Bí ẩn trong vụ tử tù bị ‘thần chết’ từ chối đến 3 lần
Trong cuộc đời làm đao phủ của mình, James Berry chưa bao giờ gặp trường hợp giá treo cổ 3 lần không hoạt động như vụ thi hành án tử đối với John Lee.
Cả 3 lần thi hành án Lee đều không hề hấn gì. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt hơn, sau 3 lần bị thần chết “từ chối” Lee đã được giảm án và đã được tha bổng sau nhiều năm ngồi tù.
Đó là ngày 23/2/1885, địa điểm là tại nhà tù Exeter ở Devon, Anh. Vào lúc 7h55 phút, đội thi hành án, gồm có quản ngục, đội trưởng đội bảo vệ, bác sỹ của nhà tù, giáo sỹ của nhà tù, vài lính canh, đao phủ và các đại diện của báo chí đã tụ tập trước phòng giam của tử tù John Henry George Lee, kẻ bị kết án tử hình vì tội giết chết chủ của mình là bà Emma Keyes 1 năm trước đó.
Video đang HOT
Đúng 8h, người phụ trách việc hành hình là ông Berry tiến vào phòng giam của tử tù. Ông Berry trói quặt tay của tử tù lại, lấy một chiếc mũ màu trắng trùm qua đầu hắn. Sau đó, cùng với đội thi hành án, ông Berry đã dẫn Lee tới giá treo cổ. Tại đây, ông tiếp tục trói 2 chân của tử tù lại và thòng lọng sợi dây qua cổ y. Ông nhanh chân bước ra khỏi chiếc cửa sập và tiến đến gần đòn bẩy. Tiếp sau đó, ông kéo mạnh đòn bẩy để giật cánh cửa sập dưới chân Lee xuống như đã làm rất nhiều lần trước đó. Tuy nhiên, vài giây sau vẫn chẳng có gì xảy ra. Cửa sập chỉ rơi khoảng 0,6cm rồi kẹt cứng lại.
Đao phủ Berry hơi bối rối nhưng vì trước đây cũng đã xảy ra trường hợp cửa sập bị kẹt nên ông tiếp tục nhiệm vụ nghiệt ngã của mình. Ông cởi thòng lọng cho Lee, bỏ mũ trùm đầu rồi dẫn tử tù này sang phòng chờ. Sau đó, ông trở lại để kiểm tra và thử lại cửa sập. Các thiết bị lúc này đều hoạt động tốt, do đó Berry tới phòng chờ và đưa Lee trở lại giá treo cổ. Một lần nữa, tử tù Lee bị trói lại, trùm đầu, bị đưa lên giá treo cổ và bị thắt dây thòng lọng. Nhưng, không hiểu sao một lần nữa cửa sập lại bị kẹt.
Như vậy là lần thứ 2 Lee lại được cởi dây thắt cổ, tháo mũ trùm đầu và được đưa về phòng chờ. Một thành viên trong đội thi hành án nói rằng cánh cửa sập dường như quá chặt do 2 hôm trước trời mưa, khiến cho tấm gỗ bị vênh lên. 2 lính gác đã được cử đi lấy một cái bào và một cây rìu để gọt bớt cửa sập. Sau một hồi cẩn thận thử đi thử lại, tử tù Lee được dẫn trở lại giá treo cổ. Lần này, ông Berry vội vã bước ra khỏi giá treo cổ và giật mạnh đòn bẩy hết sức có thể nhằm kết thúc vụ hành hình đầy căng thẳng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, lại một lần nữa cửa sập bị mắc kẹt.
Vị giáo sỹ của nhà tù đã vô cùng sửng sốt khi chứng kiến cảnh tượng nói trên, đến nỗi ông nằm phủ phục trên đoạn đầu đài. Vị bác sỹ của nhà tù trong khi đó đã ngay lập tức yêu cầu dừng việc tử hình và được Phó cảnh sát trưởng Devon chấp thuận. Cai ngục, bác sỹ và giáo sỹ của nhà tù ngay lập tức tụ tập tại phòng của bác sỹ và cùng ký vào một biên bản làm chứng về những sự kiện kỳ lạ vừa diễn ra.
Biên bản ngay lập tức được gửi tới Bộ trưởng Nội vụ ở London để ông xem xét. Sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã ra quyết định, theo đó nói rằng Lee đã phải chịu đựng sự đau khổ quá lớn trong quá trình thi hành án. Do đó, ông yêu cầu hủy bản án tử hình đối với Lee và giảm án xuống còn tù chung thân. Sau vụ việc, John Lee trở nên nổi tiếng khắp nơi và được đặt cho biệt danh “Người đàn ông không thể treo cổ”.
Án mạng dã man
Cáo buộc về hành vi phạm tội của Lee diễn ra tại một ngôi nhà ven biển ở thị trấn Babbacombe, hạt Devon. Ngày 15/11/1884, cảnh sát phát hiện bà Emma Anne Whitehead Keyse đã bị sát hại một cách dã man. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, bà đã bị chém 3 nhát vào đầu bằng vật sắc. Ngoài ra, cổ họng bà còn bị cứa với một lực mạnh đến nỗi con dao đã cắm sâu vào xương sống.
