Bí ẩn ‘con đường ma’ chuyên ‘bẫy’ người đi đường
Hàng trăm vụ tai nạn đã xảy ra trên con đường ấy, có những vụ chết đến 4 – 5 người. Những vụ tai nạn lắt nhắt thì kể không hết. Cũng từ những vụ tai nạn này, đã có không ít câu chuyện về “ma quỷ” được đồn đại, con đường dần vắng người đi.
Con đường Tỉnh lộ 1, qua địa bàn xã Xuân Mỹ, Xuân Viên, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh thuộc diện đẹp, thẳng. Đây chính là trục chính dẫn du khách từ khắp nơi đổ về bãi biển Xuân Thành, nghỉ ngơi, tắm mát.
Thế nhưng bấy lâu nay, người dân vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua con đường này. Có người bảo rằng, chẳng cần va vấp vào ai, cứ đi qua con đường nhiều người hoa mắt, không đi được nữa, rồi ngã xe…chết. Không lý giải được điều đó, nhiều người cho rằng chính do hồn ma của nhiều người chết trên con đường này xô, đẩy.
Ghé vào một quán nước ở ven đường xã Xuân Viên, chúng tôi nghe không ít lời bàn tán xung quanh chuyện con đường ma. Ông Trần Sĩ Tùng cho biết: “Chừng này vắng bóng người đi, chú cứ ngồi uống nước, ngơi nghỉ cho qua bóng tròn đã. Đi chừng này nguy hiểm lắm! Dân chúng tôi bất đắc dĩ mới dám đi, bình thường ít ai đi qua con đường này vào lúc vắng người. Khách đi đường phần lớn người ở xa, không biết thôi…”.
Một vụ tai nạn xảy ra tại “ cung đường ma”
Thấy tôi tò mò, chưa hiểu hết sự tình, ông Tùng giải thích thêm: “Cũng do tai nạn xảy ra liên tục. Một đoạn đường mà tháng nào cũng có người chết. “Ma” bắt toàn là thanh niên trai tráng. Người già, người trung đến đây hoa mắt, chống mặt rồi ngã xe, y như có ma xô vậy. Thế nên, chú có đi, đừng đi vào giờ này hay lúc đêm khuya!”.
Theo nhiều người dân, trước đây con đường Tỉnh lộ 1 chưa thi công, người dân thường đi con đường 22/12. Từ ngày có đường mới, người dân đổ xô đi rất đông, từ đó tai nạn xảy ra khá nhiều.
Video đang HOT
Theo cụ Trịnh Thị Thu, một cao niên ở xã Xuân An kể lại: “Con đường này trước là bãi tha ma Cồn Hệ (Xuân An). Năm 1945, người ở đây chết đói nhiều”.
“Giờ con đường tai nạn nhiều, tôi chẳng dám cho con cháu đi. Mấy đứa cháu thấy các vụ tai nạn, cũng chẳng đứa nào dám bén mảng qua con đường đó”- Bà Thu nói.
Theo cụ Thu, người cao niên trong làng thì trước đây đoạn đường đó là khu vực bãi tha ma.
Để hiểu rõ sự việc, chúng tôi thử đi qua “con đường ma”, đúng vào “giờ khắc” (13h) để “mục sở thị”. Đúng là thời điểm này, mật độ người đi đường rất vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc ô tô hay xe máy chạy qua.
Theo quan sát, trên đoạn đường tỉnh lộ thường xuyên xảy ra tai nạn dài khoảng 5km. Thế nhưng, con đường rất ít các biển báo, biển hiệu giảm tốc độ hay gờ giảm tốc. Đi trên quãng đường chỉ toàn thấy các hiện trường để lại ở các vụ tai nạn như vạch sơn, bàn thờ, hương khói…rất nhiều.
Khi thấy các vạch vôi chồng chất ở con đường trước cửa ngõ một người dân trên địa bàn xã Xuân Viên, tôi ghé vào hỏi: “Vụ tai nạn này có xảy ra hậu quả gì không?”. Người dân này không dám trả lời mà chỉ dám đưa 3 ngón tay lên kí hiệu cho tôi. “Ba người chết cơ ạ?” – Tôi mạnh dạn hỏi tiếp. Người đàn ông này gật đầu.
