấn đầu tư; mua bán, cho thuê trang thiết bi thể dục, thể thao, trang phục thi đấu.
Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trao đổi với Luật sư trong giờ giải lao.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, công ty ACI chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty ACI sử dụng số tiền hơn 450 tỷ đồng để mua cổ phần của công ty CP Đầu tư và Thương mại Nhà rồng, công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn và công ty Sabeco.
Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN) được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên.
Ngành nghề kinh doanh là: mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán, gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, đá quý, đá bán quý; đại lý thu đổi ngoại tệ; nghiên cứu, phân tích thị trường; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; tư vấn đầu tư; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; xây dựng và kinh doanh sân golf; kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống.
Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng thành viên. Vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, công ty ACI-HN chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép.
Theo đó, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty sử dụng số tiền hơn 1400 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu ngân hàng ACB, DaiABank, Vietbank, KienLongbank và Eximbank.
Mở đầu phiên xử, HĐXX thẩm vấn đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư về mã ngạch kinh doanh. Theo đó, việc kinh doanh cổ phần, cổ phiếu thuộc mã ngạch kinh doanh, mã hóa chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. Các mã ngành kinh tế mua bán cổ phiếu được xác định thuộc mã ngạch kinh tế Việt Nam. Ông này cũng cho biết, Tổng cục thống kê không có nhiệm vụ thống kê mã ngạch kinh doanh.
Trở lại việc kinh doanh vàng, HĐXX thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải (Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB).Trả lời HĐXX, Lý Xuân Hải cho biết, kinh doanh vàng và kinh doanh trạng thái vàng là hai hình thức khác nhau. Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh trạng thái vàng ngoài nước trên tài khoản nước ngoài.
Bà Đặng Ngọc Lan trả lời câu hỏi của HĐXX.
Đối với việc cung cấp tài khoản kinh doanh nước ngoài cho các đối tác, như Ngân hành Vietbank phải phụ thuộc vào uy tín, tiềm lực của từng cá nhân, doanh nghiệp. Việc lựa chọn đối tác phải lựa chọn cẩn thận. Việc ký hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng với Ngân hàng VietBank, Ngân hàng ACB không kiểm tra giấy phép kinh doanh, vì họ phải chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn đối tác kinh doanh của Ngân hàng ACB là năng lực tài chính, uy tín.
Tiếp tục truy vấn đại diện Ngân hàng ACB về kinh doanh vàng, đại điện Ngân hàng ACB có mặt tại tòa nói: Ngân hàng ViettBank không có giấy phép kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài nên phải ủy thác cho Ngân hàng ACB.
Đặt thêm câu hỏi về vấn đề này, HĐXX cho rằng, Ngân hàng VietBank thực hiện ủy thác giá vàng qua ACB. Vì vậy, Ngân hàng VietBank phải có giấy phép kinh doanh vàng...? Trả lời HĐXX, vị đại diện Ngân hàng ACB nói là đúng.
Đối với việc ủy thác kinh doanh vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, phải thực hiện theo Nghị định 174 của Chính phủ và Quyết định số 03 của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ có quy định về kinh doanh vàng chứ không có quy định về ủy thác. Ngoài 2 quy định này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có quy định về các hoạt động cụ thể nào khác. Không có căn cứ nào để yêu cầu VietBank phải có giấy phép kinh doanh vàng.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ có chỉ thị cấm giao dịch vàng ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước có quyết định số 03 về việc chấm dứt các hoạt động giao dịch vàng từ 30/3/2010. Ngân hàng Nhà nước không có văn bản nào gia hạn về quyết định này.
Mặc dù ban đầu vị đại diện Ngân hàng Nhà nước nói không gia hạn thêm về Quyết định số 03 về việc chấm dứt các hoạt động giao dịch vàng từ 30/3/2010. Tuy nhiên sau đó, vị đại diện này lại nói Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 10 gia hạn thêm cho Ngân hàng ACB đến ngày 30/6/2010. Sau đó, ban hành thêm Thông tư gia hạn thêm đến 30/7/2010 cho tất cả các Ngân hàng.
Còn đối với bị cáo Kiên, khi HĐXX truy vấn, bị cáo Kiên đã đưa ra một loạt văn bản luật, nghị định liên quan đến việc điều chỉnh, quy định trong kinh doanh vàng để khẳng định mình không kinh doanh trái phép.
Đến 10h15', HĐXX quyết định cách ly bị cáo Kiên ra khỏi phòng xử án để thực hiện phần xét hỏi đối với bà Đặng Ngọc Lan, Tổng giám đốc công ty B&B, vợ bị cáo Kiên.
Trước tòa, bà Đặng Ngọc Lan cho biết, "việc tôi làm Tổng giám đốc công ty này, chồng tôi nói là đứng chức vụ, còn mọi hoạt động kinh doanh của công ty tôi cũng không nắm được, do chồng tôi điều hành".
Bà Lan nói, khi cơ quan điều tra đưa Hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng, thì bà mới biết.
"Chồng đưa hợp đồng về thì tôi ký, thời gian đó tôi sinh cháu. Tôi nghĩ rằng, tôi tin tưởng vào chồng tôi và ký hợp đồng là không sai. Tôi ký hợp đồng ở nhà" - Bà Lan nói, thừa nhận tất cả hoạt động điều hành kinh doanh tại công ty này là do bầu Kiên thực hiện.
Theo Vietbao
Bị cáo Trịnh Kim Quang đổ lỗi cho Vietinbank Trong phần thẩm vấn chiều 22.5, bị cáo Trịnh Kim Quang khai Nguyễn Đức Kiên và Trần Mộng Hùng là người có quyền lực nhất ở ngân hàng ACB. Xoay quanh cuộc họp của HĐQT ngày 22.3.2010 về việc ủy thác đem tiền đi gửi, bị cáo Trịnh Kim Quang khai: "Khi anh Hải đề xuất chuyện ủy thác, không có chuyện anh...