Bệnh viện Pierre Bérégovoy: Điểm sáng trong hợp tác y tế Việt – Pháp
Bệnh viện Pierre Bérégovoy tại ngoại ô thành phố Nevers, Pháp, từ lâu đã nổi tiếng với sự hiện diện của các thực tập sinh bác sĩ Việt Nam.
Bác sỹ Jacques Ballout, hướng dẫn thực tập sinh Trương Thị Hoài.
Hình ảnh những thực tập sinh là bác sĩ Việt Nam làm việc bên cạnh các đồng nghiệp Pháp từ lâu đã trở nên quen thuộc ở bệnh viện Pierre Bérégovoy, ngoại ô thành phố Nevers. Từ nhiều năm nay, bệnh viện hàng đầu của tỉnh Nièvre này luôn đón các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh sang thực tập, một mô hình hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực y tế.
Bác sĩ nội trú Trương Thị Hoài là một trong hai bác sĩ trẻ Việt Nam hiện đang thực tập tại bệnh viện, đang đi thăm bệnh nhân cùng Bác sĩ Trưởng khoa can thiệp tim mạch, Jacques Ballout, cũng là người thầy kèm cặp cô trong thực hành y tế tại bệnh viện Pierre Bérégovoy. Vừa kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, cô vừa chăm chú lắng nghe những giải thích của thầy về các quy trình theo dõi hậu phẫu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bác sĩ Trương Thị Hoài cho biết cô đến Pháp trong khuôn khổ chương trình đào tạo liên kết giữa bệnh viện Việt Nam – Thuy Điển Uông Bí và bệnh viện Pierre Bérégovoy. Những ngày đầu nơi đất khách quê người, cô đã rất lo lắng vì lạ nước lạ cái, vì sự khác biệt về văn hóa và cả những hạn chế về ngôn ngữ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp tại bệnh viện, những nỗi lo này đã dần tan biến và được thay thế bằng sự tự tin.
Hiện bác sĩ Hoài đang làm việc tại Khoa hồi sức tim mạch, đồng thời học thêm về kỹ thuật can thiệp tim. Cô hy vọng có thể tranh thủ thời gian thực tập nội trú tại bệnh viện để trau dồi hơn nữa nghiệp vụ chuyên môn, trang bị tốt kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân và có thể thành công khi trở về Việt Nam. Cô cũng mong muốn bệnh viện có nhiều chương trình đào tạo dành cho các bác sĩ trẻ Việt Nam mới ra trường để có thể học tập, tiếp thu kiến thức của nền y học Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm phòng can thiệp tim mạch tại bệnh viện Pierre Bérégovoy.
Nhận xét về các đồng nghiệp Việt Nam, bác sĩ Trưởng khoa Jacques Ballout cho biết đến nay bệnh viện đã và đang đón 5 thực tập sinh đến từ bệnh viện Uông Bí. “Các bác sĩ Việt Nam là những người rất chăm chỉ, nhiệt tình, học việc rất nhanh. Chúng tôi rất hài lòng về kết quả làm việc của họ”, ông đánh giá và cho biết thêm rằng, việc tiếp nhận các thực tập sinh cũng giúp bệnh viện giảm tải về công việc. Bởi vì hiện nay, các bệnh viện trên toàn nước Pháp và cả ở tỉnh Nièvre này đều thiếu nhân viên y tế trầm trọng. “Việc các bạn thực tập sinh nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đến làm việc cũng bù đắp cho chúng tôi phần nào sự thiếu hụt đó”, ông khẳng định.
Đồng tình với ý kiến của đồng nghiệp Jacques Ballout, bác sĩ Johnson Kwaku, Trưởng khoa Thần kinh cho biết sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về bác sĩ tâm lý cũng tăng mạnh, không chỉ ở Pháp mà trên toàn thế giới. Ông bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam, tạo điều kiện cho các bác sĩ nước này đến thực tập tại Pháp nhằm nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng để khi về nước có thể phát triển tốt chuyên môn của mình.
“Chúng tôi đang có các chương trình kêu gọi và tuyển dụng bác sĩ nước ngoài. Họ sẽ phải trải qua các kỳ sát hạch và làm việc thực tập một thời gian ở bệnh viện. Tôi nghĩ các đồng nghiệp Việt Nam có thể quan tâm tới cơ hội này”, bác sĩ Johnson Kwaku gợi ý.
