Bệnh viện nhi TW xin lỗi, có thể truy cứu hình sự nhóm bảo vệ?
Với hành vi cản trở, lạm quyền của nhóm bảo vệ đối với xe cứu thương chở bệnh nhân về quê thì ngoài việc bị đình chỉ công việc, họ còn phải chịu chế tài, hình phạt nào?
Hành động cản trở xe cứu thương chở bệnh nhân đang hấp hối của nhóm bảo vệ ở Bệnh viện nhi Trung Ương đang gây phẫn nộ trong dư luận nhiều ngày qua. Nhiều người cho rằng, việc làm này là không thể chấp nhận được, nhất là khi gia đình cháu bé đang chịu nỗi đau mất người lại phải gặp cảnh sách nhiễu vô lý như vậy.
Để kịp thời xử lý thông tin, ngày 6/7/2016 Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương phối hợp với các bên liên quan kiểm tra thông tin báo nêu, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Văn phòng Bộ chậm nhất ngày 15/7/2016.
Ngay sau đó, bệnh viện này đã có văn bản phản hồi, trong đó nói rõ việc đình chỉ e kíp bảo vệ đã ngăn cản xe cứu thương đưa bệnh nhận về Nghệ An. Đồng thời, bệnh viện này cũng gửi lời chia sẻ sự mất mát và bức xúc với gia đình người bệnh sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Hình ảnh nhóm bảo vệ ra ngăn cản xe cứu thương (ảnh cắt từ clip).
Tuy nhiên, dường như những động thái có phần chậm trễ của Bệnh viên nhi Trung Ương mới đây đã không soa dịu được làn sóng bức xúc từ phía dư luận. Bởi lẽ trước đó, chính Phó giám đốc bệnh viện này đã vội vã kết luận rằng: Không có việc bảo vệ ngăn cản xe ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân như trên mạng lan truyền.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là với hành vi cản trở, lạm quyền của nhóm bảo vệ thì ngoài việc bị đình chỉ công việc, họ còn phải chịu chế tài, hình phạt nào?
Chia sẻ với PV báo điện tử Người đưa tin, nhận định về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm: Theo dõi clip thì thấy sự uất ức của gia đình bệnh nhân vì cho rằng bảo vệ bệnh viện ngăn cản không cho xe cứu thương chở bệnh nhân ra ngoài… khiến nhiều người cũng bức xúc theo.
Theo luật sư Cường, về nguyên tắc thì bảo vệ bệnh viện có trách nhiệm duy trì an ninh, trật tự tại bệnh viện, họ có quyền kiểm tra giấy tờ khi ra vào viện.
Những trường hợp mang bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em) trước đó đã nhập viện điều trị ra khỏi viện thì phải có giấy tờ của bệnh viện về việc chuyển viện, xuất viện…
Trường hợp này, việc bảo vệ bệnh viện kiểm tra giấy tờ xuất viện của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đó khi ra khỏi cổng bệnh viện là đúng thủ tục để tránh trường hợp trốn viện hoặc các trường hợp khác như bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em… cũng vì mục đích bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân và lợi ích chung của cộng đồng.
Video đang HOT
“Nhưng nếu khi xe cứu thương hoặc các xe tư nhân trở bệnh nhân ra khỏi bệnh viện đã xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh họ được ra viện, chuyển viện… mà bảo vệ vẫn không cho ra, cản trở việc vận chuyển bệnh nhân vì lý do vô lý thì hành vi này rõ ràng là trái quy định pháp luật.
Nếu việc ngăn cản trái phép bệnh nhân chuyển viện, xuất viện dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng (chết người) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những người có hành vi ngăn cản đó…
Nếu hành vi ngăn cản đó còn vì mục đích vụ lợi khác thì hành vi này cũng phải bị xử lý trước pháp luật”, luật sư Cường nêu rõ.
Cũng nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng nói: Theo dõi clip thì việc người dân bức xúc là điều đương nhiên. Song với hành vi cản trở của bảo vệ khó có thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi cản trở gây rối trật công cộng.
Để chấm dứt vụ việc tương tự có thể xảy ra thì bệnh viện nhi Trung Ương cần công khai dịch vụ xe cấp cứu, đồng thời nghiêm cấm việc bảo vệ cản trở xe bên ngoài đưa rước bệnh nhân, chuyện bệnh nhân, quy định rõ những giấy tờ cần thiết khi chuyển người ra khỏi viện.
Theo Người Đưa Tin
Tài xế xe cấp cứu bị bảo vệ Bệnh viện Nhi TW cản trở: Tôi rất xót thương cho cháu bé!
"Cháu bé đã được đưa bằng cáng lên xe họ vẫn không cho đi. Nhìn đứa trẻ đang thoi thóp thở tôi vô cùng xót thương".
Đó là chia sẻ của tài xế Nguyễn Cảnh Toàn (SN 1985, trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) người trực tiếp lái xe chở cháu bé 9 tháng tuổi tại bệnh viện nhi Trung ương bị bảo vệ và một số "cò" tại đây ngăn cản.
Cháu đang nằm trên xe mà họ vẫn ngăn cản
Để làm rõ hơn vấn đề liên quan đến vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cản không cho xe cấp cứu chở cháu bé 9 tháng tuổi trở về quê đang khiến người dân phẫn nỗ trong thời gian qua. Chiều ngày 6/7, phóng viên đã tìm về huyện Nam Đàn, Nghệ An trực tiếp gặp tài xế Nguyễn Cảnh Toàn - người lái chiếc xe cứu thương mang BKS 37A - 136.12.
