Bí ẩn quanh tảng băng trôi lớn nhất thế giới
Mới đây A23a – tảng băng trôi lớn nhất thế giới đang gây ra sự chú ý cho cộng đồng các khoa học gia và truyền thông trên toàn cầu.
BBC đưa tin A23a đã quay lại vị trí ngay phía bắc Nam Cực trong khi đáng ra nó đã phải trôi theo dòng hải lưu mạnh nhất Trái đất.
Các nhà khoa học cho biết khối băng này có kích thước lớn hơn gấp đôi khu đại đô thị London (Anh). Giáo sư Mark Brandon – chuyên gia về vùng cực nhận định: “Thông thường bạn nghĩ các tảng băng trôi là những thứ tạm thời, chúng vỡ vụn và tan chảy. Nhưng cái này thì không. A23a là tảng băng trôi không chịu chết”.
Tuổi thọ của tảng băng trôi này đã được ghi chép đầy đủ. Nó thoát ra khỏi bờ biển Nam Cực vào năm 1986, nhưng sau đó gần như ngay lập tức bị mắc kẹt trong lớp bùn đáy của Biển Weddell.
Trong ba thập kỷ, nó là một “đảo băng” tĩnh lặng. Nó không nhúc nhích. Mãi đến năm 2020, nó mới nổi trở lại và bắt đầu trôi tiếp, lúc đầu chậm rãi, trước khi dịch chuyển hướng tới vùng nước ấm hơn.
Vào đầu tháng 4 năm nay, A23a đã trôi vào Dòng hải lưu Nam Cực (ACC) – một “cỗ máy di chuyển lượng nước” nhiều gấp trăm lần so với tất cả các con sông trên Trái đất cộng lại.
Với kịch bản này, đáng ra tảng băng nặng gần nghìn tỷ tấn này phải trôi về phía khu vực Nam Đại Tây Dương rồi tan chảy.
Nhưng không!. A23a chính xác chẳng đi đến đâu. Nó hiện vẫn đang nằm ở vị trí ngay phía bắc quần đảo Nam Orkney, di chuyển theo hướng ngược chiều kim đồng hồ khoảng 15 độ mỗi ngày. Và chừng nào nó còn di chuyển như vậy thì sự tan rã và “cái chết cuối cùng” của nó sẽ bị trì hoãn.
Một phần của tảng băng lớn nhất Thế giới – Ảnh: BBC
Nó đã bị chặn lại bởi một loại xoáy được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1920 bởi nhà vật lý lỗi lạc Sir G.I. (Geoffrey Ingram) Taylor.
Học giả Cambridge này là người tiên phong trong lĩnh vực động lực học chất lỏng, và thậm chí còn được đưa vào Dự án Manhattan để mô hình hóa khả năng ổn định của vụ thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Giáo sư Taylor đã chỉ ra việc làm thế nào một dòng chảy gặp vật cản dưới đáy biển có thể – trong những trường hợp thích hợp – tách thành hai dòng riêng biệt, tạo ra một khối nước quay tròn có độ sâu tương đối ngăn cách chúng với vật thể bên trên. Trong trường hợp này, vật cản là một sườn núi nhô lên rộng 100km dưới đáy đại dương được gọi là Pirie Bank.
A23a một lần nữa là minh họa hoàn hảo cho tầm quan trọng của việc hiểu được hình dạng của đáy biển. Các ngọn núi, hẻm núi và sườn núi ngầm có ảnh hưởng sâu sắc đến hướng và sự pha trộn của nước cũng như sự phân bố các chất dinh dưỡng thúc đẩy hoạt động sinh học trong đại dương. Và ảnh hưởng này còn mở rộng đến hệ thống khí hậu: chính sự chuyển động khối lượng lớn của nước giúp phân tán năng lượng nhiệt trên toàn cầu.
