Better Call Saul – Người thừa kế xứng đáng của “Breaking Bad”
Phần Spin-off “Better Call Saul” là phần tiếp nối thành công của series huyền thoại “Breaking Bad”.
Series thuộc thể loại tội phạm – tâm lý Breaking Bad (tạm dịch: Biến Chất) của đài AMC gồm 5 mùa (2008-2013) đã tạo nên một cơn địa chấn trong lịch sử truyền hình nước Mỹ. Bên cạnh việc có hàng triệu lượt xem mỗi mùa khi ra mắt, Breaking Bad còn nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá bao gồm 16 giải Primetime Emmy và 2 giải Quả Cầu Vàng. Năm 2013, series này được vinh dự ghi tên trong Kỷ Lục Guiness với danh hiệu chương trình có rating cao nhất mọi thời đại. Nội dung của Breaking Bad kể về hành trình “biến chất” của hai thầy trò Walter White (Bryan Cranston) và Jesse Pinkman (Aaron Paul). Từ những con người thấp cổ bé họng trong xã hội, hai người cùng nhau sản xuất và phân phối “đá nguyên chất” (crystallized methamphetamine) rồi từng bước trở thành những tên tội phạm nguy hiểm nhất vùng biên giới Mỹ. Trong cuộc phiêu lưu đó, cả hai gặp không ít người đồng hành giúp đỡ cũng như kẻ thù muốn cướp trắng của họ, đây cũng chính là tiền đề cho phần ăn theo Better Call Saul ra đời.
Jesse Pinkman và Walter White trong “Breaking Bad”
Trong Breaking Bad, tên luật sư Saul Goodman giúp Walter White và Jesse Pinkman hợp pháp hóa tất cả số tiền họ thu được từ việc buôn bán đá. Better Call Saul nói về câu chuyện quá khứ của Saul Goodman, khi hắn chưa nổi tiếng và được biết đến với một cái tên khác là James Morgan “Jimmy” McGill (Gọi tắt là Jimmy McGill). Better Call Saul mùa đầu tiên gồm có 10 tập và lấy bối cảnh tại vùng New Mexico năm 2002, tức 6 năm trước khi xảy ra sự kiện trong Breaking Bad. Lúc này, Jimmy McGill có một cuộc sống khá chật vật khi chăm nom cho người anh ruột mắc chứng bệnh dị ứng với ánh sáng và sóng điện. Không những thế, vì đã từng vào tù trong quá khứ, tay luật sư Jimmy McGill gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng tiềm năng và luôn bị công ty luật lớn hơn chèn ép. Bên cạnh đó, một nhân vật khác từ Breaking Bad cũng xuất hiện – cựu cảnh sát Mike Ehrmantraut (Jonathan Banks) và người xem sẽ biết thêm câu chuyện đằng sau nhân vật vừa lạnh lùng nhưng cũng đầy tình cảm này.
Trailer của “Better Call Saul” mùa thứ nhất
Đối với các fan ruột của Breaking Bad, hãy yên tâm Better Call Saul giữ được phần nào cảm xúc của người tiền nhiệm và có những điểm hấp dẫn riêng. Kết thúc mùa thứ nhất, tuy câu chuyện của Saul Goodman không có nhiều kịch tính và đột phá như Walter White nhưng đây không phải là một điểm trừ. Sự khốc liệt của Breaking Bad được thể hiện khi nhân vật Walter White bị dồn vào chân tường. Khi cùng một lúc, ông phát hiện ra mình bị ung thư giai đoạn cuối, bị đuổi việc khỏi trường nhưng vẫn phải chu cấp cho đứa trai bệnh tật và đứa con gái sắp sinh. Còn Saul Goodman (Jimmy McGill), đã luôn là một nhân tố chọc cười khán giả với diện mạo của tên luật sư lẻo mép, khôn lỏi và có phần vụng về. Nên việc Better Call Saul sử dụng một tông phim nhẹ và có phần “tưng tửng” hơn là điều dễ hiểu. Xuyên suốt phim, người xem sẽ cảm nhận được chất trào phúng và những mỉa mai sâu cay về xã hội cũng như pháp luật của nước Mỹ. Better Call Saul là quá trình trưởng thành và vỡ mộng về giấc mơ Mỹ của Jimmy McGill. Điều này rõ ràng hơn bao giờ hết khi hắn nhận ra mình sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng của xã hội hay trở thành một vị luật sư đàng hoàng như người anh ruột đáng kính Chuck McGill.
Bob Odenkirk trong vai diễn xuất sắc Jimmy McGill trong quá khứ và Saul Goodman trong tương lai
Khi Jimmy của chúng ta vẫn chưa nổi tiếng và phải đi cãi cho những vụ kiện tụng tầm thường để kiếm tiền qua ngày thì “Người đàn ông thầm lặng” Mike đang làm nhân viên trông xe cho tòa án của thị trấn sau khi nghỉ hưu. Ban đầu, giữa họ có một mối quan hệ khá hài hước vì Jimmy thường xuyên không trả tiền vé gửi xe và chọc tức Mike. Điều gì đến cũng phải đến, Mike đã bẻ tay Jimmy vì anh có thái độ bất kính với ông. Nhưng đó cũng là điểm khởi đầu cho mối quan hệ thú vị giữa hai nhân vật này, họ bắt đầu hiểu nhau hơn và cùng bắt tay thực hiện những phi vụ “ngầm” trong Better Call Saul cũng như Breaking Bad.
