Bí ẩn “cơn địa chấn” Omicron khiến thế giới đứng ngồi không yên
Bí ẩn “cơn địa chấn” Omicron khiến thế giới đứng ngồi không yên
Thế giới một lần nữa dậy sóng vì biến chủng Omicron mới gây đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp về chủng virus được cho là có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy.
Các hành khách quốc tế mặc đồ bảo hộ tại sân bay ở Melbourne hôm 29/11 khi Australia ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên (Ảnh: AFP).
Omicron “ra đời” như thế nào?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã xếp biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (ban đầu gọi là B.1.1.529) vào nhóm “đáng lo ngại” và đặt tên là Omicron.
Không rõ chính xác Omicron nguồn gốc “ra đời” ở đâu nhưng nó được phát hiện lần đầu ở miền nam châu Phi từ ngày 11/11 và vị bác sĩ đầu tiên cảnh báo biến chủng này là Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee. Bà Angelique đã chú ý đến chủng Omicron sau khi bệnh nhân Covid-19 tại phòng khám tư nhân của bà ở Pretoria có các triệu chứng lạ.
“Các triệu chứng của họ rất khác và rất nhẹ so với những người tôi đã điều trị trước đây”, bác sĩ Angelique nói, đồng thời cho biết khoảng 50% bệnh nhân chưa được tiêm chủng và không ai bị mất khứu giác hay vị giác.
Ngay lập tức, nhà virus học người Anh Tom Peacock, thuộc trường Imperial College London, cũng gióng chuông báo động, vì ông nhận thấy số lượng đột biến “khủng” trên protein gai (dùng để xâm nhập tế bào người) của chủng virus mới. Giới chức Nam Phi cho biết Omicron đang lây lan nhanh, dù không nói rõ chi tiết tốc độ nhanh như thế nào, vì thực tế ở Nam Phi hiện chỉ có gần 25% dân số trưởng thành tiêm chủng đầy đủ.
Ngay cả bác sĩ Angelique cũng nhấn mạnh tất cả bệnh nhân của bà đều khỏe mạnh, nhưng cũng lo ngại rằng những bệnh nhân lớn tuổi hay không tiêm vaccine có thể bệnh nặng nếu nhiễm chủng Omicron, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh nền như tiểu đường hay bệnh tim.
Chủng virus nhiều đột biến chưa từng có
Với lượng đột biến gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần Delta và nhanh chóng thành chủng trội ở Nam Phi, Omicron khiến thế giới phải lo ngại và gấp rút chạy đua ngăn virus lây lan. Giới chức y tế Anh mô tả Omicron là “chủng tồi tệ nhất” kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.
Theo kết quả giải trình tự gen, Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có ít nhất 32 đột biến trên protein gai, một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Trong khi đó, Delta chỉ chứa khoảng 13-17 đột biến trên protein gai. Gai protein là bộ phận mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây nhiễm, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Video đang HOT
Hình ảnh đầu tiên so sánh chủng Omicron (phải) so sánh với chủng Delta cho thấy lượng đột biến lớn của biến chủng mới (Ảnh: RT).
Cho đến nay, Omicron là biến chủng nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Các chuyên gia dự tính Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% Delta – biến chủng “làm mưa làm gió” tại các điểm nóng Covid-19 toàn cầu trong những tháng qua.
Neil Ferguson, giám đốc Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận định Omicron chứa đột biến trên prorein gai nhiều “bất thường” và nó có thể có khả năng né miễn dịch cao hơn so với các chủng ban đầu của SARS-CoV-2.
Lawrence Young, chuyên gia về virus tại Trường Y Warwick ở Anh, nhận định biến chủng Omicron “rất đáng lo ngại”. “Nó là phiên bản virus chứa nhiều đột biến nhất mà chúng ta từng thấy. Biến chủng này có chứa một số đột biến mà chúng ta từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Nó thậm chí còn có những đột biến mới”, chuyên gia Young cho biết.
