Bí ẩn khu mộ cổ mai táng Quan Mường
Mất gần 6 tiếng đồng hồ trong cuộc hành trình, chúng tôi đã đến được địa phận Vĩnh Đồng, nơi có khu mộ Đống Thếch nổi tiếng về bề dày lịch sử và sự huyền bí bởi những truyền thuyết cổ xưa…
Bí ẩn “rừng mộ cổ”…
Những ngôi mộ ẩn hiện trong một khu rừng mịt mùng, dường như đã từ lâu không có người hương khói, im lìm lạnh lẽo tọa lạc trên một vùng đất rộng. Các ngôi mộ làm bằng tảng đá tròn hoặc vuông lớn, trên các hòn đá được ghi tên tuổi, công trạng, ngày mất của người dưới mộ bằng tiếng Hán. Người dân bản xứ vẫn xem đây là vùng đất linh thiêng, là Thánh địa Quan Mường, nơi cho đến nay vẫn còn khá nhiều bí ẩn chưa khám phá, những người nằm dưới mộ là ai mà thông tin trên nhiều bia đá cho thấy họ được an táng theo nghi lễ của các bậc đế vương bên cạnh đó lại là những nấm mồ không tên, không tuổi được tùy táng hết sức đơn sơ.
Mặt khác tại sao những cột đá xanh cao sừng sững (được dựng làm bia) có nguồn gốc từ Thanh Hóa (vượt qua bao trở ngại) được vận chuyển về nơi đây sử dụng làm nhà mồ thì chắc vẫn còn là điều bí ẩn với không ít người? Dường như đến nay vẫn chưa có những giải thích rõ ràng cặn kẽ về những bí ẩn bên trong quần thể khu mộ Đống Thếch này.
Tiết trời về thu những cơn gió heo may ùa về, trong khung cảnh nghĩa địa cổ hoang tàn, lạnh lẽo khói hương khiến cho chúng tôi, những người khách lạ đứng trên khu mộ thiêng có cảm giác ớn lạnh, rờn rợn.
Theo lời giới thiệu của anh Thành (người dân bản xứ, tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi), thì khu mộ đá Đống Thếch thuộc dòng họ Đinh Công, mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ. Nhắc đến dòng họ Đinh Công, những người bản xứ sẽ nghĩ ngay đến chế độ Lang đạo, một chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, nhưng tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, nơi có đông đồng bào Mường sinh sống từ thời Hùng Vương. Dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng là một dòng họ có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp triều đình trong việc cai quản dân chúng” – anh Thành cho biết.
Vạch cỏ dại tìm lối chúng tôi đi sâu vào khu mộ đá Đống Thếch. Theo lời anh Thành giải thích cho chúng tôi, “trước đây quần thể này có cả rừng mộ đá, với hàng trăm ngôi mộ và hàng nghìn phiến đá chôn xung quanh. Thế nhưng, càng ngày, khu mộ đá càng thu hẹp và hiện tại đã bị mất đi quá nửa, chuyện này có lẽ là do bọn “đạo chích” chuyên đào trộm mộ cổ gây ra”.
Theo quan sát, các ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các dãy đá bao quanh. Đầu mộ thường chọn ba hòn đá cao, to nhất thành một đường thẳng. Những tảng đá lớn trong khu mộ được xác định không phải là đá của địa phương, mà nó ở tận xứ Thanh, nơi có loại đá cẩm thạch nổi tiếng, thường được các quan lại, dòng tộc lớn dùng để chạm khắc hoặc dựng bia mộ cho người đã mất.
Vừa mân mê từng gợn đá, anh Thành vừa kể những câu chuyện kì lạ xung quanh khu mộ Đống Thếch. Câu chuyện xảy ra đã từ lâu, nhưng mỗi lần nhắc đến khiến những người yếu vía không khỏi rùng mình. Chuyện kể rằng có người nông dân đi làm đồng về khi trời tối mịt, đã nhìn thấy một đoàn người ngựa ăn mặc theo lối những chiến binh cổ xưa, dừng lại nghỉ ngơi bên những cột đá, họ nói chuyện, ăn uống và đốt lửa.
