Bị bắt oan vì trùng họ tên
Ông Võ Văn Hùng
Đã 10 ngày được thả về nhà nhưng ông Võ Văn Hùng (ngụ ấp 3, nay là ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Hùng nói: “Tôi bị công an còng tay bắt đi, cả xóm ai cũng nhìn thấy. Khi trở về nhà tôi thấy mình oan ức mà không biết giải thích với mọi người ra sao”.
Theo ông Hùng, khoảng 6g ngày 12-11, ba công an xã Xuân Tâm bước vào nhà, hỏi ông Hùng có phải là con của ông Võ Văn Đông và bà Trần Thị Thành không. Ông Hùng trả lời “dạ phải”, lập tức công an xã đọc lệnh bắt và còng tay.
Ông Hùng ú ớ hỏi: “Các anh còng tôi vì tội gì?”. Công an xã lấy ra tờ lệnh truy nã bắt giữ “Võ Văn Hùng ngụ ấp 3, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” do Công an quận 6 (TP.HCM) ký ngày 20-8-2000.
Chiều cùng ngày, Công an quận 6 cử người đến Đồng Nai “xác minh và truy bắt đối tượng truy nã”. Trong biên bản bắt giữ có ghi: Võ Văn Hùng, sinh năm 1958, quê Đà Nẵng như lệnh truy nã. Nhưng ông Hùng và cả vợ ông đều chứng minh toàn bộ giấy tờ tùy thân đều ghi quê quán Sóc Trăng, sinh năm 1959, hình trong lệnh truy nã không phải là ông. Dù vậy, ông Hùng vẫn bị áp giải đưa về Công an quận 6.
Video đang HOT
Ông Hùng kể: “Tôi bị nhốt đến chiều 15-11 thì công an cho xe ôm chở tôi ra bến xe miền Đông, hướng dẫn tôi lên xe về nhà”. Lúc được thả, ông Hùng xin Công an quận 6 cho ông một giấy tờ gì đó để chứng minh ông vô tội nhưng đến nay vẫn chưa có mảnh giấy nào.
Giải thích về việc bắt nhầm ông Hùng, đại úy Doãn Văn Đến – trưởng Công an xã Xuân Tâm – cho biết: “Lúc lực lượng vào hỏi tên cha, tên mẹ ông Hùng đều khớp với lệnh truy nã nên mới bắt. Nhưng khi đưa về xã chúng tôi thấy có vài chi tiết như năm sinh, quê quán và hình ảnh không giống nên đã báo Công an quận 6 lưu ý. Các anh ở Công an quận 6 nói cứ đưa ông Hùng về TP.HCM rồi xem hồ sơ”.
Công an xã Xuân Tâm khẳng định: “Sự việc đã rõ nên chúng tôi sẽ tổ chức họp dân và thông báo cho mọi người biết rằng ông Võ Văn Hùng bị bắt oan”.
Trong công văn trả lời Công an xã Xuân Tâm, thượng tá Ngô Văn Thêm – phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 6 – nêu rõ: sau khi nhận diện thì phía bị hại khẳng định ông Võ Văn Hùng bị công an quận bắt giữ ngày 12-11 không phải là người trước đây chiếm đoạt tài sản. So sánh hình trong quyết định truy nã và người vừa bị bắt giữ thì không phải là một người.
Theo Tuổi Trẻ
Vụ 3 thanh niên hiếp dâm: Vết thương chưa lành
"Chúng em mong sớm có quyết định rõ ràng để có giấy tờ mà đi lại làm ăn, vợ con", Lợi tâm sự
Có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những vết thương không bao giờ lành được nữa.
Thời gian cứ dần trôi kể từ ngày Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét theo hướng tuyên không phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản cho 3 thanh niên ở Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ngày qua ngày họ mòn mỏi chờ thời khắc mình được chính thức minh oan...
