Bệnh viện tự chủ, bệnh nhân lo lắng
Từ ngày 1.10.2017, mọi bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM phải hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, vì thế áp lực tồn tại trong cơ chế thị trường rất nặng nề. Từ đây xuất hiện một số cách làm chưa tốt.
Bệnh viện tự chủ cần thu hút khách hàng ( bệnh nhân), vì thế họ cần phải làm thương hiệu cho tốt và một trong những cách làm là PR nhiều để bệnh nhân tìm đến. Trường hợp này, không cách nào tốt hơn là cung cấp những thông tin tích cực cho truyền thông để đăng tải như điều trị một loại bệnh hiếm gặp, mổ một ca bệnh khó, hoặc triển khai một phương pháp điều trị kỹ thuật cao.
Một thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, nay “nguồn sữa” này không còn nữa, các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, tự bơi trong cơ chế thị trường và họ loay hoay mọi cách để tồn tại.
Thế nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác. Giữa năm nay, một bệnh viện ở TP.HCM công bố lần đầu tiên thực hiện một kỹ thuật mổ tim mới có lợi cho bệnh nhân (nhẹ nhàng, ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn). Tuy nhiên, cũng một bệnh viện gần đó lại xác nhận kỹ thuật này họ đã làm thường quy và triển khai… từ lâu!
Tháng qua, bệnh viện C. triển khai phẫu thuật nội soi bằng robot, nhưng chỉ vài ngày sau bệnh viện B. liền cho tổng kết ngay một số ca phẫu thuật robot đã làm sau mười tháng, mà chẳng cần đợi đến một năm như thông lệ. Giới chuyên môn không ít người “lắc đầu” về cuộc tranh giành thị phần này.
Một bác sĩ (giấu tên) chẳng liên quan gì đến hai bệnh viện trên, nói: “Nhiều bệnh viện triển khai thì bệnh nhân càng có cơ hội chọn lựa và hưởng lợi. Cứ làm tốt bệnh nhân khắc biết, cần gì PR quá nhiều như thế”. Trong khi đó, bác sĩ M., từng quản lý một bệnh viện công lập ở TP.HCM, chia sẻ: “Bệnh viện chỉ công bố ca thành công mà không nói gì đến ca thất bại. Khó tin được một kỹ thuật cao mới du nhập vào nước ta mà chỉ mang lại thành công”.
Bệnh viện triển khai kỹ thuật điều trị cao, tuy nhiên bác sĩ lại chưa quen tay nghề, vì thế cách làm thông thường là thông tin trên báo, đài tổ chức điều trị miễn phí vài chục ca để thu hút bệnh nhân, thực chất là xem bệnh nhân như “chuột bạch” để bác sĩ làm cho quen tay. Cũng bác sĩ M. ở trên nói: “Kinh nghiệm trong nghề của tôi là những ca điều trị đầu tiên tỷ lệ rủi ro rất cao. Vì thế, người bệnh cần cân nhắc trước những thông tin PR kiểu này”.
Video đang HOT
Một thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, nay “nguồn sữa” này không còn nữa, các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, tự bơi trong cơ chế thị trường và họ loay hoay mọi cách để tồn tại. Là một trong những bệnh viện công được chọn làm thí điểm tự chủ tài chính nhóm 1 (bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), từ vài năm nay bệnh viện quận 2 TP.HCM đã từng bước vươn lên như một mô hình tự chủ bệnh viện thành công.
Bản thân BS Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện này, thừa nhận cân đối tài chính là một bài toán rất khó. Để thu hút bệnh nhân, ông cho biết bệnh viện phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mới và phát triển nhiều chuyên khoa, kỹ thuật chuyên sâu. Thế nhưng, theo một bác sĩ thành viên ban giám đốc bệnh viện, để khách hàng biết đến, bệnh viện tập trung vào nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ là chính.
Bác sĩ này nói: “Bệnh viện cũng có nhiều ca điều trị hay, triển khai kỹ thuật mới nhưng ít thông tin trên báo đài. Mình cứ âm thầm làm, đáp ứng mọi nhu cầu của bệnh nhân, làm tốt thì họ sẽ hài lòng và tìm đến với mình”.