Video đang HOT
Đoàn người kỳ dị và bí ẩn đó là những quan binh, gươm giáo tua tủa sáng loáng trong màn đêm. Hoảng sợ trước những gì xảy ra trước mắt, người nông dân này bỏ chạy, vứt lại toàn bộ đồ nghề làm đồng. Sáng hôm sau, anh ta cùng một số người thân trong gia đình tìm ra khu mộ đá xem thực hư thế nào. Đến nơi, ngoài những phiến đá to cao sừng sững thì không thấy có bất cứ dấu vết nào về đoàn người kỳ dị đã từng khiến anh ta hết vía. Tuy nhiên một điều kì lạ khác đã xảy ra, đôi quang gánh của người nông dân hôm qua vứt bỏ lại đã bị di chuyển đến một nơi khác và trong những chiếc rổ của đôi quang gánh này đựng đầy những hòn đất và viên đá có hình thù kì dị. Nhiều người rất ngạc nhiên, nhưng không lí giải được câu chuyện hư thực kì bí đã xảy ra.
Câu chuyện này không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật, tuy nhiên ở xứ này nó phổ biến đến nỗi hầu như người dân nào nơi đây cũng biết, và mỗi khi kể lại, không ít người vẫn rùng mình lạnh gáy… Rất có thể đó chỉ là những lời thêu dệt, nhằm hạn chế phần nào nạn đạo chích săn tìm cổ vật ở khu mộ này…
Ông Bùi Văn Minh: Tệ đào trộm cổ vật thường xuyên xảy ra tại khu mộ cổ này…
Bí ẩn của hai tuyến mộ
Một điều rất đáng chú ý, nếu không đi sâu tìm hiểu, chắc chắn khó mà biết được các ngôi mộ trong khu mộ cổ này được phân chia thành hai tuyến. Thực tế, khi tiến hành khai quật, các nhà khoa học cũng đã phát hiện trong khu mộ cổ này có hai nhóm mộ khác nhau (tạm gọi là nhóm mộ khu A và nhóm mộ khu B) với những nét tương đồng và khác nhau rõ rệt, rất đặc biệt.
Hai nhóm mộ này cách nhau chừng 200m. Ở nhóm mộ khu A chủ yếu được chôn theo đồ gốm sứ nước ngoài, ngược lại đồ gốm sứ được phát hiện ở khu khu B đều là đồ trong nước. Nhóm mộ khu A hoàn toàn không thấy dấu vết của quan tài, ngược lại tại B lại trong các mộ hầu như đều thấy dấu vết của quan tài, hài cốt.
Trong khi đó, địa thế nhóm mộ khu B cao hơn khu A. Không giống như khu A có mồ nổi trên mặt đất, mồ ở khu B hầu như đều được lấp kín dưới đất, thi thoảng mới có ngôi mồ lộ trên mặt đất khoảng 20-30cm. Có lẽ vì vậy nên khu mộ này ít thấy dấu vết bị đào bới trộm.
Thực tế, mộ Mường từ lâu đã trở thành đối tượng được nhiều ngành khoa học quan tâm nghiên cứu, trong đó có khảo cổ học. Nhiều khu mộ Mường cổ đã được ngành khảo cổ học tiến hành khai quật và cung cấp tư liệu có giá trị làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà ngành khảo cổ học quan tâm cũng như các ngành khoa học khác.
Trong các cuộc khai quật mộ Mường, có ý kiến cho rằng: Tục lệ tang ma của người Mường là hỏa táng. Kết quả khai quật khu mộ Đống Thếch còn tìm thấy nhiều mảnh gỗ quan tài lưu lại. Ngoài dấu vết quan tài ở đây còn tìm thấy đá chèn quan tài giúp cho hình dung cụ thể hơn về hình dáng và cách đặt quan tài.
Đó là quan tài làm bằng thân cây, khi an táng dùng đá chèn để tạo thế ổn định. Đặc biệt trong mộ còn phát hiện xương của chủ nhân ngôi mộ. Tất cả những dữ liệu trên khẳng định mộ Mường có chôn theo chủ nhân. Điều này phù hợp với văn bản được khắc trên bia đá của nhà mồ ghi rõ tên, tuổi, ngày sinh, ngày mất cùng phong tục táng chủ nhân ngôi mộ.
Xưa, người Mường có phong tục chia của cho người chết. Họ quan niệm, người chết khi về mường Ma cũng có cuộc sống như khi còn sống. Gia đình nào càng khá giả thì hiện vật chia theo càng nhiều, càng phong phú. Chính điều này đã thu hút lòng tham của những kẻ đào bới trộm mộ cổ tìm cổ vật vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều hiện vật quý bị mất đi, hoặc bị vỡ nát. Các khu mộ cổ tan hoang, tiêu điều.