Video đang HOT
Jonathan Banks trong vai cựu cảnh sát lạnh lùng Mike Ehrmantraut
Đan xen với sự tan vỡ của giấc mơ Mỹ, Better Call Saul còn làm người xem thấy xúc động khi biết thêm những sự kiện trong quá khứ của Mike Ehrmantraut hay Jimmy McGill. Qua đó, để hiểu thêm về sự chuyển biến trong tâm lý và những quyết định của nhân vật đưa ra. Cả Mike lẫn Jimmy đều bị những người thân trong gia đình coi thường và không tin rằng họ đã thay đổi. Dường như đây là một điểm chung của các nhân vật trong Breaking Bad hay Better Call Saul. Họ đều bị xã hội chối bỏ nên cách giải thoát duy nhất là bứt phá ra khỏi ranh giới “đúng sai” và trở thành những kẻ ngoài vòng pháp luật. Các nhân vật trong phim đều có một chuyến hành trình riêng tự đi tìm ra bản chất của mỗi cá nhân. Việc làm những điều đúng đắn hay xấu xa không quan trọng bằng câu hỏi được đặt ra: “ Chúng ta sẽ đối mặt và sống với hậu quả như thế nào?!“.
Tuy phần ăn theo có rất nhiều tình tiết liên quan và gợi nhớ lại Breaking Bad. Nhưng Better Call Saul vẫn là một series độc lập và không bị cái bóng quá lớn của Breaking Bad bao trùm. Better Call Saul có một tuyến nhân vật cũng như cái nhìn hoàn toàn khác so với người đi trước. Nếu như trong Breaking Bad, chúng ta được chứng kiến con đường của những người bình thường trở thành tội phạm thì ở Better Call Saul, những kẻ đại diện của pháp luật cũng có thể trở thành tội phạm. Người xem sẽ bị mê hoặc bởi tài thuyết phục và ăn nói từ miệng lưỡi của Jimmy McGill. Đối với anh ruột của Jimmy – Chuck McGill, luật pháp là một thứ gì đó rất linh thiêng mà một Jimmy “hay ngã” (Slipping Jimmy) sẽ không bao giờ chạm tới được. Thì Jimmy (Saul Goodman tương lai) coi nghề luật sư là một nghệ thuật thuyết phục, một chương trình truyền hình thực tế tai tiếng mà hắn chính là ngôi sao duy nhất được tỏa sáng. Chỉ cần Goodman đặt niềm tin vào điều gì đó, hắn sẽ biến nó thành sự thật bằng bất cứ giá nào. Khách hàng của hắn sẽ được thoát tội, nhưng quan trọng hơn, hắn phải là kẻ chiến thắng.
Tập đầu tiên của Better Call Saul đã thu hút gần 7 triệu lượt người xem và con số này tăng lên đến hơn 30 triệu sau khi mùa thứ nhất kết thúc. Bên cạnh đó, series này cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khán giả cũng như các nhà phê bình. Trên IMDB, rating của khán giả dành cho phim là 9,1/10 còn trang Rotten Tomatoes là 100%. Phim được chấp bút bởi Vince Gilligan và Peter Gould được đài AMC phát hành. Mùa thứ hai của Better Call Saul sẽ được ra mắt vào năm 2016.
TheoLim Dim / Trí Thức Trẻ
Kill Me Three Times - Phim hành động Úc đậm chất "Quentin Tarantino"
Simon Pegg và "Số 6" Teresa Palmer với "Kill Me Three Times" sẽ dẫn dắt người xem vào cuộc hành trình chém giết đẫm máu ở một eo biển nên thơ của Úc.
Kill Me Three Times ( Ba Lần Chết Hụt) có nội dung đơn giản xoay quanh tên sát thủ chuyên nghiệp Charlie Wolfe (Simon Pegg) nhận vụ làm ăn từ một người đàn ông bị vợ phản bội tên Jack (Callan Mulvey), nhiệm vụ của Charlie là khiến cho vợ của Jack "biến mất". Cứ ngỡ bản thân đã nhận được một món hời khi chỉ phải thủ tiêu một người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng ngờ đâu cặp vợ chồng nha sỹ Nathan (Sullivan Stapleton) và Lucy (Teresa Palmer) lại thực hiện điều đó trước Charlie một bước. Cũng từ đó mà một loạt những tình huống éo le khó đỡ đã xảy đến với Charlie, đặc biệt là khi anh bị nhân tình của người phụ nữ truy đuổi.
