Bí ẩn trận đánh ‘một mất một còn’ ở pháo đài Brest
Năm 1842, quân đội Nga xây dựng tại thành phố Brest- Litovsk pháo đài Brest. Suốt gần 100 năm, đây là thành trì bất khả xâm phạm bảo vệ cửa ngõ biên giới phía tây Đế chế Nga rồi Liên Xô.
Tuy nhiên, từ khi đại bác nòng rãnh xoắn xuất hiện cùng với các loại đạn có sức công phá lớn, đặc biệt, khi máy bay ném bom ra đời thì pháo đài mất đi rất nhiều khả năng tự bảo vệ.
Khi phát xít Đức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô thì một trong những mục tiêu bị quân Đức tấn công đầu tiên là pháo đài Brest. Đối với quân Đức, ngoài ý nghĩa đánh chiếm một căn cứ quân sự tiền tiêu (cho dù không thật sự quan trọng), việc hạ pháo đài Brest còn có ý nghĩa tâm lý để động viên tinh thần của quân đội Quốc xã.
Kế hoạch ban đầu của Đức là làm chủ khu vực pháo đài Brest trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, họ sử dụng 3 sư đoàn bộ binh với tổng quân số 37.000 người, cùng 1 trung đoàn xe tăng.
Sơ đồ pháo đài Brest tháng 6/1941. Ảnh: Wikipedia
Về phía Hồng quân, lực lượng có mặt tại khu vực pháo đài có khoảng chừng 3.500 người, cùng 300 gia đình quân nhân và dân thường làm công tác phục vụ trong quân đội. Trong pháo đài hầu như không còn pháo và xe tăng hoạt động được do đang trong tình trạng kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng.
Vào lúc 3h15 ngày 22/6/1941, ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc chiến tranh vệ quốc, thành phố Brest và pháo đài Brest đã bị tra tấn bởi những trận không tập dữ dội và những trận mưa đạn pháo của quân xâm lược. Hệ thống kho tàng trong pháo đài bị phá hủy hầu hết. Nguồn cung cấp nước bị cắt đứt, liên lạc bị gián đoạn, quân đồn trú Liên Xô bị thiệt hại lớn, không kịp tổ chức phối hợp các đơn vị và bị chia cắt thành các ổ đề kháng biệt lập.
Lúc 3h45, các cuộc tấn công của bộ binh Đức bắt đầu. Các chiến sĩ Hồng quân núp trong các ô cửa sổ của pháo đài, chờ những tốp lính Đức tới gần, sau đó dùng báng súng, lưỡi lê và cả những chiếc ghế gãy, ván gỗ khô, đánh giáp lá cà. Nhiều cuộc tấn công của quân Đức bị đập tan, nhưng đến chiều 23/6, chỉ còn khoảng 18 binh sĩ Liên Xô còn khả năng chiến đấu.
Mặc dù chịu những đòn tấn công ồ ạt và bất ngờ của một đối thủ hoàn toàn áp đảo về trang bị và quân số, mặc dù đã bị vây chặt và hoàn toàn bị cắt đứt với bên ngoài, lực lượng Hồng quân tại pháo đài Brest đã chiến đấu kiên cường và liên tục tung những đòn phản công vào đối thủ.
Họ kháng cự bền bỉ, mạnh mẽ và lâu dài hơn người Đức dự tính. Quân Đức đã sử dụng đủ mọi vũ khí, từ pháo hạng nặng, pháo phản lực 150 ly đến súng phun lửa nhưng không thể nào bẻ gãy sức kháng cự của Hồng quân.
Người dân sống trong pháo đài cũng tham gia cứu chữa những người bị thương, nạp đạn cho các khẩu súng máy và thậm chí cầm súng cùng chiến đấu với bộ đội. Trẻ em thì tham gia tải đạn, thu nhặt lương thực, thực phẩm từ những kho quân nhu đã bị bắn phá tan tành bởi đại bác Đức; kiếm tìm và thu lượm vũ khí, đạn dược; tham gia trinh sát động tĩnh của kẻ thù.
Video đang HOT
Sau 6 ngày chiến đấu liên tục, đạn dược gần như chỉ còn tính từng viên, lương thực hết, nước cạn, sức chiến đấu của toàn đơn vị giảm sút rõ rệt. Ban chỉ huy ra lệnh cho phụ nữ và trẻ em ra hàng quân đội Đức. Các sĩ quan và binh sĩ Liên Xô còn sống sót tiếp tục ở lại chiến đấu.
