Bí ẩn vụ hàng loạt nữ sinh Afghanistan bị ngất xỉu
Cáo buộc các bé gái ở Afghanistan bị tàn quân Taliban đầu độc đã được đưa lên trang nhất của các tờ báo, nhưng có những dấu hiệu cho thấy đây có thể là trường hợp mắc chứng rối loạn phân li tập thể ( mass hysteria), các chuyên gia cho biết.
Phụ nữ Afghanistan phải trùm kín khi ra đường dưới thời Taliban (Nguồn: AFP)
Trong vụ “tấn công” được đưa tin rộng rãi hồi tuần trước, hơn 120 nữ sinh ở một ngôi trường ở tỉnh Takhar đã phải nhập viện sau khi nhiều em ngất xỉu và số khác nói mình không khỏe.
Giới chức địa phương lập tức đổ lỗi cho Taliban, vốn cấm các cô gái đi học khi còn nắm quyền từ năm 1996 -2001, là thủ phạm thả “bột độc” vào không khí.
Được biết 2 vụ tương tự diễn ra tại một số ngôi trường khác cũng bị đổ lỗi cho Taliban. Người ta nói chúng đã dùng khí độc và đầu độc nguồn nước để gây hại cho các nữ sinh.
Video đang HOT
Trong các trường hợp này, những đứa trẻ thường được mang tới bệnh viện và được ra viện ngay sau đó không lâu. Nhà chức trách cũng cam kết sẽ lấy mẫu phân tích từ các nữ sinh. Nhưng chuyện chỉ đến thế là hết và không ai còn nghe thêm tin tức gì khác.
Nhưng các cuộc điều tra do AFP tiến hành cho thấy cả chính phủ lẫn quân đội NATO ở Afghanistan đều không thấy bằng chứng về hiện tượng đầu độc.
Thay vì thế, các chuyên gia quốc tế nói rằng những vụ này có đầy đủ dấu hiệu điển hình của hiện tượng rối loạn phân li tập thể. “Hiện không có bằng chứng hoặt dấu vết của bất kỳ hành động đầu độc nào đã được tìm thấy trong các xét nghiệm chính thức” – phát ngôn viên Bộ Nội vụ Afghanistan Sayed Edayat Hafiz nói.
Một phát ngôn viên Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) của NATO ở Afghanistan cũng nói rằng theo đề nghị của Kabul, họ có lấy mẫu xét nghiệm từ người 200 nữ sinh bị ốm tại một ngôi trường ở tỉnh Khost.
“Các thử nghiệm ban đầu mẫu không khí, nước và một số vật liệu khác đã không tìm thấy dấu vết độc chất” – Thiếu tá Jimmie Cummings nói – “Các xét nghiệm khác sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng tại thời điểm này, không có độc chất nào gây nên các hiện tượng đã được báo cáo”.
Theo nhà xã hội học Robert Bartholomew, khi không có dấu hiệu đầu độc, khả năng các nữ sinh mắc chứng rối loạn phân li tập thể trở thành nguyên nhân rõ nhất. Bartholomew nói rằng ông đã xem xét hơn 600 trường hợp rối loạn phân li tập thể xảy ra ở trường học kể từ năm 1566 tại châu Âu và các vụ ở Afghanistan có những đặc điểm rõ rệt của hiện tượng này.
“Dấu hiệu ban đầu của căn bệnh liên quan tới tâm lý này tại Afghanistan gồm việc lớp học có quá đông các nữ sinh, không có sự xuất hiện của các chất độc, mùi lạ, hiện tượng diễn ra ngắn, các triệu chứng của nó tương đối lành, bệnh tiến triển nhanh và bệnh nhân phục hồi nhanh”.
Dưới thời Taliban, các em gái thậm chí còn không được đến trường (Nguồn: AFP)
Ông nói rằng các hiện tượng này thường xuất hiện nhiều tại các vùng chiến sự, dẫn ví dụ từ các vùng đất của Palestine trong năm 1983 tới Gruzia thuộc Liên Xô trong năm 1989 và Kosovo hồi năm 1990.
Ông đánh giá các vụ việc ở Afghanistan diễn ra “bên trong một sự hoảng loạn lớn hơn của xã hội, hình thành từ nỗi sợ các chiến binh Taliban”.
Còn theo giám đốc cơ quan sức khỏe tinh thần của chính phủ Afghanistan Bashir Ahmad Sarwari, đất nước này đã có chiến tranh diễn ra liên tục trong 30 năm qua và nửa dân số đã bị thương tổn bởi các căng thẳng tinh thần do xung đột gây ra.
“2/4 người Afghanistan bị chấn thương tâm lý, trầm cảm và lo lắng” – ông nói – “Họ bị chấn thương tâm lý chủ yếu vì 3 thập kỷ chiến tranh, nghèo đói, tranh cãi trong gia đình và các vấn đề nhập cư”.
Taliban hôm Chủ nhật đã ra tuyên bố thông qua hãng tin Afghan Islamic Press, bác bỏ trách nhiệm trong các vụ “đầu độc” nữ sinh. “Tiểu vương quốc Hồi giáo hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc nói chúng tôi đứng sau những hành động này. Nếu được phát hiện tại bất kỳ nơi nào trong nước, các hành động như thế sẽ bị trừng phạt theo luật Sharia Hồi giáo” – thông báo nói.
Tuy nhiên lịch sử của Taliban khiến họ trở thành mục tiêu dễ dàng của các quan chức muốn đổ lỗi cho một căn bệnh lạ. Trước khi bị lật đổ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu để trả đũa vụ khủng bố 11/9, Taliban nổi tiếng vì các hành động tàn bạo chống lại phụ nữ. Các cô gái không được phép học hành, làm việc và nếu không mặc quần áo phủ kín người, họ sẽ bị đánh trên phố.
NATO có 130.000 lính đóng ở Afghanistan, nhưng họ sẽ rút vào cuối năm 2014, gây lo ngại trong cộng đồng những người Afghanistan rằng đất nước của họ sẽ rơi vào một cuộc chiến mới, hoặc Taliban có thể trở lại nắm quyền lực./.
Theo TTXVN