Bệnh vùng kín không nên giấu kín
Nhiều bạn chưa lập gia đình và cũng chưa quan hệ nam nữ nhưng có biểu hiện bất thường ở vùng kín như thỉnh thoảng bị khí hư, lúc màu vàng sậm, lúc lại là trắng đục, rất ngứa vùng kín, bụng dưới đau… muốn đi khám nhưng lại ngại.
Nhiều người sợ và cũng không biết khám, chữa trị ở đâu, khi đi khám thì nói những gì với bác sĩ điều trị… Bài viết dưới đây có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh từ vùng kín để đi khám sớm.
Khí hư, hay còn gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ. Khí hư sinh lý có màu trắng trong có thể hơi ngả vàng. Giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ra ít, lỏng, nhưng đến thời điểm rụng trứng, khí hư ra rất nhiều, dai. Khí hư sinh lý có tác dụng giữ ẩm cho âm đạo, là chất bôi trơn, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung kết hợp với trứng.
Bên cạnh khí hư sinh lý, trong nhiều trường hợp khí hư là biểu hiện của các bệnh lý đường sinh dục. Các bệnh này nếu để lâu không chữa hoặc chữa không đến nơi đến chốn thì có khả năng viêm nhiễm sẽ lan lên vòi trứng, làm viêm tắc vòi trứng dẫn đến thụ thai khó và có thể dẫn đến vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh phụ khoa, hệ lụy là sinh khó, dễ sẩy thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi thấy bất thường ở vùng kín, không nên e ngại mà hãy đi khám phụ khoa ngay (ảnh minh họa).
Khí hư bệnh lý có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, có mùi hôi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa cơ quan sinh dục. Tùy theo tổn thương, vị trí viêm trong đường sinh dục mà màu sắc khí hư sẽ khác nhau.
Khí hư trong (dịch trong, trắng, nhầy dính, có khi loãng như nước, không hôi): dấu hiệu của u xơ tử cung, polip cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung, quá sản nội mạc tử cung do cường estrogen.
Video đang HOT
Khí hư loãng, đục, hôi, màu vàng nhạt và có bọt hoặc khí hư như bột, có vảy nhỏ hoặc khí hư màu trắng, xanh đục: dấu hiệu viêm âm đạo.
Khí hư nhiều đặc, dính như hồ, có màu đục: dấu hiệu viêm cổ tử cung.
Khí hư loãng như nước: dấu hiệu viêm tử cung.
Khí hư giống như mủ (vàng hoặc xanh): viêm phần phụ (vòi trứng), nhiễm nấm.
Khí hư ra nhiều, xuất hiện sau giao hợp vài ngày, như mủ, đặc, màu xanh: dấu hiệu viêm nội mạc tử cung.
Khí hư vàng, dịch trong, trắng, loãng, có váng như sữa: dấu hiệu rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật.
Khí hư lẫn máu, ra máu bất thường: dấu hiệu của ung thư tử cung. Ung thư tử cung có những dấu hiệu như máu ra bất thường (dù ngoài chu kỳ nguyệt san), kèm theo đau bụng hoặc không, khí hư nặng mùi hoặc có lẫn máu.
Khí hư ra nhiều, ngứa ngáy: nhiễm nấm Candida và trùng roi gây ngứa.
Khí hư giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh lý, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ. Tuy nhiên, môi trường ẩm ướt mà khí hư tạo ra lại là một điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và phát triển nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Trường hợp khí hư lúc màu vàng sậm, lúc lại là trắng đục, vùng kín rất ngứa, bụng dưới đau tức như bị ứ đọng một cái gì đó là dấu hiệu của việc viêm đường sinh dục. Viêm đường sinh dục không chỉ xảy ra ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục, sinh con… mà nhiều em gái nhỏ và phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng mắc phải. Nguyên nhân là do vệ sinh kém, do hoạt động của hệ nội tiết… Bạn nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt và không nên giấu kín. Bạn có thể khám tại trạm y tế xã, trung tâm y tế hoặc bệnh viện phụ sản của tỉnh…
Bạn cũng nên nói với bác sĩ về việc bạn chưa có gia đình, chưa có quan hệ tình dục để bác sĩ có biện pháp thăm khám phù hợp. Chính sự e ngại và xấu hổ khi nghĩ tới việc đi khám phụ khoa, hay phải chia sẻ căn bệnh của mình với những người có chuyên môn khiến cho rất nhiều chị em mắc bệnh này không được điều trị, hay điều trị không đúng phương pháp. Hậu quả là bệnh ngày càng nặng, điều trị càng khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo BS.Trần Phương (Sức khỏe & Đời sống)
Làm gì khi 'vùng yêu' ra huyết trắng?