Quân Đức gửi tối hậu thư yêu cầu lực lượng phòng thủ pháo đài hạ vũ khí đầu hàng, giao nộp chỉ huy và chính uỷ, nếu không, sẽ “trộn lẫn tất cả với đất”. Tuy nhiên, phía quân Đức chỉ nhận được những tràng đạn súng máy đáp trả.
Mãi đến ngày 30/6, quân Đức mới làm chủ được khu vực thành nội. Tuy nhiên, các nhóm sĩ quan và binh sĩ Liên Xô ẩn náu dưới các hầm ngầm vẫn tiếp tục chiến đấu đến ngày 20/7/1941. Một trong những sĩ quan Liên Xô chỉ huy phòng thủ pháo đài, Thiếu tá Pyotr Mikhailovich Gavrilov, sau ba ngày ẩn mình trong một ngách hầm, đã luồn qua các ngăn hầm khác và tìm được 12 binh sĩ còn trụ lại ở lũy ngoài.
Nhóm này đã hai lần phá vây về phía khu rừng Belovezh nhưng đều không thành công và thương vong gần hết. Ngày 23/7, Thiếu tá Gavrilov cùng hai binh sĩ còn lại chiến đấu trận cuối cùng trước khi bị quân Đức bắt làm tù binh khi đang bị thương bất tỉnh. Sau này ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Cho đến ngày 25/7, một đơn vị Hồng quân đóng tại hậu phương xa xôi Staraya Russia còn nhận được bức điện cuối cùng được phát không mã từ pháo đài Brest thông báo pháo đài sắp thất thủ. Sau chiến tranh, người ta phát hiện những dòng chữ để lại trên bức tường ở tầng hầm pháo đài: “Tôi chết, nhưng không đầu hàng, vĩnh biệt Tổ quốc”.
Dòng chữ “Tôi chết, nhưng không đầu hàng, vĩnh biệt Tổ quốc” tại pháo đài Brest. Ảnh: Wikipedia
Trận pháo đài Brest được xem là một biểu tượng của sức kháng cự kiên cường của quân dân Xô-viết trước sự tấn công của Đức quốc xã. Ngày 8/5/1965, cùng với thủ đô Moscow và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng.
Nguyên Phong
Ba máy bay quân sự tệ hại nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2
Các phi công Liên Xô từng phải nỗ lực xoay sở trong những chiếc máy bay lạc hậu này để có thể bắn hạ được các đối thủ "hạng ace" của Đức Quốc xã.
1- "Hải âu" I-153
Máy bay "Hải âu", biệt danh của tiêm kích Polikarpov I-153, gia nhập lực lượng không quân Liên Xô vào năm 1939, ngay trước thềm Thế chiến 2. Máy bay này thể hiện phong độ tốt trong các trận đánh Khalkhin Gol với quân phát xít Nhật nhưng lại không là đối thủ của máy bay phát xít Đức khi Đức tiến hành xâm lược Liên Xô.
Tiêm kích Liên Xô này thua đối thủ chính của mình là phi cơ Messerschmitt Bf 109 về hầu hết các đặc điểm kỹ thuật, đặc biệt là về tốc độ (434km/h so với 515km/h). "Hải âu" thậm chí không thể đuổi theo và đón đánh oanh tạc cơ Đức như là Ju-88 (có tốc độ là 466km/h).
Phi công Alexander Ryazanov thuộc trung đoàn không quân Tiêm kích Cận vệ số 10 nhớ lại: "Bạn không thể thoát khỏi cận chiến, không thể đuổi theo Bf 109. Bạn chỉ có thể cố gắng cơ động và tự vệ mà thôi".
Trên 1.300 chiếc I-153 đối mặt với không quân phát xít Đức trên biên giới phía tây của Liên Xô vào mùa hè năm 1941.
Mặc dù đôi lúc các phi công giàu kinh nghiệm của Liên Xô sử dụng máy bay "Hải âu" có tính cơ động cao này để gây bất ngờ cho đối phương trên bầu trời, về sau mục đích của các máy bay tiêm kích này đã được thay đổi và chúng chủ yếu được sử dụng cho việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất, cũng như hộ tống oanh tạc cơ bay đêm.
Năm 1944, những chiếc phi cơ I-153 chậm chạp và lỗi thời này không thể tham gia các cuộc tấn công nhanh chóng của Hồng quân. Được rút khỏi không chiến, các máy bay tham gia tuần tra và bảo vệ các đoàn tàu hải quân.
