Bí ẩn kiến trúc nhà rông
Trước khi dựng nhà rông, điều mà các nghệ nhân quan tâm nhất không phải chiều cao hay số lượng cột mà là chiều dài. Từ đó họ sẽ suy ra kích thước toàn bộ nhà rông…
Nói đến những đặc sắc trong văn minh kiến trúc của người Tây Nguyên phải nói đến nhà rông. Nhà rông từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người, nhưng điều mà người ta tò mò là tại sao với hai mái cao chót vót, không phải liên kết bằng các xà đục lỗ xuyên qua cột, không cần thắt mộng hay một chiếc đinh mà trước những cơn gió dữ quanh năm vẫn đứng vững. Điều bí ẩn chính là những con số mà các nghệ nhân qua kinh nghiệm thực tiễn đã đúc kết nên.
Trước khi dựng nhà rông, điều mà các nghệ nhân quan tâm nhất không phải chiều cao hay số lượng cột mà là chiều dài. Chỉ cần con số này, họ sẽ suy ra kích thước toàn bộ nhà rông… Giả dụ chiều dài của một nhà rông sắp dựng là 8m thì các kích thước này sẽ được suy ra như sau: Chiều cao từ mặt đất lên sàn: 1,5m; chiều rộng 2 đầu: 4m; chiều cao từ nóc xuống mặt đất 8m và độ dài của mỗi mái bằng 2/3 kích thước chiều rộng nhất của bề ngang…
Nhà rông của người Bah Nar.
Điều đáng chú ý là các kích thước được suy ra không cần dựa vào công thức có sẵn mà bằng trực giác “nhìn là biết ngay”. Nếu tỉ lệ này bị phá vỡ trong phạm vi dao động cho phép thì nhà rông không những mất hết tính mỹ thuật mà sự chống chọi với thời tiết của nó cũng không hiệu quả.
Mái nhà rông chẳng hạn. Đây là bộ phận phải chống đỡ gió mưa nhiều nhất. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng trong tỉ lệ kích thước cho phép này thì sức chống đỡ của những hàng cột sẽ đều nhau và cân bằng. Hai mái tạo thành một góc hẹp phía trên nhưng phía dưới sẽ tạo thành hai đường cong hình elip khuyết khoảng 1/8 cung.
Điều này tạo nên một sự hợp lý là khi gió thổi vào mái sẽ tạo thành một đường tựa như thổi qua cái chai, làm giảm hẳn tiết diện của mái. Nhưng nếu chiều rộng của nhà rông được nâng lên nữa thì góc khuyết hình elip giữa hai mái sẽ nhỏ lại. Và điều đó cũng có nghĩa là làm tăng tiết diện chịu gió của mái lên…
Không cần đến những vật liệu quá to tát, không cần đến cưa, đục; chỉ chiếc rìu, con dao với sợi lạt mây, người Tây Nguyên đã tạo nên những ngôi nhà rông hoành tráng, vững chãi giữa cao nguyên đầy nắng gió. Nhà rông kỳ diệu với những điều tinh tế mà đơn sơ như vậy đấy…
Video đang HOT
Theo giadinh.net.vn
Bản hùng ca của núi rừng Tây Nguyên
Có một vùng đất mà mỗi khi nhắc đến lại thấy những năm tháng thăng trầm của lịch sử lại ùa vế trong ký ức....
Tây Nguyên núi đồi hùng vĩ, theo năm tháng vẫn giữ lại trong mình một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí đến lạ thường. Cứ mỗi lần đặt chân đến vùng đất này, trong lòng lại rộn lên những ký ức từ những năm tháng đau thương của chiến tranh. Bởi nơi đây, đã từng gồng mình hứng bao bom đạn dội xuống, nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất như chính bản chất anh hùng của người dân nơi đây.
Mùa hè Tây Nguyên, trời xanh cao lồng lộng, mây núi cùng hòa nhịp một bản hùng ca anh hùng. Những cánh rừng bạt ngàn, những con thác ngày đêm ầm ầm đổ nước, hay những tiếng cồng chiêng của buôn làng... cứ thế mà đi theo năm tháng trong tiềm thức của mỗi người con núi rừng.
Núi đồi bao la hòa mình vào tiếng Cồng Chiêng
Ngày 15-11-2005, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại trong niềm hân hoan, vui mừng của người dân nơi đây. Văn hóa Tây Nguyên muôn màu muôn vẻ, đa sắc thái dân tộc, được bao bọc bởi chính đất mẹ nơi này. Đất nơi đây đỏ lắm, đỏ rực vì xương, vì máu của không biết bao thế hệ đã đổ xuống để giữ lại cho nơi này sự thanh bình và yên ổn.
Ồn ào và dữ dội, nhưng chính những thác nước đó lại góp phần tạo nên vẻ một Tây Nguyên oai hùng như ngày nay. Mang màu của phù sa, mang màu của sự sống mới, nước từ trên cao cứ thế đổ xuống như bất tận mang đến một cảm giác khó tả khi đứng trước nơi này. Bọt tung trắng xóa, dòng nước mát lạnh và cái âm thanh ồn ào kia lại lôi cuốn một cách kỳ lạ.
Thác Dray Sáp
Không theo bất kỳ quy luật nào từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển cả như các con sông khác, dòng Sêrêpốk của Tây Nguyên lại chảy ngược lên thượng nguồn và đổ sang Campuchia. Sông Sêrêpốk ngày đêm cuồn cuộn chảy, uốn quanh Buôn Đôn, chia đôi bờ với một bên là buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Đôn với bao điều còn bí ẩn còn chưa khám phá.
Dòng Sêrêpốk chảy ngược kỳ lạ
Ẩn trong mình nét hoang sơ và dữ dội là một sự dịu dàng đến mê mẩn lòng người. Ai nói Tây Nguyên chỉ có núi, có rừng và những con thác dữ tợn ngày đêm cuộn nước. Hồ Lắk êm đềm và bình yên lắm, cuộc sống của buôn làng nơi đây trôi qua một cách chậm rãi và nhẹ nhàng.
Cưỡi voi trên hồ Lăk
Tây Nguyên đất đỏ hôm nay, dấu vết của chiến tranh tàn phá vẫn còn tồn tại, nhưng cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều. Dạo bước về qua Kon Tum, vẫn mái nhà Rông oai hùng, vẫn nhà thờ Gỗ thiêng liêng, có chút bồi hồi và lưu luyến khi về lại nơi đây.
Nhà Rông và nhà thơ Gỗ Kon Tum
Và còn biển hồ Tơ Nưng trong vắt, xanh êm một màu lục đẹp như tranh vẽ. Nơi này trước kia là một miệng núi lửa, nhưng đã ngừng hoạt động cách đây từ trăm triệu năm trước và giờ đây trở thành linh hồn của Pleiku. Với những rặng thông bạt ngàn bao phủ xung quanh, nơi đây còn biết bao điều kỳ diệu mà đất mẹ và thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Tây Nguyên vẫn sẽ tồn tại muôn đời qua lịch sử, qua từng câu hát, và qua cả tấm lòng của những người con núi rừng đã gửi gắm lại.
Biển hồ Tơ Nưng