Tuy nhiên, nhiều người khác thì không dám trả lời về số vụ tai nạn vì: “Dân giờ chẳng dám đi đường, huống gì họ lại trả lời về các vụ tai nạn. Những người nhà gần đường họ sợ ma bắt lắm chứ!”.
Trên trục đường xuất hiện nhiều nét vẽ đánh dấu hiện trường các vụ tai nạn.
Thực hư chuyện ma quỷ không biết thế nào, nhưng lời đồn giờ đã được lan rộng. Những câu chuyện nghe rùng rợn, ly kì, có phần hoang đường. Đến giờ làng xóm vẫn đồn đại câu chuyện cách đây hơn năm, hai chị em Phan Thị Hằng ở thôn 10, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đi qua “con đường ma”, tại Km số 2 960 bị rơi mũ bảo hiểm. Sau khi Hằng xuống lấy, “ma” đã theo…về.
Giờ nhắc lại Hằng rất hoang mang, lo sợ như mình vừa mới gặp ngày hôm qua. Hằng bảo, hôm đó 2 chị em đi Vinh kiểm tra thẻ ATM, trời nắng. Lúc đầu linh tính không đi qua đường đó, nhưng đến đoạn rẽ như ma xô lại cứ đi. Khi đi qua chỗ người ta hay chết, một cơn gió kéo về, làm mũ rơi…Rồi em bị ốm.
Chị Trần Thị Hương, mẹ Hằng kể lại: “Hôm đó về, dọn cơm em không ăn, chỉ ngồi cười. Vợ chồng tôi tưởng em bị mất thẻ ATM, nhưng không phải. Tối đó em hét, rồi nói như ma nhập”. Câu chuyện của Hằng chỉ là khởi điểm cho nhiều lời đồn đoán về sự tồn tại của “con đường ma” là có thật. Người dân lo sợ, hoang mang và thêu dệt lên câu chuyện gây náo loạn vùng quê.
Theo Bưu Điện Việt Nam
'Bắt mạch' những ngôi nhà ma ở Việt Nam
Chỉ là các câu chuyện về những mảnh đời éo le, những cái chết tưởng chừng vô lý và những oan hồn vẫn thường hiện về, lảng vảng trong căn nhà...
Thế kỷ XXI vẫn có ma và đằng sau những lời đồn thổi là gì? Dù ma quỷ là chuyện bịa thì nó vẫn khiến mọi người phát sinh tâm lý sợ hãi, xen lẫn tò mò thú vị.
Những câu chuyện kỳ bí và rùng rợn
Giữa năm 2010, căn biệt thự do người Pháp xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước nằm ở lưng chừng đèo Prenn (Đà Lạt) bỗng "rộ" lên câu chuyện hoang đường: đêm đêm, ở đèo Prenn, có một cô gái mặt tròn như mặt trăng, đứng đón xe để lên Đà Lạt. Mấy tay tài xế khi dừng để cô gái lên xe thì bỗng tay lái chao đảo, vì sau tiếng nói cười, nữ hành khách ấy biến mất. "Cô gái này ngày xưa được viên chức người Pháp mời đến nhà chơi, rồi bị hiếp dâm, quẳng xác xuống giếng nước bên trong khuôn viên khu nhà. Một thời gian sau, tên chủ nhà người Pháp này cũng bị giết chết rất dã man", ông Nguyễn Hồng Nhi (quê Thanh Hoá, trú tại phường 3, Đà Lạt), người nhận hợp đồng bảo vệ ngôi nhà ma nói trên, kể và cho biết thêm, ngôi nhà còn trở nên ly kỳ bởi 3 nấm mộ... tự dưng mà có, gồm mộ của người con gái hận tình, thắt cổ tự tử ngay trong ngôi nhà và của hai đứa trẻ chết một cách... bí ẩn.
Căn nhà ma ở lưng chừng đèo Prenn (Đà Lạt).