Qua kết quả khai quật cho thấy đồ tùy táng được đặt ở trong quan tài, trong lớp than và cả trong lớp đất lấp mộ. Những đồ tùy táng lớn thường được để ở hai đầu quan tài, các đồ nhỏ để tập trung vào vùng giữa áo quan.
Hiện vật thu được trong các nhóm mộ vô cùng phong phú, nhiều loại hình được chế tạo từ nhiều chất liệu. Đặc biệt đồ gốm sứ mang nhiều dáng vẻ đặc trưng của nhiều thời đại khác nhau. Ở đây bắt gặp cả hiện vật thời Lý, thời Trần cả đồ gốm Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng nổi bật hơn cả là gốm sứ thời Lê với nhiều loại hình, từ những chiếc ấm men rạn hoa lam, đến nhiều chiếc bát, đĩa với kỹ thuật, phong cách trang trí khỏe khoắn, bay bướm của thế kỷ thứ XVII, đã tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập gốm sứ quý đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc.
So sánh hai khu mộ, kết quả khai quật đã cho thấy chúng đồng nhất về phong cách táng tục, hiện vật tùy táng, chắc rằng chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau và có cùng niên đại. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao ở hai tuyến mộ cùng tồn tại trong cùng thời gian, lại có sự khác biệt đến như vậy?
Đối chiếu với nguồn tài liệu dân tộc học, phối hợp với tư liệu chữ viết ghi trên các ngôi mộ bí mật đã được hé lộ, trong lễ thức tang ma của người Mường có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu người chết được quàn xác tại nhà từ 3 đến 5 năm, sau thời gian đó mới đưa ra huyệt an táng. Với phong tục như vậy, khả năng mai táng hai lần một người chết có thể xảy ra biệt lệ với tầng lớp quý tộc quan lang. Theo đó nhà lang táng người chết hai lần: Một mộ táng phần hồn sau khi chết và một mộ táng phần xác được để tại nhà. Vì thế, nhiều phỏng đoán cho rằng hai tuyến mộ A và B tại khu Đống Thếch là nơi an táng một bên là phần hồn một bên là phần xác của các vị quan lang. Cũng không loại trừ khả năng, đây cũng có thể làm theo thuật làm mộ giả như các quý tộc miền xuôi, của triều đình phong kiến bấy giờ, để cho người đã khuất tránh khỏi bị kẻ thù (hoặc kẻ trộm) xâm phạm.
Ông Bùi Văn Minh, người từng bảo vệ khu mộ này 10 năm cho biết, dân làng thì luôn coi đây là khu vực linh thiêng, nhưng bọn đào trộm mộ không biết sợ. Bọn chúng đi liên tục, có hôm còn mang theo cả máy rà kim loại. Gần đây tình trạng đã thuyên giảm.
Theo ANTD
Thực hư giếng thần xứ Mường và khúc gỗ "trấn" long mạch
Từ lâu lắm rồi, người bản Khộp xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã thấy giếng thần ngự ngay đầu bản. Và dưới đáy của giếng thần là khúc gỗ kỳ lạ cũng không biết có tự bao giờ. Nếu vớt khúc gỗ ấy lên, cả bản Khộp sẽ không còn một giọt nước.
Giếng không bao giờ cạn
Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu tự hào: "Xã miền núi chúng tôi có cái giếng thần nghìn tuổi. Dù trời có hạn thì đồng ruộng cũng không sợ hết nước". Nói xong, ông dẫn chúng tôi đến bản Khộp cao chót vót trên đỉnh núi để mục sở thị giếng thần kỳ lạ này.
Quan sát kỹ, đó là một mó nước đã được xây dựng lại, bốn bên được đổ bằng bê tông vuông vức. Ông Bùi Văn Huy, Trưởng ban Văn hóa xã Ngọc Lâu cho hay: "Trước đây, giếng thần là một mó nước tự nhiên. Vì sợ bị mai một nên chúng tôi cho xây dựng tường bao để bảo vệ. Tuy nhiên, tính linh thiêng và mực nước trong giếng vẫn không hề thay đổi". Lạ cái, trải qua nhiều mùa khô hạn, nhưng nước giếng chưa bao giờ vơi cạn dù cho cả làng có múc đổ đi hay dùng máy bơm ra ngoài.
