Bị cá voi khổng lồ cắn ngang người, vẫn sống sót như thần thoại
Ông Rainer Schimpf, thợ lặn người Nam Phi đã thoát khỏi tử thần một cách vô cùng may mắn sau khi bị một con cá voi khổng lồ dài tới 15 mét ngoạm ngang người.
Ông Rainer Schimpf đã bị cá voi ngoạm rồi tha đi giữa biển
Ông Rainer Schimpf , 51 tuổi, đang cùng nhóm thợ lặn lên kế hoạch quay phim tại vùng biển ngoài khơi Cảng Elizabeth, phía đông Cape Town, Nam Phi thì bất ngờ chạm trán cá voi khổng lồ.
Khi đó, ông Schimpf và cả đội đã chia thành 2 nhóm để ghi lại hình ảnh nhiều loài sinh vật như ở biển, cánh cụt, hải cẩu, cá heo, cá voi và cá mập hội tụ để săn những đàn cá. Cả nhóm đang lặn cách bờ biển 25 hải lý thì mặt biển bất ngờ nổi sóng và Schimpf bị hút vào miệng của một con cá voi Bryde.
“Một khi mà bạn bị ngoạm bởi một loài vật nặng tới 15 tấn và bơi cực kỳ nhanh trong nước, bạn sẽ nhận ra bạn thực chất chỉ là một thứ thật nhỏ bé giữa lòng đại dương”, ông Schimpf hồi tưởng về cảm xúc kinh hoàng khi sự việc xảy ra.
Ông và hai người đồng nghiệp nữa chỉ vừa bơi trong nước được khoảng hai đến ba phút khi con cá voi bất thình lình bơi đến. Ước tính, con cá dài tới 15 mét và nặng khoảng 20 tấn.
Trong khi ông Rainer Schimpf mắc kẹt tại miệng cá voi, những đồng nghiệp của ông lại chẳng thể làm gì khác ngoài việc lia máy quay nhắm vào con cá và theo dõi một cách hoảng sợ từ trên thuyền.
“Suy nghĩ tiếp theo của tôi là con cá voi có thể sẽ dìm tôi xuống giữa biển rồi thả tôi ra ở vùng nước sâu hơn, vì vậy nên tôi đã ngay lập tức giữ lấy hơi”, ông Rainer Schimpf tiếp tục dòng chia sẻ, “Dĩ nhiên là nó đã nhận ra tôi không phải món nó muốn ăn nên nhả tôi ra”.
Sau đó, người thợ lặn kỳ cựu này đã bơi về tàu bình yên vô sự và không hề bị thương. Theo gần 20 năm kinh nghiệm đi lặn của ông Schimpf thì đây quả là một trải nghiệm kinh hoàng nhưng cũng cực kỳ hiếm gặp.
Trà Xanh
Theo dantri.com.vn
Bất ngờ phát hiện loài cá voi cực bí ẩn, hiếm đến mức được xem là 'huyền thoại'
Các nhà khoa học đã thu thập được 3 mẫu mô của loài cá voi được đánh giá là cực kỳ hiếm, đến mức được xem là 'huyền thoại'.
Cá voi sát thủ - orca - đây có lẽ là loài vật nhiều người đã từng nghe tên. Chúng sở hữu một vẻ ngoài khá hiền hòa, nhưng thực chất bên trong lại là những sát thủ cực kỳ khát máu, đôi khi còn nguy hiểm hơn cả cá mập trắng khổng lồ.
Có điều ít ai ngờ rằng thực chất có nhiều phân loài cá voi sát thủ khác nhau, được chia thành 'loại' (Type) A, B, C, và D. Trong đó, Type D thuộc dạng cực kỳ hiếm, đến mức được gắn với cái danh 'huyền thoại'.
Và điều bất ngờ hơn nữa là mới đây, các nhà khoa học cho rằng họ đã tình cờ ghi lại được hình ảnh của phân loài siêu hiếm này ngoài tự nhiên. Cụ thể, các chuyên gia từ NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) cho biết họ đã ghi lại được hình ảnh của cá voi sát thủ loại D tại biển Cape Horn thuộc phía Nam Chile.
Trong nhiều năm, các bằng chứng về sự tồn tại của cá voi sát thủ loại D xuất hiện hết sức lẻ tẻ: từ những bức ảnh của du khách, cho đến những câu chuyện truyền miệng của các ngư dân. Như năm 1955, có báo cáo cho thấy sự xuất hiện của cá voi loại D tại bờ biển Paraparaumu của New Zealand.
Phải mãi đến năm 2015, các nhà khoa học tại NOAA mới có được thước phim đầu tiên về phân loài cá voi này, và nay mới đưa nó ra công bố. Ngoài ra thì mới đây, họ đã cùng tàu nghiên cứu Australis tiến đến gần chúng hơn, đủ để thu được 3 mẫu mô về nghiên cứu. Quá trình thu thập được thực hiện bằng phi tiêu cỡ nhỏ, không đủ khả năng gây tổn thương cho chúng.
Theo các thông tin ghi nhận, khoa học thực chất đã thu thập mẫu mô của loại cá voi này từ năm 1955, nhưng đến năm 2013 mới đem ra phân tích. Từ đó, chúng ta mới xác nhận được rằng cá voi sát thủ loại D thực sự khác biệt với 3 phân loài còn lại (về mặt di truyền). Chúng tách ra từ 390.000 năm trước.
Và nếu như 3 mẫu mô thu thập tại biển Cape Horn cũng trùng khớp với mẫu tại biển Paraparaumu năm 1955, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về loài vật hiếm đến mức được xem là huyền thoại này.
'Chúng tôi thực sự rất háo hức mong chờ kết quả giám định gene,' - trích lời nhà hải dương học Bob Pitman từ NOAA. Pitman là người đã nghiên cứu về cá voi sát thủ suốt 14 năm qua.
'Cá voi sát thủ loại D có thể là loài thú cỡ lớn duy nhất còn sót lại mà chưa được khoa học xác nhận trên hành tinh này.'
Trong số 4 phân loài cá voi sát thủ, loại D có sự khác biệt rất lớn về ngoại hình. Chúng có cái đầu giống với các loài cá voi hoa tiêu - nghĩa là nhọn và hẹp. Răng của chúng nhỏ hơn đồng loại. Vệt trắng đặc trưng dưới mắt cũng nhỏ hơn.
Chúng cũng sống trong những môi trường nước cực kỳ khắc nghiệt - thường là vùng biển lạnh giá, biến động mạnh ngay phía bên ngoài vành đai Nam Cực.
4 loại cá voi sát thủ: Loại A là lớn nhất, săn cá voi mũi nhọn. B nhỏ hơn, màu da xám hơn, mắt to hơn, thường săn hải cẩu. C nhỏ nhất, có màu da xám và thường săn cá tuyết.
Trên thực tế, cả 4 loại cá voi hiện đang được xếp chung vào 1 loài duy nhất, đó là: Orcinus orca. Nhưng giờ đây, khoa học đang tự tin rằng mình sẽ có đủ thông tin để tách chúng ra thành các loài riêng biệt.
Theo m.netnews.vn
Bí ẩn tảng băng màu xanh ngọc nổi tiếng tại Nam Cực sắp có lời giải Băng mà lại có màu xanh lục? Màu sắc này ở đâu ra vậy? Ai cũng biết băng trôi thường xuất hiện với màu trắng hoặc xanh lam trên mặt biển. Vậy nên vào đầu thế kỷ 20, các nhà thám hiểm đã rất bất ngờ khi phát hiện những tảng băng có màu xanh lục (xanh lá cây) tại Nam Cực -...