Bếp ăn khuyến học
Buổi trưa hàng ngày, trừ chủ nhật, hàng trăm học sinh ở 3 trường THPT Sa Đéc, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu tới ngôi nhà số 422A, Nguyễn Sinh Sắc (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) để ăn cơm miễn phí.
Bếp ăn khuyến học do ông Nguyễn Văn Mốt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thị xã Sa Đéc thành lập ba năm nay.
Mở ra từ tháng 10/2010, ban đầu có 163 học sinh được ăn trưa miễn phí. Sang năm sau có 212 học sinh và năm học hiện tại, 2012-2013, tăng lên 240 học sinh ăn cơm miễn phí tại đây.
Được ăn no
Trưa 25/12, sau khi dựng xe đạp, Đặng Hoàng Sang học lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, đi qua bàn thư ký-kế toán có cựu cô giáo Lâm Thị Cẩm Em để báo tên, rồi vào bên trong bưng ra một suất cơm.
Suất cơm để sẵn trong chiếc khay trắng có lớp nhựa trong suốt bọc kín bên trên để bảo đảm vệ sinh. Sang tìm chỗ ngồi vào bàn giữa nhiều bạn khác. Nhà ăn có 12 chiếc bàn tròn với quạt điện thổi mát từ trên cao.
Sang tâm sự, nhà ở xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp), cách TX Sa Đéc 15 km, mẹ đã chết, ba theo vợ mới, ở cùng bác ruột không có ruộng nên rất nghèo.
“Khi chưa có bếp ăn này, những ngày học hai buổi phải ở lại trường, buổi trưa con chỉ ăn tạm bánh mì hoặc gói mì khô”, Sang kể.
Một nữ sinh cũng ở trường chuyên Nguyễn Đình Chiểu là Lê Thị Thêm học lớp 12A2, tâm sự, nhà ở xa trường 13 cây số, trước đây những ngày học hai buổi phải ở lại trường, buổi trưa ăn mì gói, bánh mì hoặc nhịn đói, từ ngày có bếp ăn khuyến học mới được ăn cơm no buổi trưa.
Còn nữ sinh Đặng Thị Tuyết Giàu, học lớp 10 trường chuyên Nguyễn Đình Chiểu, nhà ở xã Tân Phú Trung xa 15 km, cho biết, khi chưa có bếp ăn khuyến học, buổi trưa phải đi ăn nhờ nhà bạn hoặc ăn bánh mì. “Vào đây được ăn no và còn có chỗ nghỉ ngơi, tắm rửa, chờ buổi học chiều”, Giàu nói.
Bếp ăn khuyến học trưa 25/12
Video đang HOT
Bếp ăn khuyến học là ngôi nhà dài 45 m, rộng 8 m, thuộc địa bàn khóm 4, phường 1 (TX Sa Đéc). Hàng trăm học sinh ăn nghỉ khá thoải mái.
Bà Lâm Thị Đặng nhà ở Tân Phú Đông (Châu Thành, Đồng Tháp), làm bếp trưởng, kể: “Mỗi ngày có một món thịt mặn và canh rau hay củ, nấu tại chỗ. Cơm thì gửi gạo cho bếp ăn từ thiện nơi Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc gần bên nấu giùm, rồi thuê người chở qua, vì bên ấy có chảo to. Học sinh ăn xong, có trái cây tráng miệng, thường là một trái chuối”.
Vì chỉ ăn buổi trưa của những ngày học hai buổi nên theo lịch học, các học sinh đăng ký trước để nấu. Bà Đặng cho biết, đăng ký là 240 học sinh nhưng có nghỉ luân phiên nên hàng ngày nấu từ 180 đến 200 suất cơm trưa.
Tấm lòng giáo chức
Năm 2010, thầy giáo Nguyễn Văn Mốt nghỉ hưu, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TX Sa Đéc. Một lần tới trường THPT Sa Đéc, buổi trưa cửa đã khép mà ông vẫn thấy nhiều học sinh gái trai ngồi tụ tập góc sân ăn vội từng gói xôi nhỏ, ổ bánh mì, nhiều học sinh hình như không có gì ăn.
Tới gần hỏi han, ông mới hay nhà trường vừa tổ chức dạy ngày hai buổi, những học trò ở xa, nhà nghèo, không đủ tiền mua được bữa ăn trưa thật no nơi các quán gần bên.
Tìm hiểu thêm, hai trường THPT còn lại trên địa bàn thị xã, gồm Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu cũng có nhiều học sinh tương tự.
Ông Mốt tìm tới phòng giáo dục trao đổi, rồi trình bày ý tưởng lập bếp ăn trưa miễn phí, mượn được nhà kho của ông Chín Đinh, bạn đồng hương xã Long Hậu (Lai Vung, Đồng tháp) tại số 422A, đường Nguyễn Sinh Sắc, thị xã Sa Đéc.