Năm nay đã hơn 90 tuổi, cụ Bùi Văn Én là người được thấy và nghe nhiều câu chuyện thần kỳ quanh giếng nước này: "Sống gần hết đời người và ăn ở với giếng thần nên tôi biết nó thiêng lắm. Các anh có vứt chất bẩn gì xuống đó thì nước vẫn trong vắt và người làm bẩn giếng chắc chắn sẽ bị trừng phạt". Cụ Én còn kể, từng có người bị méo mồm vì chửi thề ngay bên giếng. Gia đình đưa anh ta đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi thần giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm.
Không biết những câu chuyện ấy thực hư đến đâu nhưng tất cả người Mường ở bản Khộp nói riêng và người dân xã Ngọc Lâu nói chung đều rất kính cẩn trước giếng thần. Họ coi đó là biểu tượng linh thiêng nhất của người Mường bản địa và là nguồn sống của người dân vùng núi đá này.
Tục tắm tiên và lời đồn ma quái
Trẻ em uống nước giếng thần mà không cần đun sôi
Cũng không biết từ khi nào, người dân nơi đây có tục tắm tiên ngay bên miệng giếng. Theo ông Bùi Văn Huy, người bản Khộp ngày nào cũng tắm tiên. Họ tập trung vào khoảng 11h trưa và từ 5h chiều cho đến lúc tối mịt. Giờ cao điểm có đến hàng trăm người xếp hàng lũ lượt chờ đợi để được tắm. Tất cả già trẻ trai gái đều tắm trần với nhau mà không mảy may có một ý nghĩ xấu nào. Họ tắm tiên tại giếng với mong ước được gột rửa những tội lỗi trong bản thân để trở nên trong sạch hơn. Hầu hết con gái bản Khộp đều có làn da rất trắng và mịn màng. Họ bảo, đó là do tắm bằng nước giếng thần.
Về tục tắm tiên của người bản Khộp, theo lời cụ Én, có liên quan đến lời đồn ma quái cách đây hàng trăm năm: "Thời ấy, có con ma rừng hay đi bắt người mang về hang trên núi. Con ma rừng đã hại rất nhiều người bản Khộp mà không có cách nào ngăn chặn được. Thế rồi, có một pháp sư người Mường Bi từ dưới sông Mã đạp nước cưỡi mây dùng bùa phép trấn yểm con ma này. Pháp sư căn dặn dân làng phải tắm ở nước giếng thần thì con ma mới không dám bắt. Thế rồi, từ đó đến nay người bản Khộp có tục tắm tiên nổi tiếng khắp tỉnh Hòa Bình".
Khúc gỗ lạ kỳ
Cụ Bùi Văn Én kể chuyện giếng thần
Tất cả những chuyện huyền bí quanh giếng thần Ngọc Lâu đều có mối liên hệ với khúc gỗ kỳ lạ dưới đáy giếng. Cụ Bùi Văn Beo, nhà ngay cạnh giếng thần cho biết: "Khúc gỗ ấy không hề bị mối mọt, nó cứng như thép và nằm dưới đáy giếng cả nghìn năm nay rồi".
Chính cụ Beo cũng không hiểu tại sao khúc gỗ ấy lại nằm dưới đáy giếng và có liên quan gì đến mạch nước của giếng thần. Cụ chỉ nhớ câu chuyện mà cha ông hay kể lại: "Khúc gỗ dưới đáy giếng là cành của cây Nhội. Theo truyền thuyết thì gốc của nó ở cánh đồng Nà Cả trên xóm Điện xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình), cách bản Khộp gần chục kilômét về hướng tây bắc. Đó là một cây Nhội lớn, tán lá che phủ 3 xã vùng cao ở Lạc Sơn này. Trong vùng lại có hai anh em, người em ở bản Khộp làm ăn khấm khá, người anh ở xóm Điện ghen tức nên chặt cây Nhội đi. Cành cây Nhội đổ trúng nhà người em và tạo thành cái giếng và khúc gỗ dưới đó là phần còn lại của cây Nhội ấy".
Nhưng kể cũng lạ, khúc gỗ ngâm dưới nước bao nhiêu đời nay mà vẫn không hề mục ruỗng. Theo ông Bùi Văn Huy: "Gỗ Lim mà ngâm xuống nước lâu ngày cũng sẽ bị ruỗng nhưng người bản Khộp đều biết khúc gỗ kỳ lạ kia đã nằm dưới đáy giếng cả bao nhiêu đời mà vẫn cứng như thép. Rìu và dao rựa chặt vào đều bị mẻ mà khúc gỗ vẫn không hề trầy xước".
