Bí ẩn bên trong “trường bắn xi lanh” Kỳ 2: Những yêu sách quái gở của tử tù chờ mãi không được chết
Quậy phá chán, Ngọc lại bẻ hành bẻ tỏi, “hành hạ” quản giáo bằng những “ yêu sách kỳ dị”.
Phòng tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc
Nguyên tắc thì vẫn là: Không được trực tiếp nói đến việc dựa cột hay tiêm thuốc độc, tiêm hoặc bắn vào thời gian nào, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của những người đợi chết. Không hỏi, nhưng dường như tử tù nào cũng biết rất rõ mình đang đợi ngày “xử tử” rất rất gần đây thôi…
Nhà báo ơi, em vẫn sống
Quả thật, “dính án” tử hình lúc giao thời giữa hai hình thức thi hành án tử hình bằng bắn “dựa cột” và trói lại nằm giường tiêm thuốc độc, nên những người từng gây tội ác kinh thiên này có vẻ… quá thiệt thòi. Người ta bảo, bản thân cái chết không có gì đáng sợ lắm, bởi khi nó chưa đến thì người ta chả biết nó ra sao, còn khi nó đến rồi thì người ta… không còn biết gì nữa. Cái đáng sợ hơn là nỗi ám ảnh, sự sợ hãi khi nghĩ về cái chết. Trong trường hợp của thế giới tử tù đang bị biệt giam “dồn toa” ở trại tạm giam Kế (Bắc Giang) kia, “triết lý” kể trên rất rất đúng. Khi quản giáo Cường dẫn chúng tôi đi qua các vòng cửa quây kín dây thép gai, rồi mở cửa các phòng biệt giam tối tăm, hôi hám, chật chội thì đã thấy tiếng chào hỏi, bàn luận của các tử tù: “À, lại nhà báo này. Lần trước anh ấy còn tặng tớ mấy tờ báo cơ mà”, “Nhà báo ơi, em vẫn sống lại được gặp anh lần nữa nhá, cứ tưởng bị “đòm” từ lâu, ai ngờ…”, “Nhà báo ơi, nói với cán bộ cho em “đi” (thi hành án tử hình) thì “đi” luôn nhanh lên, chứ em nằm chờ chết thế này gần chục năm rồi, không chịu được nữa”. Có người văng tục, chửi bới, hoặc nói những lời phẫn uất khá chí tình.
Thật ra thì với cảm giác “sống nay chết mai”, ăn chắc án tử hình rồi, tử tù là đối tượng mà quản giáo phải rất vững vàng, tình nghĩa, lão luyện trong tay nghề thì mới quản lý hiệu quả được. Anh em quản giáo chỉ còn biết an ủi động viên tử tù “nhưng mà khó lắm”, quản giáo Cường nói. Bởi họ bị giam quá lâu, thủ tục và lộ trình đi đến ngày ra “ pháp trường xi lanh” còn chờ đợi dài, làm sao họ không bức xúc? Nhiều đối tượng phản ứng tiêu cực, lăn đùng ngã ngửa ra tự tử, xé quần áo treo cổ, đâm đầu vào bờ tường, chọc thủng tĩnh mạch, tuyệt thực, “tuyên chiến” với cán bộ quản giáo, cũng vì cái uất ức không được “chết nhanh” kia.
Nguyễn Thị Ngọc bất bình khi bị biệt giam chờ “tiêm thuốc độc” lâu quá nên thu gom nước tiểu, xú uế đợi cán bộ đi qua để hắt ra
Nữ tử tù quái chiêu
Căn phòng biệt giam tử tù mở ra. Mùi hôi hám xộc lên, từ ngoài nắng nỏ đi vào, tôi thấy mọi thứ tối thui. Phòng của nữ tử tù tên là Nguyễn Thị Ngọc (tội buôn ma túy) bé tẹo. Cô ta bị cùm một chân bằng cùm sắt to, thành thử mọi di chuyển, cựa quậy chỉ trong “vòng kim cô” với khoảng cách bằng chiều dài cơ thể cô ta, bởi một bên chân bị ghim chết cứng vào một chỗ. Dính án, tòa xử tuyên tử hình Ngọc từ năm 2004 cùng với người tình, đến nay đã 9 năm, sơn nữ tóc dài da trắng nay bị biệt giam trong phòng riêng dành cho tử tù. Khi chúng tôi chụp ảnh, người đàn bà nhan sắc này khóc, lấy quạt nan che mặt, giọng đầy oán thán. Mở miệng ra là Ngọc xin được chết. Ngọc có hai con, chồng nghiện ma túy, Ngọc đưa chồng đi cai nghiện ở Thái Nguyên. Tại đó Ngọc gặp Vũ Năng Sỹ (nguyên là cán bộ Trung tâm y tế huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; nay Sỹ là một tử tù cũng bị giam buồng bên cạnh, cách Ngọc hơn 10m). Sỹ là một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên. Hai người mặn nồng rồi rủ nhau đi buôn ma túy nhưng lưới trời lồng lộng, họ đã tự giăng lưới và tự để cho mình mắc lưới tử tội. Sỹ bảo: “Em là một cán bộ ngành y, ăn học tử tế, đầy tâm huyết, một phút nông nổi giờ thành người sắp bị xử tử, buồn lắm chứ. Chỉ ước ao sau này được chết, rồi đem nội tạng của mình hiến tặng cho bệnh nhân nghèo để họ được sống. Như thế là trọn vẹn cái khát vọng của người được đào tạo ngành y”.
