Bị bỏng nửa người vì ngã vào nước thuốc trị bệnh cho tôm
Thấy đầm tôm của gia đình bị nhiễm bệnh phát sáng, anh Ngô Hoài Lý (ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) mua thuốc về rải xuống để trị bệnh cho tôm. Không may anh Lý ngã vào số thuốc đã pha, bị bỏng nửa thân người.
Tiếp xúc với PV Dân trí ngày 12/4, ông Ngô Văn Trà (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết, con trai ông là anh Ngô Hoài Lý (SN 1983) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM trong tình trạng nguy kịch.
Ông Trà kể lại, ngày 30/3, con trai ông phát hiện đầm tôm của gia đình bị nhiễm bệnh phát sáng (một loại bệnh trên đầm tôm do bị nhiễm vi khuẩn – PV) nên đã đến đại lý Kim Chưởng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) mua 4 chai thuốc hiệu Sông Lam của Công ty Sông Lam (TPHCM). Sau đó anh Lý về nhà pha thuốc đưa xuống vỏ lãi, kêu vợ bơi xuồng để anh rải thuốc. Do bất cẩn, anh Lý bị trượt chân té khụy gối vào nước thuốc đã pha.
“Sau khi trượt chân té, nó về nhà nói với tui là cảm thấy nóng trong người và đến sáng hôm sau là có biểu hiện bị bỏng nên gia đình đã đưa nó đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi nhập viện, phần da từ rốn trở xuống hai bàn chân của nó đã bị tuột hết, phần vùng kín cũng bị thương nghiêm trọng”, ông Trà đau xót.
Cũng theo ông Trà, sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay tế bào da ở phần bị thương đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vùng kín vẫn còn rỉ nước vàng. Các bác sĩ cho biết cần phải phẫu thuật ghép da nhưng chi phí rất cao.
Ông Trà với chai thuốc đã gây ra tai nạn cho con trai.
Video đang HOT
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Kim Chưởng (chủ đại lý Kim Chưởng) cho biết, loại thuốc này bà nhận từ đại lý Tuấn Lợi (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau). Để chứng minh, bà Chưởng đưa cho PV bảng kê ghi rõ việc đại lý Kim Chưởng nhận thuốc ngày 15/6/2013. “Năm vừa rồi, tôi nhận về hai thùng thuốc hiệu Sông Lam với số lượng 12 chai, có hạn sử dụng được ghi trên nhãn hiệu là đến năm 2016. Có nhiều người đã mua thuốc này sử dụng”, bà Chưởng cho hay.
Được biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã Tân Phú đã chỉ đạo lập biên bản hiện trường. Đại lý Tuấn Lợi cũng đã lấy mẫu thuốc giao Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau để kiểm tra.
Ông Phạm Thế Tài – Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau – xác nhận, loại thuốc trị bệnh phát sáng đầm tôm này có nồng độ cồn cao, rất dễ xảy ra bỏng. Nhà sản xuất cũng khuyến cáo trên nhãn hiệu về tính độc hại nhưng dụng cụ chống độc hại thì không ghi rõ.
Trước sự việc trên, ông Tài khuyến cáo bà con nông dân nên lưu ý khi sử dụng các loại thuốc có chứa chất độc hại, cần sử dụng bảo hộ lao động để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Được biết, hoàn cảnh gia đình nạn nhân rất khó khăn. Anh Lý đã có vợ và có 2 con nhỏ. Số tiền 100 triệu đồng với gia đình là quá lớn; trong khi Công ty Sông Lam chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng.
Theo Dantri
Ông lão 87 tuổi 16 năm "đội" đơn đòi thi hành án
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng ông Giang Văn Mân (87 tuổi, ngụ ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỹ, huyện Thới Bình, Cà Mau) vẫn đi gõ cửa cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu thi hành án đáng lẽ phải được thực hiện từ 16 năm trước.