Nhưng không phải bệnh viện nào cũng đi theo con đường bền vững này, vì thế xuất hiện nỗi lo khi đứng trước áp lực tự chủ bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân bằng những “chiêu thức” khác nhau để tồn tại, trong đó có chuyện lạm dụng kỹ thuật cao để “moi tiền” bệnh nhân.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, cảnh báo: “Trong bối cảnh tự chủ tài chính, không phải bệnh viện muốn làm gì cũng được. Sở Y tế sẽ theo dõi sát sao các hoạt động của bệnh viện, trong đó có việc bệnh viện dùng những cách thức không đúng đắn để thu hút bệnh nhân, không tuân thủ phác đồ điều trị và cạnh tranh với nhau. Tuân thủ quy định pháp luật là một trong những yêu cầu lớn mà bệnh viện phải thực hiện trong bối cảnh tự chủ tài chính”.
Nhận định về xu hướng tự chủ tài chính của bệnh viện hiện nay, GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng bộ Y tế, cũng cho rằng bệnh viện công lập không thể vì lợi nhuận mà xem bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền. Ông nói: “Dù giao quyền tự chủ tài chính cho bệnh viện, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết, kiểm soát chặt để bệnh viện không thể lạm quyền, bác sĩ chạy theo lợi ích”.
Theo Vô Thường ( Thế Giới Tiếp Thị)
Thời nhà thương thiếu vắng bình yên
Hàng loạt nhân viên y tế bị tấn công hoặc đe doạ rộ lên trong tháng qua là lời cảnh báo cần có biện pháp nhanh chóng giải quyết tình trạng này. Nhưng biện pháp cần giải quyết từ gốc chứ không làm đối phó như bấy lâu nay.
Tại một bệnh viện trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, sáng 24.10, bước vào khu khám bệnh người ta bắt gặp ngay những nữ nhân viên tiếp đón rất chu đáo. Thời bệnh viện công lập tự chủ tài chính hoàn toàn, bệnh viện nào cũng xem khách hàng là "thượng đế", nên cố gắng làm hài lòng bệnh nhân là chuyện bình thường.
Quá tải bệnh nhân cấp cứu dễ tạo ra môi trường làm việc thiếu an toàn cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, có những điều dù muốn cũng không làm được. Bệnh viện xây lâu đời, khu khám ngoại trú chật chội, đông đúc, bệnh nhân chờ đợi lớp ngồi, lớp đứng lố nhố. Dù các quạt máy trên trần đã tăng hết công suất, nhưng cái nóng hầm hập vẫn khiến người ta ngột ngạt, tội nhất là những người già.
Chưa hết, xen vào đó là tiếng loa phát ra từ các quầy thu ngân và phát thuốc bảo hiểm y tế. Nhân viên gọi tên bệnh nhân đóng tiền, nhưng thay vì xưng hô "ông/bà" theo giới tính ghi trên phiếu, người ta chỉ gọi tên trống không một cách lạnh lùng, kèm theo số tiền phải đóng: "Nguyễn Văn A, 500.000 đồng".
Một bác sĩ làm việc ở bệnh viện cho biết, năm qua lãnh đạo cũng mời người đến huấn luyện cách giao tiếp ứng xử cho nhân viên, mọi người đều phải học, nhưng có huấn luyện thế nào cũng khó thay đổi vì mọi thứ đã thành thói quen, rất khó bỏ.
Trục trặc trong quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân là nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng tấn công nhân viên y tế, nhưng gốc rễ vấn đề là quá tải bệnh viện. Tại phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, quá tải bệnh nhân là chuyện thường tình, vì thế các nhân viên y tế cũng quá quen với những kiểu quát tháo, la hét, phẫn nộ của không ít người do chờ quá lâu không thấy bác sĩ đến khám cho mình.