Video đang HOT
Bị biệt giam chờ ngày ra pháp trường lâu quá, tử tù này béo ú lên (Ảnh nhỏ: Cận cảnh một cái cùm biệt giam tử tù).
Việc lấy nội tạng tử tù hầu như không thể theo quy định luật pháp nước ta. Vả lại, bây giờ nếu Sỹ bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đặc chủng, thì nội tạng của anh ta cũng không dùng được vào việc gì nữa. Đôi tử tù từng là nhân tình nhân ngãi này vô cùng đau khổ trong cảm giác đợi chết. Sỹ bất bình: “Đi” (xử tử) thì “đi” luôn đi, tha thì tha luôn đi, chờ đợi thế này nhục lắm“. Anh ta chửi bới. Ngọc thì tích cóp nước tiểu, phân, đợi cán bộ đi qua, hắt tứ tung cho bõ tức. Ngọc còn tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc bị giam lâu quá, Ngọc bỏ ăn, không thèm tiếp bố già đến thăm nom, Ngọc kiến nghị xin đổi phòng biệt giam, đổi quản giáo để cho nó… thay đổi không khí. Quậy phá chán, Ngọc lại bẻ hành bẻ tỏi, “hành hạ” quản giáo bằng những “yêu sách kỳ dị”.
Đại tá, giám thị trại giam Kế, ông Nguyễn Duy Đức thở dài kể: “Ngọc đòi chúng tôi mua cho cô ta đúng loại báo cô ta thích. Ngọc đọc kỹ từng chữ để giết thời gian, báo mua về muộn là Ngọc chửi bới, tuyệt thực nhiều ngày. Khăn mua về thì phải đúng kích cỡ, đúng màu sắc, đúng… loại hoa thêu vẽ trên khăn mà Ngọc yêu cầu, nhỏ hay to là hơn là cán bộ “dính quả chửi bới”. Có khi Ngọc đòi mua gối có hình hoa hồng đỏ, mà nhà thiết kế vẽ hoa tuylip trên đó là… cả khu biệt giam nghe Ngọc gào thét càu nhàu. Chuyện Ngọc thu gom nước tiểu, xú uế vào cái bô, đợi cán bộ đi qua để hất ra đe dọa là có thật. Chúng tôi kỷ luật Ngọc bằng cách rất đơn giản. Đành chấp nhận cho Ngọc hắt phân và nước tiểu của mình ra khắp phòng và cửa phòng, lối đi. Rồi bảo anh em từ từ hẵng dọn. Cho Ngọc biết thế nào là mùi xú uế, Ngọc gây ra thì tự ngửi đi đã…”.
Sự cuồng quẫn cảm giác như đã lên đến đỉnh điểm nếu không có sự quản lý, động viên khéo léo của các quản giáo dày dạn kinh nghiệm nhất. Khó nhất là đối phó với những tử tù có suy nghĩ tiêu cực như Nguyễn Duy Biên, anh ta liên tục lao đầu vào bờ tường đòi tự tử. Vừa nhập phòng, Biên đã kịp xé quần áo bện thành dây treo cổ tự vẫn.
