Bị bố ép cưới con gái người ăn mày, tôi không ngờ cuộc đời mình trở nên thế này
Bằng việc dọa cắt trợ cấp cho tôi, bố tôi đã ép tôi phải cưới con gái của một người ăn mày.
Tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác, phải cưới cô ấy – con gái của gã ăn mày. (Ảnh: Internet)
Tôi rất xấu hổ khi nói với mọi người rằng bố vợ tôi là ăn mày. Bạn có thể không tin phải không? Ông ấy trở nên tàn tật sau một vụ tai nạn, vợ ông đã bỏ đi sau đó. Một mình ông đã nuôi dạy con gái mình khôn lớn, và người đó giờ đây là vợ tôi.
Bố tôi có một công ty riêng, cuộc sống chúng tôi khá dư dả. Một ngày nọ, người ăn mày ấy đến nhà chúng tôi, bố tôi không ngần ngại mời ông vào nhà vì ngoài trời hơi lạnh. Bố tôi khi ấy chẳng nghĩ ngợi gì cả, ông chỉ cho rằng khi ai đó gặp khó khăn, ông nên giúp họ, dù là việc nhỏ nhặt. Và đó là cách tôi đã gặp bố vợ của mình.
Tôi nửa đùa nửa thật với bố rằng ông có thể cho bất cứ ai vào nhà, dù là ăn mày. Tôi có thể hy vọng gì từ ông ấy chứ, ông ấy thậm chí còn chẳng có được chiếc điện thoại di động. Ấy vậy mà ông ấy và bố tôi lại thường xuyên gặp nhau uống trà. Do đó tôi cũng hay gặp ông ta nhưng tôi chẳng muốn có bất kì mối quan hệ nào với ông.
Sau đó bố tôi nghe được rằng người ăn mày này có một đứa con gái đang học sau đại học. Thế rồi như ông lập tức tìm ông mai, không cần có sự đồng ý của tôi, ông đề nghị tôi cưới con gái của người ăn mày đó. Ngạc nhiên chưa! Tôi biết tôi không có bằng cấp cao, chỉ là cử nhân thôi nhưng tôi có cần kết hôn với người đang học sau đại học ấy – con gái của người ăn mày không?
Con người bây giờ thường rất khô khan, trọng hình thức và đẳng cấp của gia đình vợ/chồng là rất quan trọng trong một cuộc hôn nhân. Vậy nên kết hôn với cô gái ấy, bạn bè sẽ cười vào mặt tôi mất thôi. Tuy nhiên, bố tôi đã dành hết tình cảm cho cô gái đó và dọa sẽ cắt hết trợ cấp cho tôi. Nói ra thì thật xấu hổ, dù đã có bằng đại học và công việc khá tốt nhưng tôi vẫn chưa thể tự lập được, vẫn phải nhờ sự hỗ trợ tài chính tự bố. Và thế là tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác, phải cưới cô ấy – con gái của gã ăn mày.
Cưới con gái người ăn mày không phải là ý tưởng của tôi để tìm được hạnh phúc. Nhưng may mắn thay, cô ấy cũng có thể gọi là tạm ổn: nấu ăn giỏi, chăm sóc gia đình, nhà cửa tốt, lại còn có việc ổn định. Công việc tôi tuy cũng được nhưng tôi thường xuyên chi xài nhiều hơn số mình kiếm được. Và cuộc sống của chúng tôi cứ thể trôi qua, dĩ nhiên là không thể thiếu sự trợ cấp của bố tôi.Ba năm sau ngày kết hôn, công ty bố tôi phá sản. Tình hình tài chính gia đình gặp biến động, bố tôi không còn vui vẻ như trước. Và một ngày nọ, vợ tôi bỗng đưa tôi một quyển sổ tiết kiệm. Tôi thầm nghĩ “giúp ích được gì chứ”, tiền lương và tiết kiệm của cô ấy chẳng thể giúp gì cho bố tôi cả. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, cô ấy nhẹ nhàng bảo: “Anh mở ra và xem đi. Đủ hay không thì nói em biết. Đừng kết luận nhanh như thế”. Mở ra, tôi hoàn toàn sốc, 4 triệu nhân dân tệ. “Ở đâu mà em có nhiều như thế này?”, không giấu được sự ngạc nhiên, tôi buộc miệng hỏi. “Bố em đưa cho em”. Sau đó, cô ấy bắt đầu kể rằng, sau khi bố cô ấy gặp tai nạn, mẹ bỏ đi, gia đình cực kì kiệt quệ. Nhưng 6 tháng sau đó, bố cô ấy được bồi thường 4,3 triệu nhân dân tệ. Nhiều năm trôi qua, ông chỉ tiêu một phần nhỏ, còn lại để dành cho cô con gái học hành như ngày hôm nay.