2- Tupolev SB
Một trong những oanh tạc cơ tốt nhất của Liên Xô trong thập niên 1930, máy bay Tupolev SB (ANT-40) thực sự là vua bầu trời trong Nội chiến Tây Ban Nha. Với tốc độ 450km/h, máy bay vượt qua tầm với của tiêm kích đối phương như là Fiat CR.32 (tốc độ 354km/h) của Italy và Heinkel He 51 (tốc độ 338km/h) của Đức.
Tốc độ nhanh như vậy cho phép máy bay SB tham gia hoạt động ném bom ban ngày mà không cần máy bay tiêm kích hộ tống. Thế thượng phong đó chấm dứt vào mùa xuân năm 1937 khi máy bay Đức siêu nhanh fast Messerschmitt Bf 109 (tốc độ 520km/h) xuất hiện trên bầu trời Tây Ban Nha.
Bất chấp thực tế vào năm 1941, máy bay này đã hoàn toàn lỗi thời, đây vẫn là oanh tạc cơ chủ lực của không quân Liên Xô khi ấy. Khi Đức xâm lăng Liên Xô, máy bay SB hứng chịu tổn thất lớn khi đối đầu với "bạn cũ" là Bf 109.
Cuộc giao tranh chính cuối cùng của SB là trong trận đánh Stalingrad. Sau năm 1943, các máy bay ném bom này đã được sử dụng chủ yếu làm máy bay trinh sát cũng như máy bay vận tải cung cấp hàng cho các lực lượng du kích hay thả các đơn vị phá hoại vào sau chiến tuyến địch.
Khi Đức sáp nhập Tiệp Khắc vào năm 1939, Đức thu được 32 máy bay SB được người Séc chế tạo theo giấy phép thành máy bay Avia B.71. Trong Thế chiến 2, số máy bay này được Đệ tam Đế chế giao cho đồng minh Bulgaria. Hơn 24 chiếc SB đã được người Phần Lan sử dụng để chống lại Liên Xô nhưng chúng đã bị thu lại trong cuộc Chiến tranh Mùa Đông.
3- "Con lừa" I-16
"Nếu bạn học lái được một chiếc I-16 thì bạn có thể lái được mọi thứ. Đây là một máy bay rất "nghiêm khắc" nhưng cơ động cao" - phi công Vladmir Tikhomirov thuộc Trung đoàn Tiêm kích số 12 nhớ lại.
Chiếc tiêm kích Liên Xô này không nể nang ai, và đòi hỏi phi công phải có kỹ năng bay thượng hạng.
Chiến đấu cơ này đã khẳng định được mình trong Nội chiến Tây Ban Nha và trong trận chiến với quân Nhật ở Viễn Đông. Tuy nhiên, vào năm 1941, máy bay đã trở nên lỗi thời dù nó đã có một số hiện đại hóa.
Trước khi máy bay Yak và La đầy uy lực cất cánh lên bầu trời trong vinh quang, chiếc I-16 được cho là đã giúp răn đe đòn tấn công ồ ạt của Đức
Trên 1.700 "Con lừa" (biệt danh của I-16) đã được bố trí ở khu vực mặt trận phía Tây của Liên Xô khi Đức mở chiến dịch Barbarossa. I-16 chiếm trên 40% trong tổng số các máy bay tiêm kích của Liên Xô trong khu vực này.
I-16 cơ động hơn đối thủ chính của nó là Bf 109. Nhưng I-16 lại kém đáng kể về tốc độ và hỏa lực. Các "chú lừa" này chỉ có thể cố gắng cơ động và yểm hộ lẫn nhau. Cơ hội xuất hiện khi tấn công theo kiểu du kích. Ngày 16/1/1943, một chiếc I-16 bất ngờ từ trong mây lao ra và bắn hạ máy bay của phi công hạng ace của Đức là Alfred Graslawski./.
Trung Hiếu
Chương trình tàn sát người khuyết tật của Đức Quốc xã Cả trước và trong thời kỳ Holocaust (tàn sát người Do Thái), chính quyền Đức Quốc xã thực hiện một chương trình giết người hàng loạt nhưng ít được biết đến nhằm vào một số người dễ bị tổn thương nhất - đó là những người khuyết tật. Và, đây là câu chuyện bên trong Aktion T4 - chương trình "trợ tử"... Bắt...