Bệnh viện “nói không” với nằm ghép: Lo cam kết rồi…để đó!
Lần đầu tiên 13 bệnh viện Trung ương ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, đảm bảo 1 bệnh nhân/giường bệnh. Tuy nhiên xung quanh cam kết này vẫn còn nhiều băn khoăn.
Danh sách 13 bệnh viện đầu tiên ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trước Ngày thầy thuốc 27/2 gồm: Nhi Trung ương, Việt Đức, Lão Khoa, Viện E, Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Tâm thần Trung ương 1, Da liễu Trung ương, Trung ương Thái Nguyên, Răng hàm mặt Trung ương, Nhiệt đới, Châm cứu Trung ương, Việt Nam – Cuba Đồng Hới, Trung ương Huế.
Các bệnh viện ký cam kết theo 3 mốc thời gian, chậm nhất sau 48 giờ phải bố trí mỗi người bệnh có một giường nằm.
Lo chạy theo “bệnh thành tích”
Thông tin 13 bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, chấm dứt tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm qua khiến người bệnh thực sự vui mừng.
Song, nhiều người không khỏi băn khoăn về tính khả thi của cam kết cũng như lo ngại quyền lợi khám chữa bệnh bị ảnh hưởng.
Tình trạng quá tải, nằm ghép 2-4 bệnh nhi/giường từng thường xuyên diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào đại dịch sởi 2014 – Ảnh: C.Quyên
Đang chăm sóc con tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lan (Hưng Yên) lo lắng việc bệnh viện cam kết chỉ tiêu 1 bệnh nhân/giường bệnh có thể khiến nhiều bệnh nhi bị hạn chế khám bệnh hoặc buộc phải xuất viện sớm để tránh quá tải.
Đây cũng là lo lắng chung của nhiều bệnh nhân, đặc biệt với những trường hợp sau hậu phẫu buộc phải thuê trọ bên ngoài để tiếp tục điều trị.
Trước những băn khoăn của người bệnh, bác sĩ, TS.Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, việc bệnh viện ký cam kết là có cơ sở và hoàn toàn không ảnh hưởng đến mức độ an toàn cũng như hài lòng của người bệnh.
“Người dân luôn có quyền nghi ngờ. Nhưng trong ngành y, vấn đề cam kết luôn phải đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết. Khi đến bệnh viện, chúng tôi luôn phải đảm bảo tiêu chí khỏi bệnh chứ không dám làm những chuyện sai nguyên tắc nghề nghiệp”, ông Điển khẳng định.
Video đang HOT
TS Điển cho biết, trung bình một ngày Bệnh viện Nhi tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhi đến khám và điều trị, tuy nhiên khi dịch sởi bùng phát vào đầu năm 2014, con số này trội lên hẳn khiến bệnh viện không kịp trở tay, tình trạng 3-4 bệnh nhi/giường diễn ra phổ biến…
Sau đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đồng loạt các giải pháp như mở rộng khoa, kê thêm 290 giường, nâng cao năng lực quản lý, khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới; mỗi bác sĩ chỉ được khám 50-60 bệnh nhân/ngày thay vì 80 bệnh nhân như trước kia…
Cũng theo ông Điển, để tránh tình trạng quá tải, các khoa phải báo cáo số lượng bệnh nhân 3 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều để khi phát hiện thiếu giường, bệnh viện sẽ điều tiết ngay.
“Kết quả, 4 tháng nay, Bệnh viện Nhi Trung ương không còn nằm ghép trong vòng 24 giờ”, ông Điển thông tin.
Khi được hỏi việc giảm số lượng bệnh nhân được khám/1 bác sĩ có làm giảm quyền lợi khám bệnh của người dân, ông Điển khẳng định không có chuyện đó!
“Bệnh viện tập trung tăng cường nhân lực tại khoa khám bệnh vào buổi sáng, cứ 1 tiếng sẽ kiểm tra một lần, nếu buồng nào đông sẽ phải tăng cường thêm bác sĩ. Việc khám kĩ để sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu, trường hợp nào đủ điều kiện nhập viện thì cho nhập viện, có thể điều trị tuyến dưới thì chuyển về tuyến dưới, ca nào điều trị được ở nhà cho về nhà…”, ông Điển cho hay.
Dù đã có kết quả bước đầu, nhưng theo TS Điển phải đợi đến giữa 2015 mới đánh giá được có bền vững hay không. Về lâu dài, bệnh viện sẽ đưa tòa nhà 16 tầng vào hoạt động và xây dựng thêm cơ sở 2.
Cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối từng thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hiện nay tình trạng nằm ghép đã không còn xảy ra tại bệnh viện này.
Theo ông Quyết, hiện số lượng bệnh nhân tại Việt Đức chưa khi nào lên tới 1.050 người trong khi cả giường, cả cáng tại Việt Đức lên tới 1.100 giường.