Video đang HOT
Dù tật nguyền nhưng ông vẫn làm được vài việc lặt vặt để kiếm tiền như ăn xin hay bán hàng tại quầy rau quả. Quan trọng hơn, vợ tôi không hề biết rằng bố mình có nhiều tiền như thế. Mỗi khi con gái đi làm, không chịu được sự cô đơn khi ở nhà một mình, ông đã ra ngoài để đi xin tiền. Tất nhiên ông phải chịu ánh mắt khinh bỉ, xem thường của mọi người. Với vợ tôi, khi cô ấy còn đi học đã phải chịu sự xem thường của bạn bè khi họ biết bố cô ấy là một kẻ ăn mày. Vợ tôi biết bố mình đã làm việc rất cực khổ mới có thể đủ tiền cho mình học đại học. Đó là lý do khiến cô ấy không ngừng nỗ lực học tập thật chăm chỉ. Vợ tôi là một cô con gái ngoan, hiếu thảo, không bao giờ làm bất kì điều gì để bố phiền lòng. Cứ thế họ sống với niềm tin cuộc đời mình rồi sẽ khá hơn.
Đối với số tiền 4 triệu nhân dân tệ, vợ tôi nghĩ rằng bố cô mới là người nên hưởng số tiền đó. Tuy nhiên, ông quả quyết: “Sau khi bố mất, chỉ còn lại mình con trên cõi đời. Có số tiền này, con sẽ chẳng còn phải lo lắng cho quãng đời còn lại. Con thử nghĩ, nếu con biết bố có số tiền này, liệu con có học hành chăm chỉ như bao năm qua không?”.
Nói đến đây, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của vợ tôi. Nó thực sự khiến tôi thay đổi. Họ đã chiến thắng được sự tôn trọng của tôi. Sau tất cả, tôi đã hiểu ra một điều: cuộc sống không hoàn hảo, tôi chẳng thể nào có được tất cả mọi thứ tôi muốn mà chỉ có chăm chỉ và kiên trì, tôi mới có một tương lai tươi sáng.
Theo Afamily
Là phụ nữ, hãy làm bà hoàng của cuộc đời mình, đừng dành cả đời còn lại làm nô tỳ!
Phái đẹp sinh ra là để được yêu chiều, toả hương cho đời bằng vẻ dịu dàng đằm thắm vốn có. Không có phụ nữ, cuộc đời này sẽ tẻ nhạt và lộn xộn lắm. Làm phụ nữ, đừng tự biến mình thành nô tỳ, cũng đừng để ai biến mình thành như thế, hi sinh vừa đủ thôi, hãy làm bà hoàng, kiêu hãnh và xinh đẹp cho đến hết cuộc đời!
Câu nói về những nấc thang thay đổi cuộc đời người phụ nữ khiến dân tình tranh cãi ầm ĩ.
Hà Nội vừa mưa bão xong. Cái nhà tôi đang ở trong ngõ sâu, lắm cửa, đêm không đóng nên mưa hắt ướt hết cả 4 tầng nhà. Cầu thang thì bằng gỗ nên trơn trượt, sáng ra nhìn cảnh đất cát bẩn thỉu trộn lá cây rải đầy nền nhà, ai cũng thấy ngán. Anh hàng xóm cạnh phòng tôi quát vợ oang oang: "Mẹ nó dậy hót hết chỗ rác bẩn xong rồi lau sạch đi cho tôi, tí tôi đi làm bây giờ ướt hết cả chân à. 2 thằng cu ngủ dậy không chịu ngồi im, chạy ra chơi lại ngã dập mặt, dậy lau đi nhanh lên!".