Gần một tháng nay cháu thấy vùng kín của mình ngứa, có rất nhiều huyết trắng và mùi khó chịu.
Mặc dù cháu vệ sinh hằng ngày, dùng thuốc nhưng không hết. Xin hỏi cháu bị bệnh gì? Cách phòng tránh như thế nào? Hải Anh (Thái Nguyên).
Trả lời:
Cháu ra nhiều khí hư, ngứa vùng kín... rất có thể cháu đã bị mắc bệnh phụ khoa. Hãy đến ngay bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa phụ sản để khám và điều trị kịp thời. Cháu nói đã dùng thuốc nhiều, nhưng bệnh không đỡ, vậy thuốc cháu dùng là thuốc gì, do bác sĩ kê hay cháu tự dùng, dùng có đúng liều lượng và thời gian không? Chính việc tự ý dùng thuốc, dùng không đủ liều, đúng liều... càng khiến cho bệnh nặng thêm, hay tái phát và khó điều trị dứt điểm.
Đối với bệnh phụ khoa, việc phòng bệnh rất quan trọng. Phòng bệnh giúp giảm nguy cơ mắc và tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa là cách tốt nhất giúp tiết kiệm tiền bạc, bảo vệ sức khỏe và duy trì hạnh phúc lứa đôi. Cháu nên thực hiện vệ sinh cá nhân để giảm đi khả năng bị nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới bằng cách: vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, lau khô bằng khăn sạch, nhớ phải lau từ trước ra sau (hậu môn là cuối cùng). Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch.
Ra nhiều khí hư, ngứa vùng kín... rất có thể đã bị mắc bệnh phụ khoa. (Ảnh minh họa)
Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên. Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật để rửa vùng kín. Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh... để vệ sinh vùng kín. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị. Thời kỳ kinh nguyệt cần chọn băng vệ sinh đảm bảo sạch, đủ thấm, từ 4-6 giờ phải thay một lần.
Thực hành tình dục an toàn, tránh mắc hoặc tái mắc phải bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục. Nên sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục vì bao cao su vừa có tác dụng tránh thai, vừa ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vệ sinh tốt cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục.
Phụ nữ đang dùng kháng sinh, đang mang thai, dùng viên thuốc tránh thai kết hợp... là thời điểm thuận lợi cho các vi sinh vật có hại sống cộng sinh ở âm đạo dễ phát triển quá mức gây bệnh, vì vậy, cần uống nhiều nước, không mặc đồ nilông, bó sát gây nóng, ẩm vùng kín.
Thực hiện việc khám phụ khoa định kỳ dù không có triệu chứng gì bất thường. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp viêm nhiễm tiến triển ở giai đoạn khá trầm trọng lại được phát hiện trong những lần khám phụ khoa. Các chuyên gia phụ khoa đều khuyến cáo, phụ nữ từ độ tuổi 18 trở lên nên đi khám phụ khoa ít nhất mỗi năm 2 lần. Việc thăm khám rất đơn giản, không gây đau và rất hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hay tiền ung thư.
Theo Eva
Đối phó với nấm âm đạo khi mang thai Sẽ là một trở ngại cho những bà bầu khi bị nhiễm nấm vì cảm giác ngứa ngáy râm ran, khí hư ra nhiều làm bạn khó chịu, mệt mỏi. Đặc biệt tại thời điểm khí hậu ẩm ướt, mưa nắng thất thường cộng thêm những thay đổi trong quá trình thai nghén là nguyên nhân cho các loại nấm phát triển mạnh....