Bí ẩn mật mã hạt nhân sắp được trao cho Trump
Vào ngày Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, một trợ tá quân sự sẽ xuất hiện cùng Tổng thống Barack Obama tới buổi lễ chuyển giao quyền lực tại đồi Capitol ở Washington.
Trợ tá quân sự đó sẽ xách một chiếc túi da, trong đó có vali “quả bóng hạt nhân”. Bên trong sẽ là một thẻ kỹ thuật số có biệt danh “bánh quy”. Thẻ này chứa các mã số phóng cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược.
Túi da chứa “quả bóng hạt nhân”. (Ảnh: AP)
Một buổi báo cáo tóm tắt dành cho tân Tổng thống về cách thức kích hoạt chúng sẽ diễn ra trong phòng kín. Nhưng vào lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ thì viên trợ tá sẽ lẳng lặng mang chiếc cặp da tới bên ông.
Sau khi tuyên thệ, Donald Trump sẽ là người duy nhất ở Mỹ có quyền ra lệnh thực hiện một hành động mà có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu người chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.
Vấn đề mà nhiều người nghĩ tới sẽ là với tính cách thẳng thừng của Trump thì liệu các vệ sĩ có thể ngăn được một quyết định bốc đồng với những hậu quả thảm khốc hay không?
Video đang HOT
Trước hết phải thừa nhận rằng, Trump đã dịu giọng sau nhiều bình luận rất hăng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Gần đây, ông thậm chí tuyên bố bản thân sẽ “là người cuối cùng sử dụng chúng”.
Trong chuỗi chỉ huy còn có nhiều nhân vật cấp cao khác, chẳng hạn Bộ trưởng Quốc phòng (tướng về hưu James Mattis). Tuy nhiên, Mark Fitzpatrick – một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân tại Viện Các nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Washington, cho rằng quyền quyết định mở một cuộc tấn công chỉ nằm trong tay Tổng thống.
Về lý thuyết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể từ chối tuân lệnh nếu có lý do nghi ngờ quyết định của Tổng thống, nhưng làm như vậy sẽ cấu thành tội nổi loạn và có thể bị Tổng thống sa thải, chuyển nhiệm vụ cho Thứ trưởng Quốc phòng.
Cũng trên lý thuyết, theo Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, Phó tổng thống có thể tuyên bố Tổng thống không đủ năng lực trí tuệ để đưa ra một quyết định đúng đắn. Nhưng điều này sẽ phải nhận được sự ủng hộ của đa số Nội các.
Bên trong chiếc vali “quả bóng hạt nhân” là một “sách đen” gồm các lựa chọn tấn công để Tổng thống quyết định với tư cách là Tổng tư lệnh, sử dụng tấm thẻ nhựa.
Ngay khi Tổng thống quyết định các lựa chọn tấn công từ một menu sẵn, lệnh được truyền qua Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tới Phòng Chiến tranh của Lầu Năm Góc, và rồi bằng mật mã tới trụ sở Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ tại căn cứ Không quân Offutt Airbase ở Nebraska.
Lệnh khai hỏa tiếp tục được truyền tới đội ngũ phóng, dùng mã hóa khớp với mã đã được khóa an toàn.
(Theo Tiền Phong)
Châu Âu khẩu chiến với ông Trump
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã phản ứng gay gắt trước các bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về EU.
Ông Hollande (trái) giận dữ sau các phát biểu của ông TrumpLa Libre
Tờ Le Figaro ngày 17.1 dẫn lời Tổng thống Pháp Franois Hollande tuyên bố: "Tôi nhắc lại: châu Âu sẵn sàng tiếp tục các chương trình hợp tác xuyên Đại Tây Dương, được xác định dựa trên lợi ích và các giá trị của EU. Châu lục này không cần sự can thiệp nội bộ hay lời khuyên nhủ từ bên ngoài để biết cần phải làm gì". Phát biểu thẳng thừng của ông Hollande để đáp trả phần trả lời phỏng vấn 2 tờ The Times (Anh) và Bild (Đức) vào ngày 15.1 của ông Trump.