Tảng băng A23a nhìn từ không gian
Những gì đã diễn ra của A23a có thể được giải thích vì đáy đại dương ngay phía bắc đảo Nam Orkney được khảo sát khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên không phải vùng đại dương nào cũng được lập bản đồ chi tiết. Hiện tại, chỉ 1/4 đáy biển Trái đất được lập bản đồ theo tiêu chuẩn hiện đại nhất.
Tảng băng di chuyển theo vòng tròn thay vì trôi xuôi theo dòng hải lưu đã gây ra sự chú ý cho giới khoa học
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới di chuyển, đe dọa động vật hoang dã
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới đang di chuyển lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ. Với diện tích gần 4.000 km vuông, tảng băng trôi ở Nam Cực có tên A23a có kích thước gần gấp ba lần New York.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy tảng băng trôi lớn nhất thế giới A23a nặng gần một nghìn tỷ tấn hiện đang trôi nhanh qua mũi phía bắc Bán đảo Nam cực nhờ lực gió và dòng chảy mạnh.
Hình ảnh vệ tinh về tảng băng trôi lớn nhất thế giới A23a được nhìn thấy ở Nam Cực. Ảnh: Reuters
Kể từ khi tách ra khỏi Thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986, tảng băng trôi - nơi từng là trạm nghiên cứu của Liên Xô - đã bị kẹt lại do phần đế kẹt dưới đáy Biển Weddell.
Nhà nghiên cứu sông băng người Anh của Cơ quan Khảo sát Nam Cực Oliver Marsh cho biết rất hiếm khi nhìn thấy một tảng băng trôi có kích thước như thế này di chuyển, vì vậy các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của nó.
Nếu tiếp tục tăng tốc, tảng băng khổng lồ có khả năng sẽ di chuyển đến Dòng hải lưu Vòng Nam Cực. Điều này sẽ đưa nó về phía Nam Đại Dương trên một con đường được gọi là "hẻm tảng băng trôi", nơi cũng có những khối băng khác đang nhấp nhô trong vùng nước tối.
Hiện chưa rõ nguyên nhân tảng băng trôi đột ngột bị tách ra. "Theo thời gian, tảng bang có thể mỏng đi một chút, nhờ đó nó thể nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi", nhà nghiên cứu Marsh cho biết. A23a cũng là một trong những tảng băng trôi lâu đời nhất thế giới.
Chim cánh cụt đứng trên một tảng băng trôi. Ảnh: AP
Có khả năng A23a sẽ dừng chân ở đảo Nam Georgia. Đây là nơi sinh sản và kiếm ăn của hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển. Nếu A23a va chạm với đảo Nam Georgia, hàng triệu sinh vật trên sẽ bị cản trở sinh sản, kiếm ăn.
Trước đó vào năm 2020, một tảng băng trôi khổng lồ khác - A68 - làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ va chạm với Nam Georgia, đè bẹp sinh vật biển dưới đáy biển và cắt đứt nguồn thức ăn. Tuy nhiên, thảm họa đó đã không xảy ra khi A68 vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Kết cục này cũng có thể xảy ra với A23a.
Tảng băng trôi kích cỡ khổng lồ như thế này có khả năng tồn tại khá lâu ở nam Đại Tây Dương, mặc dù thời tiết ấm hơn nhiều và nó có thể di chuyển xa hơn về phía bắc tới Nam Phi. "Chúng tôi chưa thể biết rõ tảng băng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mức độ nào", Marsh cho biết.
Hố băng bí ẩn ở Nam Cực có kích thước bằng cả Thụy Sĩ liên tục nứt ra không rõ lý do: Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời Một lỗ nứt lớn tại biển băng Nam cực đang ngày càng mở rộng, tới bây giờ các nhà khí hậu học mới biết nguyên nhân vì sao. Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra lỗ hổng khổng lồ ở biển băng Nam Cực vào năm 1974 và gọi nó với cái tên là Maud Rise polynya. Lỗ hổng kỳ...