Một dấu hiệu nữa khiến Omicron trở nên đáng lo ngại là tốc độ lây lan của nó. Theo tiến sĩ Susan Hopkins, Cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh, số sinh sản hiệu quả R của biến chủng Omicron là 2, tức là mức độ lây truyền chưa từng được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Trong khoa học, nếu con số lây truyền lớn hơn 1, dịch bệnh sẽ phát triển theo cấp số nhân.
Độ “phủ sóng” của Omicron
Omicron hiện đã lan ra nhiều nước, trong đó chủ yếu tập trung ở châu Phi và châu Âu (Ảnh minh họa: Telegraph).
Kể từ khi công bố các ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên ở Nam Phi, Botswana và Hong Kong vào tuần trước, các ca nhiễm khác đã được báo cáo ở Bỉ, Đức, Italy, Israel, Áo Séc, Australia, Anh. Canada và Pháp là những nước mới nhất ghi nhận ca mắc biến chủng mới. Phần lớn những trường hợp này là ở những người mới trở về từ Nam Phi, Mozambique hoặc Ai Cập.
Hà Lan hôm 28/11 cho biết, trong số 61 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận trên các chuyến bay từ Nam Phi, có 13 người được xác nhận mắc biến chủng Omicron. Đây là các hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam hôm 26/11 trước khi lệnh cấm các chuyến bay với Nam Phi có hiệu lực.
Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng. Các nhà khoa học cho rằng, lệnh hạn chế đi lại có thể làm chậm đà lây lan của Omicron, nhưng cũng khiến cho việc truy vết dịch tễ của biến chủng này trở nên khó khăn hơn.
Mối lo ngại lớn nhất ở Omicron
CNN dẫn lời Giám đốc Y tế của Anh Chris Whitty giải thích rằng, có một mối lo tiềm ẩn từ chủng Omicron hoàn toàn khác với Delta: đó là nguy cơ kháng vaccine.
“Điều quan trọng cần nhấn mạnh là rủi ro lần này khác với Delta. Delta nguy hiểm chủ yếu bởi khả năng lây lan thực sự nhanh chóng, nhưng ít lo ngại về việc né vaccine. Nhưng Omicron thì khác. Đây thực sự là yếu tố quan trọng nhất khiến chúng tôi mong muốn nghiên cứu nhanh để xem khả năng khả năng né vaccine của chủng mới sẽ như thế nào với số lượng đột biến lớn như vậy”, ông Whitty nói trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tuy nhiên, theo Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance, ngay cả khi chủng mới có nhiều khả năng lây nhiễm cho người được tiêm đầy đủ, “vaccine có thể vẫn đủ khả năng để ngăn các ca bệnh nặng và tử vong”.
WHO: “Không cần hoảng sợ”
Du khách quốc tế xếp hàng tại quầy vé ở sân bay quốc tế tại Johannesburg, Nam Phi ngày 26/11 sau khi xuất hiện thông tin về biến chủng mới (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng, vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron có nguy hiểm hơn các chủng hiện tại hay không, bởi nó vẫn còn quá mới và còn quá nhiều bí ẩn.
WHO cũng trấn an thế giới khi tuyên bố không có lý do gì để hoảng sợ về Omicron vì vẫn còn nhiều bí ẩn cần giải đáp về biến chủng này. Trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe ngày càng gia tăng, đại diện WHO tại Nga, Melita Vujnovic, nói rằng không có lý do gì để hoảng sợ vì hiện tại chưa có thông tin về tỷ lệ kháng vaccine của biến chủng mới.
Đại diện WHO cho biết đã có giả thuyết cho rằng, Omicron có thể dễ lây lan hơn so với các chủng khác, nhưng các nhà khoa học cần chờ xem biến chủng mới này lây lan như thế nào.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại, khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện biện pháp siết nhập cảnh.
Các nhà sản xuất vaccine vào cuộc
Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 cũng đang vào cuộc để kiểm soát biến chủng mới.
Hãng dược Moderna cho biết họ sẽ phát triển một mũi tiêm tăng cường cho biến chủng mới. “Nếu vaccine và liều tăng cường hiện tại không đủ để chống lại Omicron, một giải pháp khả thi là tiêm liều lượng lớn hơn”, Moderna tuyên bố và cho biết vẫn đang nghiên cứu mọi giải pháp thử nghiệm. Trong thông báo hôm 26/11, Moderna cũng cho biết đang nỗ lực nghiên cứu khả năng dùng vaccine vô hiệu hóa biến chủng mới và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới.
