Bếp ấm gợi nhớ đường về làng!
Quê tôi là một làng bên sông Gianh. Người làng truyền nhau rằng 8 họ ở đất này vốn xuất xứ Ninh Bình hay Thanh Hoá gì đó thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nhưng mà tôi thấy âm tiết trong giọng nói của người làng vừa có chút giống giống người Mường tận Hoà Bình lại pha trộn chút chút gì đó của người Chăm tận cuối trời Nam Trung Bộ.
Người làng tôi có nghề “gia truyền” là dạy chữ. Đi dạy nhiều nơi, ở nhiều nơi nhưng vẫn không quên đường về làng. Dăm ba ngày Tết, làng đông nghịt người đi tứ xứ trở về. Vâng thì là pha tạp nhẽ thường cũng là do chút lưu lạc này chăng?
Nhưng dẫu là lưu lạc, dẫu là dấu chân người làng đã đi biết bao đường đất nơi phố thị, làng quê, biển xa, rẻo cao thì vẫn quanh quẩn trở về, vẫn không quên nếp cũ – Tết xưa…
Người Bắc gói bánh chưng, người Nam gói bánh tét – nấu – cúng Tết. Người làng tôi gói, nấu cả hai loại. Người làng tôi gọi bánh tét (bánh đòn, dài) là bánh tày (chữ “tày” có nghĩa là bằng và đều nhau). Ngày trước, nếp không dễ mua như bây giờ, các mẹ, các mệ (bà) đi chợ mua nếp trữ dần từ tháng 10, tháng 11 âm lịch. Đỗ xanh cũng thế. Người ta không gói bánh bằng lá dong như ngoài Bắc mà ra vườn rọc lá chuối. Không phải chuối nào lá cũng gói được mà phải là chuối sứ, chiếm xiêm (người Bắc gọi là chuối tây), lá xanh hơn và dai hơn.
Cái Tết ấm cuối cùng của tuổi thơ tôi Xuân năm con mèo 1975. Cái Tết cuối cùng chúng tôi còn mẹ, bốn chị em ríu rít bên ba mẹ cùng nồi bánh chưng, mâm cỗ Tết của hai gia đình nội, ngoại. Vốn dĩ, người ta sẽ nhớ nhất mùa xuân êm dịu cuối cùng trước khi bắt buộc phải đối diện với dông bão, sóng gió, mất mát của cuộc đời…
Trước khi mẹ mất, tôi ở với bà ngoại. Ông ngoại mất khi tóc bà còn rất xanh. Bà ở vậy chèo chồng nuôi người con ăn học, bền bỉ giữ lửa cho mái nhà chung mà “nòng cốt” là những cái Tết đoàn tụ. Cậu cả lấy vợ ngoài Bắc ít khi về quê ăn Tết. Năm con mèo 1975 đó, ngoài cậu thứ 3 đã hy sinh trong Nam thì cậu thứ tư cũng đang ở chiến trường, nhà còn dì thứ 5 dạy gần nhà, dì thứ 6 sắp tốt nghiệp đại học và cậu út còn đi học chưa có gia đình lần lượt về nhà khoảng ngày 25 Tết. Các dì, các cậu bắt đầu dọn vườn, dọn nhà, dọn ban thờ chuẩn bị Tết. Ngày 27, các dì trèo lên tra (gác gỗ) lấy nồi đồng, mâm đồng và bát đĩa để bày đồ cúng xuống chùi, đánh. Cậu út lấy rìu bổ các khúc củi nhặt được trong mùa lụt ra thành các loại to nhỏ khác nhau. Chiều 27, các dì bắt đầu ra vườn chặt lá chuối, rồi rửa, rồi phơi, rồi rọc, cậu út chẻ lạt. Tối, bắt đầu ngâm đỗ, ngâm nếp. Chỉ là các dì làm. Bà không làm trực tiếp, chỉ thỉnh thoảng đảo mắt qua, nhắc cái nọ, điều chỉnh cái kia một tí. Bà nói vài chữ, chậm rãi, đủ nghe. Các dì làm theo thoăn thoắt.
Sáng 28, một dì theo bà đi chợ mua gà, mua thịt, cá, mắm muối; một dì ở nhà ở nhà đãi đỗ, vo nếp; cậu út gánh nước đổ vào bể, chuẩn bị chỗ bắc bếp nấu bánh chưng. Khoảng 2 giờ chiều bắt đầu gói. Bà sẽ là người trực tiếp gói đủ các cặp bánh chưng cúng ở nhà và các chi họ liên quan. Các dì và cậu ngồi phụ và gói những chiếc bánh tét và bánh con (bánh đòn nhỏ cho các cháu). Khi nồi bánh bắt đầu bắc lên cũng là hoàng hôn. Bọn trẻ con chúng tôi cũng hiểu là đã xong nửa cái Tết…
Thời gian tưởng chừng có thể xoá nhoà đi tất cả nhưng có những ký ức đã thành nếp, không dễ và không thể mất đi.