Cứ thế, 8h sáng, nhà tôi ầm ĩ như cái chợ. Đánh răng rửa mặt xong mở cửa phòng hít thở một tí, thấy chị hàng xóm đang lui cui dọn dẹp lau cầu thang, mặt chị còn thiu hơn cả đĩa bánh cuốn ế. Ngồi thụp xuống hỏi han chị mấy câu, chị ngồi thừ ra bảo: "Từ lúc sinh xong thằng thứ 2, anh ấy bảo chị xong nghĩa vụ rồi, giờ khỏi cần đi làm lại, nghỉ hẳn ở nhà chăm 2 đứa với dọn dẹp nhà cửa là được rồi. Bạn bè tầm tuổi chị cũng thế, chat facebook với nhau bà nào cũng than biết thế không lấy chồng, lúc tán thì hoành tráng lắm, hốt được về làm vợ xong giờ coi mình không khác osin cao cấp. Đi đâu cũng quát mắng vợ ầm ầm ra oai, ở nhà thì lấy cái điều khiển TV cũng sai vợ. Chị chán lắm rồi em ạ".
Chị đọc diễn văn kể khổ dài lắm, tôi tóm tắt lại mà vẫn lòng thòng. An ủi chị mấy câu, tôi quay vào mở máy tính ra làm việc. Lên facebook, tha thẩn trên một diễn đàn lớn, thế nào lại đập ngay vào mắt một câu nói rất liên quan đến tình cảnh của chị hàng xóm mà tôi vẫn phải chứng kiến ngày ngày, dân tình like điên đảo, chẳng rõ hay thế nào mà tận... 70.000 like, 15.300 lượt share. Cư dân mạng tranh nhau bình luận, bày tỏ quan điểm rồi chỉ trích đàn ông đủ kiểu. Khiếp khủng. Đúng là câu nói động chạm đến nỗi lòng phụ nữ nên 500 chị em mới hưởng ứng nhiệt tình thế:
"Cuộc đời con gái: 18 năm làm công chúa, 1 ngày làm hoàng hậu, 9 tháng 10 ngày làm quý phi, cả đời còn lại làm nô tỳ".
Tôi cũng là phụ nữ đây, mà đọc cái câu trên ông nào đúc kết ra nghe nó cứ sao sao ấy nhỉ? Chẳng lẽ qua mỗi giai đoạn cuộc đời, số phận người phụ nữ lại chỉ tương ứng với những vai trò trên? 18 năm làm công chúa là quãng thời gian hạnh phúc êm đềm nhất được ở với bố mẹ, 1 ngày làm hoàng hậu là khi khoác trên mình chiếc váy cưới và được chồng trao nhẫn chứng minh "đã đi tù chung thân", 9 tháng 10 ngày làm quý phi là khi mang bầu đứa con thân yêu, cả đời con lại làm nô tỳ thì... thôi, có lẽ không phải nói nhiều, ai làm phụ nữ cũng hiểu ý nghĩa là gì. Tôi hoàn toàn đồng ý cách ví von này khá hay và khá đúng, nhưng không phải là 100%. Phụ nữ xứng đáng được coi trọng với nhiều vị trí cao hơn là "nô tỳ".
Tại sao? Xã hội hiện đại bình đẳng nhiều rồi, nữ quyền cũng vùng lên dữ dội chứ không còn nguyên vẹn tính chất "phái yếu" như trước đây, chị em xông pha làm đủ thứ mà cánh mày râu thường hay đảm đương, kể cả trọng trách làm trụ cột gia đình. Bây giờ nhiều bóng hồng giỏi giang mạnh mẽ lắm chứ, từ nữ chủ tịch tập đoàn đến lãnh đạo cơ quan nhà nước, phụ nữ không hề thua kém đàn ông. Song, tất cả những điều đó vẫn chưa xoá nhoà hết suy nghĩ "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", thậm chí ở các làng quê chuyện trọng nam khinh nữ vẫn xảy ra như thường.
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời được ví von như trên bởi sự thay đổi vai trò trong cuộc sống của phụ nữ. Từ thì con gái, đến khi làm vợ, rồi làm mẹ, mỗi quãng thời gian lại đem đến một trải nghiệm khác nhau. Phụ nữ sẽ dần trưởng thành hơn, nhận thức nhiều hơn, và cũng cảm thấy tủi phận nhiều hơn... Ai may mắn gặp được người đàn ông tốt, có điều kiện chăm lo cho vợ con thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng dễ chịu, chẳng phải bận tâm lo nghĩ nhiều, việc nhà cũng không cần động tay.