Ông Nguyễn Văn Mốt
“Bếp ăn khuyến học” của Hội Cựu giáo chức TX Sa Đéc ra đời, có Ban điều hành gồm Trưởng ban, Phó ban kiểm soát, thủ quỹ, thư ký-kế toán, mời thêm một bác sĩ đang công tác ở Bệnh viện Sa Đéc tham gia để đảm bảo bữa ăn hợp vệ sinh.
Trong vòng 20 ngày, Bếp ăn khuyến học nhận được hơn 90 triệu đồng tiền mặt từ khắp nơi gửi tới. Lại trong 15 ngày, hoàn tất dần việc sửa chữa cái nhà kho, xây bếp và mua dụng cụ nấu nướng, chế biến, bàn ghế.
Nhiều nữ thành viên Hội Cựu giáo chức TX Sa Đéc tự nguyện đảm trách việc nấu nướng hàng ngày. Vài nữ phật tử cùng nhiều nhà hảo tâm nữ trên địa bàn, nghe tin, tìm tới góp sức.
Để học sinh nghèo khó đến được Bếp ăn khuyến học, ông Mốt nhờ các thầy cô hiệu trưởng giúp lựa chọn và giới thiệu.
Các bà, các cô thiện nguyện chia làm 6 nhóm, luân phiên nhau nấu cơm phục vụ học sinh trong tuần. Hôm nào thiếu người thì nhờ người khác làm giùm. “Dù mệt nhưng thấy mấy đứa học sinh đến ăn ngon là chúng tôi vui rồi”, bếp trưởng Lâm Thị Đặng tâm sự.
Thiện nguyện trong sáng
Người cho mượn ngôi nhà, ông Chín Đinh bộc bạch: “Cách mấy mươi năm, tôi từ vùng nông thôn ra TX Sa Đéc học chữ cũng khổ lắm nên thấu hiểu tình cảnh không no bụng hay phải lang thang bữa trưa để có thể theo học tiếp buổi chiều. Khi được ông Mốt thực tâm lo cho học sinh, trao đổi thì giống như được mồi vào lòng một ngọn lửa từng âm ỉ sẵn nơi mình, tôi liền đồng ý làm giấy thỏa thuận cho mượn vô điều kiện”.
Bà Nguyễn Thị Bé, một thiện nguyện viên, nhà kề bên Bếp ăn khuyến học, chủ một doanh nghiệp vận tải đường bộ, vui vẻ nói: “Thấy ông Mốt và các cựu giáo chức trong sáng lo cho học sinh nghèo, nhà xa đến trường học, tôi tham gia đóng góp liền”.
Ông Trần Văn Lang, một doanh nhân thành đạt ở TX Sa Đéc, cũng là một mạnh thường quân của bếp ăn khuyến học, bộc bạch: “Chúng tôi là dân kinh doanh luôn kính trọng những người trong sáng làm từ thiện, có điều kiện là chúng tôi đóng góp ngay”.
Theo Trần Minh Tạo (Tiền Phong)
Chàng sinh viên nghèo và khát vọng từ những que tăm
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn đầy gió nắng thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Văn Nở (SN 1992) đến TP Đà Nẵng học tập, làm việc, theo đuổi niềm đam mê và làm thiện nguyện.
Tuổi thơ nghèo và niềm vui với những que tăm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ Nở đã sớm ý thức được sự cực khổ của ba mẹ, sự thiếu thốn trong gia đình có đến năm miệng ăn. Cậu không ngừng cố gắng học hành và phụ giúp ba mẹ làm đồng áng. Ngoài niềm vui trong việc học, giúp đỡ gia đình, Nở còn lấy những que tăm làm thú vui trong tuổi thơ đầy nhọc nhằn, khốn khó.
Từ liên tưởng về những căn biệt thự hay các mô hình như quả táo, trái tim... Nở gom các que tăm lại rồi "chế tác" nên nhiều mô hình tăm độc đáo. Để làm được điều đó, đầu tiên Nở làm phác họa những liên tưởng trong đầu ra giấy, phân chia tỉ lệ rồi nhắm theo kích thước đó mà quy định số lượng tăm. Tiếp theo, cậu tìm các nan tre rồi chẻ ra, lắp thành mô hình, sau đó xếp que tăm, dùng keo dán vào theo đúng bản vẽ. Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng làm được lại là một vấn đề khác. Nở chia sẻ: "Với mình, những que tăm cũng làm nên nghệ thuật, quan trọng là chúng ta có biết tận dụng chúng hay không mà thôi. Khi làm một mô hình nào đó, mình phải đi tìm các loại tăm tốt. Có như vậy, mô hình của mình làm ra mới theo trật tự nhất định và trông đẹp hơn!".
Huỳnh Văn Nở và ngôi nhà làm bằng tăm.