Nhưng theo điều dưỡng P., người có gần 20 năm làm việc ở đây, có làm hết mức cũng không xuể. Anh nói: "Phòng cấp cứu này lúc nào cũng quá tải, bệnh nhân khắp nơi đổ về, kể cả những bệnh nhẹ mà người ta hoàn toàn có thể đi cấp cứu bệnh viện gần nhà".
Nhận ra nguy cơ phát sinh những chuyện không hay từ quá tải bệnh nhân, vừa qua lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã đề nghị sở Y tế TP.HCM thông báo các bệnh viện trong thành phố tăng cường tiếp nhận và giữ bệnh nhân lại điều trị, thay vì chuyển lên tuyến trên. Nhưng khó tin mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt vì trong suy nghĩ của nhiều người, hễ cấp cứu là phải vào bệnh viện Chợ Rẫy.
Ở bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện, cho biết chuyện nhân viên cấp cứu bị bệnh nhân hoặc người nhà của họ chửi bới, hăm doạ hành hung khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp người nhà bệnh nhân quay phim, chụp hình, hăm doạ tung lên mạng xã hội nếu bác sĩ không ưu tiên cấp cứu cho người thân họ.
Một bác sĩ cấp cứu làm việc tại một bệnh viện quận Tân Bình, nói: "Tại lối vào phòng cấp cứu của các bệnh viện lớn người ta đều phân loại bệnh nhân, nguyên tắc cấp cứu là ưu tiên bệnh nặng rồi mới đến bệnh nhẹ, chứ có bỏ bê ai đâu". Biết như thế, nhưng nếu bệnh viện thông tin rõ ràng cho mọi người dân biết, thì có lẽ không nảy sinh căng thẳng.
Quá tải bệnh viện, môi trường bệnh viện xuống cấp, thiếu thông tin giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, kết hợp với những căng thẳng thường ngày trong cuộc sống, nên người dân vào bệnh viện dễ sinh bực bội, cáu gắt, dẫn đến những ứng xử thiếu kềm chế.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng từng thấy ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi dân số bùng nổ mà hệ thống y tế lại không đủ đáp ứng được nhu cầu chữa trị của người dân.
Tại Trung Quốc, tình trạng bác sĩ bị hành hung trở thành chuyện lớn của xã hội nước này, khi số vụ nhân viên y tế bị tấn công tăng từ 10.000 vào năm 2005 lên hơn 17.000 vào năm 2010. Năm 2012, một bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín The Lancet gọi đây là "cơn khủng hoảng cho những người hành nghề y ở Trung Quốc", vì trong năm đó trung bình mỗi bệnh viện có 27,3 trường hợp nhân viên y tế bị tấn công, trong khi năm 2006 là 20,6, thậm chí có bác sĩ còn bị giết chết.
Trước sự gia tăng số vụ tấn công nhân viên y tế tại nước ta, lần đầu tiên bộ trưởng bộ Y tế đã lên án mạnh mẽ, kêu gọi cộng đồng và cơ quan chức năng hỗ trợ ngăn chặn thực trạng này. Thế nhưng liệu điều này và những giải pháp lâu nay mà bộ Y tế đặt ra, như huấn luyện cách ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường an ninh ở bệnh viện có giải quyết được không?
Giải pháp căn cơ và có hệ thống cần làm phải là đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế để giảm tải bệnh nhân, tạo ra một môi trường làm việc thân thiện cho bệnh viện, và nâng cao đời sống cho nhân viên y tế để họ làm việc tốt hơn. Khi nào những biện pháp này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, thì xung đột trong bệnh viện vẫn có chỗ để nảy sinh và phát triển.
Chuyện của ngành y tế, nhưng đó là chuyện của xã hội, một mình ngành y tế không thể nào làm được.
Theo bài, ảnh Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị)
Bệnh nhân, người nhà được miễn phí gửi xe tại BV công Hải Phòng Theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2018, các bệnh viện công lập ở Hải Phòng sẽ miễn phí gửi xe cho bệnh nhân và người nhà đi kèm nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho người bệnh. Việc làm có tính nhân văn này sẽ được thí điểm tại Bệnh viện Việt Tiệp kể từ 1.12 tới đây. Theo lộ trình,...