Qua thời con gái, chuyển sang làm vợ làm mẹ, phụ nữ bắt đầu chôn vùi hầu hết thời gian vào những công việc nhà không tên.
Nhưng đa phần phụ nữ chịu cảnh làm dâu thì lại không may mắn như thế. Như bà chị hàng xóm cạnh phòng tôi. Chị chỉ sướng duy nhất mỗi cái là không phải ở chung với bố mẹ chồng, 2 vợ chồng thuê nhà ở riêng cũng không phiền đến ai cả. Chỉ tội là chồng chị thay đổi hẳn cách cư xử sau khi chị sinh liền tù tì 2 đứa. Đẻ 2 lứa mà chị vẫn xinh đẹp lắm, dáng vóc gọn gàng, da dẻ mịn màng, thành ra chồng chị cũng không muốn vợ đi đâu, chỉ thích giữ rịt làm "của riêng". Ôm ấp cái suy nghĩ sở hữu như vậy, lâu dần thành quen, anh đâm ra lười hẳn, về đến nhà là chỉ nằm ườn ra sai vợ, dù chị ở nhà cả ngày đã còng lưng với trăm công nghìn việc, toàn việc không tên không được trao bằng khen cống hiến.
Buổi chiều đi chợ, ra ngoài lại gặp chị, tôi kể chị nghe sáng nay vừa đọc được câu này khá hay. Nghe xong chị xịu mặt xuống như quả nho hết nước, mắt ngân ngấn: "Đúng là nô tỳ thật em ạ. Lúc yêu nhau chị còn hơn cả bà hoàng, bầu bí thì được làm tiên luôn. Nhưng giờ khác quá rồi...". Tôi chưa lấy chồng nên cũng chưa thật sự cảm nhận được cái phận "ôsin cao cấp", nhưng đi làm rồi ra ngoài gặp gỡ bao nhiêu người, tôi ít thấy người phụ nữ nào ngoài 25 tuổi kiêu hãnh nói mình mãi mãi là bà hoàng trong mắt chồng. Đàn ông Việt luôn tự cho mình cái quyền làm chủ gia đình, làm chủ mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, coi tiếng nói của mình hơn hẳn vợ, rồi nhiều ông vẫn đi bồ bịch vì vợ sinh toàn con gái, coi vợ là cái máy đẻ, công cụ chăm sóc gia đình đa năng. Điều đáng buồn hơn, là phần lớn phụ nữ Việt chọn cách cam chịu số phận nô tỳ như thế! Chấp nhận để chồng đánh, chấp nhận để chồng đi ngoại tình, chấp nhận ở nhà như cái bóng lặng lẽ để chồng tung hoành bên ngoài. Sao lại như vậy hả các chị em???
Từ một nàng công chúa được bố mẹ cưng chiều, phụ nữ trở thành "nô tỳ" đúng nghĩa: đầu tắt mặt tối vì chồng vì con.
Có thể văn hoá truyền thống Á đông đã ăn quá sâu vào nếp nghĩ của đàn ông nhiều thế hệ, nên phái mạnh Việt hay Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa "thủ tiêu" được hoàn toàn chuyện áp đặt bất công lên đầu người phụ nữ. Khác với đàn ông Âu Mỹ, họ chia sẻ công việc nhà với phụ nữ rất công bằng, sẵn sàng xắn tay vào lăn lê từ sàn nhà đến góc bếp cùng vợ con làm việc. Hàng ngày đọc báo chí, lên mạng, xem tivi, chắc chắn kiểu gì ta cũng bắt gặp những cái tít như "Không chịu ở nhà nấu cơm, vợ bị chồng đánh bầm dập", "Chồng chém vợ chỉ vì bát canh rau muống", "Chồng giết vợ vì... lọ mắm tôm"... vân vân và mây mây. Toàn những lý do nhỏ nhặt, tào lao, đủ thấy người phụ nữ vẫn còn bị rẻ rúng đến thế nào, và đàn ông bây giờ vũ phu ra sao. Khi phụ nữ phản ứng lại, câu trả lời luôn nhận được là "đấy là việc đàn bà phải làm".