Sau bữa cơm tất niên, thiêng liêng nhất có lẽ giờ khắc chuẩn bị giao thừa. Bánh chưng, bánh tét, trái cây, kẹo rượu…đã được đặt lên ban thờ chính giữa nhà. Chè bà cốt (gạo nếp nấu nhừ bỏ mật mía hoặc đường), đĩa xôi màu (gấc hoặc đậu đỏ gì đó không nhớ nữa) đã bày trên ban thờ thần bếp. Nải chuối đẹp và chai rượu đặt ở án thờ Trời – Đất ngoài sân. 12 giờ kém, bà ngoại pha chè, rót rượu, đốt đèn dầu và châm hương…Hồi đó chưa có điện, chưa có ti vi. Cái cảm giác nằm trong màn, đắp chăn ngủ liu riu, nghe bà khấn vái trong màn đêm đen kịt rồi le lói ánh đén dầu như hạt đỗ, mùi dầu, mùi hương trầm, mùi vôi trầu xen lẫn phảng phất vô cùng kỳ diệu. Mãi về sau này, lớn lên mới hiểu rằng sự kỳ diệu đó còn bởi mọi thứ diễn ra thời khắc thiêng liêng của đất trời, khi mà người và cả cõi tâm linh cùng làm lễ bàn giao năm cũ sang năm mới.
Video đang HOT
Sáng mồng 1, bà và các dì lại nấu cơm cúng. Trông trang nghiêm và khẽ khàng lắm ấy. Mẹ tôi là con gái xuất giá rồi nên phải xong bữa cơm cúng sáng mồng 1 bên nhà chồng đã rồi mới lên chúc Tết nhà mẹ đẻ.
Quê tôi hồi trước còn có tục lệ con trai, con gái thành gia thất ở riêng rồi ngày Tết cũng sẽ nấu một mâm cơm đủ món gánh về nhà mẹ. (Gánh thật, bỏ các món vào bát, đĩa vào đôi quanh gánh và gánh về nhà cũ). Trước là cúng tổ tiên, ông bà, sau hạ lễ thì mời bố mẹ và các thành viên trong gia đình thưởng thức bữa cơm mình nấu. Nhà khá cúng cỗ sang, nhà nghèo có gì cúng nấy. Thông thường là cơm, cá, thịt, rau. Có lẽ vì thương mẹ không khoẻ lại bộn bề con nhỏ nên bà ngoại miễn cho việc phải gánh cơm. Trước Tết, mẹ sẽ “đăng ký” với bà và các góp món gì đó rồi hẹn ngày lên nấu với bà và các dì…42 năm rồi, tôi nhớ mãi ngày mồng 2 Tết năm ấy ríu rít thế nào. Dì thứ tư làm gà, dì thứ 5 làm bánh gai, mẹ ngồi cuốn và rán nem. Tôi cứ chạy ra chạy vào vì cả năm mới nhìn thấy mẹ và các dì quây quần bên bếp. Đó là cái Tết cuối cùng tôi ăn cỗ Tết mẹ nấu, là lần cuối cùng tôi được ăn cái nem mẹ rán.
Hồi đó máy ảnh hiếm hoi nên không có bức hình gia đình nào gồm đủ ba mẹ tôi với 4 đứa con tề tựu cùng bà ngoại và các dì, cậu trong cái Tết cuối cùng đoàn viên ấy. Nhưng, trong tim tôi thì khắc ghi hình ảnh líu ríu ấy không phai mờ…
Thời gian tưởng chừng có thể xoá nhoà đi tất cả nhưng có những ký ức đã thành nếp, không dễ và không thể mất đi. Nhớ để nhắc mình về những nếp nhà làm nên bếp ấm ngày Tết…
Theo Danviet
Tình người ở "shop 0 đồng"
Hàng loạt "shop quần áo 0 đồng" mọc lên, cho thấy làng quê lúc này thấm đượm nghĩa tình, nhất là khi xuân đang đến
Tờ mờ sáng, vài thanh niên lục đục đẩy chiếc "tủ quần áo 0 đồng" ra trước sân Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giuộc (Long An). Sau khi cố định chiếc tủ, họ bắt đầu xếp ngăn nắp quần áo người lớn, trẻ em vào các kệ khác nhau và hăm hở chờ bệnh nhân nghèo đến lấy.