Khi chỉ còn vài ngày nữa là chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Mỹ đã không hề tỏ ra "ngoại giao" khi bình luận về EU: "Khi bạn nhìn về châu Âu, trên thực tế, bạn đang nhìn nước Đức. EU chỉ là một công cụ phục vụ cho Đức. Đó là lý do tôi nghĩ rằng Anh đã có lý khi ra đi". Theo ông Trump, việc người dân Anh chọn rời bỏ EU (còn gọi là Brexit) là "một thành công lớn". Ông khẳng định sẽ "nỗ lực" để một hiệp định thương mại giữa Washington với London được ký kết "một cách rất nhanh chóng".
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng cho rằng EU đã xử lý không tốt cuộc khủng hoảng nhập cư và đây cũng là một trong những lý do của Brexit: "Nhiều quốc gia và người dân muốn bảo vệ bản sắc của họ. Nước Anh cũng vậy. Nhưng tôi tin rằng nếu người ta không ép buộc họ phải tiếp nhận lượng người nhập cư đông như thế, cùng với nhiều vấn đề kèm theo thì có lẽ đã chẳng có Brexit. Tôi nghĩ nhiều nước rồi cũng sẽ lần lượt rời EU". Ông Trump đánh giá quyết định mở rộng cửa cho người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là "một sai lầm thảm họa".
Đáp lại, ngày 17.1 bà Merkel phát biểu: "Tôi cho rằng chúng tôi, người châu Âu, nắm trong tay số phận của mình. Tôi sẽ tiếp tục ra sức để 27 quốc gia thành viên EU chung tay đối đầu với những thách thức của thế kỷ 21".
Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng phản ứng mạnh mẽ đối với phát biểu mới của ông Trump: "Tổng thống đắc cử Mỹ mà xen vào việc của quốc gia khác một cách trực tiếp như thế là điều không thích hợp. Ngoài ra, khi phê phán rằng một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu đã phạm sai lầm thì cũng cần phải rất thận trọng".
Còn theo cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls, ông Trump đã "tuyên chiến với châu Âu". Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng lời đáp trả hữu hiệu nhất đối với những bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ chính là "sự đoàn kết của người châu Âu".
Nga tố Mỹ "can thiệp"
Đài RT ngày 17.1 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục khẳng định các cáo buộc về những vụ tấn công mạng của nước này nhằm vào Mỹ là bịa đặt. Theo ông, nỗ lực của giới tình báo Mỹ rắp tâm chứng minh Tổng thống đắc cử Donald Trump có liên hệ với Moscow đã thất bại và cần phải bị xử lý. Ông Lavrov cáo buộc ngược lại rằng các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga "thường xuyên hoạt động gián điệp và dính líu tới các cuộc biểu tình" của phe đối lập.
Cùng ngày, theo AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phủ nhận cáo buộc nước này đã thu thập thông tin gây bất lợi cho Tổng thống đắc cử Mỹ và tuyên bố đây là "một trò bịa đặt". Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định mật vụ Nga không hề do thám ông Trump trong chuyến công tác đến Moscow hồi năm 2013.
"Khi đến Moscow, ông Trump không phải là một nhân vật chính trị. Có ai nghĩ rằng cơ quan mật vụ của chúng tôi theo đuổi từng tỉ phú một hay không? Dĩ nhiên là không, đó hoàn toàn là điều lố bịch", ông Putin nói tại một cuộc họp báo.
(Theo Thanh Niên)
Ông Trump bất ngờ thăng chức cho một quan chức chính quyền tiền nhiệm Ngày 11/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử ông David Shulkin, nguyên Thứ trưởng Bộ các vấn đề cựu chiến binh phụ trách y tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, đảm nhiệm cương vị người đứng đầu bộ này Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đến nay, Tổng thống đắc...