Bí ẩn giếng cổ đêm đêm vang tiếng kẽo kẹt múc nước
Hằng đêm, người dân xung quanh thường nghe thấy tiếng kẽo kẹt múc nước phát ra từ giếng. Khi rình ra xem thì chẳng thấy ai.
Giếng Chòm nơi phát ra tiếng kẽo kẹt múc nước vào ban đêm
Nhiều lần như vậy khiến dân làng sợ hãi. Lời đồn “ ma múc nước” ở giếng được đồn thổi, lan truyền khắp nơi trong vùng.
Chiếc giếng cổ ở làng Hữu Quyền ( xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được người dân gọi là giếng “ma”. Rất nhiều điều kì quái xảy ra ở đây không thể lý giải.
Ba chiếc giếng tạo thành “thế trận” tam giác án ngữ 3 góc làng
Xã Cẩm Huy có 3 giếng cổ là giếng Chòm, giếng Đá và giếng Thềm. Vị trí của 3 giếng rất đặc biệt, tạo thành hình tam giác án ngữ ba góc của xã. Các thầy phong thủy xa xưa cho rằng, ba chiếc giếng giống như tấm bình phong bảo vệ cuộc sống người dân xã Cẩm Huy.
Tuy nhiên, theo người dân, chỉ giếng Chòm ở làng Hữu Quyền là linh thiêng nhất. Giếng này không bị nhiễm phèn, sắt, vàng như hai giếng còn lại; quanh năm nước trong vắt, mát rượi. Các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ nổi giếng Chòm có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ đã thấy mọi người đến đó gánh nước về sinh hoạt.
Từ khoảng hơn 10 năm nay, cuộc sống phát triển, gia đình nào cũng tự đào giếng cá nhân nên không ai đến gánh nước giếng Chòm nữa. Cũng kể đó, giếng Chòm trở thành giếng hoang.
Giếng cách khá xa khu dân cư, từ khi bị bỏ hoang, khu vực quanh giếng trở nên cây cối rậm rạp. Những người xung quanh cho biết, nhiều năm về trước, đêm đêm thường nghe thấy tiếng động lạ phát ra ở giếng cổ.
Video đang HOT
Ai cũng khẳng định những tiếng động đó giống như tiếng người múc nước kêu kẽo kẹt, hòa với tiếng bước chân thình thịch và tiếng các thùng nước va đập vào nhau. Nhiều năm nay không còn ai đến lấy nước ở đây về dùng nên những âm thanh đó khiến ai nấy đều tò mò.
Ban đầu họ nghĩ rằng ban đêm có ai đó đến gánh nước, có thể do giếng cá nhân họ bị hư hỏng gì đó nên không có nước dùng. Nhiều đêm như vậy, họ liền rủ nhau ra rình ai là người cứ hay đi gánh nước đêm.
Tuy nhiên, cứ ra đến gần giếng là chẳng thấy ai cả. Nhưng khi quay lại mấy bước chân khuất giếng, những âm thanh đó lại phát lên. Lúc ấy, nhóm người ra rình chỉ biết nhìn nhau “mắt tròn mắt dẹt”, có người vì hoảng quá liền co giò bỏ chạy.
Trường hợp khác, một người dân trong làng có việc nên về nhà rất khuya. Anh kể lại, lúc anh ta đi ngang giếng Chòm thì xuất hiện hình ảnh lờ mờ trước mắt, một phụ nữ mặc áo trắng đứng bên giếng múc nước. Lúc đó anh ta nghĩ chắc ai đó trong làng đi bắt ếch ngoài đồng về múc nước rửa chân, liền chạy lại hỏi thăm.
Tuy nhiên, khi lại gần thì bóng dáng người phụ nữ đó bỗng biến mất. “Sợ gặp phải “ma” nên tôi liền “ba chân bốn cẳng” chạy một mạch về nhà”, người này nhớ lại.
Sau những sự việc trên, người dân trong làng đồn rằng giếng Chòm có “ma”. Từ đó, giếng Chòm được người dân gọi bằng biệt danh mới là “ giếng ma”.
Người mê tín làm lễ cúng để “giải trừ giếng ma”
Lí giải về những sự việc bất thường xảy ra quanh giếng cổ, một số người mê tín cho rằng đó có thể là do “những linh hồn chết oan bên giếng Chòm hiện về quấy rối”.
Một người dân sống gần giếng cổ kể chuyện
Các cụ kể, trước đây, ban ngày giếng Chòm nhiều người đến gánh nước nên nhiều người chuyển sang gánh vào ban đêm. Từng có trường hợp trượt chân té xuống giếng chết. Năm 1965, một phụ nữ trong làng đi gánh nước đêm thì bị trúng bom, chết bên giếng.
“Có thể linh hồn người chết chưa siêu thoát, còn quanh quẩn ở cạnh giếng rồi hằng đêm vẫn múc nước ở đây”, một cụ giải thích. Tuy nhiên, một số lời đồn đại khác lại cho rằng, chiếc giếng này là của người Chămpa xây dựng cách đây hàng trăm năm. Lúc xây có rất nhiều người bỏ mạng, nay linh hồn họ ra quanh giếng?.
Kể từ khi có lời đồn ma quỷ ở giếng Chòm, ban đêm tuyệt đối không ai dám bén mảng đến khu vực này. Những gia đình ở gần thì đến chập tối là đóng kín cổng, không cho con cái ra khỏi nhà. Những người có việc phải về muộn thì họ thường ngủ nhờ nhà người quen hoặc rủ thêm ai đó về cùng chứ không ai dám đi một mình. Khi qua ngang giếng ai cũng cố chạy thật nhanh.