Đại tá Nguyễn Duy Đức, giám thị trại giam Kế bảo: “S ức chứa của trại được Bộ Công an cho phép là 12 tử tù, nhưng giờ con số đã là hơn gấp đôi (26 đối tượng). Nhà giam được cơi nới, sửa chữa, cùm, phòng, dây thép gai không thể tốt như những phòng biệt giam đạt tiêu chuẩn cấp Bộ được. Lý do như đã nói, là chúng ta dừng việc thi hành án tử hình bằng bắn súng, giờ chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc, nhưng thuốc thì chưa mua được, sản xuất trong nước thì chưa xong, nhà tiêm thuốc với công nghệ ngoại nhập và thiết bị “nhập nguyên chiếc” từ Thái Lan cũng… chưa hoàn thiện. Tóm lại, theo nghị định của Chính phủ mới đây: Ngày 26/6/2013 vừa qua, việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được chính thức có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có tử tù nào được “tiêm xử tử”. Kế hoạch thi hành án tử hình kiểu mới lại bị vỡ. Tức là hàng trăm tử tù lại mỏi mòn đợi chết, có nhiều đối tượng gào théo đòi được “đi” sớm”.
“Pháp trường xi lanh” vẫn chưa hứa hẹn ngày “khai mạc” Theo Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) chính thức trả lời trên báo chí rằng: “Việc “xử tử” trong “pháp trường xi lanh” chưa diễn ra theo lộ trình là ngày 27/6/2013 được và cũng chưa biết bao giờ mới diễn ra, có gì chúng tôi sẽ thông tin với báo chí sau”. Vậy là, con đường đợi chết của hàng trăm tử tù trên cả nước mịt mù lắm. Họ còn phải vật vã chờ đợi khá lâu nữa trong tình trạng buồng giam quá tải, tâm trạng của tử tù đầy “nỗi niềm” với chuỗi “một ngày dài hơn thế kỷ”. Điều này sẽ tiếp tục gây khổ sở cho bản thân tử tù, gây nỗi khó khăn cho những người trực tiếp quản lý, giáo dục các đối tượng chờ chết trong trại tạm giam.
Theo xahoi
Tử tù đặc biệt nhất của lịch sử tố tụng
11 năm nằm phòng biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường, gã là tử tù bị bỏ quên.
Suốt thời gian ấy, gã đã bập bẹ viết một cuốn nhật ký nói lên sự sám hối của mình. Kỳ lạ hơn là cuốn tự truyện ấy vừa đạt giải nhất cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động.
Tử tù đặc biệt
"Tôi là Đặng Văn Thế, sinh ngày 22/07/1975. Năm mà trước ngày tôi chào đời hai tháng, quân và dân ta đã thẳng tiến về Dinh Độc Lập để bắt sống Dương Văn Minh để hai miền Nam Bắc được thống nhất thành một dải. Sinh tôi ra đúng vào tháng năm lịch sử đó, bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm được một việc gì đó, có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng thật là đắng cay và đau xót, vì chẳng những tôi không làm được việc gì có ích cho xã hội mà tôi lại là kẻ tội đồ của gia đình và xã hội - khi tôi đang tâm gieo rắc cái chết trắng cho mọi người...". Đó là những dòng giới thiệu về bản thân của Đặng Văn Thế trong cuốn tự tuyện của gã.
Tử tù Đặng Văn Thế
Đặng Văn Thế "dính" án tử hình bởi tội danh buôn bán, vận chuyển 20kg thuốc phiện. Với công việc của một lơ xe đường dài, thuộc trục đường miền Tây Nghệ An - mảnh đất nóng của ma túy, Thế có điều kiện để kiêm thêm "nghề tay trái" là vận chuyển "cơm đen".
Sau 3 chuyến xuôi chèo mát mái, Thế ôm về 18 triệu tiền hoa hồng. Thấy làm giàu không khó, gã tiếp tục lao vào con đường gieo rắc cái chết như cần câu cơm. Lúc đó gã bước sang tuổi 22, vừa cưới vợ được hơn một tháng. Nhưng ngày 15/8/1997, trên đường vận chuyển 20kg thuốc phiện đi tiêu thụ, Thế đã bị bắt quả tang. Ngày 23/6/1998, Đặng Văn Thế đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án cao nhất.
Giờ ngồi nhớ lại ngày mình đứng trước vành móng ngựa, gã vẫn rưng rưng buồn. Thế kể tôi nghe trong những dòng cảm xúc bị ngắt quãng. Giờ phút chủ tọa tuyên án bị cáo Đặng Văn Thế bị tử hình, người mẹ già 70 tuổi và cô vợ trẻ của gã bất tỉnh ngay tại hội trường xét xử. Gã được đưa ra xe thùng mà đầu cứ cố gắng ngoái lại tìm những hình ảnh thân quen. Trong tâm trạng rối bời, chồng chất cảm xúc, đôi mắt tuyệt vọng của gã tìm thấy ánh mắt khắc khoải của mẹ. Đôi mắt đó đã đi theo gã suốt những năm tháng bước trên đường hướng thiện.