Sau vụ giết người, kẻ sát nhân còn tẩm dầu lên người bà Keyes rồi đổ dầu khắp nhà để phóng hỏa đốt thi thể nạn nhân cũng như hiện trường vụ phạm tội. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận bởi tính chất tàn bạo của thủ phạm, đặc biệt là khi những người làm thuê cho gia đình bà Keyes cũng đang ở trong nhà tại thời điểm xảy ra vụ án và họ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân.
John Lee – một người làm thuê cho bà Emma Keyes đã trở thành nghi phạm chính trong vụ án ngay khi nó được phát hiện. Lý do là vì vào ngày xảy ra án mạng, Lee là người duy nhất có mặt trong nhà và cũng là người đầu tiên báo cảnh sát. Chiếc rìu được cho là hung khí trong vụ án cũng là chiếc rìu mà bị cáo hay sử dụng. Thêm vào đó, cảnh sát còn phát hiện Lee bị thương ở tay trái, mà họ cho là do quá trình giằng co với nạn nhân. Ngoài ra, một số người đã làm chứng về việc họ nghe thấy Lee dọa giết nạn nhân.
Với các thông tin nói trên, cảnh sát sau đó đã bắt giữ, thẩm vấn và truy tố John Lee về các tội danh “Giết người” và “Coi thường hậu quả khi gây hỏa hoạn”. Quá trình điều tra và xét xử và kết án Lee diễn ra một cách nhanh chóng bởi hầu hết mọi người đều cho rằng Lee là kẻ giết người. Vụ phạm tội xảy ra vào giữa tháng 11 và ngay trong tuần đầu tiên của tháng 12 cùng năm, Lee đã bị tuyên có tội đối với cả 2 cáo buộc nói trên. Phiên tòa kết thúc với bản án tử hình bằng biện pháp treo cổ đối với John Lee. Ông ta được đưa tới nhà tù Exeter – vốn được xem là nhà tù treo cổ của Devon và bị tống vào phòng biệt giam chờ ngày trả án.
John Lee sinh ngày 15/8/1864 tại ngôi làng nhỏ Abbotskerswell ở Devon. Năm 1878, ông ta được người chị cùng mẹ khác cha là Elizabeth Harris xin cho vào làm công tại nhà bà Emma Keyes. Mùa hè năm 1884, Lee bị bắt quả tang đang tìm cách bán trộm cây đàn của chủ nhà. Với lòng bao dung của mình, bà Keyes sau đó vẫn quyết định không sa thải Lee mà chỉ giảm lương của hắn ta. Chính việc bị cắt lương được cho là động cơ khiến Lee giết chết bà Keyes.
Có phạm tội hay không?
Điều đáng nói trong vụ án này không chỉ là việc Lee bị treo cổ hụt 3 lần mà còn có việc trước, trong và sau khi phiên tòa diễn ra, thậm chí cả khi đang chờ thi hành án tử và sau khi đã được trả tự do, Lee vẫn luôn tuyên bố rằng ông ta vô tội. Sau khi Lee được giảm án, một số người đã lật lại vụ việc và cho rằng có thể đúng là ông ta không giết chết bà Keyes.
Bởi các bằng chứng chống lại ông ta đều là gián tiếp, chứ không hề có chứng cứ nào cho thấy chắc chắn Lee đã sát hại bà Keyes. Bên cạnh đó, những người quen biết với Lee cho hay, trước khi xảy ra vụ việc, quan hệ giữa ông ta và bà Keyes rất tốt. Nếu chỉ vì mâu thuẫn trong tiền lương thì chắc chắn Lee sẽ không ra tay sát hại nạn nhân một cách dã man như vậy.
Một số bằng chứng cho thấy trong vụ việc còn có một nghi phạm khác, đó là Reginald Gwynne Templar, người này vốn là khách quen của nạn nhân Keyes nhưng ông ta lại đồng ý đứng ra bào chữa cho Lee. Một điều lạ là ngay sáng hôm sau, khi thông tin về vụ giết người vẫn chưa được công bố rộng rãi thì Templar dù đang ở cách đó khá xa đã nghe được tin và gửi thư đề nghị làm luật sư bảo vệ quyền lợi cho Lee trước tòa. Nhưng trong khi phiên tòa đang diễn ra, Templar đã bị ốm, mà theo ghi chép là một dạng tâm thần. Và đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta vẫn đã lảm nhảm về vụ sát hại bà Keyes.
Trong quá trình bị thẩm vấn, Lee cũng khai rằng ông ta không phải là người đàn ông duy nhất có mặt tại hiện trường án mạng mà thực chất Templar cũng có mặt ở đó. Một số người cho rằng Templar mới chính là thủ phạm sát hại bà Keyes rồi đổ lỗi cho Lee. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là đồn đoán, còn trên thực tế, John Lee đã bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình. Nhưng ông ta lại bị thần chết từ chối và đã được trả tự do sau 22 năm thụ án tù chung thân.
Theo Xahoi