Mang tết sớm đến tha nhân...
Đông đảo bà con nghèo đến nhận quần áo của "shop 0 đồng" đặt tại Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc. Ảnh: T.Đ
"Shop 0 đồng" tại Cần Giuộc không đặt cố định mà lưu động tới các địa phương trên địa bàn huyện. Hơn một tháng hoạt động chính thức, shop này đã được luân chuyển đến các xã: Long An, Phước Vĩnh Đông và thị trấn Cần Giuộc."Từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ luân chuyển "shop 0 đồng" đi tặng quần áo mới và kết hợp cắt tóc miễn phí cho người dân 2 xã vùng thượng và 2 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Hy vọng sẽ góp chút niềm vui để bà con khó khăn vui xuân" - chị Thảo Phương nói.
Cụ Một (Trần Thị Ngọc Bạch, 72 tuổi, ấp Long Phú, xã Tân Kim) nặng nhọc từng bước đến chiếc tủ quần áo miễn phí. Đưa cánh tay lủng lẳng chiếc kim truyền tĩnh mạch, cụ tìm mớ quần áo xếp trên kệ. Cứ thấy quần áo mới của phụ nữ và trẻ con thì cụ cuộn vào lòng.
Cám cảnh, tôi cứ đứng nhìn cụ mãi. Thấy tôi nhìn chăm chăm, cụ Một buông nụ cười móm mém rồi nói: "Nhà nghèo quá mà thằng con trai cứ mỗi khi đánh vợ là đốt hết quần áo vợ con. Tui bệnh nằm liệt giường nhưng nghe mấy bệnh nhân cùng phòng nói có tủ quần áo miễn phí này nên xuống lựa mớ đồ cho con dâu, cháu nội. Tội nghiệp mẹ con nó!".
Tết đang phả hơi hóm sau gáy, cũng là lúc các "shop 0 đồng" ở miền quê tăng cường đồ mới cho người nghèo. Ấy vậy mà hôm nay cụ Một mới có nhiều lựa chọn quần áo mới tại shop.
Chị Đỗ Thị Thảo Phương - Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc, người trực tiếp tổ chức "shop 0 đồng" tại đây cho biết, khác với mọi khi, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, "shop 0 đồng" sẽ có thêm đồ mới cho bà con nghèo lựa chọn để chuẩn bị đón tết.
Tại "shop 0 đồng" ở xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai) tinh thần mang tết sớm đến với tha nhân cũng đang thực hiện. Chị Nguyễn Thị Kim Chung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai), người đang tổ chức một "shop 0 đồng" tại địa phương cho biết, hiện có khá nhiều đồ mới do các tiểu thương trên địa bàn đóng góp để giúp người nghèo có quần áo mới đón tết năm nay.
Cụ Một lựa quần áo mới cho con dâu và cháu nội của "shop 0 đồng" ở Cần Giuộc. Ảnh: T.Đ
Một phần số đồ mới này cũng được đưa đến "shop 0 đồng" đặt tại nhà văn hóa ấp Hưng Nhơn (xã Hưng Lộc). Trong một góc "shop 0 đồng", chị Trần Thị Mến đang tìm mớ quần áo mới. Chị Mến cho biết, quê ở Huế vào Đồng Nai làm công nhân may mấy năm nay. "Thu nhập hằng tháng của công nhân may không cao nên cả gia đình sống chật vật lắm. Vừa rồi nghe mấy chị bạn cùng công ty nói ở đây có shop quần ao miễn phí nên ra tìm vài bộ" - chị Mến thổ lộ.
Thật ra, chị Mến không chỉ tìm quần áo cho mình mà hôm nay chị còn lấy thêm cho người khác. "Tôi đang tìm thêm quần áo mới cho bà con ở quê đang oằn mình với các cơn bão, lũ. Họ đang rất khốn khổ. Tết năm nay có lẽ ở quê sẽ rất buồn, rất thiếu thốn. Vài bộ đồ mới gửi về quê giúp họ ấm lòng hơn trong mấy ngày tết" - chị Mến chia sẻ.
Chị Chung cho biết, không nên quan tâm ai đến lấy và lấy bao nhiêu đồ. "Chúng tôi tâm niệm khi làm việc này là luôn mở rộng vòng tay với mọi người. Có cần họ mới lấy" - chị nói.
