Bí ẩn bao trùm số phận con trai thứ của Gadhafi
Sau cái chết của Moammar Gadhafi, số phận người con trai thứ Saif của ông vẫn còn là điều bí ẩn bởi có quá nhiều thông tin trái ngược nhau.
Con trai Saif của ông Gadhafi. Ảnh: AFP
Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp lâm thời của Libya, ông Mohammed Alagy, cho hay Saif al-Islam Gadhafi bị bắt khi đang cố trốn khỏi Sirte và hiện ở trong một bệnh viện tại thành phố Zlitan, phía tây của Misrata. Đài truyền hình Iran Press TV thậm chí khẳng định con trai thứ hai của ông Gadhafi bị mất một cánh tay trong giao tranh, dù không tiết lộ có được tin này từ đâu.
Tuy nhiên, các quan chức khác của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC), trong đó có Bộ trưởng Thông tin Mohammed Shammam, lại cho hay không biết chính xác Saif đang ở đâu. Theo một nguồn tin khác, người đàn ông từng có thời gian theo học tại Anh này đang ở trong một đoàn xe chạy trốn tới biên giới với nước láng giềng Niger ở phía nam, để đoàn tụ với người em Saadi đã tới đây tháng trước.
Al-Arabiya, một đài truyền hình ở Dubai, UAE, tối qua trích lời một cựu binh sĩ NTC cho hay lực lượng quân đội chính phủ mới ở Libya sẽ cho phép báo chí quay phim Saif tại bệnh viện, sau khi người này được băng bó các vết thương. Nhưng vài giờ sau đó, chẳng có bất cứ dấu hiệu nào của việc này, cũng như không có bất cứ xác nhận nào về việc Saif đang nằm trong tay NTC.
Trong một diễn biến khác, Niger tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm di chuyển đối với hàng chục quan chức chế độ Gadhafi đã chạy sang nước này kể từ sau khi Tripoli thất thủ. Đây là một động thái có thể khiến các lãnh đạo mới ở Libya nổi giận, khi họ vẫn đang tìm cách để những người nói trên bị dẫn độ về nước. Chính phủ Niger cho hay họ không có lý do pháp lý nào để giữ chân các quan chức chế độ cũ ở Libya, trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Libya đã chấm dứt.
Saif, từng được coi là người sẽ tiếp quản vai trò lãnh đạo Libya từ ông Gadhafi, nhận được sự đánh giá tốt từ các nước phương Tây, đặc biệt là Anh, nơi ông từng là nghiên cứu sinh ngành dân chủ hóa chính trị. Người đàn ông 39 tuổi này nổi tiếng nhất trong số các con của Gadhafi, vì thế sự quan tâm đối với số phận của ông chỉ xếp sau nhà lãnh đạo bị lật đổ.
Saif từng được cho là bị bắt sau khi Tripoli thất thủ. Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thậm chí còn ra lệnh bắt ông để truy tố vì những tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, Saif ngay sau đó xuất hiện trước các nhà báo ở khách sạn Rixos tại thủ đô Tripoli hôm 23/8 để bác bỏ các thông tin về việc bị bắt. Đó là lần cuối cùng ông xuất hiện công khai.
Video đang HOT
Người con thứ của đại tá Gadhafi sau đó được cho là bị nhìn thấy tại thị trấn Bani Walid, phía nam thủ đô Tripoli, với vai trò chỉ huy tuyến phòng thủ của phe trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ. Trong một dịp khác, binh sĩ NTC cho biết nhìn thấy Saif chạy xuống phía nam trong một đoàn xe hộ tống lớn. Thông tin này khiến ít người nghĩ ông sẽ có mặt ở Sirte, thành phố quê hương của Gadhafi và nằm ở phía bắc của Libya.
Các thành viên trong gia đình Gadhafi và số phận của họ. Ảnh: BBC
Gia đình ông Gadhafi tan tác mỗi người một phương trong vài tháng qua. Bà vợ Safiya, các con trai Muhammad, Hannibal cùng con gái Aisha chạy sang Algeria. Con trai thứ ba Saadi hiện ở Niger. Khác với các quan chức khác của chế độ cũ ở Libya, Saadi vẫn bị cấm di chuyển. Khamis, chỉ huy Lữ đoàn số 32, được xác nhận thiệt mạng khi chạy khỏi Tripoli hồi tháng 8, nhưng chưa rõ chính xác địa điểm được chôn cất. Mutassim, con trai thứ tư của ông Gadhafi, chết cùng ngày tại Sirte với nhà lãnh đạo bị lật đổ. Con trai Saif al-Arab, người không tham gia chính trường, thiệt mạng trong một đợt không kích của NATO hồi tháng 5. Chỉ còn duy nhất tung tích của Saif là chưa rõ ràng.
Theo VNExpress
Cái chết của Gadhafi tránh được một phiên tòa khó xử
Việc ông Gadhafi chết và nguyên nhân có vẻ như là do bị thương khi Sirte sụp đổ đồng nghĩa với việc tránh được một phiên tòa dai dẳng và phức tạp, có thể gây chia rẽ Libya và làm chính phủ phương Tây, các công ty dầu mỏ mất mặt.
Nếu ông Gadhafi còn sống và bị đưa ra xét xử, giới phân tích cho rằng phiên tòa có thể sẽ khiến Libya bị chia rẽ và chính phủ phương Tây mất mặt.
Giới chức Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) cho biết cựu lãnh đạo Libya Gadhafi chết do bị trúng đạn sau khi bị bắt. Nếu ông còn sống, chắc chắn sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt, như liệu ông sẽ được xét xử ở Libya hay bị dẫn độ tới Tòa án hình sự quốc tế, cơ quan đã phát lệnh bắt giữ ông cùng với người con trai lớn nhất của ông và người đứng đầu cơ quan tình báo hồi đầu năm nay.
