Bí ẩn MH370: Có giả thuyết người ngoài hành tinh cướp máy bay
Một năm kể từ khi máy bay của hãng Malaysia Airlines (chuyến bay MH370) chở 239 người mất tích một cách bí ẩn sau khi cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 8.3.2014, hàng loạt giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không, trong đó có giả thuyết người ngoài hành tinh đã cướp MH370.
Một máy bay của hãng Malaysia Airlines đang cất cánh – Ảnh: Reuters
Hàng loạt chuyên gia hàng không và cả những tay nghiệp dư đưa những giả thuyết từ quái đản như người ngoài hành tinh cướp MH370, phi công lái máy bay tự sát cho đến các giả thuyết dựa trên tính toán khoa học…, theo Reuters.
Trong vụ mất tích bí ẩn nhất lịch sử hàng không thế giới này, tất cả hệ thống thông tin liên lạc với mặt đất trên máy bay MH370 đều bị tắt và chiếc Boeing 777-200ER biến mất khỏi màn hình radar trước khi chuyển hướng đến nam Ấn Độ Dương.
Giả thuyết người ngoài hành tinh bắt giữ MH370 được lan truyền trên các diễn đàn và mạng xã hội sau khi máy bay MH370 mất tích.
Theo một cuộc khảo sát của đài CNN (Mỹ) hồi năm 2014, trong số 10 người Mỹ thì có một người tin rằng người ngoài hành tinhđứng sau vụ máy bay MH370 mất tích.
Và cuộc tranh luận về vụ MH370 mất tích, bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không thế giới, vẫn tiếp diễn.
Lực lượng tìm kiếm quốc tế do Úc đứng đầu đã nỗ lực tìm kiếm MH370 dựa theo kết luận MH370 sau khi chuyển hướng đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương, nhưng các chuyên gia tình nghi xác máy bay nằm ngoài khu vực đang tìm kiếm.
Nhiều chuyên gia hàng không như ông Tim Clark, chuyên gia hàng không – Giám đốc hãng hàng không Emirates Airlines (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) cho rằng Malaysia đang che đậy thông tin về MH370.
Ông Clark đặt nghi vấn vì sao khi MH370 chuyển hướng đột ngột, quân đội Malaysia vẫn không có động thái gì.
Video đang HOT
Một máy bay của hãng Malaysia Airlines – Ảnh: Reuters
Chính quyền Malaysia dự kiến sẽ công bố bản báo cáo sơ bộ về công tác điều tra MH370 trước thềm tưởng niệm một năm ngày MH370 mất tích, bác bỏ cáo buộc Kuala Lumpur che đậy thông tin.
Ông Jeff Wise, chuyên gia hàng không Mỹ, tự bỏ tiền mua thêm dữ liệu vệ tinh nhằm củng cố giả thuyết mà ông đưa ra: MH370 bị không tặc cướp đã chuyển hướng phía bắc bay dọc theo biên giới các nước để né radar rồi hạ cánh xuống Kazakhstan trong một vụ cướp máy bay do Nga tiến hành.
Ông Wise gần đây xuất bản quyển sách The Plane That Wasn’t There (tạm dịch: Máy bay không ở đó) nói về các giả thuyết MH370 và quyển sách đã được liệt vào danh sách bán chạy nhất trên trang Amazon.
Independent Group (IG), một nhóm độc lập bao gồm hàng chục vệ tinh, dữ liệu và các chuyên gia hàng không ở New Zealand, đã bác bỏ giả thuyết của ông Wise trong tuần này.
“Giả thuyết của ông Wise chỉ là đống rác rửi”, Reuters dẫn lời Duncan Steel, thành viên của IG, cho biết.
Ông Wen Wancheng, thân nhân của hành khách người Trung Quốc trên MH370, khóc bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 18.2 – Ảnh: AFP
Ngoài giả thuyết MH370 bay đến Kazakhstan, chuyên gia hàng không Pháp Marc Dugain cho rằng MH370 bay đến hướng căn cứ Hải quân Mỹ ở đảo Diego Garcia, nam Ấn Độ Dương và bị quân đội Mỹ bắn nhầm trong cuộc tập trận chung với Thái Lan.
IG, một trong số những nhóm điều tra độc lập vụ MH370 đáng tin cậy nhất, vẫn khẳng định MH370 đang nằm dưới đáy biển nam Ấn Độ Dương, là nơi tập trung tìm kiếm của lực lượng tìm kiếm do Úc dẫn đầu.
