Bị bắt giữ sau hơn 40 năm gây án mạng
Một người đàn ông ở Kansas, Mỹ đã bị bắt và buộc tội giết nữ nạn nhân ở Colorado năm 1979 do kết quả xét nghiệm ADN trùng khớp với bằng chứng thu được tại hiện trường.
James Herman Dye, 64 tuổi, phải đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ một đối với cái chết của nạn nhân Evelyn Kay Day, một phụ nữ bị tấn công tình dục và chết ngạt do bóp cổ vào tháng 11/1979, theo CNN.
James Herman Dye, 64 tuổi, phải đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ một đối với cái chết của Evelyn Kay Day. Ảnh: CNN.
Dye sống ở Wichita, Kansas. Trong một thông cáo ngày 26/3, Văn phòng Biện lý quận Weld cho biết ông đang bị giam giữ trong nhà tù quận Sedgwick tại bang này để chờ bị dẫn độ về quận Weld.
Báo chí không thể tiếp cận Dye, nhưng trong một cuộc phỏng vấn ngày 22/3 với các thám tử, người này phủ nhận việc biết hoặc giết nạn nhân và nói mình chưa bao giờ nghe về vụ giết người. Lời khai kèm theo một bản tuyên thệ đã được nộp cho tòa án.
Không rõ liệu nghi phạm này có luật sư hay không.
Theo một bản khai, nạn nhân Day, 29 tuổi vào thời điểm bị hại, thường làm ca đêm với vai trò giám sát phòng thí nghiệm kinh doanh tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Aims ở Greeley. Cô được một sinh viên nhìn thấy lần cuối trong ôtô riêng ở bãi đậu xe trong khuôn viên trường lúc 22h tối 26/11/1979.
Sáng sớm hôm sau, khi nhận ra Day không về nhà, chồng cô, Stanley Charles Day, đã báo mất tích.
Nạn nhân Evelyn Kay Day. Ảnh: CNN.
Đồng nghiệp đã tìm thấy chiếc xe của Day bên lề đường vào khoảng 5h30 chiều 27/11 và phát hiện thi thể cô ở ghế sau. Bản khai cho biết cô bị thắt cổ bằng dây đai áo khoác.
Các nhà chức trách đã thu thập bằng chứng và theo dõi một số đầu mối nhưng không bắt giữ được nghi phạm nào.
Năm 2020, một thám tử quận Weld đã đề nghị Cục Điều tra Colorado xét nghiệm mẫu ADN trên chứng cứ của vụ giết người bằng CODIS (Hệ thống Chỉ số ADN tổng hợp).
Cơ sở dữ liệu đó cho phép cơ quan hành pháp và phòng thí nghiệm tội phạm chia sẻ và tìm kiếm thông qua hàng nghìn hồ sơ ADN.
ADN từ những vật chứng liên quan đến vụ hãm hiếp khớp với Dye, cùng với ADN từ tay áo khoác của Day và các vết cào từ móng tay của cô.
Các thám tử kiểm tra với trường đại học và phát hiện Dye đã đăng ký làm sinh viên ở đó vào mùa hè và mùa thu năm 1979 cùng nhiều quý khác trong những năm tiếp theo.
Các nhân viên đã phỏng vấn Dye vào ngày 22/3 tại Wichita.
Bản khai có đoạn: “Bị cáo phủ nhận việc quen biết nạn nhân. Bị cáo phủ nhận tấn công tình dục nạn nhân. Bị cáo phủ nhận đã từng động chạm nạn nhân. Bị cáo phủ nhận việc nạn nhân đã từng động chạm mình. Bị cáo phủ nhận việc giết nạn nhân. Bị cáo khai đây là lần đầu tiên nghe tin nạn nhân bị giết và đã không theo dõi cuộc điều tra”.
Văn phòng luật sư quận cho biết ngày ra tòa vẫn chưa được ấn định.
21 bang Mỹ kiện Biden
Tổng chưởng lý 21 bang, đều là đảng viên Cộng hòa, khởi kiện Biden vì thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada sang Mỹ.
Vụ kiện do tổng chưởng lý hai bang Texas và Montana khởi xướng hôm 17/3, cho rằng việc thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu xuyên biên giới là "quy định thương mại liên bang và quốc tế" thuộc thẩm quyền của quốc hội, nên quyết định của Tổng thống Joe Biden là "vượt quyền". Theo các tổng chưởng lý đảng Cộng hòa, quyết định này của Biden "tùy tiện" và "thất thường".
Một số bang tham gia vụ kiện có thống đốc đảng Dân chủ, như Kentucky và Kansas, song tất cả đều có tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa.
"Hành động của các bị đơn trong nội các có khả năng tước đoạt hàng triệu đôla doanh thu của các bang và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, họ không đưa ra được lời giải thích hợp lý tại sao họ làm như vậy. Họ không đưa ra bất kỳ lý do nào", đơn kiện của các bang cho hay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 17/3. Ảnh: AFP .
Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Biden đã thu hồi giấy phép đường ống dẫn Keystone XL. Đảng Cộng hòa đã phàn nàn về động thái này, trong khi các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh quyết định của Tổng thống.
Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen nói quyết định hủy giấy phép của Biden là "hành động ra vẻ tử tế trước mặt các nhà tài trợ giàu có của Tổng thống ở vùng duyên hải".
"Quyền điều chỉnh thương mại nước ngoài và giữa các bang thuộc về quốc hội, không phải tổng thống. Đây là một ví dụ khác cho thấy Joe Biden đã vượt quá vai trò hiến pháp của mình để gây bất lợi cho người dân Montanan", ông nói thêm.
Trong sắc lệnh thu hồi giấy phép, Biden lập luận đường ống này "gây hại" cho lợi ích quốc gia và "duy trì giấy phép đường ống Keystone XL không phù hợp với yêu cầu kinh tế, khí hậu của chính quyền tôi".
Đường ống dài gần 2.000 km sẽ vận chuyển dầu từ Canada đến Mỹ, được cựu tổng thống Donald Trump cấp phép ngay những tháng đầu ông nắm quyền. Những người phản đối dự án cho rằng không nên nhập khẩu dầu được sản xuất từ cát dầu chứa nhiều carbon. Các bộ lạc bản địa ở khu vực đường ống đi qua cũng phản đối, cáo buộc chính quyền Trump phớt lờ các quyền được thỏa thuận của họ. Tuy nhiên, những người ủng hộ nói dự án sẽ mang lại việc làm và doanh thu cho người Mỹ.
Sau sắc lệnh thu hồi giấy phép của Biden, TC Energy, công ty Canada đứng sau dự án Keystone XL, thông báo sa thải 1.000 công nhân, nhưng không nói rõ những công nhân đó có phải người Mỹ hay không.
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận vụ kiện, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
12 bang kiện Tổng thống Biden vì sắc lệnh ký ngày nhậm chức Toàn bộ đơn kiện của 12 bang đều do các chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa thực hiện, kiện Tổng thống Biden vì ký sắc lệnh mà họ cho rằng không thuộc thẩm quyền. Tổng thống Biden ký sắc lệnh tại Nhà Trắng hôm 21.1 . Ảnh AFP Tờ USA Today ngày 9.3 đưa tin 12 tiểu bang ở Mỹ do các chưởng...