Cầm trên tay hồ sơ đã được phô tô nhiều lần nên nét chữ đã mờ, giọng nói khào khào, ông Giang Văn Mân bùi ngùi: "Nó chiếm đất của gia đình tui nên tui phải thuê người khác viết đơn gửi đến cơ quan chức năng để đòi lẽ phải. Và lẽ phải đã thuộc về tui rồi nhưng cơ quan chức năng vẫn không chịu thực hiện nên 16 năm qua tui vẫn phải đội đơn đòi thi hành án".
Lấy tay lau nước mắt, ông Mân nói tiếp: "Tuổi của tui đã gần đất xa trời, không biết chết khi nào nữa, chắc có lẽ Chi cục thi hành án dân sự huyện Thới Bình chờ tui chết rồi mới...".
Đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông Mân vẫn phải đội đơn đi đòi quyền lợi cho mình.
Theo hồ sơ cho thấy, năm 1994, ông Nguyễn Văn Chơn (ngụ ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau) cố ý chiếm đất canh tác của ông Giang Văn Mân với diện tích 48.500m2. Ông Mân phải đi khắp nơi nhờ người viết đơn đòi công lý. Đến năm 1998, TAND huyện Thới Bình mở phiên tòa sơ thẩm xử phạt ông Nguyễn Văn Chơn 9 tháng tù giam về tội "xâm phạm tài sản của người khác"; đồng thời buộc ông Chơn phải bồi hoàn 4.000kg lúa cho ông Mân.
Ông Chơn chống án lên TAND tỉnh Cà Mau. Ngày 16/5/1998, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm và tuyên án giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, từ ngày tòa tuyên án đến nay, cơ quan Thi hành án (THA) dân sự huyện Thới Bình vẫn chưa chịu THA.
Bức xúc hơn là sau khi ra tù, ông Chơn lại tiếp tục tái chiếm đất của ông Mân.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quốc Khải - Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Thới Bình - cho rằng, về phần đất mà ông Nguyễn Văn Chơn chiếm của ông Giang Văn Mân đã được THA xong. Tuy nhiên về sau, ông Chơn lại tiếp tục chiếm đất của ông Mân nên THA huyện Thới Bình đã báo cáo lên UBND huyện xử lý vì thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thới Bình.
Còn về phần lúa thì theo ông Khải, nếu như ông Mân đưa ra được chứng cứ ông Chơn có khả năng THA thì Chi cục THA huyện sẽ THA phần lúa cho ông Mân (!?).
Theo tìm hiểu của PV, thực tế ông Nguyễn Văn Chơn có thừa khả năng THA án bởi ông Chơn có đến 18 công đất ở ấp 9, xã Tân Lộc. Phần đất này ông Chơn cho người khác mướn mỗi công một chỉ vàng 24k/năm (tức mỗi năm ông Chơn thu 18 chỉ vàng 24k).
Việc ông Nguyễn Văn Chơn có thừa khả năng THA cũng đã được Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình xác minh và đã có báo cáo đến Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau vào ngày 23/7/2012.
Liên quan đến vụ việc này, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình) nhưng ông này hẹn hết lần này đến lần khác, chưa tiếp xúc với PV.
Ông Mân bức xúc cho rằng, phải chăng Chi cục THA dân sự huyện Thới Bình cố tình kéo dài thời gian, chờ đến khi ông qua đời thì "xù" vụ việc, bởi lẽ hiện ông Mân đã gần 90 tuổi?
Tuấn Thanh
Theo Dantri
"Dòng thép nóng chảy như dung nham dội xuống các công nhân" Sau tiếng nổ kinh hoàng, thép đã được nung chảy từ lò nung trên cao trút xuống đầu nhiều công nhân đang cắm cúi làm việc. Không kịp chạy khỏi dòng "dung nham", nhiều nạn nhân bị bỏng nặng, ít nhất 3 trường hợp đang nguy kịch. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 11/4 tại nhà máy thép Pomina...