Trailer của "Kill Me Three Times"
Poster chính thức của "Kill Me Three Times"
Kill Me Three Times là một bộ phim hành động - tội phạm đơn thuần, lặng lẽ được công chiếu ở các rạp và dĩ nhiên không được gắn mác bom tấn. Nên những khán giả trông chờ những cảnh quay cháy nổ hoành tráng hay kĩ xảo ảo diệu xuất hiện trong phim thì có thể cân nhắc lại trước khi xem phim. Những cảnh đánh nhau, thậm chí là giết chóc đều chỉ xuất hiện rải rác và kéo dài không lâu trên màn ảnh, nhưng từng ấy cũng vừa đủ giữ cho mạch phim hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đi theo câu chuyện của mình.
Charlie Wolfe (Simon Pegg)
Như hầu hết những bộ phim khác, phần đầu của phim giữ nhiệm vụ cấy vào đầu khán giả hàng loạt những hoài nghi và phần sau nắm vai trò giải đáp những hoài nghi đó. Nếu bạn thực sự là tín đồ của thể loại hành động - tội phạm thì những gì diễn ra sẽ không thể làm bạn giật mình vì bất ngờ được, kể cả đó là những nút thắt - mở quan trọng nhất của phim. Nhưng với việc đảo lộn chuỗi thời gian đã khiến cho bộ phim hấp dẫn hơn, kích thích trí tò mò và khiến cho khán giả không ngừng đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra trong hơn nửa đầu của phim.
Trung tâm của cả phim là nhân vật người vợ Alice do Alice Braga thủ vai
Có khuyết điểm, song nếu xét trên tổng thể thì Kill Me Three Times của đạo diễn Kriv Stenders là một tác phẩm đáng để khán giả bỏ tiền cho nhu cầu giải trí. Bối cảnh, cách quay và âm nhạc của phim là những điểm cộng đáng khen, bao quanh những mưu đồ sát hại nhau vì ganh ghét, ghen tuông và vì tiền là khung cảnh nên thơ, hòa quyện giữa thiên nhiên và núi rừng hùng vỹ, chính những khung cảnh trên đã khiến cho những cảnh hành động trong phim nổi bật hơn rất nhiều. Lựa chọn những góc quay trên cao bắt gọn những đại cảnh hoành tráng dưới nền nhạc ghi-ta điện vồn vã vang lên liên tục là một lựa chọn vô cùng sáng suốt, khán giả sẽ phấn khích và cảm thấy kích thích trước những gì sắp diễn ra giữa các nhân vật.
Những cảnh bắn giết chết chóc luôn được diễn ra trên khung cảnh thiên nhiên thanh bình
Nội dung không đặc sắc, cái kết không quá bất ngờ và những cảnh đánh đấm, chém giết xuất hiện không nhiều, chưa đủ thỏa mãn những khán giả khó tính, song phim hoàn toàn bù đắp được những lỗ hỏng của mình bởi dàn diễn viên được yêu mến và vô cùng có duyên. Điểm nhấn nổi bật nhất dĩ nhiên là danh hài người Anh Simon Pegg, vốn rất được yêu mến qua các tác phẩm lớn như Shaun of the Dead (2004), Hot Fuzz (2007) và Mission: Impossible - Ghost Protocol (2011). Vào vai một sát thủ máu lạnh, giết người không run tay nhưng ở mỗi phân cảnh xuất hiện, Simon luôn khiến khán giả phì cười bởi diễn xuất đáng yêu và sự có duyên của mình trong những cử chỉ, lời thoại. Điểm nhấn tiếp theo là "Số 6" Teresa Palmer, tác phẩm gần đây nhất thành công và được đông đảo khán giả đón nhận của "Số 6" là Warm Bodies (2013). Với vai diễn Lucy có lúc độc ác, có lúc tỏ vẻ đáng thương để che giấu bản chất thật của mình thì Teresa Palmer đã hoàn toàn lột xác khỏi những hình tượng ngoan hiền trước đó, nhân vật Lucy của cô vừa đáng ghét vì tàn nhẫn, song cũng vừa đáng yêu vì cô nàng vốn dĩ quá xinh đẹp.
"Số 6" Teresa Palmer trong vai Lucy
Một trong ba anh em nhà Hemsworth - Luke Hemsworth trong vai nhân tình của Alice
Một điểm đáng chú ý nữa của Kill Me Three Times là gợi nhắc đến phong cách làm phim của đạo diễn Quentin Tarantino, đặc biệt là ở những cảnh máu me, bắn giết nhau mà những ai yêu mến vị đạo diễn tài ba này chắc chắn sẽ nhận thấy khi xem phim. Có thể nói Kill Me Three Times không quá xuất sắc, song hoàn toàn xứng đáng để chúng ta bỏ tiền ra rạp thưởng thức trong một ngày rảnh rỗi cần thú tiêu khiển.
Kill Me Three Times ( Ba Lần Chết Hụt) được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc kể từ ngày 17/4/2015.
TheoLý Cơ Hân / Trí Thức Trẻ
Daredevil TV series siêu anh hùng đỉnh nhất từ trước đến nay TV series "Daredevil" vừa được phát hành trên Netflix đã cho thấy một màu sắc u ám không giống với bất kỳ bộ phim nào của Marvel từ trước đến nay. Kể từ năm 2008, Marvel Studios đã tự đưa tên tuổi của mình trở thành một công ty giải trí vượt trội với những bộ phim chuyển thể từ chính những cuốn...