Nhờ những que tăm mà Nở đã làm ra nhiều mô hình đẹp. Những mô hình này, cậu lấy làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Món quà tuy không có nhiều giá trị về vật chất và giá trị sử dụng nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần. Nở bảo hồi nhỏ không làm ra tiền để mua quà tặng bạn, vì thế cậu tận dụng tăm để "làm quà". Đa số các mô hình đẹp, Nở dành tặng bạn bè, còn các mô hình bị lỗi, Nở giữ lại để nhìn vào đó mà cố gắng sáng tạo ra nhiều mô hình mới.
Năm 2011, Nở thi đỗ vào Trường đại học Kiến trúc TP Đà Nẵng. Hiện nay, cậu đang là sinh viên năm 2, ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị và quản lý xây dựng. Với đôi tay khéo léo cùng những que tăm bình dị, Nở đã xin gia nhập CLB Nghệ thuật tay của trường, từ đây, cậu có nhiều cơ hội và điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Cùng với niềm đam mê nghệ thuật giấy và que tăm, Nở cùng các bạn trong CLB đã tổ chức các buổi trưng bày và bán sản phẩm nhằm mục đích gây quỹ từ thiện... Những việc làm tuy nhỏ nhưng giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
Làm chủ tiệm kem và những ước mơ
Cuộc sống sinh viên nơi phố thị với biết bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, những ruộng lúa, nương khoai của gia đình làm ra vẫn không đủ để chu cấp cho ba chị em của Nở ăn học. Thương ba mẹ tần tảo sớm hôm, bên cạnh việc cố gắng học hành, Nở còn xin vào làm những công việc bán thời gian để kiếm thêm tiền ăn học.
Qua biết bao công việc như phụ hồ, phục vụ quán ăn, quán cà phê, phát tờ rơi..., ý định làm chủ một cửa tiệm dần lóe ra trong đầu Nở. Từ một số lần đến phụ chị bán cho một tiệm kem, Nở đã quan sát và học hỏi cách kinh doanh ở đó. Hai chị em Nở được ông chủ thương tình nên chỉ cho mối lấy kem ở Hội An. Kế hoạch kinh doanh kem của Nở bắt đầu từ việc bán chiếc xe máy cũ kỹ để lấy tiền làm vốn.
Đối tượng Nở hướng đến là sinh viên Trường đại học Sư phạm nên cậu tiến hành đi thuê mặt bằng trên tuyến đường có nhiều sinh viên nhất. Tại đây, người cho Nở thuê mặt bằng không lấy tiền của cậu, mà chỉ lấy tiền điện nước mỗi tháng. Số vốn 5 triệu đồng có được từ việc bán xe trở nên ổn định hơn khi không phải chi trả mặt bằng. Về kem và tủ đựng kem, nơi bỏ mối kem cho Nở bán đã lo toàn bộ, Nở chỉ việc mua bàn ghế và các loại nguyên liệu (sôcôla, dừa khô, đậu phộng...). Vậy là trong vòng một tháng từ những ý tưởng đến việc thực hiện, cuối cùng Nở cũng làm chủ tiệm kem số 44 đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Nhờ việc buôn bán thuận lợi, Nở đã sớm mua lại được xe máy và tự lo tiền ăn học cho bản thân. Những ngày bận học, Nở nhờ chị gái qua phụ quán, còn không học, Nở lại quanh quẩn với tiệm kem. Nở bộc bạch: "Thật sự mình đã rất liều lĩnh khi bán xe máy để mở tiệm kem, điều này khiến bạn bè ai cũng ngờ vực và sửng sốt, nhưng đó là quyết định mà mình chưa bao giờ hối hận. Nhờ có tiệm kem, cuộc sống của mình ổn định hơn, mình có nhiều điều kiện tham gia việc cộng đồng hơn... Tiệm kem bây giờ sẽ là một phần cuộc sống của mình".
Những cơn mưa đông và cái lạnh buốt đã bắt đầu đổ vào miền Trung, Nở dự định sẽ nghỉ bán kem trong mùa này. Thời gian rảnh rỗi Nở xin làm phục vụ ở các quán cà phê, theo đó là những ý tưởng mới cho nghệ thuật tăm, rồi những kế hoạch đi thiện nguyện trên khắp các nẻo đường thuộc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vào dịp Tết sắp đến.
Theo Tuổi Trẻ
Người đàn ông liệt trong hình hài đứa trẻ 45 tuổi nhưng anh Sơn (Thanh Hóa) chỉ cao 60 cm và nặng 30 kg. Dù tay chân bị liệt và đôi mắt bị lòa nhưng người đàn ông ấy vẫn viết nên câu chuyện cổ tích đời mình khiến nhiều người khâm phục. Hơn hai thập kỷ qua, anh Trịnh Thanh Sơn (xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa) không đi đâu...