Mòn mỏi đợi chờ
Nguyễn Đình Lợi (SN 1980), Nguyễn Đình Tình (SN 1981) và Nguyễn Đình Kiên (SN 1980) đã "vô tình" vướng vào lưới pháp luật bởi một tội lỗi mà theo họ là "ở trên trời rơi xuống": cướp tài sản và hiếp dâm. Sau gần 10 năm phải ngồi tù oan, lần lượt cả 3 được trả tự do. Cũng từ ngày đó, họ mong mỏi chờ đợi phiên xử giám đốc thẩm để có một phán quyết đúng sự thật để trở lại cuộc sống. Chờ đợi, hy vọng, rồi thất vọng, cái vòng quay luẩn quẩn đó cứ đeo bám 3 chàng trai suốt gần 1 năm trời và họ còn phải chờ đến bao giờ nữa?
Chúng tôi về xóm Quyết Thắng, thôn Nghĩa Lộ, huyện Yên Nghĩa (Hà Đông) gặp lại 3 chàng trai trong "vụ án oan lịch sử". Tất cả đều không giấu được vẻ thất vọng khi nói đến việc chờ đợi phán quyết cuối cùng. Sau gần 10 tháng trời được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình, về với cuộc sống thường nhật, họ rất khó khăn trong việc hòa nhập và làm lại cuộc đời. Kể từ khi ra tù, Lợi mở cửa hàng sửa xe máy ở ngay cổng Trường ĐH Thành Tây, Tình theo đuổi nghiệp học hành. Tiếc là chúng tôi không gặp Kiên vì anh mới xin phép cơ quan chức năng về miền Trung thăm người thân.
Vừa hì hục sửa xe máy cho khách, Lợi vừa tâm sự: "Có những lần chúng em nín thở chuẩn bị cho phiên xử giám đốc thẩm, đến phút cuối lại thông báo hoãn không hiểu vì lý do gì. Trong lúc chờ phán quyết cuối cùng cho mình, chúng em vẫn phải lao động kiếm tiền. Tuy mở cửa hàng sửa xe ở đây nhưng em làm thêm cả xe ôm, bán nước mía, trà đá... Gần 10 năm ngồi tù là quãng thời gian quá dài, trở lại cuộc sống thường nhật, mọi thứ vẫn đang khó khăn lắm. Chúng em mong chờ cái ngày chính thức được trở lại là người công dân, có giấy tờ để đi lại, được tham gia vào các hoạt động xã hội và còn lập gia đình nữa chứ. Cả tuổi trẻ trong trại giam, đến tuổi này rồi, chúng em cũng muốn có một gia đình nhỏ của riêng mình để xây dựng cuộc sống, để nguôi ngoai nỗi oan khuất mà mình phải chịu. Cứ chờ lê thê thế này, tuổi tác cũng trôi đi... Thật buồn anh ạ!". Lợi nói mà mặt buồn rười rượi, anh bất giác nhìn ra phía ngoài, cái nhìn xa xăm.
Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi vồn vã: "Lúc đầu tôi đâu có biết còn phải chờ phiên xử nữa thì chúng nó mới được tự do thật sự. Tưởng ngày ra tù là được tự do rồi. Ngày ra tù mặt mày xanh xao, những di chứng của bệnh liệt nửa người lúc ở trong tù thỉnh thoảng vẫn hành hạ Lợi. Sau gần 1 năm trở về với gia đình, sức khỏe có phần hồi phục, Lợi đã khỏe mạnh hơn nhiều. Nhưng trong thâm tâm Lợi vẫn buồn và bị ám ảnh bởi vẫn chưa được minh oan để trả lại quyền công dân". Bà Hưng bảo, bà không nhớ mình và gia đình của Kiên và Tình đã thảo bao nhiêu lá đơn, gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan chức năng để minh oan cho con, cháu mình.
Sau gần 10 năm ngồi tù oan, Lợi quyết tâm làm lại cuộc đời.
Sự nghiệt ngã của số phận
Nếu như có thể coi Lợi và Kiên đã trở về với cuộc sống bình thường thì trường hợp của Tình như là một trò đùa nghiệt ngã của số phận. Ra tù, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, thật khó để Tình chấp nhận sự thật phũ phàng của đời mình. Dù nỗi đau cũng nguôi ngoai đi phần nào theo thời gian nhưng nhắc lại chuyện cũ, anh phải nhiều lần trấn tĩnh mới thốt nên lời: "Được ra tù, được minh oan là một sự trả lại công bằng lớn nhất rồi, để không còn bị mang tiếng hiếp dâm dưới con mắt của mọi người. Tuy đời mình kém may mắn nhưng coi như là cái số rồi".
