Bí ẩn người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc
Vụ CHDCND Triều Tiên bắt cóc nhiều công dân Nhật cách đây vài thập niên vẫn là trở ngại lớn trong việc bình thường hóa quan hệ song phương.
Ngày 16.5, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam hội đàm với cố vấn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là ông Isao Iijima tại Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn KCNA không nói rõ nội dung cuộc gặp nhưng Đài NHK dẫn lời các chuyên gia suy đoán hai bên bàn nhiều vấn đề và chủ đạo là vụ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật vào các thập niên 1970 và 1980. Chuyến thăm của Iijima không được thông báo rộng rãi và cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều không biết trước. Sau đó, Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm của ông Iijima “không có tác dụng và ảnh hưởng đến mặt trận chung ứng phó Triều Tiên”, còn Mỹ nhấn mạnh cần phải thống nhất về ngoại giao đối với vấn đề Triều Tiên, theo Yonhap.
Ông Iijima đến Triều Tiên ngày 14.5 và 1 ngày sau đó Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ cân nhắc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm giải quyết căng thẳng về vụ bắt cóc, vốn là trở ngại lớn trong việc bình thường hóa quan hệ.
Video đang HOT
Ông Kim Yong-nam (phải) hội đàm với ông Isao Iijima tại Bình Nhưỡng ngày 16.5 – Ảnh: The Japan Times
Bắt cóc để hướng dẫn điệp viên
Theo báo The Japan Times, nhiều đời chính phủ Nhật từng khẳng định công dân nước này biến mất bất thường từ thập niên 1970 nhưng Tokyo không có hành động cụ thể do thiếu bằng chứng. Manh mối bắt đầu lộ diện vào thập niên 1980 khi một số điệp viên Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc và Nhật tiết lộ rằng Bình Nhưỡng đứng sau các vụ bắt cóc người nước ngoài. Từ các thông tin trên, Nhật xác định được có 17 người bị bắt nhưng Triều Tiên sau đó chỉ thừa nhận 13 trường hợp.
Hầu hết các vụ bắt cóc xảy ra ở các tỉnh giáp biển nằm giữa Nhật với bán đảo Triều Tiên và các nạn nhân bị đưa đi bằng thuyền. The Japan Times dẫn lời ông Kaoru Hasuike, bị bắt vào ngày 31.7.1978 khi mới là sinh viên và nằm trong số 5 người được trả về năm 2002, nhớ lại ngày kinh hoàng đó: “Tôi và bạn gái đang trò chuyện trên bãi biển thì một trong số họ (điệp viên Triều Tiên – NV) đến gần và hỏi mượn bật lửa… Tôi hoàn toàn không thấy gì bất thường nhưng thình lình tôi bị đánh mạnh từ phía sau. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đã ở trên thuyền”. Ông Hasuike và bạn gái Yukiko bị 4 điệp viên Triều Tiên bao vây rồi bỏ vào bao tải lớn trước khi bị đưa lên tàu. Một nạn nhân khác là bà Hitomi Soga thì bị 3 người đàn ông tấn công khi đang đi mua sắm vào ngày 12.8.1978. Bà cũng được trả về vào năm 2002.
Vợ chồng ông Kaoru Hasuike sau khi được Triều Tiên thả về năm 2002 – Ảnh: The Australian
Giới chức Nhật và các chuyên gia cho rằng các vụ bắt cóc nhằm tìm người dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho các điệp viên của CHDCND Triều Tiên. Suy đoán này được chính nhà lãnh đạo Kim Jong-il lúc còn sống xác nhận với Thủ tướng Nhật khi đó là ông Junichiro Koizumi trong cuộc hội đàm năm 2002, theo tờ The Guardian. Ông Haisuke kể trong hơn 2 thập niên ở Triều Tiên, ông phải học bản ngữ và phục tùng mọi chỉ thị để tồn tại. Ông may mắn gặp lại bạn gái Yukiko và 2 người được giao nhiệm vụ dịch tài liệu và dạy tiếng Nhật trong các cơ sở quân sự. Gia đình ông được cấp nhà, lương thực và quần áo.
“Còn nhiều người bị giam”
Cho đến trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của Thủ tướng Koizumi, Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới bắt cóc. Đến ngày 17.9.2002, ông Koizumi trở thành Thủ tướng Nhật đầu tiên hội đàm song phương với lãnh đạo Kim Jong-il. The Guardian dẫn lời ông Kim thừa nhận lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên gây ra các vụ bắt cóc. Ông xin lỗi và cam kết sẽ không xảy ra vụ việc tương tự. Tháng 10.2002, Triều Tiên thả 5 người và khẳng định những người còn lại đã chết.
Tuy nhiên, đến nay Tokyo vẫn cáo buộc Bình Nhưỡng xử lý vụ bắt cóc chưa thỏa đáng và vẫn còn công dân Nhật tại Triều Tiên. Hồi tháng 11.2011, nghị sĩ Hàn Quốc Park Sun-young tuyên bố một người đào tẩu từ miền Bắc tiết lộ rằng cô Megumi Yokota, bị bắt vào năm 1977 khi mới 13 tuổi, vẫn bị giữ tại Bình Nhưỡng, theo Yonhap. Theo đó, Yokota không được thả vì đã “biết quá nhiều thông tin nhạy cảm”. Thông tin này trái với tuyên bố của giới chức Triều Tiên rằng Yokota tự sát vào năm 1994. Sau đó, nước này còn trao trả một bộ hài cốt được cho là của Yokota nhưng phía Nhật cho rằng đó là hài cốt của một người khác.
Triều Tiên “có 200 bệ phóng tên lửa di động” Yonhap ngày 17.5 dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trình quốc hội nước này cho hay Triều Tiên có 100 bệ phóng cho tên lửa tầm ngắn Scud, 50 cho tên lửa tầm trung Nodong và 50 cho tên lửa Musudan có tầm bắn 3.000 – 3.500 km. Con số này gần gấp đôi ước lượng trước đó của giới chức Hàn Quốc về bệ phóng tên lửa di động của miền Bắc. Cũng trong ngày 17.5, Hãng thông tấn KCNA đưa tin Triều Tiên vừa bổ nhiệm ông Jon Chang-bok làm Thứ trưởng Lực lượng vũ trang, thay ông Hyon Chol-hae. Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi tướng Jang Jong-nam thay ông Kim Kyok-sik giữ chức Bộ trưởng Lực lượng vũ trang.
Theo vietbao