Bất kỳ phiên tòa nào cũng có thể trao cho ông Gadhafi cơ hội để chế giễu các nhà lãnh đạo mới của Libya và các cường quốc phương Tây, cũng như khả năng làm bẽ mặt họ đối với những vấn đề họ muốn quên hơn. Bởi khi Libya thoát khỏi sự cô lập của quốc tế trong một thập niên qua, các công ty dầu mỏ quốc tế đã ký nhiều thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la. Truyền thông quốc tế sẽ "nhảy bổ" vào bất kỳ chi tiết "đắt" nào về cách thức "tán tỉnh" ông Gadhafi của phương Tây, giúp ông có hàng tỷ đô la và xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ của ông. Nhiều công ty lớn đã ký hợp đồng với Tripoli, trong đó có ENI của Italia, Total của Pháp và BP của Anh, cùng nhiều công ty khác nữa.
Nhưng theo các nhà phân tích, điều tồi tệ nhất đối với chính phủ chuyển tiếp và NATO là để cho ông Gadhafi trốn thoát được, có thể là biến mất ở trong sa mạc Sahara để thành lập nhóm chiến binh mới và làm bất ổn Libya cũng như các nước láng giềng.
Vì vậy mà "cái chết có ý nghĩa biểu tượng rất lớn", Alan Fraser, nhà phân tích Trung Đông đánh giá. "Nó giúp cho NTC tiến lên. Nếu Gadhafi bị giết thay vì bị bắt, sẽ tránh được một phiên tòa kéo dài, có thể sẽ gây chia rẽ và làm lộ tẩy nhiều bí mật rắc rối".
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền vẫn luôn cho rằng điều quan trọng đối với cựu lãnh đạo Libya là bị đem ra xét xử và đây là cơ hội cho chính phủ mới chứng tỏ sự minh bạch của mình.
"Kết quả phức tạp"
Song giới phê bình đã phàn nàn về nhiều phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh do quốc tế cũng như địa phương tổ chức đôi khi mất quá nhiều thời gian, dìm chết những vấn đề mang tính pháp lý hoặc thậm chí là trôi dạt theo hướng trở thành những phiên tòa trình diễn. Các cựu lãnh đạo như Saddam Hussein hay Slobodan Milosevi thường từ chối thừa nhận tính pháp lý của phiên tòa hoặc dùng phiên tòa để làm bẽ mặt những người bắt họ.
Cựu lãnh đạo Libya cũng có thể tận dụng phiên tòa để khơi lại những vết thương chính trị cũ và gây ra càng nhiều tổn thất về chính trị mới càng tốt.
"Cái chết của Đại tá Gadhafi là một sự kiện khá phức tạp đối với giới lãnh đạo mới của Libya", Daniel Korski, quan chức cấp cao của Hội đồng ngoại giao châu Âu, người ủng hộ cuộc can thiệp của NATO cho hay.
"Họ tránh được một kịch bản pháp lý dài dằng dặc, có thể là cơ hội để tập hợp sự ủng hộ đối với cựu lãnh đạo. Tuy nhiên, cái chết của ông cũng đánh mất của chính phủ mới cơ hội chứng tỏ họ tốt hơn chính quyền cũ...Cái chết của ông, trong hoàn cảnh bạo lực, cũng có nguy cơ tạo ra một số nhân vật tử vì đạo".
Song nguy cơ không hoàn toàn biến mất. Một số con trai của ông Gadhafi vẫn chưa bị bắt và có khả năng sẽ phải hầu tòa.
Lựa chọn hấp dẫn
Nếu NTC muốn xét xử ông Gadhafi ở trong nước, họ sẽ phải nhanh chóng xây dựng toàn bộ một hệ thống luật để có thể xét xử được. Libya dưới thời ông Gadhafi được cho là có hạ tầng pháp lý thiếu tin cậy.
Với Osama bin Laden bị giết trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ hồi đầu năm nay và các thủ lĩnh al-Qaeda, Taliban cũng bị tấn công ngày càng nhiều trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, một số lo ngại các cuộc ám sát hay "vô tình" giêt kẻ thù, chứ không phải những phiên tòa lộn xộn, nhà tù khét tiếng như Quantanamo, đã trở thành một lựa chọn quá hấp dẫn.
"Khi nói sẽ tốt hơn cho mọi người nếu ông ấy bị giết chứ không phải bị bắt giữ nghĩa là cách tiếp cận bằng pháp lý có nhược điểm", Rosemary Hollis, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Đông tại Đại học thành phố London cho hay. "Thật khó khăn khi phải xem đó là điều tốt."
Một số nhà phân tích khác cảnh báo cái chết của ông Gadhafi chưa thể là dấu chấm hết cho những bất ổn ở Libya.
"Nếu bạn nhìn vào Iraq, bắt giữ Saddam Hussein đã không ngăn được các cuộc nổi dậy", Anthony Skinner, giám đốc về Trung Đông của công ty tư vấn Maplecroft cho hay. "Họ là hai nước rất khác nhau, nhưng Libya cũng có lịch sử chia rẽ sắc tộc và dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, thì vẫn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết".
Theo Dân Trí
Tổ chức ân xá quốc tế kêu gọi điều tra cái chết của Gadhafi Tổ chức ân xá quốc tế hôm nay đã kêu gọi binh sỹ thuộc chính quyền mới công khai sự thật đầy đủ về việc ông Gadhafi đã chết như thế nào và cho rằng tất cả thành viên của chính quyền cũ phải được đối xử nhân đạo. Thi thể của ông Gadhafi trong một ngôi nhà ở Misrata. Đã có thông...