Tưởng nước giếng thần sẽ không bao giờ cạn nhưng một chuyện khiến cả bản Khộp phải hoảng hồn xảy ra vào năm 1996. Năm ấy, tổ chức UNICEF hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình nước sạch phục vụ cộng đồng ở các xã vùng cao, trong đó có xã Ngọc Lâu. Địa điểm giếng nước thần là một trong những điểm nằm trong bản quy hoạch nạo vét. Để thực hiện việc đó, người ta phải làm sạch tất cả bùn đất và mọi thứ nằm dưới đáy giếng. Chính ông Trưởng bản Bùi Văn Lơ là người được giao nhiệm vụ trục vớt khúc gỗ ấy lên.
Ông Lơ cùng mấy trai bản khỏe mạnh dùng dây thừng, đòn dài và phải vất vả cả ngày mới đưa khúc gỗ Nhội ấy lên được trên bờ. Thật kỳ lạ, chỉ một đêm mà dưới giếng không còn một giọt nước nào. Tất cả khu vực xung quanh biến thành "hoang mạc". Đất đai quanh giếng trở nên khô nứt nẻ và nhiều hiện tượng kỳ lạ khác xảy ra ngay hôm ấy.
Theo trí nhớ của ông Lơ, đó là một ngày kỳ lạ. Bầu trời ở bản Khộp trở nên u ám khác thường, người dân trong bản đều cảm thấy nôn nao khó chịu trong người, trẻ em khóc thét cả ngày không ai dỗ được... Cả bản hoảng loạn, không ai dám nói với ai câu nào, họ chỉ biết đứng như mất hồn trước miệng giếng mà nhìn. Lo sợ có điều chẳng lành, các cao niên trong bản mới họp nhau lại và quyết định trả khúc gỗ ấy xuống giếng. Ngay lập tức, các tia nước bắn lên và chỉ một lúc sau mọi chuyện trở lại bình thường. Người bản Khộp thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, dự án cải tạo giếng thần vẫn phải thực hiện. Để tránh mọi chuyện bất trắc xảy ra, người dân bản đã mời thầy Mo Mường về làm lễ rất chu đáo và trai làng được lệnh vớt khúc gỗ ấy lên. Và một lần nữa, sau khi khúc gỗ được đặt trên bờ, nước giếng lại bắt đầu cạn không còn một giọt nhưng những chuyện gây hoang mang như lần trước không xảy ra nữa. Từ ngày đó đến nay, người dân bản địa càng tin vào sự linh thiêng kỳ lạ của giếng thần.
Lời nguyền nghìn tuổi
Lý giải về sự kỳ lạ của khúc gỗ, cụ Én cũng chỉ nhớ mang máng về một lời nguyền đã từ lâu lắm rồi. Đó là lời nguyền liên quan đến đến việc giữ rừng, giữ nước của người Mường thời xưa.
Tuy nhiên theo cụ Én, lại có một câu chuyện khác mang tính thần thoại nhưng được nhiều người tin hơn cả. Rằng khúc gỗ ấy là vật trấn yểm của thầy pháp sư sau khi đánh nhau với ma rừng. Đó là một phần của cây gậy thần mà vị pháp sư đã dùng để đánh đuổi ma rừng để cứu người bản Khộp. Khúc gỗ ấy được trấn yểm dưới đáy giếng cùng với một lời nguyền bí ẩn nhằm khơi long mạch cho người bản Khộp được tắm rửa tránh ma tà. "Chính vì thế mà cả nghìn năm nay, khúc gỗ ấy mới không bị mục ruỗng", cụ Én lý giải.
Thực hư câu chuyện bí ẩn ở giếng thần Ngọc Lâu vẫn còn nhiều điều phải khám phá. Tuy nhiên, càng đi sâu vào câu chuyện dường như càng khó tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Người bản Khộp cũng chỉ biết tin vào giếng thần như một vị thần bản mệnh cho dân làng và họ cố gắng bảo vệ khúc gỗ dưới giếng ấy như một báu vật mà thần linh đã ban tặng.
Theo ANTD
Công nghệ đào trộm cổ vật Mặc dù có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện ma quỷ được thêu dệt xung quanh nhiều cổ vật, nhất là những món đồ được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ. Nhưng chưa bao giờ nỗi sợ hãi từ cõi u minh đó làm chùn bước của kẻ trộm cổ vật. Những món đồ tùy táng vô giá, được chôn theo người...