Kể từ khi thiết lập mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế từ năm 2017, bệnh viện Pierre Bérégovoy và bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực trao đổi bác sĩ thực tập sinh, mà cả trong các hoạt động trao đổi chuyên môn, khám bệnh từ thiện và hỗ trợ trang thiết bị y tế tiến tiến, cũng như chuyển giao các kỹ thuật mới trong phẫu thuật và điều trị, nhất là trong lĩnh vực tim mạch.
Bác sỹ Jacques Ballout, cũng là Chủ tịch Hội đồng y khoa liên bệnh viện tỉnh Nièvre, cho biết nhờ sự kết nối của đồng nghiệp Nguyễn Văn Mạnh, một bác sĩ người Pháp gốc Việt, từ gần 6 năm nay, bệnh viện Pierre Bérégovoy đã thiết lập quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là bệnh viện Việt Nam – Thụy điển Uông Bí. Hoạt động trao đổi hợp tác được triển khai chủ yếu trong lĩnh vực tim mạch.
Video đang HOT
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng trong một buổi thăm và làm việc tại bệnh viện Pierre Bérégovoy.
Sau khoảng thời gian gián đoạn do COVID-19, từ năm 2023, hai bên đã khởi động lại chương trình hợp tác này, trong đó tập trung vào việc thường xuyên trao đổi chuyên môn bằng hình thức trực tuyến, tổ chức các chuyến thăm khám bệnh từ thiện cho các bác sĩ Pháp đến Uông Bí, không chỉ để trực tiếp khám xét các ca bệnh phức tạp, mà thông qua đó đào tạo tại chỗ đội ngũ các bác sĩ của bệnh viện.
“Cứ 6 tháng một lần, chúng tôi lại xách va li lên đường sang Việt Nam một tuần để chữa bệnh từ thiện, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Uông Bí, giúp họ có thể tác nghiệp độc lập. Trong các chuyến đi đó, chúng tôi thường thăm khám và can thiệp mạch vành, phẫu thuật lồng ngực, mạch máu cho khoảng 60-80 bệnh nhân tim mạch”, bác sĩ Jacques Ballout tâm sự.
Ông cũng cho biết thêm là ngoài việc tiếp tục các chương trình cũ, hiện nay bệnh viện đang xem xét khả năng mở rộng hợp tác với các bệnh viện khác ở Việt Nam, không chỉ tim mạch mà cả trong các chuyên khoa khác như gây mê hồi sức, thần kinh, bệnh phổi…
Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh – Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, bệnh viện Pierre Bérégovoy, là người đã có công kết nối hợp tác giữa hai cơ sở y tế Pháp và Việt Nam nói trên. Ông tâm sự: “Là một người con nước Việt, tôi luôn mong muốn giúp bệnh nhân và đồng bào của mình có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất. Từ 2017 chúng tôi phát triển hợp tác với bệnh viện Uông Bí, trong đó chú trọng chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực và can thiêp tim mạch. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, các bác sĩ Việt Nam sang Nevers học, và đổi lại chuyên gia Nevers về Việt Nam giúp các đồng nghiệp ở Uông Bí phát triển kỹ thuật mũi nhọn, mổ tim từ thiện, khiến bệnh nhân và bà con hài lòng”.
Ông cũng cho biết thêm chương trình hợp tác rất hiệu quả này cũng đã nhận được sự ủng hộ của Thị trưởng thành phố Nevers, Denis Thuriot, đồng thời cũng là Chủ tịch bệnh viện.
Trong tương lai, bệnh viện Pierre Bérégovoy sẽ mở rộng hợp tác với các cơ sở y tế khác ở Hải phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghiên cứu để bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay theo dự kiến, mô hình Hội đồng y khoa quốc gia sẽ do bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ tịch.
Trường hợp bộ trưởng không phải là bác sĩ sẽ chủ trì công việc thế nào, thì đang được thảo luận.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: PHẠM THẮNG
Ai sẽ thành lập Hội đồng y khoa?
Sáng 14-12, phát biểu về một số nội dung của dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cung cấp thêm thông tin tham khảo các nước quy định Hội đồng y khoa quốc gia như thế nào và Việt Nam chọn mô hình nào, vì sao lại chọn?.
Về địa vị pháp lý, ông Huệ đề nghị làm rõ ai sẽ thành lập? Ông nói trong dự thảo chỉ nói Chính phủ quy định về việc thành lập. Trước đây có câu do Thủ tướng thành lập nhưng đã bỏ.
"Theo luật ai sẽ thành lập? Hay Quốc hội giao hết quyền cho Chính phủ quy định, muốn ai thành lập cũng được. Một tổ chức quyết định sinh mạng hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà để mù mờ thế thì không được.
