Bí ẩn ngôi làng buồn ngủ nơi người dân ngủ cả ngày, có người 3-4 ngày mới tỉnh dậy
Có một ngôi làng mà người dân ngủ cả ngày dù thực chất họ không hề muốn thế. Thậm chí, những người khác đặt chân đến ngôi làng này cũng gặp phải tình trạng buồn ngủ tương tự, không thể kiểm soát được giấc ngủ của mình.
Bí ẩn ngôi làng buồn ngủ
Ngôi làng Kalachi nằm ở phía bắc Kazakhstan, được coi là một trong những ngôi làng nổi tiếng và bí ẩn nhất thế giới. Đây là nơi sinh sống của khoảng 810 người dân và có một hiện tượng vô cùng kỳ lạ đã xảy ra. Người dân tại ngôi làng này mắc phải “hội chứng buồn ngủ” bởi họ ngủ suốt cả ngày, thậm chí ngủ triền miên từ ngày này sang ngày khác dù thực chất bản thân họ không hề muốn thế. Điều này đã thách thức các nhà khoa học tới đây để tìm hiểu.
Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng tháng 3/2013, khi một số người dân trong làng đột nhiên cảm thấy buồn ngủ đồng loạt, thậm chí đang đi bộ trên đường bỗng nằm xuống ngủ. Khi thức dậy, họ gặp phải tình trạng mất trí nhớ nhẹ, uể oải, mệt mỏi và đau đầu. Có người ngủ suốt cả ngày, có người ngủ 6 lần/ngày, thậm chí có người ngủ tới 3-4 ngày trời mới tỉnh dậy. Một số người còn được đưa vào bệnh viện vì tưởng hôn mê nhưng thực chất họ hoàn toàn khỏe mạnh và chỉ đang ngủ. Hơn 140 người đã gặp phải tình trạng này.
Người dân ở làng Kalachi buồn ngủ bất cứ lúc nào trong ngày.
Một người phụ nữ sống tại làng Kalachi kể lại: “Tôi đang vắt sữa thì đột nhiên ngủ thiếp đi và khi tỉnh dậy thì tôi thấy mình đang ở trong bệnh viện. Tôi không nhớ bất cứ điều gì đã xảy ra trước đó”.
Ông Viktor Kazachenko, một người cũng mắc “hội chứng buồn ngủ”, kể lại câu chuyện của mình trên trang EurasiaNet: “Tôi đang trên đường tới thị trấn vào ngày 28/8. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy đang ở trong bệnh viện và đó đã là ngày 2/9. Tôi đã ngủ mê man mà không nhớ gì”. Ông Viktor đã ngủ quên khi đang lái xe nhưng rất may không gặp tai nạn nghiêm trọng.
Đó không phải là lần đầu tiên ông Viktor ngủ quên đột ngột. Ông nói tiếp: “Trong lần đầu tiên, tôi đã ngủ mất 3 ngày liên tiếp. Sau khi tỉnh dậy, huyết áp của tôi tăng lên mà chẳng có lý do nào. Trong vòng 6 tuần, tôi thấy cơ thể như lâng lâng. Nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của tôi. Tôi bị đau đầu, mệt mỏi và dễ nổi cáu”.
Theo cuộc điều tra trên tờ báo Komsomolskaya Pravda năm 2014 cho biết: “Người mắc hội chứng vẫn có ý thức, thậm chí có thể đi lại. Nhưng tất cả họ đều rơi vào giấc ngủ sâu và khi tỉnh dậy, họ hoàn toàn không nhớ gì về những chuyện đã xảy ra”.
Việc ngủ quá nhiều ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
“Hội chứng buồn ngủ” ảnh hưởng đến cả nam và nữ, cả người già và trẻ em. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và kinh tế xã hội bởi mọi người không thể kiểm soát được giấc ngủ và công việc của mình.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Theo báo cáo, một số người sau khi tỉnh dậy còn gặp phải hiện tượng ảo giác. Chia sẻ trên tờ Komsomolskaya Pravda, hai đứa trẻ có tên Rudolf Boyarinos và Misha Plyukhin nói rằng sau khi tỉnh dậy với giấc ngủ dài, chúng đã nhìn thấy những con ngựa có cánh, rắn trên giường và giun ăn tay – những điều hiển nhiên không có thật.
Không chỉ ảnh hưởng tới con người, “hội chứng buồn ngủ” còn ảnh hưởng tới cả động vật. Cô Yelena Zhavoronkova kể rằng chú mèo của mình đột nhiên đi ngủ bất thường vào tối thứ 6 và đến tận trưa thứ 7 mới tỉnh dậy. Sau đó, nó thờ ơ với tất cả mọi thứ, kể cả thức ăn dành cho mèo.
“Hội chứng buồn ngủ” ảnh hưởng tới cả nam và nữ, cả người già lẫn trẻ nhỏ.