Cũng tháng 7/2000, tại đường Khương Trung mới (Hà Nội), đoạn song song với đường Kim Giang kéo dài từ Nguyễn Trãi vào đến phố Định Công, xuất hiện tin đồn về một ngôi nhà có ma: "Ngôi nhà rách nát, cây cối um tùm. Về đêm, đoạn đi qua ngôi nhà tối mịt mùng và một số người khẳng định đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc và tiếng người cười sằng sặc phát ra ở đây". Trong khi đó, với căn nhà số 138 phố Hàng Trống (Hà Nội), thì quá nhiều "lời qua tiếng lại" rằng, chủ cũ của căn nhà này đã thắt cổ tự tử trong đó, nên về sau, người nào đến thuê hoặc ở lại đây làm ăn, không bị bại sản thì cũng gặp tai nạn hoặc chết bất ngờ. Rồi lại có thông tin cho biết, tại ngôi nhà này, cứ vào nửa đêm ngày rằm hàng tháng, có tiếng phụ nữ kêu rên, la hét như đang bị hành hạ đau đớn lắm... và thỉnh thoảng, người ta lại nhìn thấy một người đàn bà tóc rất dài và đen, không nhìn rõ mặt hay ngồi trên nóc nhà ôm cây đa mà khóc lóc thảm thiết...
Thế nhưng, có lẽ bí ẩn nhất và có tốc độ lây lan nhất tại Thủ đô Hà Nội vẫn là tòa nhà số 300 đường Kim Mã - đã được lập hẳn thành một mục riêng với hàng ngàn lượt người đọc và hàng trăm bình luận, bán tán. Bác Hùng, lái xe ôm gần ngôi nhà này, cho biết: "Ngôi nhà này được xây mấy chục năm rồi, nghe nói là của người nước ngoài nhưng họ không ở được vì bị ma quấy rối, hễ cứ làm việc ban ngày là sáng hôm sau thấy đồ đạc bị đảo lộn, bàn ghế xếp chồng lên nhau, có nhân viên còn tận mắt nhìn thấy chiếc ghế tự di chuyển... Dạo trước, ban đêm có tiếng hú, tiếng trẻ con khóc nghe thê thiết lắm, nhưng gần đây chẳng hiểu sao không thấy nữa". Còn nick hanhnga98 lấy cả người quen ra cho thêm phần tin cậy: "Ở cơ quan của tôi có bác bảo vệ, sau khi nghe kể về nhà 300 Kim Mã thì mới biết, bác ấy có quen bảo vệ cũ của tòa nhà. Bác kia kể rằng, khi ngủ lại qua đêm ở đó, bác thường nằm mơ thấy có người đuổi ra khỏi nhà và dựng giường lên, lúc đầu nghĩ bình thường, nhưng giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại khoảng một tuần khiến bác ấy sợ, cuối cùng phải bỏ việc".
Căn nhà ma tại đường Khương Trung mới (Hà Nội).
Dường như câu chuyện nhà ma ở địa phương nào cũng bắt gặp. Tại TP HCM, ngôi nhà 1 trệt 2 tầng lầu ở cạnh gầm cầu Chợ Cầu, giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12 cũng bị đồn đại có ma, như: ngôi nhà này có một cặp vợ chồng dọn đến ở, đêm đêm họ nghe tiếng gió rú qua các khe cửa lọt vào từng căn phòng. Rồi những bóng người lướt qua lướt lại in trên tường nhà, khiến mấy người vừa dọn đến hãi cả hồn vía. Chưa hết, nếu mà lỡ người trong nhà ngủ thiếp đi thì lập tức lăn đùng ra bất tỉnh, bởi bị những chiếc bóng đè sụp xuống kinh hoàng. "Vì lý do đó, ngôi nhà này cứ hết người này đến người khác dọn đến thuê ở, rồi chẳng mấy chốc lại vội vã cuốn gói ra đi. Sau đó, ngôi nhà được một công ty may thuê cho mấy chục công nhân về ở, nhưng đêm xuống, hết công nhân này đến công nhân khác ú ớ, miệng cứng đờ phải đưa đi cấp cứu...", một số người dân hùng hồn kể.