Phải quy định địa vị cho rõ. Không rõ địa vị pháp lý, ai thành lập, nó là cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng không rõ...", ông Huệ nêu thêm.
Ông nhấn mạnh toàn bộ nội dung này từ phiên họp đầu tiên Ủy ban Xã hội đã "rất nặng" thẩm tra Hội đồng y khoa nhưng giờ lại "bỏ hết, buông hết".
"Đây là tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Nếu có thành lập và làm việc này chỉ là cơ quan chủ trì làm việc, chứ không phải hoàn toàn tổ chức trong phạm vi quốc gia được? Bộ máy nhân sự ở đâu để làm.
Tổ chức kiểm tra đánh giá khác với chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá. Nếu có phải sử dụng tất cả tổ chức xã hội nghề nghiệp trong ngành y như hội tim mạch, gan, truyền nhiễm... đều "thâm nho" về nghề nghiệp. Hội đó mới chuyên môn về nghề nghiệp nhưng ở đây chưa xác định được...", ông Huệ nói thêm.
Ông Huệ cũng đề nghị phải tránh "trường hợp anh dốt hơn đánh giá anh giỏi hơn" hay "sợ nhất ông không hiểu biết đánh giá ông hiểu biết".
Ông Vương Đình Huệ - Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay mô hình Hội đồng y khoa được thực hiện ở hầu hết nước trên thế giới, tuy nhiên tùy từng quốc gia mà hoạt động khác nhau.
Ông nói về quản lý lĩnh vực y tế có hai chủ thể, gồm Bộ Y tế là đại diện cơ quan quản lý nhà nước và một bên là Tổng hội Y học, có rất nhiều hội chuyên môn như tim mạch, dinh dưỡng...
Lúc đầu cơ quan soạn thảo dự định giao việc đánh giá năng lực cho Tổng hội Y học, tuy nhiên sau khi nghiên cứu, thảo luận với thành viên Tổng hội Y học Việt Nam thấy rằng với điều kiện Việt Nam cần thành lập tổ chức mới.
Cơ quan mới tức Hội đồng y khoa quốc gia không đảm nhiệm tất cả các khâu liên quan đến thi cử, cấp giấy phép hành nghề, mà chỉ ở một số khâu, sẽ được quy định cụ thể.
Cơ quan phối hợp ở đây gồm có hai bên, một bên là các hội chuyên ngành thuộc Tổng hội Y học Việt Nam, một bên là đơn vị của Bộ Y tế.
Ông Đam nói hướng của Chính phủ quán triệt từ đầu là tăng hướng Tổng hội Y học, giảm tối đa hướng về Bộ Y tế. "Hướng chúng tôi thống nhất từ đầu nhưng cách thể hiện trong dự thảo luật còn chưa rõ", ông Đam thừa nhận.
Theo ông Đam, Hội đồng y khoa quốc gia không thể làm hết mọi việc và không lập thêm các hội đồng bên dưới vì sẽ tạo thành bộ máy rất cồng kềnh. Hội đồng cũng chỉ là đầu mối chủ trì và làm một số việc.
Đối với mô hình cụ thể thuộc về hành chính hay tổ chức xã hội nghề nghiệp đã được bàn rất nhiều.
Dẫn mô hình Hội đồng giáo sư do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chủ tịch, Phó thủ tướng cho hay dự kiến mô hình Hội đồng y khoa quốc gia sẽ do bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ tịch.
Trường hợp bộ trưởng không nhất thiết phải là bác sĩ sẽ chủ trì công việc thế nào đang được thảo luận.
"Mình làm trong một thời gian và Chính phủ sẽ điều chỉnh để hướng dần lên hiện đại. Quan trọng nhất với vai trò của hội đồng này phải ra được công cụ đánh giá hay là ngân hàng câu hỏi đề thi lý thuyết và các nội dung kiểm tra thực hành.
Nhưng đây sẽ chỉ là câu hỏi lý thuyết, kỹ năng thực hành tối thiểu. Phải để làm sao cho việc kiểm tra và thi rất nhẹ nhàng, nghiêm túc, chứ không phải một kỳ thi tốt nghiệp thứ hai", ông Đam nêu thêm.
Về thời hạn cấp giấy phép hành nghề, ông Đam cho hay các nước đều có thời hạn và làm sao kiểm soát chặt để việc cấp lại, gia hạn rất đơn giản, không nảy sinh tiêu cực.