Sự hoang mang của dân làng cứ tăng dần lên, khiến cuộc sống nơi đây bị xáo trộn nghiêm trọng. Thấy vậy, cách đây hơn một năm, các cao niên của làng Hữu Quyền tập hợp mọi người lại sắm sửa lễ vật ra làm lễ thắp hương tại giếng cổ. Điều kì lạ là sau khi làm lễ xong thì những tiếng động lạ không còn nữa. Từ đó người dân cũng yên tâm sinh sống không còn hoang mang sợ hãi.
Đối với dân làng, giếng Chòm không chỉ là múc nước về sinh hoạt mà còn được coi là long mạch của làng. Cụ Hóa cho biết, từ xưa đến nay, năm nào dân làng cũng tổ chức lễ “Khảo giếng” (Dọn dẹp rác bẩn, thông mạch cho giếng). Mục đích của việc này không chỉ để thông mạch nước, dọn dẹp rác thải mà còn là hình thức cầu cúng cho dân làng được ấm no, làm ăn thuận lợi.
Thế hệ đi trước đều dặn dò con cháu rằng giếng Chòm chính là long mạch của làng, nếu để mạch giếng bị tịt thì người dân sẽ gặp nhiều điều xui xẻo, làm ăn trắc trở.
Ông Phan Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy cho biết: “Giếng Chòm là một một giếng cổ có từ lâu đời ở địa phương. Năm 2011, giếng Chòm được công nhận là di tích văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Giếng Chòm chiếm một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân”.
Ông Chủ tịch xã cũng xác nhận, xung quanh chiếc giếng có những câu chuyện lạ. Tuy nhiên, ông khẳng định đó chỉ là những lời đồn đại của một bộ phận người dân mê tín; hoàn toàn không có cơ sở.
Theo Xahoi
Phát hiện giếng cổ gần thành nhà Hồ
Giếng được cho là hàng trăm năm tuổi nằm gần cổng nam thành nhà Hồ (Thanh Hóa), đường kính khoảng 2 m, thành được xây bằng gạch bìa dày có nhiều chữ Hán trên bề mặt...
Ngày 2/1, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, mới đây, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu di sản thành nhà Hồ, cán bộ trung tâm đã phát hiện giếng cổ tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Giếng nằm ở trung tâm làng Xuân Giai, cách thành nhà Hồ 300 m về phía đông nam, đường kính rộng 2 m, sâu 6 m, thành giếng tính từ mặt đất cao một m. Toàn bộ thành, lòng và sân giếng đều được kè, lát bằng gạch bìa thành nhà Hồ. Nhiều năm bỏ hoang không có người sử dụng khiến quanh giếng rong rêu, cỏ dại mọc um tùm.
Cụ Trịnh Văn Hiềng (82 tuổi, làng Xuân Giai) cho biết, không nhớ chính xác giếng có từ năm nào, chỉ nghe cụ thân sinh kể giếng có từ thời nhà Hồ định đô ở đây. "Ngày xưa người làng thường đến đây tắm gội, rồi gánh nước về nấu ăn. Nước giếng rất trong, có vị ngọt nên các dịp hội hè làng đều lấy nước hãm chè. Trai gái lấy cớ đi gánh nước, đi tắm gội để hẹn hò, nên duyên", cụ Hiềng kể và cho biết, xưa dưới đáy giếng còn có rất nhiều mạch nước ngầm phun lên.
Toàn bộ thành và sân giếng được lát bằng gạch thành nhà Hồ có chữ Hán cổ trên bề mặt. Ảnh: Lê Hoàng.
Cụ Phạm Thế Vinh (90 tuổi, làng Xuân Giai) kể, những năm 1946-1947, giếng được dân làng cải tạo lại trên cơ sở giếng cũ bằng gạch bìa lấy về từ trong thành nhà Hồ. Gạch kè giếng dài 50 cm, rộng 25 cm, cao 9 cm. Dù có niên đại hơn 600 năm nhưng hầu hết số gạch này đều giữ được màu hồng tươi, chín đều, cho thấy kỹ thuật nung gạch thời xưa của người dân là rất cao. Trên bề mặt nhiều viên gạch có khắc chữ Hán Nôm ghi nguồn gốc làng quê sản xuất như: Đại An, Kẻ Nưa, Cổ Lôi (huyện Thọ Xuân ngày nay).
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ làng Xuân Giai cần có quá trình khảo sát điều tra tư liệu. "Hiện Trung tâm tiếp tục nghiên cứu đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận di sản đặc biệt cho cụm di sản ở làng Xuân Giai (bao gồm đình làng và giếng cổ). Việc phát hiện giếng cổ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thành nhà Hồ và nghiên cứu các làng cổ trong vùng di sản theo khuyến nghị của UNESCO", ông Toán nhấn mạnh.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo VNE
Gia đình 37 năm đổi nước lấy cơm Với người dân phố cổ Hội An, hình ảnh một ông lão già nua, một bà cụ lưng khòm cùng anh con trai nửa tỉnh nửa điên với 3 đôi quang gánh ngày ngày dắt díu nhau hành nghề phu nước đổi cơm đã không còn lạ lẫm. Cái nghề mà cả gia đình họ đã bén duyên, rồi như một cái nghiệp...