Những ngày đầu mới vào trại, được giam trong khu vực dành cho tử tù, gã nhớ mẹ, nhớ vợ da diết. Nước mắt cứ thế lăn dài hai gò má mỗi khi chiều buông ánh hoàng hôn. Nửa tháng sau, vào một ngày nắng nóng trung tuần tháng 7/2000, Đặng Văn Thế đón nhận thêm "bản án tử lần thứ hai"- án tử hình dành cho con tim (theo cách gã gọi nỗi đau của mình). Đang ngồi nghĩ vẩn vơ những tháng ngày sống sót ngắn ngủi, Thế được cán bộ thông báo có người nhà đến thăm. Gã biết đó là vợ mới cưới, nên khấp khởi vui mừng. Khoác lên người bộ quần áo vợ may cho ngày cưới, gã bước theo cán bộ trại...
"Sáng hôm đó trời mưa rất lớn, cơn mưa như trút nước từ đâu đổ về, làm ngập cả con đường từ nhà giam ra phòng tiếp dân, cho dù hôm đó là mùa hè", gã nhớ lại. Sau khi hỏi thăm sức khỏe của chồng, cô vợ hai hàng nước mắt ngắn dài tuôn trào. "Thú thực lúc ấy tôi nghĩ cô ấy khóc vì thương tôi, vì lo cho cuộc sống của tôi đang phải đếm từng ngày. Nhưng thật là cay đắng cho tôi, vì những giọt nước mắt đó là khúc dạo đầu cho "bản án tử hình" mà cô ấy đã tuyên cho tôi..." - Thế viết trong cuốn nhật ký của mình.
Một bài thơ Thế viết trong phòng biệt giam.
Đưa bàn tay run run vì cảm xúc bị nghẹn lại, gã ký vào lá đơn li dị vợ đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Lòng như bị xé nát trăm bề, nhưng gã vẫn mỉm cười, nắm tay vợ chúc hạnh phúc lần cuối, trước khi theo cán bộ về phòng. Gã ý thức được rằng, đây có thể là lần cuối gã nhìn thấy vợ mình và lần cuối cho cảm giác mình đã có một gia đình.
Gã về phòng nằm nhưng không sao chợp mắt. "Trong tôi luôn có cảm giác thật khó tả, tôi vui vì đã mang đến tự do cho vợ, và cũng rất buồn vì tôi đã đánh mất đi chỗ dựa và nguồn động viên lớn lao của mình. Tối hôm đó, tôi nghĩ đến cảm giác cô đơn gặm nhấm tâm hồn tôi trong những ngày còn lại của kẻ tử tội, nên tôi đã ném tung gói quà mà cô ấy gửi. Sau này, tôi đã viết mấy câu thơ về cô ấy rằng: Em ra đi khi bình minh tắt nắng/ Bỏ lại tôi một bóng tối hoàng hôn/ Lệ tuôn rơi nhưng sao không khóc nổi/ Bởi giờ đây em là vợ người ta", gã đã chia sẻ những cảm xúc trong lòng qua những trang nhật ký như vậy.
Sống như ngày mai sẽ chết
Một ngày thu nắng đẹp, gã vỡ òa khi được đọc tờ công văn hoãn thi hành án tử hình. Nhưng chờ đợi mãi hết năm này qua năm khác, vẫn không thấy một kết luận cuối cùng cho mình. Chính vì thế, suốt 11 năm, ngày nào gã cũng sống như ngày mai sẽ chết vậy. Để giết thời gian, gã bập bẹ viết nhật ký để ghi lại những tháng ngày ngắn ngủi còn tồn tại ở chốn dương gian. Trong đó là những dòng chia sẻ tâm trạng, và hơn hết là sự sám hối của một tử tù chờ thi hành án.