Trong 3 chú cháu, Tình là người rắn rỏi nhất khi liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng kêu oan trong suốt thời gian ngồi tù. Bị khép vào đối tượng ngoan cố, tháng 6/2007, Nguyễn Đình Tình bị chuyển đến trại giam Tân Lập, Phú Thọ. Trong một lần chơi thể thao, Tình va chạm với một người bạn và bị chảy máu. Đầu năm 2010, Tình hay tin người bạn tù từng va chạm với mình đã chết vì HIV/AIDS. Cũng không lâu sau đó Tình được trả lại tự do mà trong lòng trĩu nặng nỗi lo. Và anh cũng không ngờ, nỗi lo ấy đã thành sự thật. Như một định mệnh, Tình bị lây căn bệnh thế kỷ theo cách mà không ai có thể ngờ được.
Tình nhớ lại: "Em ra trại ngày 28/1, sớm hơn Lợi và Kiên. Ra trại là em đi kiểm tra sức khỏe ngay. Trong bản kết luận, không thấy đề cập gì bệnh tình của em, cũng không ai nói gì cả. Thấy trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo, em đã đi kiểm tra lại lần nữa mới biết sự thật mình đã nhiễm HIV. Thời gian đầu suy sụy nhưng bây giờ thì em nghĩ đơn giản hơn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, mình phải sống có ý nghĩa phần đời còn lại. Nỗ lực và quyết tâm chữa bệnh. Điều khiến em vững tâm hơn là xung quanh mình có rất nhiều những tấm lòng của người thân, bà con lối xóm đứng ra động viên mình vượt lên số phận".
Một trong vô số lá đơn kêu oan của Lợi, Kiên và Tình ngày nào vẫn được giữ lại.
Căn bệnh thế kỷ và nỗi ám ảnh kết thúc buồn không cản nỗi ước mơ được học tiếp của Tình. Từ nhỏ, Tình vẫn ước mơ sau này lớn lên sẽ mở một xưởng dệt phục vụ nhu cầu khiêm tốn của người dân trong vùng. Vượt lên bệnh tật, vượt lên nỗi oan nghiệt đè nặng, Tình vẫn miệt mài học tập. Anh học thêm cả ngoại ngữ và tin học để chuẩn bị cho cuộc sống của mình sau này.
Cuộc đời đang phơi phới phía trước, bỗng dưng tai họa ập xuống, họ bị giam cầm oan ức, chịu cả nỗi đau giày vò thể xác lẫn tinh thần. Ngày trở về, họ nỗ lực quay lại với cuộc đời tự do. Theo năm tháng, có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những vết thương không bao giờ lành được nữa.
Cuối tháng 12/2006, khi đang ở trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), Nguyễn Đình Lợi phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tai biến mạch máu não do cam khí bất kết, liệt nửa người. Căn bệnh đó tuy đã hành hạ thể xác Lợi nhưng xem như là cơ duyên và mấu chốt để phát hiện ra "vụ án oan lịch sử". Lợi được gặp lương y Đặng Thị Hồng, người có khả năng nhận diện "trai trinh", Lợi nói: "Không có bệnh này thì chắc phải ngồi đủ 16 năm mới được ra. Nhưng bị bệnh, rồi ra tù, cứ mỗi khi trái gió trở trời, đầu lại đau như búa bổ uống bao nhiêu thuốc, chữa trị bao nhiêu nơi mà vẫn không khỏi hẳn được".
Theo Gia Đình XH
Người mẹ tàn độc hành hạ con đến chết Chỉ vì hiếu động, hay nghịch ngợm những đồ đạc trong nhà mà bé Nguyễn Phương Ninh, sinh 2004, ở khu Quán Nam, phường Kênh Dương, Lê Chân đã bị mẹ đẻ và cha dượng hành xử tàn ác. Vụ án đau lòng xảy ra cách đây đã hơn nửa năm nhưng mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn chưa nguôi ngoai... Người...