Tài xế Toàn cho biêt, hôm đó anh nhận được điện thoại từ người điều hành, là ông Ngô Tất Thành nói đến Bệnh viện Nhi Trung ương để đón một bệnh nhân chở về quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Vì bệnh tình của cháu đã chuyển biến rất nặng nên gia đình muốn sớm đưa cháu về quê để cháu có thể trút hơi thở cuối cùng tại gia đình. Ngay sau khi nhận được điện thoại anh Toàn đã lái xe đến cổng Bệnh viện Nhi Trung ương để đón bệnh nhân.
Tài xế Nguyễn Khánh Toàn cho biết đây không phải lần đầu tiên, trước đó anh từng bị ngăn cản khi đến đón bệnh nhân tại bệnh viện nhi.
Khi đến gần cổng bệnh viện nhi thì đã có cậu ruột của cháu bé là Hoàng Văn Thành (SN 1982) trực tiếp ra đón xe cấp cứu và ngồi lên xe cùng với anh Toàn vào bệnh viện để đón cháu bé về. Tuy nhiên khi y tá đang lên phòng bệnh để đón cháu thì có 2 người mặc áo thường phục đến yêu cầu anh Toàn đánh xe ra khỏi sảnh bệnh viện và không được đón bệnh nhân tại đây.
Tài xế Nguyễn Khánh Toàn: "Tôi rất xót xa cho cháu bé".
"Tôi trả lời là người nhà gọi đến đón bệnh nhân về quê ở Nghệ An nhưng họ vẫn không cho đậu xe tại đây và bắt phải đi ra ngoài còn nói quy định của bệnh viện là chỉ được đưa bệnh nhân đến không được đón bệnh nhân đi. Khi tôi hỏi quy định nào thì họ không trả lời, rồi họ gọi bảo vệ đến bảo vệ cũng không cho tôi đón bệnh nhân. Tôi thấy chẳng có quy định nào như thế cả, tôi lái xe cấp cứu đã 6 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như thế".
Sau đó bảo vệ bệnh viện cũng yêu cầu anh Toàn không được đậu xe, đón bệnh nhân tại đây và đòi xích xe lại. Thêm vào đó một số đối tượng khác mặc thường phục cũng đến ngăn cản, to tiếng và có lời xúc phạm người nhà cũng như tài xế xe cấp cứu.
Tài xế Toàn bên chiếc xe cấp cứu trước đó bị "chặn" tại bệnh viện Nhi.
"Khi cháu bé được y tá đưa bằng cáng xuống xe những người này vẫn không cho đưa cháu lên xe dù khi đó cháu rất yếu. Tôi phải trấn an nhiều lần thì y tá mới dám đưa cháu lên xe. Dù cháu đang nằm trên xe họ vẫn không cho tôi đi. Sau một thời gian họ ngăn cản chúng tôi thì cháu bé đã tử vong trên xe", tài xế Toàn nhớ lại.
Chiếc xe vận chuyển cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị y tế hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Ngô Tất Thành người trực tiếp nhận điện thoại của người nhà bệnh nhi cho biết: "Hôm đó khoảng 7h sáng tôi nhận được điện thoại của người nhà hợp đồng đến Bệnh viện Nhi Trung ương để đón bệnh nhân về mới cho người nhà số điện thoại của lái xe Toàn và điện cho anh Toàn trực tiếp đến đón bệnh nhân. Chúng tôi hoạt động vận chuyển cấp cứu theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải xe dù như người ta nói".
Đã từng bị bảo vệ bệnh viện nhi ngăn cản trước đó
"Hôm đó tôi lái xe vào bệnh viện không hề bật còi hú ưu tiên, không chạy nhiều vòng mà mới đậu xe tại đây khoảng 10' để chờ bệnh nhân thì đã có người đến ngăn cản", anh Toàn bức xúc.
Giấy phép vận chuyển bệnh nhân cấp cứu của hãng xe cấp cứu Thành Công.
Anh Toàn cho biết nhiều lần đến bệnh viện nhi đón bệnh nhân anh cũng gặp tình cảnh tương tự. Đặc biệt vào năm 2014 khi đến đón một bệnh nhân quê ở Đô Lương, Nghệ An anh cũng bị ngăn cản. Lúc đó người nhà phải đưa cháu ra xa khỏi bệnh viện anh mới có thể đón được bệnh nhân về.
Theo quan sát của phóng viên chiếc xe cấp cứu BKS 37A - 136.12 được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại phục vụ vận chuyển cấp cứu. Gia đình ông Ngô Thành Công có tổng cộng 3 chiếc xe chuyên phục vụ vận chuyển cấp cứu và đã hoạt động được 15 năm nay.
Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp cho hãng xe cấp cứu Thành Công.
Các giấy phép như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi rõ ngành nghề là vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên... hộ gia đình ông Ngô Tất Thành đều có đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đã 15 năm hoạt động trong ngành vận chuyển cấp cứu hộ gia đình ông Thành cũng là một trong những địa chỉ tin cậy mỗi khi người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận chuyển cấp cứu.
Cá nhân anh Toàn cũng như dư luận trong cả nước mong muốn ngành y tế nói riêng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xử lý nghiêm dứt điểm tình trạng trên tránh những trường hợp đáng tiếc khác tiếp tục xảy ra gây phiền nhiễu bức xúc trong nhân dân.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả những thông tin tiếp theo liên quan đến vụ việc.
Theo PhapLuat
Thương bé 2 tuổi chống chọi u tế bào mầm ác tính Mỗi tháng, Phương phải xạ trị đến hai lần, chưa kể dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Nhìn con ngày càng khô gầy, tóc rụng hết, chưa đầy 2 tuổi đã phải chịu đựng nỗi đau đớn, bố mẹ em chỉ biết rơi nước mắt. Đó là hoàn cảnh thương tâm của bé Vũ Hà Phương (SN 2014, thôn 4, xã Đông Khê,...