Trong khi đó, BioNTech dự kiến sẽ có thêm dữ liệu trong 2 tuần tới để giúp xác định liệu vaccine do họ sản xuất với đối tác Pfizer có cần bào chế lại hay không. Pfizer/BioNTech hy vọng có thể phát triển và sản xuất một loại vaccine chống lại chủng Omicron trong khoảng 100 ngày.
Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng cho biết họ đang điều tra và thử nghiệm vaccine chống lại biến chủng mới. “AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm nơi mà chủng mới đã được xác định, cụ thể là ở Botswana và Eswatini, điều này sẽ cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu thực tế của vaccine chống lại biến chủng virus mới”, người phát ngôn của công ty cho hay.
Novavax thông báo đã bắt đầu phát triển vaccine Covid-19 dựa trên trình tự gen và sẵn sàng thử nghiệm và sản xuất trong vài tuần tới. Công ty cũng cho biết họ đang thử nghiệm phương pháp điều trị bằng kháng thể, AZD7442, chống lại chủng virus mới.
Điều ít biết phía sau tên gọi của siêu biến chủng Omicron
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bỏ qua 2 chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên Omicron cho biến chủng mới của virus gây đại dịch Covid-19.
Du khách chờ xét nghiệm Covid-19 để lên máy bay rời Nam Phi do lo ngại chủng virus mới (Ảnh: AFP).
Ngày 26/11, WHO đã đặt tên cho biến chủng 1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là Omicron. Đây là chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Trước Omicron, biến chủng gần đây nhất được WHO đặt tên là Mu, tương ứng với chữ cái thứ 12 trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Nếu theo thứ tự của bảng chữ cái Hy Lạp, lẽ ra tên biến chủng mới được phát hiện ở Nam Phi phải là Nu hoặc Xi, tương ứng chữ cái thứ 13 và 14. Tuy nhiên, WHO đã không sử dụng 2 tên này.
Trong tuyên bố hôm 27/11, WHO nói rằng "Nu rất dễ bị nhầm lẫn với "new" (mới), trong khi "Xi" không được sử dụng vì đây là tên họ phổ biến".
WHO cũng khuyến cáo tránh đặt tên "gây xúc phạm đến các nền văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, cũng như các nhóm dân cư và ngành nghề".
Tên gọi mới do WHO đặt cho biến chủng 1.1.529 gây nhiều tranh cãi, khi một số quan điểm hoài nghi về việc tổ chức này bỏ qua các chữ cái theo thứ tự.
WHO hồi tháng 5 đã thông báo về việc áp dụng hệ thống bảng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến chủng của virus SARS-CoV-2, giúp đơn giản hóa quá trình đặt tên virus và các biến chủng của chúng. WHO cho rằng cách đặt tên này rất đơn giản, dễ gọi và dễ nhớ, đồng thời lưu ý rằng việc gắn các biến chủng virus với một địa điểm cụ thể nào đó là hành động "kỳ thị và phân biệt đối xử".
Tiến sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan, cho biết cô đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn trong năm nay, trước khi việc đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp được công bố, và đã vấp phải những giải thích khó hiểu về các biến chủng B.1.1.7 và B.1.351. Hiện các biến chủng này được gọi là Alpha, xuất hiện ở Anh, và Beta, xuất hiện ở Nam Phi.
Biến chủng Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.
Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất" và là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
Omicron đã lan đến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Âu. Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng.
"Vũ khí" diệt biến chủng Omicron có thể "trình làng" vào đầu năm sau Hãng dược Moderna dự kiến bào chế thành công vaccine đối phó với siêu biến chủng Omicron vào đầu năm 2022. Vaccine vẫn là "vũ khí" đối phó với chủng virus mới (Ảnh: Shutter Stock). Giám đốc y tế của hãng dược Moderna, Paul Burton, cho biết ông nghi ngờ biến chủng Omicron mới có thể kháng các vaccine Covid-19 hiện tại, do...