Bí ẩn được giải đáp
Quá khó hiểu trước hội chứng trên, rất nhiều nhà khoa học và nghiên cứu đã đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân và sự thật về “ngôi làng buồn ngủ” Kalachi. Chú mèo của cô Yelena cùng một số bệnh nhân đã được đưa đi xét nghiệm nhưng các bác sĩ không tìm ra điều gì bất thường. Ban đầu, một số nhà khoa học cho rằng người dân đã chịu hậu quả của rượu vodka giả. Nhưng khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên, một số người lại lý giải đây là “bệnh não không rõ nguồn gốc”.
Năm 2014, một nhà tâm thần học cho rằng những người sống trong làng Kalachi rất có thể đã mắc hội chứng rối loạn tâm thần hàng loạt.
Sau đó, một số nhà khoa học cho rằng việc buồn ngủ có thể liên quan tới chế độ ăn uống hoặc môi trường nên đã tới làng Kalachi để thực địa. Họ tìm thấy gần ngôi làng có một mỏ uranium bị bỏ lại từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Thủ tướng Kazakhstan khi ấy đã mở một cuộc điều tra để tìm hiểu về mức độ phóng xạ của mỏ uranium.
Sau khi tìm được nguyên nhân, chính quyền đã di dời làng Kalachi để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Cuối cùng, nguyên nhân thực sự của “hội chứng buồn ngủ” đã được giải quyết. Sau khi phân tích kết quả kiểm tra y tế của tất cả người dân, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nguyên nhân là do nồng độ carbon monoxide và hydrocarbon trong không khí tăng cao, nồng độ oxy giảm. Những điều này gây ra bởi mỏ uranium ngay gần ngôi làng.
Sau đó, các mỏ uranium đã bị đóng cửa. Chính phủ Kazakhstan cũng thực hiện biện pháp di dời cho người dân sống trong làng để đảm bảo sức khỏe và cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng nữa. Tính đến nay, gần như toàn bộ người dân tại làng Kalachi đã chuyển tới những nơi khác sinh sống.
Nàng Mona Lisa mắc nhiều bệnh nên có nụ cười kỳ lạ?
Bức Mona Lisa của Leonardo Da Vinci ẩn chứa nhiều bí ẩn khó giải. Trong đó, nụ cười khó hiểu của Mona Lisa khiến công chúng tò mò nhiều nhất.
Một thuyết âm mưu cho rằng nàng Mona Lisa bị bệnh nên mới có nụ cười khác lạ như vậy.
Đại danh họa Leonardo Da Vinci được người đời nhớ đến với nhiều kiệt tác hội họa giá trị. Trong số này, tác phẩm nổi tiếng nhất và cũng chứa nhiều bí ẩn nhất là bức tranh vẽ nàng Mona Lisa.
Da Vinci vẽ bức Mona Lisa vào thế kỷ 16. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học, nhà sử học và những người yêu thích nghệ thuật cố gắng giải mã nụ cười bí ẩn của Mona Lisa.
Theo các chuyên gia, Mona Lisa nở nụ cười bất cân xứng. Cụ thể, sự hạnh phúc của Mona Lisa khi cười chỉ được thể ở nửa phía bên trái bức tranh.
Trong khi đó, nửa phía bên phải của bức tranh, Mona Lisa nở nụ cười không chân thực.
Theo một số người, sở dĩ Mona Lisa nở nụ cười bí ẩn như vậy được cho là vì bà có bệnh trong người, sức khỏe không tốt.
Có giả thuyết cho rằng Mona Lisa mắc bệnh... giang mai do đó không thể nở một nụ cười hạnh phúc trọn vẹn.
Vì vậy, đằng sau nụ cười không hạnh phúc trọn vẹn của Mona Lisa là một nỗi buồn mà bà khó có thể nói ra. Từ đây, nụ cười của Mona Lisa trở nên bí ẩn, khác với người bình thường.
Ngoài ra, một giả thuyết khác suy đoán Mona Lisa có thể là do khuyết tật cơ mặt do tình trạng suy tuyến giáp, có tên khoa học là hypothyroidism, gây ra.
Căn bệnh này có thể khiến tay chân của người bệnh sưng phù, tóc mỏng đi và hình thành một khối u lớn ở cổ.
Theo đó, Mona Lisa có nụ cười bí ẩn nhưng đầy mê hoặc đối với người xem.
Mời độc giả xem video: Hé lộ chân dung đích thực nàng Mona Lisa qua xét nghiệm ADN. Nguồn: VTC14.
Bí ẩn sóng vô tuyến vật thể "ma" truyền tới trái đất Lần đầu tiên các nhà khoa học đã bắt được chớp sóng vô tuyến phát ra từ một vật thể cùng thiên hà với trái đất. Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã bắt được SGR 1935 2154, một chớp sóng vô tuyến (FRB) bí ẩn được cho là đến từ một vật thể ma quái nằm cùng thiên hà Milky Way...