Sự thật "hé lộ"
"Tôi nhận ra là không ít du khách khi đến căn biệt thự ở lưng chừng đèo Prenn đều cảm thấy thích thú với những câu chuyện rùng rợn về ngôi nhà ma nên cứ thêu dệt ngày thêm kỳ bí để họ đến và thu tiền vì hầu hết họ đều có cúng tiền sau khi thắp hương cầu nguyện", ông Nguyễn Hồng Nhi đã khai nhận trước cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và bị xử phạt 650.000 đồng bởi hành vi tuyên truyền các hình thức mang tính mê tín dị đoan. Tuy nhiên, về 3 ngôi mộ, theo ông Dương Hải Long, Chủ tịch UBND phường 3 Đà Lạt, tại hiện trường khai quật cho thấy, trong ngôi mộ đôi có 2 tiểu sành và ngôi mộ đơn có 2 túi ni lon nhưng chẳng có xương cốt gì; đồng thời, trong 2 ngôi mộ này không có dấu vết đào huyệt địa táng thông thường.
Tương tự, với ngôi nhà ma ở Khương Trung, một người dân sống ở khu vực này, cho biết: "Làm gì có chuyện có ma, tiếng trẻ con khóc chẳng qua là tiếng mèo kêu, còn tiếng người cười nói là do một số công nhân xây dựng ở gần đó tổ chức ăn nhậu về khuya thôi. Khu vực này tối om om, lại nằm sát sông Tô Lịch nên nhiều người thần hồn nát thần tính, sợ hãi khi đi qua đây". Thậm chí, nhiều người còn bức xúc nói: "Cái nhà này chẳng có ma nhưng còn khiến những người dân sống ở đây sợ còn hơn cả sợ ma. Cả con đường rộng, đẹp nhưng chẳng hiểu sao tồn tại cái nhà mãi chưa giải tỏa được, tạo nên một đoạn đường gồ ghề, lại tối om om đi lại rất nguy hiểm".
Tòa nhà số 300 đường Kim Mã (Hà Nội).
Tìm hiểu tin đồn về ngôi nhà ở TP HCM thì hóa ra - theo cơ quan chức năng xuống thị sát, ngôi nhà này thiếu không khí nếu đóng kín tất cả các cửa. Phòng dưới tầng trệt bị ngộp do thiếu ôxy và có thể dẫn đến tình trạng ở quá đông người rất dễ làm người ngủ ngất xỉu. Những nạn nhân bị ngất đều đều ngủ ở tầng trệt, còn 2 tầng lầu khá thoáng nên không xảy ra hiện tượng này; chưa kể, họ đều là số công nhân làm việc căng thẳng suốt ngày ở công ty, cộng thêm sức khoẻ yếu, đã gặp tình trạng tức ngực, cảm nhận khó thở trong lúc ngủ mà thường một số người gọi là hiện tượng "ma đè".
Trong khi đó, với căn nhà 300 Kim Mã, bác bảo vệ Nguyễn Văn Trung, nói: "Người ta cứ đồn thổi linh tinh chứ căn nhà hoàn toàn bình thường và đây là Đại sứ quán của Bungari. Tôi làm bảo vệ ở đây đã ngót ngét chục năm, đêm nào tôi chẳng ngủ lại, làm gì có cái gì đâu mà ma với quỷ".
Ông Đặng Thành Công, Phó chủ tịch phường Kim Mã, phụ trách về địa chính trong khu vực, khẳng định: Ngôi nhà 300 Kim Mã là Đại sứ quán của Bungari được xây dựng từ năm 1982 trên khu đất rộng 3.200 m2 trên cơ sở Hiệp định được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Bungari về việc trao đổi đất sử dụng vào vấn đề ngoại giao. Nhưng đến năm 1991, do khủng hoảng ở Đông Âu, cụ thể là Liên Bang Nga tan vỡ nên Đại sứ quán Bungari chuyển đi nơi khác và khu nhà không được sử dụng từ đó đến nay, được gần 20 năm. Hiện, khu nhà 300 Kim Mã đang được Binh đoàn 11 quản lý.
(Theo Đất Việt)
Vén màn bí mật hồ "ma ám" ở làng đại học Bất cứ ai một lần tìm đến hồ Đá, hồ Hoang, hồ Lạnh, buổi xế chiều đều có cảm nhận về khung cảnh đẹp thơ mộng nơi đây, nhưng cũng ở các hồ này, mọi người còn biết đến bởi cái tên rợn tóc gáy: Hồ "ma ám". Thực hư những câu chuyện "ma quỷ" chỉ là lời đồn đại, truyền tai nhau...