Ông Quyết cho biết, trường hợp phát hiện trưởng khoa không điều tiết để bệnh nhân nằm ghép sẽ bị xử phạt bằng tiền.
Bộ Y tế sẽ cử đoàn giám sát
Đánh giá về việc các bệnh viện tự nguyện ký cam kết, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đây chính là mong đợi của người dân, là mục tiêu của ngành y tế.
Để có được những cam kết này là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện.
Số liệu tổng hợp bệnh nhân tại các khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương vào 16h chiều 21/1
Ông Khuê cho hay, để có được những cam kết này, Bộ Y tế đã phải cùng các bệnh viện họp bàn trong nhiều phiên. Mỗi bệnh viện đề ra nhiều nhóm giải pháp về chuyên môn, quản lý, sàng lọc người bệnh, luân chuyển cán bộ, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới….
PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, việc thực hiện không nằm ghép đối vối người bệnh nội trú là một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên người dân không nên lo lắng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.
“Trách nhiệm của người thầy thuốc là không được phép từ chối, cứu chữa người bệnh. Mục đích tối thượng vẫn là vì sức khỏe người bệnh nên không có lý do gì để từ chối, để không khám kỹ, không đón tiếp người bệnh đúng chuyên môn”, ông Khuê nhấn mạnh.
Trước lo lắng các bệnh viện chỉ ký cam kết và để đó, ông Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các bệnh viện và đánh giá thông qua báo cáo trực tuyến số liệu hàng tuần của các cơ sở này.
Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế đã ban hành trên 17.500 danh mục kỹ thuật cũng như hướng dẫn điều trị, phác đồ điều trị để các bệnh viện áp dụng. Đây chính là văn bản pháp lý để có thể soi xét.
“Sau hậu cam kết, nếu vẫn còn quá tải, nằm ghép, Bộ Y tế sẽ cùng chung tay cùng các bệnh viện thực hiện đúng mục tiêu. Dĩ nhiên đây là điều không ai mong muốn xảy ra vì chúng tôi tin vào danh dự của các thầy thuốc”, ông Khuê chia sẻ.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, ngoài 13 bệnh viện ký cam kết đợt đầu, sẽ có thêm 25 bệnh viện trực thuộc Bộ ký cam kết trong năm 2015.
Theo VietNamNet
Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức mở cơ sở 2 tại Hà Nam
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai sẽ là hai cơ sở hiện đại và lớn nhất cả nước, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sáng 13/12, tại xã Liêm Tuyền, huyện Phủ Lý, Hà Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công dự án xây mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu. Số giường bệnh trên một vạn dân của nước ta vẫn thuộc dạng thấp trong khu vực. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: dân số hàng năm tăng khoảng 900.000 tương đương với một tỉnh; mô hình bệnh tật thay đổi; đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu...
Xác định giảm tải bệnh viện tuyến cuối là vấn đề cấp bách, Chính phủ cũng đồng ý cho phép xây 5 bệnh viện trung ương tại Hà Nam và TP HCM với tổng số tiền đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Ảnh: N.Phương.
"Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Và đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Hai cơ sở này nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Mỗi bệnh viện được xây dựng trên diện tích gần 21ha. Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2016 với việc đưa khoa Khám bệnh ngoại trú 200 giường bệnh đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ bệnh viện.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư xây mới thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày. Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được đầu tư thành một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc xây mới cơ sở 2 của 2 bệnh viện đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, đây là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng cơ sở 2 của 5 bệnh viện tuyến cuối với quy mô hiện đại. Việc này không những đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay mà còn chuẩn bị cho vài chục năm sau.
Thứ tướng yêu cầu, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cần phải trở thành trung tâm chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho tuyến dưới để y bác sĩ các tuyến đều có trình độ khám chữa bệnh ngày càng cao. Bộ Y tế, Ban quản lý dự án, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, công ty tư vấn và nhà thầu cần khẩn trương thực hiện đầy đủ các quy định để việc xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực.
Tại buổi lễ, tỉnh Hà Nam cho hay cũng đã chuẩn bị quỹ đất sạch để mời gọi các chủ đầu tư xây thêm các bệnh viện khác với quy mô 7.000 giường bệnh nữa, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và để Hà Nam trở thành Trung tâm y tế chất lượng cao của cả nước.
Nam Phương
Theo VNE
Bé gái bị hành hung trong đêm: Lời kể của người thân Một bé gái đã bị 2 nam thanh niên hành hung dã man trong đêm phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), bà H.T.L (chủ nhà nơi xảy ra sự việc, đồng thời là thím của nạn nhân- PV) chia sẻ: Sự việc cháu Đ.T.O. (SN 2000, người ở thôn 1, xã...