Những đêm dài mất ngủ làm cặp mắt của gã tử tù thâm quầng. Dẫu trong lòng vẫn le lói một tia hi vọng về sự đặc xá, nhưng sự im lặng đã khiến gã luôn mơ hồ đến cái ngày phải ra pháp trường. Trong cuốn tự truyện, gã đã nói về cảm xúc ấy. Giữa đêm khuya mưa to gió lớn, gã không tài nào chợp nổi mắt. Bất chợt nghe tiếng lenh keng mở khóa, giật bắn mình, gã bật dậy ngóng. Hay là thời khắc của mình đã điểm, tim gã đập mạnh liên hồi. Phải đến khi cán bộ trại giam ngó cổ vào hỏi thăm, gã mới hoàn hồn. Đặt lưng xuống xiềng, nước mắt gã cứ thế tuôn trào. Thế khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Từ ngày vào trại, gã liên tiếp nhận được những nỗi đau từ gia đình. Một buổi chiều cuối xuân, được cán bộ cho ra ngoài tập thể dục, Thế tình cờ phát hiện ra anh cả của mình đang đứng sau một nhà giam khác. Việc phải chứng kiến người thân của mình ở cùng cảnh trong trại giam là điều không một phạm nhân nào mong muốn. Đối với gã điều đó lại càng chua xót hơn, vì gã là một tử tù!
Sau những lời hỏi thăm, động viên anh cố gắng cải tạo tốt, Thế lặng người khi được biết, người anh trai ở quê nhà đã mất. "Lúc đó tôi vô cùng đau xót khi mà một lúc phải chứng kiến hai sự việc như vậy. Tối hôm đó khi bưng bát cơm lên chưa kịp ăn một thìa nào thì một lần nữa nước mắt tôi lại tuôn trào. Tôi khóc vì ân hận cho việc làm tội lỗi của mình, vì thương cho bố mẹ tôi. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn của anh em tôi mà bố mẹ tôi đã gần như mất một lúc ba núm ruột của mình".
"Gần một tuần sau, tôi được gặp bố mẹ. Nhìn khuôn mặt nhăn nheo của mẹ, mái đầu bạc trắng của cha mà lòng tôi như có muối xát. Tôi quỳ xuống ôm lấy mẹ và khóc, tôi cũng cảm nhận được đôi vai gầy của mẹ tôi cũng đang run lên. Ngẩng đầu lên tôi thấy mẹ định nói câu gì đó thì bố tôi đã kịp ngăn lại. Bố tôi bảo: Con cứ yên tâm cải tạo cho tốt, cha mẹ và anh chị ở nhà đều khỏe cả con đừng bận tâm. Nghe câu nói của cha tôi mà tôi cảm thấy thật là đắng lòng". Đoạn nhật ký này của Đặng Văn Thế nhòe đi bởi giọt nước mắt thấm xuống trang giấy.
Nỗi đau này chưa đi, nỗi đau khác đã tới, Thế mệt mỏi, rơi vào trạng thái trầm cảm. Một giám thị trại giam đã cho Thế một con mèo tam thể để bầu bạn, hắn đặt tên là Mương. "Sau hơn 2 tháng mang thai, bạn Mương đã cho ra đời lần lượt 3 chú mèo con. 3 công dân mới của phòng biệt giam tử tù lần lượt được tôi đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Sau này Pháo còn sinh hạ cho tôi 3 lứa nữa, lứa đầu được 3 con, đôi đặt tên theo các ngôi sao bóng đá: Beckham, Rooney, Totti. Lứa thứ 3 là lứa trước ngày tôi được xuống xiềng gần 1 tháng, lứa này được 4 con, tôi đặt tên là Mùa -Xuân- Đã- Đến và đem tặng cho cán bộ. 4 con mèo với 4 cái tên ý nghĩa này dường như đã mang lại điềm lành cho tôi, vì sau đó 1 tháng, tôi nhận được quyết định ân xá từ tử hình xuống chung thân. Đó là ngày 23/6/2009...
Đúng 17h, sau đúng 11 năm bị xiềng, tôi được khai sinh ra lần thứ hai. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cải tạo thật tốt để xứng đáng với những ân huệ mà tôi nhận được. Tối hôm đó, tôi được chuyển vào buồng giam cùng với 4 phạm nhân thường án khác".
Cuốn tự truyện này, về sau đã nhận được giải cao nhất của cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động.
Theo 24h
Những câu chuyện lạ ở chốn biệt giam Trong những lần tiếp xúc với các tử tù, tôi đã nhiều lần được chứng kiến sự sám hối muộn màng về tội ác mà họ đã gây ra, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, xuân về. Cá biệt trong những cuộc tiếp xúc ấy, tôi lại được nghe kể không ít câu chuyện "độc nhất vô nhị" của tử tù nơi...