Cho làng xóm thêm nghĩa tình
Có thể nhận thấy, gần đây phong trào "shop 0 đồng" đang lan tỏa tại nhiều vùng quê phía Nam. Hiện tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 4 xã với 5 "shop 0 đồng" đã được hình thành. Mới đây, trong một lần công tác tại thị trấn vùng lũ Tân Hưng (Long An), tôi bắt gặp một "shop 0 đồng" nằm nép trên con phố nhỏ. Chị Trần Thị Ngọc Duyên - chủ shop cho biết, thấy người dân nơi đây còn lam lũ quá nên vận động người thân trong gia đình gom góp đồ cũ gửi bà con khó khăn.
Sau này, quần áo của shop được Câu lạc bộ Thiện Tâm (TP.Tân An) hỗ trợ thêm. Quần áo sau khi nhận được, chị Duyên và gia đình phân loại, giặt sạch trước khi đem ra tủ để bà con sử dụng.
Cám cảnh người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc là cảm xúc khởi đầu cho việc hình thành các "shop 0 đồng". Chị Chung thổ lộ, trong một lần bắt gặp một người phụ nữ miền Tây Nam Bộ dẫn mấy đứa con lôi thôi, lếch thếch đi xin việc đã cầm lòng không đặng mà về vận động người quen quần áo mở "shop 0 đồng".
"Tôi về bàn với Đảng ủy xã, chú Hiền (ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc) gật đầu: "Làm đi, chú ủng hộ". Thế là tôi rủ thêm mấy chị em hội phụ nữ bắt tay vào làm nhằm mục đích kết nối những yêu thương" - chị cho biết.
Hôm tại UBND xã Hưng Lộc, ngồi trao đổi với với ông Hiền về việc ủng hộ mở "shop 0 đồng", ông cười khà khà: "Tính đến nay, tôi đã đóng góp 4 bao quần áo cho shop. Giờ cứ thấy vợ, con dư thừa quần áo thì tôi gom bỏ bao mang đi cho. Nói gì thì nói, một số bà con trên địa bàn đời sống vẫn còn khó khăn, nhất là những người từ nơi khác đến tìm việc" - ông Hiền tâm sự.
Nếu như ở các "shop 0 đồng" khác, nguồn hàng chủ yếu vận động từ các tiểu thương bán quần áo, vải vóc... thì tại thị trấn Cần Giuộc, chị Thảo Phương vận động từ các liên đội, trường học, xã đoàn với tiêu chí quần áo còn giá trị sử dụng cao và giặt sạch trước khi quyên góp. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, chị Thảo Phương còn nhận quyên góp của các mạnh thường quân.
Theo chị Thảo Phương, quần áo sau khi nhận về, thành viên của "shop 0 đồng" sẽ lựa chọn, phân loại, xếp gọn trước khi đặt ở tủ áo tình thương cho người dân đến lấy. Chị Phương thổ lộ: "Ban đầu cũng e ngại vì quần áo qua sử dụng. Cứ nghĩ mọi người không ai cần đến nhưng khi triển khai mô hình mới thấy rất nhiều người cần và mô hình phát huy được hiệu quả. Được thấy bà con đông đảo đến nhận đồ là niềm vui khôn tả với mọi thành viên của shop".
Bà Bùi Thị Chanh (thị trấn Cần Giuộc, Long An) cho biết, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa đã khó nên quần áo không nhiều. Từ khi thị trấn có đặt "shop 0 đồng", thi thoảng bà đến lựa chọn những bộ trang phục phù hợp với bản thân, cho chồng con. Nhiều bộ quần áo bà được nhận còn chưa bóc tem nhãn.
Được biết, "shop 0 đồng" tại Cần Giuộc không đặt cố định mà lưu động tới các địa phương trên địa bàn huyện. Hơn một tháng hoạt động chính thức, shop này đã được luân chuyển đến các xã: Long An, Phước Vĩnh Đông và thị trấn Cần Giuộc.
"Từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ luân chuyển "shop 0 đồng" đi tặng quần áo mới và kết hợp cắt tóc miễn phí cho người dân 2 xã vùng thượng và 2 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Hy vọng sẽ góp chút niềm vui để bà con khó khăn vui xuân" - chị Thảo Phương nói, trước khi chia tay chúng tôi.
Theo Danviet
Nuôi 3 em ăn học giờ về già tôi có nên đòi hỏi được chu cấp Có thời điểm cả ba em đều học ở Hà Nội, nhiều tháng thiếu tiền tôi phải đi vay mượn để gửi ra Hà Nội cho các em. ảnh minh họa Quê tôi ở Thái Bình, nhà có 4 anh chị em, tôi là chị cả, sau tôi là 3 em trai, làng quê tôi rất nghèo, trẻ em hầu như học đến...