Những người chồng đòi hỏi ở vợ mình quá nhiều, họ luôn lấy cớ rằng mình đứng ra gánh vác gia đình, kiếm tiền nuôi cả nhà, nên họ mặc định phụ nữ phải làm tốt vai trò nội trợ, bắt vợ mình chịu cảnh tù túng quay cuồng với chuyện quét nhà, nấu cơm, rửa bát, cho con bú, dạy con học, giặt giũ, cúng bái giỗ chạp... Cùng phận đàn bà, nghe mà xót xa! Thế nên, phải chăng vì muốn chống lại quay luật thay đổi vai trò, từ công chúa xuống nô tì, mà ngày càng nhiều phụ nữ chọn làm single mom hoặc độc thân vui vẻ? Đó là những phụ nữ độc lập, thông minh, khéo léo, muốn làm bà hoàng của chính mình, làm chủ cuộc sống riêng, thay vì phụ thuộc vào một người đàn ông nào đó, và chôn vùi tự do, sở thích của mình vào xó tối, nhường chỗ cho những lo toan bận rộn của một bà nội trợ đúng nghĩa. Cứ quay cuồng với bếp núc con cái, phụ nữ dần mất đi sự chủ động, tự tin, ăn mặc xuề xoà, cư xử nhạt nhẽo, bị chính chồng mình cho rằng "đưa vợ cùng ra ngoài thật xấu hổ". Thử trút bỏ sự mặc cảm nhẫn nhịn ấy, đi làm đẹp, mua sắm cho mình, lột xác từ Lọ Lem về lại công chúa như trước kia, bạn sẽ thấy mình vẫn là người phụ nữ có giá trị và không đáng để lãng phí thời gian vào chuyện phục dịch chồng con 100%. Phụ nữ hoàn toàn có quyền bình đẳng với cánh mày râu, bất kể trong nhà hay ngoài xã hội.
Sinh ra làm phụ nữ, hãy dành thời gian cho bản thân như một bà hoàng của chính mình, đừng hạ thấp hay đánh mất giá trị bản thân.
Này các đức ông chồng. Trước khi trở thành "mẹ sề bỉm sữa" với bao nhiêu vết rạn nứt thâm nám khắp người, trước khi nhan sắc xuống cấp tơi tả, quần áo luộm thuộm vì phải chăm lo gia đình, vợ các ông cũng từng trẻ trung xinh đẹp, được bao nhiêu người theo đuổi mòn dép mòn mông, mòn luôn cả mắt. Vợ các ông đã từng là cô gái giỏi giang, tài năng, dư sức làm trưởng phòng, giám đốc, đứng đầu bao nhiêu con người bằng trí tuệ của mình. Nhưng vì yêu các ông, muốn hi sinh cho các ông, làm hậu phương vững chắc cho chồng mà đa số chị em chọn cách làm tròn vai trò người vợ, người mẹ, các ông còn đòi hỏi cái gì mà lại đối xử với vợ mình như osin? Rồi các ông lại lấy cớ "vợ nhếch nhác như osin" ấy để đi ngoại tình, bồ bịch. Tóm lại, nói thẳng ra, phụ nữ không cần thiết phải dành phần lớn cuộc đời làm nô tì phục vụ chồng con đến vắt kiệt sức lực như thế! Phái đẹp sinh ra là để được yêu chiều, toả hương cho đời bằng vẻ dịu dàng đằm thắm vốn có. Không có phụ nữ, cuộc đời này sẽ tẻ nhạt và lộn xộn lắm. Hãy tôn trọng một nửa thế giới, và dành cho người phụ nữ của mình vị trí xứng đáng trong lòng, đối xử với họ cho đúng cách đàn ông tử tế nên làm, các quý ông ạ.
Theo Afamily
Những sai lầm khiến chúng ta vô tình tự hủy hoại cuộc sống của chính mình Cuộc sống chưa bao giờ là con đường thẳng tắp. Chẳng có ai đi đến đích theo một lịch trình giống nhau, vậy mà chúng ta vẫn vô tình ép bản thân vào những khuôn mẫu chung cốt để về đích kịp lúc. ảnh minh họa Không ai ép buộc bạn phải kết hôn vào năm 25 tuổi, và rồi trở thành quản...