Tuy nhiên, vì thiếu dữ liệu về khu vực này, IG cho rằng nơi “an nghỉ cuối cùng” của MH370 nằm ngoài khu vực đang tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương.
Nhiều blogger cho hay những tranh luận, giả thuyết về MH370 là cần thiết vì thân nhân hành khách cần phải nắm được nhiều thông tin.
Sarah Bajc, bạn gái của hành khách Phillip Wood trên MH370, bày tỏ sự cảm ơn đối với những cá nhân, nhóm – như IG – trong nỗ lực tiến hành cuộc điều tra độc lập nhằm lý giải điều gì đã xảy ra với MH370.
Tuy nhiên, Bajc không đồng tình với giả thuyết của IG. Cô tin rằng MH370 không nằm dưới vùng biển nam Ấn Độ Dương.
“Tôi muốn một cuộc điều tra độc lập… có lẽ do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu”, Bajc chia sẻ với Reuters.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Máy bay AirAsia rơi vì có kẻ gài bom?
Viễn cảnh một vụ nổ bom nhỏ khiến máy bay AirAsia (chuyến bay QZ8501) rơi xuống biển Java là một giả thuyết hàng đầu để lý giải vụ rơi máy bay này, một chuyên gia hàng không Mỹ nhận định.
Chuyên gia hàng không John Nance, cựu phi công Không quân Mỹ-nhà tư vấn của hãng tin ABC News (Mỹ), cho biết một quả bom nhỏ có thể đã phát nổ bên trong máy bay, lý giải vì sao chiếc Airbus A320-200 chở 162 người biến mất khỏi màn hình radar và không hề gửi tín hiệu cầu cứu nào trước khi rơi xuống biển Java vào ngày 28.12.
Tàu và máy bay tìm kiếm máy bay AirAsia - Ảnh: Reuters
"Có thể một ai đó không đủ sức để làm nổ tung cả chiếc máy bay thành trăm mảnh trên không trung, nhưng một ai đó có thể gài bom làm nổ tung hệ thống thủy lực trên máy bay để hủy hoại chiếc máy bay. Hệ thống thủy lực là hệ thống kỹ thuật rất quan trọng của máy bay, tác động trực tiếp đến rất nhiều bộ phận khác", ông Nance nhận định.
Máy bay AirAsia được cho vẫn còn nhiều phần nguyên vẹn bởi vì các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ phát hiện "bóng" nghi là xác máy bay dưới đáy biển nhờ vào vùng nước nông ở biển Java.
Một cách lý giải khác, máy bay AirAsia QZ8501 gặp thảm họa tương tự như vụ rơi máy bay của hãng Air France (Pháp) hồi năm 2009. Máy bay Airbus A330-203 của Air France, chuyến bay 447, đang từ Rio de Janeiro của Brazil đến thủ đô Paris của Pháp thì rơi xuống Đại Tây Dương, khiến tất cả 228 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong vụ Air France, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do những công cụ đo tốc độ bay được gọi là ống Pitot bị đóng băng, khiến phi công tưởng rằng họ đang bay ở vận tốc nhanh hơn vận tốc thật sự, nên bay không đủ vận tốc dẫn đến máy bay chúi mũi, đâm xuống Đại Tây Dương, theo ông Nance.
Một thi thể nạn nhân trên máy bay AirAsia được đưa về đất liền - Ảnh: Reuters
Ông Nance nói ông tin rằng có khả năng máy bay AirAsia cũng bị chúi mũi, nhưng tình nghi là do tránh bão chứ không phải ống Pitot gặp sự cố.
Phi công AirAsia lẽ ra đã có thể nâng độ cao máy bay để tránh bị chúi mũi và tránh bão nhưng đài kiểm soát không lưu dưới mặt đất đã từ chối yêu cầu bay cao hơn của phi công dẫn đến thảm họa, ông Nance nói.
Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác là phi công lái máy bay tự sát, theo ông Nance. Công tác tìm kiếm mảnh vỡ và thi thể nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 bị cản trở bởi thời tiết xấu vào ngày 31.12, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Những tiết lộ ngạc nhiên của "không tặc" trực tiếp lên kế hoạch cướp máy bay Một trong những vụ không tặc đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới xảy ra khi chiếc máy bay chở khách của Chính phủ Myanmar bị bắt cóc và buộc phải hạ cánh trên một bãi biển hoang vắng. Sự việc đã xảy ra cách đây 60 năm, nay được tiết lộ thêm thông tin của người trực tiếp lên kế...